TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Niềm Tin

Thứ năm - 06/05/2021 19:19 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   746
tin vao Chua[1]
tin vao Chua[1]

Niềm Tin

 

Ai cũng có niềm tin, nhưng một niềm tin dẫn đến thành công đòi hỏi nhiều yếu tố.

Tin trong hoài nghi.

Hoài nghi dẫn đến chân lý.

Socrates đã sử dụng hoài nghi như một phương pháp để đạt tới chân lý. Một mệnh đề mới luôn có một phản đề, để tiến tới một hợp đề, và rồi hợp đề lại trở nên chính đề ở mức độ gần chân lý hơn. Ta có thể ví dụ như trình thuật Phúc Âm tuần XIX, (Mt 14, 22 – 33), Phêrô hoài nghi về việc Chúa đi trên mặt biển, để xác thực điều đó, ông xin cho được đi trên mặt biển để đi đến với Chúa. Hợp đề mới, ông Phêrô đi trên mặt biển đến với Chúa, nhưng khi gió to ông lại sợ. Kết đề, ông Phêrô nhận ra niềm tin của mình còn yếu kém và cũng xác thực một vấn đề, Chúa có quyền phép trên cả thiên nhiên.

Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có lắm lần hoài nghi. Khi đón nhận niềm tin từ bí tích rửa tội, người Kitô hữu từ khi có ý thức đến khi hất ý thức vẫn luôn tuyên xưng lại đức tin vào mỗi Chúa Nhật trong Thánh lễ. Niềm tin được tuyên xưng lại mỗi lần như thế là một hợp đề mới dẫn đến niềm tin vững mạnh hơn, sau những biến cố là những phản đề trải qua.

Niềm tin trải qua thử thách mới có thể lớn lên được.

Người lạc quan luôn biết nắm giữ niềm tin, dù đôi lần niềm tin bị đánh cắp, nhưng họ là những người sẽ có nhiều phương cách tiếp cận để thành tựu niềm tin. Như người đàn bà xứ Canaan, xin cho con bà khỏi bị quỷ ám, Chúa Giêsu im lặng không trả lời, nhưng bà cứ nài nỉ xin, cuối cùng bà cũng được điều bà xin, nhờ vào sự vững tin. (Mt 15, 21 – 28).

Người tin vào may rủi, niềm tin khó phát triển. Mọi việc đề có tính nghi ngờ mang dấu vết 50 – 50. Được nhờ, rủi chịu. Thường cuộc sống thiếu niềm tin kiên định, họ thường có cái nhìn thiếu tích cực về những thành công của người khác và hay sinh ra ghen ghét, nghi kỵ lẫn nhau. Khi thất bại thường rơi vào thất vọng, và khi làm việc luôn trông đợi may mắn nên thiếu tận tâm, nếu thành công thì không biết gầy dựng lại theo lối mới nào để tiếp tục đi lên. Như người ta nói: “vận may ngàn năm một thưở”.

Người bi quan luôn luôn thiếu niềm tin, đặc biệt thường xuyên đặt niềm tin của mình nơi sai chỗ: Tin mình không làm được. Tin mình yếu kém phải cam chịu. Đôi khi ký thác niềm tin vào thấy bói, tử vi… Mất niềm tin vào chính mình hoặc thu hẹp bản thân trong những giới hạn giống như Giuđa Iscariot dẫn đến tuyệt vọng.

Niềm tin đủ mạnh.

Cần có một niềm tin đủ lớn trong cuộc sống.

Niềm tin này đòi hỏi:

Kiểm chứng: Không vội xét đoán, giữ thành kiến, những điều này làm nguy hại đến niềm tin. Khi vội xét đoán, người ta dễ mắc sai lầm làm mất đi những yếu tố bước tiến thành công và làm mất đi những tình thân đáng có. “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1).

Tiến bộ trong nhận thức: Trong hành vi này, như Đức Maria thường: “suy đi nghĩ lại” (Lc 2, 19) những điều Chúa nói, những việc Chúa làm, những điều Thánh kinh đã viết về Người. Chúa Giêsu đã khen: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13, 52). Sàng lọc, tìm hiểu trong kho tàng cũ và mới, những điều đã biết, những điều chưa biết, để làm sáng tỏ niềm tin, đó là mở rộng khả năng nhận thức để niềm tin trở nên xác đáng, từ đó củng cố thêm niềm tin.

Biết đặt câu hỏi: Để có niềm tin, cần biết đặt câu hỏi hơn là câu trả lời. Trong câu hỏi, cho biết đang tiến tới hành trình đi tìm chân lý, còn biết câu trả lời là tạm thời chấm dứt hành trình đó. Như Đức Maria cũng đặt câu hỏi trong sự kiện truyền tin, để biết hành trình Chúa muốn dẫn ngài tới đâu. Cũng giống như người đàn bà xứ Canaan, cũng biết đặt câu hỏi theo phương thức trong câu trả lời: “Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” (Mt 15, 25 – 27). Thông thường những thành tựu mới là dựa trên những câu hỏi của thành tựu cũ và tìm ra phương cách để giải quyết nó.

Kinh nghiệm về niềm tin. Sở dĩ, người phụ nữ Canaan này kiên trì cầu xin Chúa là vì bà cũng kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa. Kinh nghiệm để đức tin được trưởng thành như có thể thấy ở Thánh Phêrô, với ba lần chối Chúa và ba lần xác tín “con yêu mến Chúa”. Thánh Phaolô, nhận ra: “Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô.” (Pl 3, 8). Tin là một sự trải nghiệm liên tục, bước tới gần chân lý hơn và chân lý ngày càng sáng tỏ hơn.

Cầu nguyện: Đặc biệt khác với tất cả các lãnh vực khoa học, triết học… Để tiến tới chân lý cần có một đời sống thực hành cầu nguyện. Chúa Giêsu dạy “cầu nguyện luôn” để đứng vững trong niềm tìn và được ban thêm cho niềm tin.

Sống không có niềm tin là sống vô vọng, niềm tin không đạt tới đích là niềm tin thất vọng. Muốn có niềm tin vững mạnh cần có nhiều yếu tố, cần có nhiều ơn Chúa để hoàn thành niềm tin của mình, như Đức Maria, như các Thánh Tông Đồ, như người phụ nữ xứ Canaan. Xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng con.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây