TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng tôi đã thấy

Thứ tư - 12/05/2021 05:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   964
Chúng tôi đã thấy

Lễ Hiển Linh

Chúng tôi đã thấy

Năm 2013 đã khép lại. Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Chúa Nhật thứ nhất, năm thứ tư, thập niên thứ hai của thế kỷ hai mươi mốt. Với thế kỷ 21, có thể nói rằng, đây là thế kỷ nhân loại thừa hưởng được nhiều thành quả, nhiều khám phá mới của các nhà khoa học.

Nói tới những khám phá mới, có năm khám phá khoa học nổi bật nhất trong năm 2013 đã được tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn, đó là:
1. Ít nhất 100 tỉ ngôi sao trong thiên hà.
2. Tạo tế bào gốc phôi thai người bằng nhân bản vô tính tế bào da người.
3. Tàu Voyager-1 vượt qua ranh giới hệ Mặt trời.
4. Tìm thấy dấu hiệu một hồ nước ngọt từng chứa sự sống trên sao Hỏa.
5. Khai quật bộ xương sọ hoàn chỉnh, có niên đại khoảng 1,8 triệu năm tuổi”. (nguồn: internet)

Một trăm tỷ ngôi sao trong dải ngân hà, theo quan sát của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), một phần năm trong số các ngôi sao này có các hành tinh với kích thước tương đương Trái Đất quay quanh. Kepler-62f là một hành tinh có kích thước tương đương với Trái Đất, nằm cách hành tinh của chúng ta khoảng 1.200 năm ánh sáng…

Với một trăm tỷ ngôi sao đó, nhân loại có nhờ đó tìm được hạnh phúc? Có nhờ đó, đem lại hòa bình cho thế giới? Có nhờ đó đem lại cho con người một cuộc sống vĩnh cửu? Vâng, đối với nhiều người, một trăm tỷ ngôi sao đó, vẫn như là câu chuyện thần tiên, vẫn xa lạ như chưa hề nghe đến.

Thế nhưng, hơn hai ngàn năm xa trước đó, chỉ với một ngôi sao xuất hiện bên phương Đông và đã được khám phá bởi mấy nhà chiêm tinh, nó đã làm cho vua Hêrôđê thì bối rối, dân chúng thì xôn xao và cả thế giới này thay đổi...

Vì sao thế giới này thay đổi? Vì sao vua Hêrôđê bối rối? Vì sao dân chúng xôn xao? Thưa, vì ngôi sao đó chính là điềm báo “Đức Vua dân Do Thái mới sinh…” và hơn thế nữa, với những ai tìm đến Đức Vua đó và “tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12)

Câu chuyện này đã được chép lại trong Tin Mừng thánh Matthêu (2, 1-12).

**
Vâng, chuyện được thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” thì, từ phương Đông, có mấy nhà chiêm tinh làm một cuộc hành trình đến Giêrusalem.

Mấy nhà chiêm tinh đến Giêrusalem để làm gì? Phải chăng là để chiêm ngắm Đền Thờ, nơi được mô tả là “Cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”?! (Tv 49, 2)

Thưa không phải vậy. Đến Giêrusalem là vì họ tin rằng “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”. Giêrusalem là thủ đô Do Thái, như vậy Vua dân Do Thái phải sinh ở đây chứ không là nơi khác. Vì thế, trước mặt vua Hêrôđê, mấy nhà chiêm tinh quả quyết rằng: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2)

Chúng tôi đã thấy...! Vâng, chỉ có bốn chữ ngắn ngủi, nhưng nó không khác gì một quả bom hạt nhân, nó đã làm rung chuyển cả kinh thành Giêrusalem. Chuyện kể lại rằng: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2, 3). Trong sự bối rối đó, vua Hêrôđê triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư để hỏi cho ra lẽ.

“Tại Belem, miền Giu-đê…”. Tra cứu lời ngôn sứ, các thượng tế và kinh sư đã trả lời chắc nịch như thế. Thế nhưng, thật đáng tiếc! Các thượng tế và các kinh sư không mặn mà lắm cho việc đi tìm “vị lãnh tụ” mà các ngôn sứ đã loan báo rằng: “Tại Belem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Không có hành động nào cho thấy nhóm thượng tế và kinh sư sẵn sàng làm người hướng đạo cho các nhà chiêm tinh. Không thấy các thượng tế và kinh sư “nhảy múa” theo tiếng “sáo thổi” ngân nga của mấy người đi tìm Đức Vua dân Do Thái.

Qua lời của các thượng tế và kinh sư, mấy nhà chiêm tinh đã biết nơi ở của Đức Vua. Họ tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông”, tái xuất hiện tiếp tục dẫn đường cho họ. Và quả thật niềm tin của mấy nhà chiêm tinh được đặt đúng chỗ. Ngôi sao ở phương Đông “đã dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. …Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11).

***
Kinh Thánh có chép rằng: “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Thế nhưng, mấy nhà chiêm tinh, tuy giấc mộng “Tìm Đức Vua” đã thành, trái tim của họ vẫn không ngừng khắc khoải. Tại sao? Thưa, bởi vì, họ băn khoăn về lời căn dặn của vua Hêrôđê, rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người” (Mt 2, 8).

Vâng, sẽ thật là ngây thơ khi cho rằng lời căn dặn của nhà vua là một hảo ý. Đã có những cạm bẫy được giăng ra. Đã có những âm mưu chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để cũng đến bái lạy Người”.

Ngôn sứ Isaia có nói: “Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is 60,…1). Và quả thật, các nhà chiêm tinh đã vượt qua “bóng tối bao trùm mặt đất” bởi quỷ kế của Hêrôđê, vượt qua được là nhờ họ đã nhìn theo “vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông” như “ánh bình minh của (họ) mà tiến bước” (Is 60... 3).

Họ tiến bước đến Belem. Gặp và bái lạy Đức Vua, họ vẫn tiến bước, không quay lùi về Giêrusalem “gặp vua Hêrôđê nữa”. Theo lời báo mộng, họ đã “đi lối khác mà về xứ của mình” (Mt 2,12).

****
Câu chuyện nêu trên có tên là “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi”. Qua câu chuyện này, vâng, có rất nhiều điều chúng ta cần suy tư. Và có lẽ, các nhà chiêm tinh chính là những nhân vật mà chúng ta cần suy tư nhất.

Tại sao? Thưa, bởi, là một Kitô hữu, chúng ta có khác nào những nhà chiêm tinh xưa. Đời sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng chính là một cuộc hành trình. Không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Giêsu Hài Nhi” nhưng là tìm để gặp một “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”.

Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta, rằng: Chúng ta chỉ là những lữ khách trần gian. Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Người lữ khách Kitô, trên cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc, cũng có đôi lúc lạc lõng và cô đơn giữa Giêrusalem của nghèo khổ, của bệnh tật, của chết chóc, của ly tán, của bội phản và bất trung.

Người lữ khách Kitô, trên cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc, cũng sẽ phải đối diện với những Herode-thời-đại, họ cũng làm ra vẻ cởi mở, họ cũng ra vẻ lịch lãm, cũng ra vẻ hợp với xu thế thời đại “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận Hài Nhi”, thế nhưng, thâm tâm họ, chính sách của họ vẫn vẫn là những chính sách cổ võ, tiêu diệt những mầm sống chưa kịp thành người, bằng những đạo luật đại loại như: tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, đi ngược với đức tin Kitô giáo, chống lại “Mười giới răn của Đức Chúa Trời”.

Người lữ khách Kitô, trên cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc, cũng sẽ không thoát khỏi sự bủa vây của những thượng tế và kinh sư thời đại. Họ mang danh Giêsu, nhưng luôn chống lại Giêsu bằng những tuyên ngôn phản Kitô, phản giáo huấn Hội Thánh Chúa đề ra.

Họ đã vẽ ra một Belem Thiên Quốc, nhưng không phải là một Belem Thiên Quốc được xây dựng bởi tình yêu thương, mà là một Belem Thiên Quốc được xây dựng bởi thứ chủ nghĩa mù lòa, mù lòa bác ái, mù lòa nhẫn nhục, mù lòa từ bi, mù lòa nhân hậu, mù lòa trung tín-hiền hòa-tiết độ…

Trước những lạc lõng và những bủa vây nêu trên, chúng ta sẽ làm gì?

Vâng, các nhà chiêm tinh xưa, khi lâm vào tình cảnh này, họ đã không lạc lõng và cô đơn. Họ đã thoát được sự bủa vây hiểm độc của Hêrôđê chính là nhờ có ánh sáng của vì sao xuất hiện bên phương Đông cùng đồng hành và quan trọng hơn, họ đã được nghe lời Chúa, “trong sách ngôn sứ…”

Thiết tưởng, cũng vậy cho chúng ta hôm nay. Chúng ta sẽ không lạc lõng và cô đơn, chúng ta sẽ thoát ra khỏi những bủa vây hiểm độc của bạo chúa, của bạo quyền, nếu chúng ta cũng tìm đến Lời Chúa.

Lời Chúa tìm ở đâu? Thưa, ở trong Kinh Thánh.

Thưa Bạn… Bạn đã có một quyển Kinh Thánh? Nếu chưa, quả đó là một điều đáng buồn và đáng xấu hổ. Tại sao? Thưa, bởi, vua David đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Một khi đã có ngọn-đèn-Chúa-Giêsu soi ta bước, một khi có ánh-sáng-Đức-Kitô chỉ đường ta đi. Hãy tin, cuộc hành trình của chúng ta sẽ tới đích.

Vâng, chúng ta đã bắt đầu cho cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc? Nếu đã bắt đầu, hãy như các nhà chiêm tinh xưa mà cất tiếng lên, nói với mọi người, rằng: “Chúng tôi đã thấy…”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây