TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lên Đền Thờ

Thứ năm - 06/05/2021 22:04 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   691
chua844presentationedeMARIE[1]
chua844presentationedeMARIE[1]

Lên Đền Thờ

 

Đền Thờ tự bản chất là nơi thánh thiêng. Có một ý nghĩa đặc biệt khi mang tính nối kết giữa trời và đất, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và con người gặp gỡ con người. Mối hiệp thông này xuất phát từ nơi Thiên Chúa, Đấng quy tụ con người sống với nhau bằng tình thương mến, chia sẻ một niềm tin. Một nơi con người dâng kính những gì tốt đẹp nhất của vật chất để làm nên ngôi Đền Thờ.

Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự:

Đền Thờ được Thiên Chúa mời gọi: “Chúng sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng.” (Xh 25, 8), nhưng khi dự định xây Đền Thờ kính Chúa, Chúa lại bảo với Đavit qua lời Nathan: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” (2Sm 7, 5). Chúa muốn ở với dân người để con người đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Người ta thường hay biện hộ: “Chúa ở khắp mọi nơi, sao lại phải đi đến Đền Thờ để gặp gỡ Chúa?”. Câu trả lời thắc mắc này là một  hành trình cốt lõi của đời sống Tin, Cậy, Mến. Dân Chúa là một dân lữ hành tiến về Nhà Chúa. Luôn luôn là một cuộc lữ hành đầy gian khó, khi từ bỏ những hành trang cồng kềnh của tính ích kỷ, lòng kiêu căng, sự hận thù. Một dân tiến về Nhà Chúa không ngừng để tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa hiện diện nơi Đền Thờ để thuộc về Chúa hơn, tín thác hơn, trông cậy hơn và yêu mến hơn.

Điều quan trọng của Đền Thờ là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người và con người đến gặp gỡ Thiên Chúa để con người được đổi mới, được hoàn thành trong thánh ý yêu thương.

Đền Thờ là Chính Thân Thể Chúa Giêsu.

Thiên Chúa mời gọi nhưng cần con người đáp lại. Việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ là để bày tỏ sự vâng phục hoàn toàn Chúa Cha. Còn nhớ lúc mười hai tuổi, Chúa Giêsu ở lại trong Đền Thờ ba ngày, cha mẹ Người đi tìm và gặp Người, Người đã nói với cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Sự kiện Chúa Giêsu không về cùng cha mẹ nói lên ý nghĩa trong sự tự do. Tự do để thực thi ý Chúa Cha, tự do trong ý thức vâng phục. Chúa Giêsu ở lại trong Đền Thờ, là ở lại trong Chúa Cha, trong nhà của Chúa Cha.

Khi chúng ta đến Nhà Thờ thì cũng hãy biết rằng chúng ta muốn về Nhà của Cha, ở lại với Cha, sống với Chúa Cha trong tâm tình Người Con của Chúa Giêsu. Đến và ở lại với Chúa Giêsu trong tâm tình Người Con, để nghe và biết ngày càng sâu xa về Thiên Chúa là Cha yêu thương. Sống vâng phục của Người Con để đi đến việc: “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17, 19).

Cùng Lên Đền Thờ.

Đường đi lên Đền Thờ không chỉ một mình mà cùng đi với cộng đoàn từ nhiều hướng khác nhau đi đến. Hành trình này nhắc lại đoàn người được giải thoát khỏi thời gian nô lệ Ai Cập. Con đường đi đến Nhà thờ của mỗi người cùng với cộng đoàn bày tỏ sự dứt khoát với những vướng bận tội lỗi, bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan, gác lại việc tìm kiếm của ăn thân xác, làm giàu về vật chất. Chúng ta bày tỏ sự tự do của con người lữ hành đức tin, cùng nhau để trợ giúp nhau hoàn tất hành trình.

Mỗi ngày hoặc mỗi tuần đi đến Nhà Thờ. Đó là hành trình liên tục lắng nghe Lời Chúa để không ngừng lại trong việc “biết Chúa hơn để yêu mến Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn để biết Chúa hơn” (Thánh Augustine).

Hành trình cùng với người khác lên Đền Thờ. Chúng ta được mời gọi sống hiệp thông với Chúa và với nhau. Là con cùng một Cha trên trời, là anh chị em với nhau cùng với Chúa Giêsu. Yêu thương, hiền lành, hòa thuận với nhau thì trọng hơn của lễ. Thế nên, trên đường hành trình về Nhà Chúa, chúng ta hãy sống cùng nhau, vì nhau. Hãy có lòng nhân từ với nhau, chia sẻ và tha thứ cho nhau. Yêu trhương là chu toàn lề luật (Rm 13, 8 – 10).

Xua đuổi quân buôn bán.

Đền thờ vì những ý nghĩa trên không phải nơi đổi chác, bán buôn, cũng không phải nơi buôn thần, bán thánh. Đền Thờ như Chúa Giêsu nhắc lại: “Nhà Cha Ta là Nhà cầu nguyện” (Lc 19, 46). Phần khác, có người nghĩ rằng việc thờ phượng Thiên Chúa sẽ ban lại cho mình những điều cần thiết về vật chất, lợi ích về những điều xin. Hãy nhớ lại câu chuyện hai người con, người con cả ở nhà với Cha bao nhiêu năm mà cứ như người làm công. Qua câu chuyện, Chúa Giêsu muốn bảo: “Tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15, 31). Chúng ta đến Nhà Chúa là Nhà của Cha, sống với tâm tình của người con là hết lòng tín thác, trông cậy, đặt mọi sự cuộc đời mình trong Chúa, không cầu những lợi ích nhỏ nhoi, ích kỷ, mà xin Thánh Ý Cha thể hiện trong cuộc đời.

Đến với Chúa, về Nhà của Chúa, chúng ta luôn được mời gọi làm mới lại trong Chúa Giêsu, với tâm tình của người con sám hối trở về. Thanh tẩy tâm hồn, rửa những bợn nhơ, làm tươi trẻ lại trong Chúa Thánh Thần, lãnh nhận sự sống mới của Chúa Giêsu, đó là hành trình mỗi ngày về Nhà Chúa trên đường lữ hành.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây