TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài

Thứ tư - 12/05/2021 05:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   818
Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài

Chúa Nhật thứ 3 mùa thường niên A

Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài

Bạn là một Kitô hữu? Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng, “nguyên cớ nào tôi theo đạo”? Chắc chắn, với những người Kitô hữu trưởng thành, họ sẽ trả lời rằng, “tôi theo đạo, tôi theo Chúa là để được cứu rỗi và được hưởng sự sống đời đời mai sau”.

Đúng vậy, Kinh Thánh có chép rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Thế nhưng, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không chỉ là để tỏ lòng yêu thương, ban ơn phước cho con người được trở nên con Thiên Chúa, được hưởng mọi ân huệ tốt đẹp từ nơi Chúa đến, mà còn là, qua Đức Giêsu Kitô, Người gửi đến cho những ai tin và theo Người một lời mời gọi, một lời mời gọi cho những ai muốn trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu.

Lời mời gọi đó chứa đựng điều gì? Vâng, hãy ngược dòng thời gian, trở về quá khứ, đến biển hồ Galilê, nơi xưa kia Đức Giêsu đã đến đó rao giảng Tin Mừng, nơi đó, chúng ta sẽ được nghe lời mời gọi chân tình, một sự chân tình đầy quyền rũ đã biến bốn ngư phủ “lưới cá” tên là: Simon, Andrê, Giacôbê và Gioan, trở thành những người ngư phủ “lưới người”.

**
Palestin vào một ngày của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Giữa những tiếng ríu rít của từng đàn chim bay lượn chào đón bình minh, giữa âm thanh sóng vỗ của biển hồ, giữa những tạp âm của những con thuyền tìm về neo bến cũ, có một người lặng lẽ từng bước, từng bước đi dọc theo biển hồ Galilê. Người đó tên là Giêsu, người Na-da-rét.

Vâng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, Đức Giêsu khởi sự ra đi loan báo Tin Mừng. Nơi đầu tiên được Ngài lựa chọn là Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.

Sự chọn lựa này ứng nghiệm những gì ngôn sứ Isaia đã tiên báo khi xưa, rằng: “Này đây Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển và tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Galilê miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 15-16)

Đúng vậy. Hôm đó, Galilê như sôi động, sôi động khi thấy nguồn ánh sáng đó bừng lên qua lời kêu gọi đầy chân tình và yêu thương của Đức Giêsu “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
Vâng, ít nhất, lúc đó có bốn người đã nhận ra nguồn ánh sáng đó khi Đức Giêsu tiếp tục lên tiếng mời gọi, mời gọi đích danh họ, rằng “Các anh hãy theo tôi”.

Không thể hờ hững về lời kêu gọi đó, ông Si-mon và người anh là An-rê, dù đang quăng chài xuống biển, họ liền lập tức “bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4, 20).

Ở một quãng xa xa, hai anh em con ông Dê-bê-đê là ông Gia-cô-bê và người em là Gio-an đang ngồi cùng với cha mình vá lưới trong thuyền, cũng không thể cưỡng lại lời mời gọi chân tình của Đức Giêsu. Chuyện kể rằng: “Người gọi họ. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 22).

Galilê hôm đó như một nhân chứng sống động, một nhân chứng chứng thực lời tiên báo của ngôn sứ Geremi khi xưa: “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ; sấm ngôn của Đức Chúa; đến đánh bắt chúng”, nay đã ứng nghiệm. (Gr 16,16).

Hôm đó, Đức Giêsu đưa ra lời kêu gọi với bốn người môn đệ đầu tiên, rằng: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

***
“Các anh hãy theo tôi”

Chỉ có năm chữ, rất giản dị, thế mà các ông Simon, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an đã “bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

Phải chăng, các ông “mù quáng” khi đi theo Đức Giêsu? Thưa không, hãy nhớ rằng, trước khi là môn đệ của Đức Giêsu, các ông cũng đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, các ông đã được Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu. Hơn nữa, An-rê, một trong bốn người, đã đến xem chỗ Đức Giêsu ở và đã ở lại với Người.

Chính vì thế, hôm đó, khi Đức Giêsu gọi, không có gì phải ngỡ ngàng, các ông sẵn sàng đáp lời mời gọi, sẵn sàng bỏ hết mọi sự đi theo Đức Giêsu. Đó là một hành động có suy xét, không thể xem là “mù quáng” mà phải nói rằng, các ông sẵn sàng cho một tương lai, tương lai mình sẽ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”.

****
Là một Kitô hữu, chúng ta tin rằng, “Có Thiên Chúa”, chúng ta tin rằng, Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Thế nhưng, chúng ta có lưu tâm đến lời mời gọi của Ngài, rằng: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”?

Vâng, lời mời gọi này không chỉ dành riêng cho các môn đệ năm xưa. Nó vẫn là lời mời gọi được gửi đến cho chúng ta hôm nay.

Hôm nay, không phải tại Galilê, nhưng là ở ngay “Bàn Tiệc Thánh Thể”, chính nơi đây, Đức Giêsu, Ngài đã và đang mời gọi chúng ta, không phải bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động, hành động thí mạng mình vì người mình yêu. Đó chính là Mình-và-Máu-Thánh của Ngài.

Chính nơi Bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ nghe được lời mời gọi thiết tha của Đức Giêsu: “Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta; Ta nếm mùi cay đắng thay con rồi. Chuộc con Ta đã chết cách nhục nhã. Ðau khổ vì con trả xong nợ tội… Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta...” (trích đoạn nhạc phẩm: Hãy theo Ta – tác giả George D.Watson)

Hãy tự hỏi lòng mình, đã bao năm là một Kitô hữu, nhưng thực sự chúng ta đã cất tiếng nói với Chúa Giêsu, rằng: “đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài”?

Nếu chưa! Phải chăng là vì chúng ta cũng đang bị “lưới tiền, lưới giàu sang” chi phối, như người thanh niên giàu có năm xưa, khi nghe lời mời gọi của Đức Giêsu, rằng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán hết gia tài của anh và bố thí cho kẻ nghèo nàn, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến mà theo tôi”. Anh ta liền “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”? (x. Mt 19, 16-22)

Thế gian này còn biết bao thứ mạng lưới: “lưới đam mê, lưới nhục dục, lưới danh vọng, lưới quyền lực, lưới ghen tỵ, lưới chia rẽ, lưới bè phái, v.v…” luôn chờ chực bủa xuống đời ta.

Làm thế nào để không bị “mắc” vào những loại lưới đó? Thưa, đó chính là “Thánh Kinh (Lời Chúa) và Thánh Thể”.

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước ra khỏi những mạng lưới ma quái, những mạng lưới dẫn ta vào cõi thung lũng âm u nghi ngờ của chết chóc. Lời Chúa là ánh sáng, là “hỏa châu” chỉ đường ta đi đến bàn Tiệc Thánh Thể.

Đến bàn Thiệc Thánh Thể, đó chính là lúc chúng ta “bỏ lưới, bỏ thuyền”, đó chính là lúc chúng ta cất tiếng nói với Chúa Giêsu rằng, “Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây