Trăng một đường trăng trắng xoá trong đêm xuân bạch nguyệt, ở đó thi sĩ cảm nghiệm thấy một bình yên đến lạ kỳ. Cả mùi thơm lạ của một nén hương thắp trong đức tin kiều diễm dâng lên giữa đêm xuân:
“Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch, Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay...Đây là hương quý trọng thấm trong mây Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm,”
Bút xuân thu có thể là một hoán dụ của một năm tròn đã hoàn tất. Vào một đêm xuân ấy cũng là một đêm trừ tịch, từ giã năm cũ để bước sang năm mới. Một năm nhìn lại với biết bao hồng ân Thiên Chúa ban. Ở trong hoàn cảnh nào cũng thấy ân lộc Chúa ban như sông toàn ngọc, cây bằng gấm lụa cao sang:
“Câu tán tạ, không khen long cả phiếm: Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi. Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi: Cây bằng gấm, và lòng sông toàn ngọc!”
Đêm xuân là một đêm cầu nguyện hướng về bình minh. Đêm của ngày mới bắt đầu với Sao Mai rực sáng nhất trước khi bình minh đến. Cả một đêm xuân, Hàn Mặc Tử có lẽ đã thức trọn đêm, viết trọn một tâm tình dâng hiến Chúa Xuân với tất cả tinh hoa của cõi lòng:
“Và đầu hôm một vì sao liền mọc. Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho. Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo.”
Đối với Trí (Hàn Mặc Tử) “Chỉ có Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ. Cho nên tất cả thi sĩ trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là người thường. Với sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải đem hết khả năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng”[2].
Hồn thơ là tụng ca, ý thơ là dòng chảy linh thiêng, bút thơ là tâm tư ngợi khen, cả cõi lòng, cả tâm tư, hồn xác nguyện cầu suốt cả đêm thâu, “Trí rất ngớp, bởi chưng xuân hồn hậu” (Ra đời):
“Ta chấp hai tay lạy quỳ hoan hảo, Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian - Để vừa dâng vừa hiện bốn mùa xuân. Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.”
Thơ cầu nguyện của thi sĩ vừa bay cao, vừa đắm say một lòng yêu mến. Trong “thơ luôn là tiếng kêu rên siết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt”[3]. Khi tâm hồn đã thấm đẫm kiếp nhân sinh của ơn “vũ lộ hoà chan” thì dường như:
“Đã no nê, đã bưa rồi, thế hệ. Của phường trai mê mẩn khí thanh cao. Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao. Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa;”
Ta dường như nghe nỗi đau chợt nhói lên trong thân xác, khi hơi thở run lên trong hạnh phúc được Thiên Chúa yêu thương. Trong ơn giải thoát ấy như đang réo gọi: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.” (Is 60, 1) Thi sĩ đã ngất ngây, đã thấm hết tình của Đấng Cao Sang, uống hết mật ngọt trong yêu thương của Mùa Xuân vĩnh cửu để:
“Đương cầu xin ọc thơ ra đường sữa, Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau...Trên chín tầng, diêu động cả trân châu. Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết”.
Tiếng lòng thơ vẫn còn lai láng một đêm xuân, lời cầu nguyện dường như không thể dứt, hồn thơ vẫn chưa ngừng chảy. Người thi sĩ của lòng kính mến Chúa trên hét mọi sự, cả trong đau thương vẫn chan hoà hạnh phúc. Dường như chẳng có gì ngăn nổi một tình yêu. “Bạn hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn. Người sẽ cho phỉ chí toại lòng” (Tv 36, 4). Đạo quân Thánh Giá là đây, ngọn bút cao ra Thiên Chúa là đây, không thể ngăn nổi một tâm hồn chan chứa tình yêu:
“Nhịp song đôi: này đây, cung cầm nguyệt. Ướp lời thơ thành phước lộc đường tu. Tôi van lơn, thầm nguyện chúa Giê-su. Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối, Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi. Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng: Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.”
Một “Đêm xuân cầu nguyện” và trời đã ửng sáng, xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, “Người đã yêu thương ta bằng tình yêu muôn thuở, nên đã dành cho ta lòng xót thương” (Gr 31, 3).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan