Cứ mỗi đầu năm, Tòa Thánh lại công bố ngân sách dành cho sứ vụ trong năm mới bắt đầu. Hôm 28/1/2022, Bộ Kinh tế của Tòa Thánh đã công bố ngân sách của Tòa Thánh cho năm 2022. Một điểm mới trong ngân sách là có thêm 30 thực thể được bao gồm trong ngân sách của Tòa Thánh; do đó ngân sách sẽ tăng từ 300 lên 800 triệu euro. Ngân sách mới cũng dự kiến tổng thâm hụt của năm 2022 là 33 triệu euro, nhưng tiêu chí của Tòa Thánh vẫn luôn là “kiểm soát các khoản chi tiêu nhưng không làm giảm công việc bác ái của Đức Giáo hoàng.”
Cha Guerrero, Tổng trưởng Bộ Kinh tế của Vatican đã trình bày một số số liệu về ngân sách mới của Tòa Thánh trong cuộc phỏng vấn của ông Andrea Tornielli, tổng biên tập của Vatican News.
Từ 60 lên 90 thực thể được bao gồm trong ngân sách của Tòa Thánh
Trước hết, giải thích lý do ngân sách của Tòa Thánh năm nay tăng từ 300 lên 800 triệu euro, cha Guerrero cho biết đó là do số thực thể được bao gồm trong ngân sách của Tòa Thánh gia tăng. Cha giải thích: “Hồi tháng 7, Hội đồng Kinh tế đã phê duyệt các thông số mới cho bảng cân đối của Tòa thánh. Năm ngoái có 60 đơn vị và năm nay là 90. Lý do Hội đồng Kinh tế đưa ra quyết định này là vì những thông số mới này cho phép có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình kinh tế của Tòa thánh. Có thể được thấy rõ hơn, minh bạch hơn và kiểm soát nhiều hơn. Bộ Kinh tế đã làm việc để biến điều này thành khả thi, bởi vì chúng tôi lo ngại về việc không thể thấy những rủi ro bên ngoài ngân sách, những điều mà giáo triều Roma phải chịu trách nhiệm khi có vấn đề.”
Cha Guerrero nói rõ thêm: “Các thực thể đã được bao gồm, mặc dù nói một cách chính xác chúng không phải là các Bộ hoặc các bộ phận của Giáo triều Roma, chúng hoặc là tài sản của Tòa thánh hoặc phụ thuộc và thuộc trách nhiệm tài chính của Tòa thánh; ví dụ, Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesù hoặc Nhà Xoa dịu Đau khổ (Bệnh viện cha Pio ở San Giovanni Rotondo), một số tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với các giáo xứ hoặc quỹ lương hưu, quỹ chăm sóc sức khỏe, bốn đền thờ lớn ở Roma và các đền thờ Loreto, Pompei và Padova. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã chuyển từ việc xem xét ngân sách khoảng 300 triệu euro sang ngân sách sẽ vượt quá một tỷ euro.” Cha cho biết rằng “Bệnh viện cha Pio ở San Giovanni Rotondo và một số đơn vị khác chưa được bao gồm trong ngân sách đang trình bày này; chúng sẽ được đưa vào ngân sách của năm tới.”
Cha chia sẻ thêm: “Việc phê duyệt kết hợp các đơn vị mới vào bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 7/2021. Các đơn vị mới đã nỗ lực để thích ứng trong thời gian ngắn với thời gian biểu do Bộ Kinh tế đề xuất; việc tích hợp này là một quá trình gần như hoàn tất, chỉ thiếu ba thực thể. Đó là lý do tại sao ngân sách năm nay vẫn ở mức khoảng 800 triệu euro.”
Dự kiến trong năm 2022, Toà Thánh sẽ thâm hụt 33 triệu euro
Tiếp đến, Tổng trưởng Bộ Kinh tế của Tòa Thánh giải thích về các con số chính yếu trong ngân sách của Tòa Thánh năm nay, không phải là bảng cân đối kế toán cuối năm, điều sẽ được trình bày vào giữa năm. Cha Guerrero nói: “Trong các thông số mới, doanh thu là 770 triệu euro với các khoản chi là 803 triệu euro, tức là tổng thâm hụt 33 triệu euro, giảm 9 euro so với tổng thâm hụt 42 triệu euro được lập ngân sách năm ngoái.” Cha Guerrero cho biết, “Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh đã gặp khó khăn trong việc phê duyệt ngân sách với mức thâm hụt như vậy trong một năm nữa và đã yêu cầu lập kế hoạch để giảm bớt chi tiêu và tăng thu nhập.”
Giảm chi tiêu những vẫn tăng các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha
Tuy nhiên, những kết quả quan trọng nhất đã đạt được trong 12 tháng qua, theo cha Guerrero, đó là “dù hạn chế các khoản chi tiêu, không làm giảm công việc bác ái của Đức Giáo hoàng, nhưng là tăng nó, với việc tiêm vắc-xin cho người vô gia cư, tăng cường viện trợ cho các Giáo hội nghèo, v.v... Tôi tin rằng các Bộ đã nhận thức được tình hình kinh tế và đang giảm chi phí hết mức có thể. Đôi khi chúng tôi yêu cầu họ giảm nhiều hơn nữa. Rõ ràng, có một tiêu chuẩn cho việc cắt giảm, đó là sứ vụ phải được hoàn thành. Nói chung, nó được thực hiện với khá nhiều hy sinh cá nhân từ nhiều người.”
Ảnh hưởng của đại dịch
Đại dịch đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế của Tòa Thánh. Tổng trưởng Bộ Kinh tế của Tòa Thánh nhận định: “Năm nay, chúng tôi trình bày Ngân sách cho năm thứ ba của đại dịch. Đặc điểm đáng chú ý nhất, do doanh thu vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước đại dịch, là việc giới hạn chi phí. So với ngân sách năm ngoái cho 60 tổ chức tương tự - mà chúng ta có thể nói là cấu thành Giáo triều Roma - năm nay chi tiêu của Giáo triều Roma đạt mức thấp nhất chưa từng có bằng cách dự chi 289 triệu euro so với 293 triệu euro của năm ngoái: giảm 4 triệu euro. Ngân sách cho các thông số mới tăng thêm 10 triệu euro, trong đó 9,5 triệu euro cho việc tăng chi phí nhân viên do một sự điều chỉnh bất thường trong một bệnh viện. Năm nay, cố gắng lạc quan, chúng tôi đã dự kiến số thu nhập bình thường hơn năm ngoái 13 triệu euro, [nhưng] chúng tôi sẽ xem đại dịch diễn tiến thế nào.”
Đóng góp của các tín hữu giảm 15% trong năm 2021
Được hỏi trong năm vừa qua các tín hữu trên thế giới đã trợ giúp Tòa Thánh thế nào, cha Guerrero chia sẻ: “Chúng tôi rất phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh, điều chúng tôi thấy giảm hàng năm trong thời gian đại dịch này. Nó phải là như vậy, vì chúng tôi nhận hầu hết các khoản đóng góp từ các tín hữu là thông qua việc quyên góp Đồng tiền thánh Phê-rô ở các nhà thờ, và số người tham dự trong thời gian Covid đã giảm đi. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về các cách thức khác để kêu gọi sự giúp đỡ của các tín hữu và nhận các khoản đóng góp.”
Để trả lời chính xác hơn câu hỏi được nêu, theo cha Guerrero, cần phải đợi đến khi các khoản đóng góp của Đồng tiền thánh Phê-rô được tổng kết, vào cuối tháng 2, vì các khoản đóng góp từ cuộc lạc quyên này trong năm 2021 vẫn đang được một số tòa Sứ thần ở các quốc gia gửi về.
Nhưng cha Guerrero cũng cho biết một cách chung, một lần nữa, cuộc lạc quyên trong năm 2021 đã giảm so với năm trước, mà theo cha không dưới 15%. Cha nói: “Nếu vào năm 2020, tổng thu nhập của cuộc lạc quyên Đồng tiền thánh Phê-rô là 44 triệu euro thì vào năm 2021, tôi không nghĩ nó sẽ lên tới được 37 triệu euro. Mức giảm vào năm 2021 cộng với mức giảm 23% từ năm 2015 đến 2019 và mức giảm 18% vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch.”
Tối ưu hoá tỷ suất sinh lợi của các tài sản của Toà Thánh
Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn tài chính trong thời gian trước mắt và thời gian về lâu về dài, cha Guerrero chia sẻ: “Chúng tôi chắc chắn cần một kế hoạch để cải thiện doanh thu. Việc giảm chi phí thì có giới hạn. Trong ngắn hạn, chúng tôi đang giảm tài sản. Về trung hạn, trước hết, chúng tôi có kế hoạch nâng cao hiệu quả nội bộ, tối ưu hóa tỷ suất sinh lợi của tài sản. Về mặt bất động sản - chúng tôi luôn nói đến tài sản to lớn của Tòa thánh - có rất nhiều tòa nhà được trao để phục vụ các sứ vụ của Giáo hội, khoảng 60 nhà thờ ở Roma, và không ít tòa nhà được trao cho các viện đại học, bệnh viện, và các tổ chức khác để phục vụ sứ mạng của Giáo hội. Phần lớn bất động sản này không mang lại lợi ích kinh tế mà chỉ mang lại lợi ích cho xã hội, và đôi khi tốn chi phí kinh tế.”
“Một phần khác được dành cho mục đích sử dụng của cơ quan: các văn phòng của Vatican và cơ sở vật chất của các Bộ [ví dụ] chỉ có chi phí. Chỉ 20% bất động sản cho lợi nhuận kinh tế. Một kế hoạch đang có của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh là tăng diện tích này thông qua việc giảm diện tích sử dụng cho các tổ chức. Một khía cạnh khác là việc tập trung hóa các khoản đầu tư tài chính, mà chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ hoàn thành trong năm nay.”
Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng
Theo đánh giá của cha Guerrero, Tòa Thánh không chỉ tồn tại bền vững bằng sự điều hành hiệu quả nội bộ hơn, nhưng cũng cần tìm cách thu hút nhiều hơn nữa các khoản đóng góp.
Cha giải thích: “Yêu cầu đầu tiên là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thực hiện nhiều bước theo hướng này. Ngoài việc đưa ra một bản kê khai hàng năm về ngân sách và bảng cân đối kế toán, năm nay chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra một bản kê khai về dòng tiền vào và ra của cuộc lạc quyên Đồng tiền thánh Phê-rô và gửi bản kê khai của Tòa Thánh cho các Hội đồng Giám mục để họ biết. Chúng ta phải làm cho các giáo hội địa phương nhận thức rõ hơn về nhu cầu của Tòa thánh; Giáo triều phục vụ họ và phải được họ hỗ trợ nhiều. Có một sự khác biệt lớn trong sự dấn thân của các Giáo hội khác nhau đối với việc hỗ trợ Giáo triều Rôma. Và [chúng tôi cũng cần] tìm kiếm sự giúp đỡ của các tín hữu, những người muốn hỗ trợ Đức Giáo hoàng trong sứ mạng hiệp nhất trong bác ái của ngài, đó là điều mà Giáo triều Roma thực hiện”.
Hồng Thủy - Vatican News