TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đây là Con yêu dấu của Ta

Thứ tư - 12/05/2021 05:40 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   849
Đây là Con yêu dấu của Ta

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Đây là Con yêu dấu của Ta

Nếu có ai hỏi: sinh nhật của bạn ngày nào? Chắc hẳn, đa số trong chúng ta đều nhanh chóng có câu trả lời chính xác. Thế nhưng, nếu câu hỏi được thay đổi, rằng: bạn chịu “phép rửa” ngày nào? Ô! chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta sẽ phải lật đật lấy cuốn sổ gia đình Công Giáo của gia đình mình, dò tìm, thì may ra mới có câu trả lời.

Là một Kitô hữu, nhớ đến ngày sinh nhật mà không nhớ đến ngày chịu “phép rửa” thì quả là một thiếu sót lớn. Tại sao? Thưa, bởi, ngày chịu “phép rửa”, còn được gọi là ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chính là ngày chúng ta được tái sinh “trong đời sống mới bởi nước và Chúa Thánh Thần” và cũng là ngày chúng ta trở nên “con Thiên Chúa và con Hội Thánh”.

Chúng ta được “trở nên con Thiên Chúa” ư! Thưa, đúng vậy. Lời Thiên Chúa, qua môi miệng thánh Phaolô, công bố rằng: “Lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).

“Nhờ Đức Giêsu Kitô”! Đúng vậy, khoảng hơn năm trăm năm trước Công Nguyên, ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng, Đức Giêsu chính là “người (Thiên Chúa) tuyển chọn” được “Thần Khí (Chúa) ngự trên… đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (x. Is 42, 1…-7).

Những lời tiên báo đó cứ tưởng là được bắt nguồn từ trí tưởng tượng của vị ngôn sứ. Nhưng không, Palestina vào những ngày Đức Giêsu còn tại thế, tại sông Giodan, hôm Ngài đến đó “gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”, hôm đó, từ trời cao một khung cảnh thần hiện xảy ra chứng thực cho những lời đã được Isaia tiên báo.

**

Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Và để bắt đầu cho sứ vụ, từ miền Galile Đức Giêsu đi đến sông Giodan.

Nói đến sông Giodan, tưởng chúng ta cũng nên biết, đây là một con sông gắn liền với lịch sử của dân tộc Israel. Xưa, tại đây đã có biết bao điều huyền diệu đã được Thiên Chúa tỏ mình ra bằng những phép lạ phi thường.

Điều huyền diệu đầu tiên xảy ra vào thời dân Do Thái xuất hành về miền đất hứa. Khi cuộc hành trình đến bên sông Giodan, mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến: “Hòm-Bia-Giao-Ước của Đức Chúa” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (Gs 4, 17).

Điều huyền diệu thứ hai, cũng tại con sông này, quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Chuyện kể rằng, có một vị tướng của vua Aram là ông Na-a-man. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng: “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.

Vị ngôn sứ đó chính là Ê-li-sa. Ê-li-sa truyền cho Na-a-man rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-dan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”

Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của Ê-li-sa. Na-a-man đã thực hiện lời chỉ dẫn đó, và phép lạ đã xảy ra, sau khi ông ta “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan… Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).

Và hôm nay, sông Giodan lại chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Một cuộc thần hiện đã xảy ra khi Đức Giêsu đến nơi đây “gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”.

Nếu ba mươi năm về trước, bầu trời phương Đông xuất hiện một vì sao báo tin rằng “Đấng Cứu Độ đã sinh ra”, thì hôm nay, bầu trời sông Giodan rúng động… Rúng động sau khi “Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra…”

Và kìa “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Sự thần hiện này chứng thực về những gì ngôn sứ Isaia đã tiên báo năm xưa. Một thông điệp, thông điệp về người Con Một của Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa loan báo, rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17)

***
Tại sao Đức Giêsu, “vốn dĩ là Thiên Chúa”, thế mà, Ngài lại đến sông Giodan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình? Phải chăng, chỉ vì Ngài đã “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”? (x. Pl 2,6-7).

Thưa không. Đến sông Giodan, xin chịu phép rửa, như lời Đức Giêsu đã nói với ông Gioan, là “để giữ trọn đức công chính” (Mt 3, …15).

Thế nào là giữ trọn đức công chính? Vâng, trong bối cảnh tại sông Giodan hôm đó, với lời mời gọi của ông Gioan “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” thì việc “giữ trọn đức công chính” chính là ý thức tình trạng băng hoại tâm linh, là biết ăn năn hối lỗi, là biết hạ mình khiêm nhu.

Với Đức Giêsu, “để giữ trọn đức công chính”, nghĩa là, Ngài phải là “Người tôi trung”, Người-tôi-trung “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8).

Cho nên, sự kiện Đức Giêsu “xin-làm-phép-rửa-cho-mình”, một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” là để tái xác nhận lời Gioan Tiền Hô đã nói về Ngài rằng: “Đây! Chiên con của Đức Chúa Trời. Là Đấng xóa bỏ tội trần gian”, và hơn nữa là để làm rõ vai trò mà sứ thần Chúa đã loan báo khi xưa rằng: “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21).

****
Hôm nay, Chúa Nhật 12/01/2014, toàn thể Giáo Hội Công Giáo cùng dâng lễ kính Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Vâng, thật phải đạo, khi hôm nay, chúng ta hãy dành một phút, để cho tâm hồn mình lắng đọng, và tự hỏi mình rằng: Là một Kitô hữu… được trở nên Con Thiên Chúa, chúng ta đã giữ-trọn-đức-công-chính như thế nào?

Phải chăng là vác một cây thập giá, phải chịu đóng đinh như Đức Giêsu đã chịu trên đồi Golgotha năm xưa? Hay, phải chăng là chúng ta hãy vác trên đôi vai của mình cây thập-giá-bác-ái, cây-thập-giá-nhẫn-nhục, cây-thập-giá-từ-tâm, cây-thập-giá-trung-tín, cây-thập-giá-hiền-hòa, cây-thập-giá-tiết-độ.?

Thưa, đúng vậy. Tại sao? Thưa, bởi, những cây thập giá nêu trên, thánh Phaolô gọi bằng một từ ngữ rất mỹ miều, đó là “Hoa quả của Thần Khí” (x. Gl 5, 22).

Vác “hoa quả của Thần Khí” trên vai, có khác nào chúng ta đang cùng “Thần Khí mà tiến bước”

Vâng, có thể kết luận rằng, hôm nay, cách để chúng ta có thể giữ-trọn-đức-công-chính không gì tốt hơn là hãy cùng “Thần Khí mà tiến bước”, bởi, đó chính là phương cách tốt nhất để chúng ta “được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn”. Mà, như tông đồ Phaolô nói “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14).

*****
Thưa Bạn, Bạn đã “chịu phép rửa” bao lâu rồi? Hai mươi, ba mươi, bốn mươi, sáu mươi, hay bảy mươi năm? Bạn có chắc là mình đã là “con Thiên Chúa”?

Vâng, hôm nay, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội tràn ngập tội lỗi. Một xã hội tràn ngập lòng hận thù, sự chia rẽ, bè phái, một xã hội đầy áp bức, bất công, bạo lực, lừa dối v.v…

Một xã hội như thế, chúng ta có đau lòng, có thổn thức, có khó chịu không? Nếu không, như vậy, có khác nào chúng ta đang sống theo chủ thuyết “makeno”!.

Nói cách khác, một xã hội như thế mà chúng ta vẫn thờ ơ, lãnh đạm, không có lòng khát khao trở thành “khí cụ bình an của Chúa” để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”, nói không quá lời, chúng ta chưa khao khát, chưa muốn sự công chính của Thiên Chúa ngự trị nơi trần gian này.

Một xã hội như thế mà chúng ta cứ dửng dưng, sống chết mặc bay, nói tắt một lời, chúng ta chưa giữ-trọn-đức-công-chính…

Là một Kitô hữu chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi bộ mặt của xã hội này bằng cách sống giữ-trọn-đức-công-chính…

Đừng để tâm hồn mình tràn ngập tư tưởng sợ hãi, nản lòng vì những trở ngại, những ngăn cấm, những bắt bớ, tù đày, những thua thiệt vì phải giữ-trọn-đức-công-chính.

Đừng quên, trong bản “Hiến Chương Nước Trời” do Chúa Giêsu công bố, nói rõ: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng… Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (x.Mt 5, 6…10)

Có thể, trong một khả năng hạn hẹp, chúng ta không thể trở thành khí cụ bình an cho cả thế giới. Thế nhưng, với gia đình, chí ít là gia đình chúng ta, ai cấm ta vác cây thập-giá-yêu-thương, ai cấm ta vác cây thập-giá-hòa-thuận, ai ngăn cản ta vác cây thập-giá-thân-thiết, nếu chúng ta thật sự muốn giữ-trọn-đức-công-chính?!..

Với những cây thập giá đó, hãy tin, chúng ta có thể làm cho “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Cả ba điều này, Kinh Thánh nói: “Cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta” (x.Hc 25, 1).

“Đẹp lòng Đức Chúa và người ta” có khác nào chúng ta đã giữ trọn giới răn “Mến Chúa - yêu người”, có khác nào chúng ta đã giữ-trọn-đức-công-chính.

Vâng, giữ trọn đức công chính, chắc chắn Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta, rằng: “Ta hài lòng về con”. Và hơn thế nữa, ngày Thầy Giêsu trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, hãy tin, Ngài sẽ chỉ vào ta mà nói: “Đây là con yêu dấu của Ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây