TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin Vâng Trong Tình Yêu

Thứ sáu - 07/05/2021 19:08 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   801
MeTG2[1]
MeTG2[1]

Xin Vâng Trong Tình Yêu

Ngày hôm nay, người ta gặp nhiều sự vô cảm, lãnh đạm hoặc thù ghét trong đời sống thường nhật. Người ta tự hỏi, điều gì đang gây ra những hiện tượng đó? Một phần lớn, con người của xã hội đang mất dần niềm tin vào giá trị tình yêu, cảm thức về tôn giáo, và đang rơi vào trong hoang mang, lo âu trong hiện tại và mất dần tương lai hạnh phúc đích thật.

Tìm lại niềm vui sống với tình yêu đích thật qua cách sống của Mẹ Maria, để mời gọi con người tìm ra lời giải đáp cho cuộc sống hiện tại.

Một cảm nhiệm tình yêu từ gốc rễ gia đình.

Kinh nghiệm về tình yêu và niềm tin đều xuất phát từ đời sống kinh nguyện và giáo dục đức tin tốt lành từ gia đình. Một thời kỳ định hình rất tốt cho con trẻ về nhận thức tình yêu và tôn giáo nơi gương sống của bậc cha mẹ chứ không phải là lời chỉ dạy suông. Sự bắt buộc sống trong đức tin bằng những mệnh lệnh hoặc những trừng phạt luôn là trở ngại lớn trong sự phát triển tình yêu và niềm tin của con trẻ sau này.

Cần có bầu khí gương lành thật sự. Sở dĩ, truyền thống Công Giáo kính nhớ Thánh Gioachim và Anna, song thân của Đức Maria là vì những đức tính nhân lành để lại trên đàn con cháu, như người Việt Nam thường dạy: “cha mẹ hiền lành để lại đức cho con”. Bài học ấu thơ, lớn lên trong gia đình, có cha mẹ chỉ bảo và sống gương lành cho con, đó là một gia tài quý giá. Để thưa tiếng “xin Vâng” với trọn niềm tin yêu tín thác, Đức Maria đã được lớn lên  trong sự ướp đượm lời kinh: “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 1, 46) và cũng cảm nghiệm thấy những điều tốt lành từ gương sống của cuộc đời tạ ơn: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1, 49).

Không được lớn lên trong bầu khí yêu thương và gương lành thật sự, con trẻ sẽ mất đi những giá trị tình yêu và niềm tin tôn giáo lúc vào tuổi trưởng thành.

Một đức tin trải nghiệm cá nhân và để tình yêu lớn dậy.

Bao giờ cũng thế, đức tin là một sự tiệm tiến, từ đời sống cha mẹ, đến đời con cháu. Sự tiệm tiến có thể là chiều hướng tích cực, có thể là tiêu cực, tùy theo cách thức định hướng của bậc cha mẹ.

Nhiều bậc cha mẹ, ông bà, thường than thở: “con cháu bây giờ chúng sống xa lạ với đức tin của ông bà, cha mẹ chúng quá!”. Điều này phản ánh đúng với tình trạng lớn lên cùng thử thách đức tin của người trẻ.

Khi học biết khá nhiều, trưởng thành về tâm trí, con người có khả năng đối chiếu thực tại của niềm tin và những gì đã được giáo dục. Trong bối cảnh xưa kia,  thời ấu thơ, nếu người trẻ ấy đã từng chịu áp lực để sống niềm tin, giữ đạo theo hình thức, thiếu gương nhân đức của cha mẹ, chắc chắn sự trưởng thành về đức tin sẽ gặp trở ngại rất lớn, không còn tin vào tôn giáo nữa. Đó là điều khủng hoảng trầm trọng vẫn gặp trong nhiều người trẻ hôm nay, thích náo động, thích bạo lực, hưởng thụ, xa lánh dần đời sống đạo, vô cảm… Không còn tin vào giáo huấn xưa cũ kia, vì đã nhận ra một thực tế: “Họ nói mà không làm…” (Xem Mt 23, 1- 12). Sự chối bỏ này là một chuỗi xâu kết từ thời thơ ấu đến trưởng thành. Hụt hẫng và đau khổ để làm ra lối sống vô cảm, hưởng thụ và trả thù...

Có thể sau những vấp ngã, sau những đau khổ xảy ra đáng tiếc, mới hiểu ra vấn đề: Tin là một sự dấn thân dài lâu, trải qua nhiều thăng trầm, sống các bí tích cùng với cộng đoàn, mới học biết được lòng Chúa yêu thương.

Cần có một kinh nghiệm cá nhân về đức tin bằng những câu hỏi như Đức Maria: “chuyện ấy xảy ra thế nào được?” (Lc 1, 34). Câu hỏi ấy được đặt ra trong giờ kinh nguyện, cá nhân gặp gỡ Chúa. Một chiều dài của kinh nghiệm, sống với sự hướng dẫn tốt lành của cha mẹ, đã làm quen với việc đọc và suy đi nghĩ lại những Lời của Chúa từ trong cộng đoàn. Để rồi, tiếng tình yêu đáp trả lời “xin vâng” trọn vẹn của Đức Maria.

Có thể kiểm chứng tình yêu đích thực bằng việc nhận ra dấu chỉ bình an của Chúa khi đón nhận thử thách: “lưỡi đòng đâm thâu” (Lc 2, 35), “đứng vững dưới chân thánh giá Chúa” (Ga 19, 25). Những biến cố trong cuộc đời thường là những dấu ấn ghi vào tâm hồn, để thấy được việc Chúa làm vượt qua mọi hiểu biết của con người. Tình yêu lớn lên từ những dấu ấn ấy.

Xin vâng trong tình yêu mến là một thái độ cả hồn lẫn xác cùng đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Xin Mẹ giúp chúng con trong tháng Năm này, khi dâng kính những đóa hoa đủ loại sắc màu, chúng con cũng thẫm đượm lòng yêu mến, tràn đầy niềm tin yêu, dâng những hy sinh, hiệp thông trong Thánh Lễ, sống đời bác ái, yêu thương.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây