TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ -2013

Thứ tư - 05/05/2021 03:17 |   658
Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ  -2013

Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ

Như tin đã loan, tuần Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột được khai mạc vào lúc 16 giờ 30 chiều Thứ Hai, 18.11.2013 và kết thúc vào sáng Thứ Sáu, 22.11.2013. Từ đầu giờ chiều ngày thứ Hai, trên 130 linh mục Triều và Dòng đang phục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận, hân hoan trở về Tòa Giám Mục để  gặp gỡ Vị Cha chung và là dịp để chia sẻ mục vụ với các anh em linh mục trong giáo phận.

Khởi đầu tuần tĩnh tâm, sáng ngày 19.11.2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận TP. Saigòn, thuyết trình đề tài : Gắn bó với Đức Kitô trong Linh Đạo Tân Phúc Âm hóa (Cv 3, 1- 6)

Từ hình ảnh ông Phê-rô  chữa người què từ khi lọt lòng mẹ và qua câu câu nói của thánh nhân: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu, người Nazaret, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3, 1-6)

Đức cha Phê-rô đã diễn giảng để các linh mục xác tín Đức Giêsu là trung tâm điểm trong sứ vụ loan báo của người linh mục. Bởi vì ngày nay trên thế giới, nền kinh tế thị trường đã và đang hình thành một não trạng thị trường. Nơi mỗi người, mỗi thứ đều được ví như một sản phẩm hàng hóa. Tôn giáo cũng được coi là một thứ sản phẩm bày bán trên thị trường. Chính vì vậy, trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa, việc đặt Đức Kitô làm trung tâm điểm là để mỗi người khám phá lại con người của mình, để từ đó hướng dẫn cách nghĩ, cách hành xử của người linh mục trong thừa tác vụ loan báo Tin Mừng.

ĐTC Phanxicô đã nói : “ Trung tâm đức tin của chúng ta không phải là cuốn sách, nhưng là một câu chuyện cứu độ xoay quanh một Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể làm người.” Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu cho đến ngày nay đều nhấn mạnh : Đức Ki-tô là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo.

Ngày nay, các nhà truyền giáo phải là những người chiêm niệm trước tiên. Không có kinh nghiệm sâu sắc về đời sống chiêm niệm, việc gặp gỡ Đức Ki-tô, thì không thể là một nhà truyền giáo thực sự được. Tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc vào đời sống chiêm niệm.
Đời sống chiêmm niệm giúp người linh mục gắn bó mật thiết hơn với Đức Ki-tô, được trở nên bạn hữu của Đức Ki-tô “Anh em là bạn hữu của Thày, nếu anh em thực hiện những điều Thày truyền dạy”. Từ sự gắn bó đó, người linh mục mới chu toàn được trách vụ của mình:
- Trong thừa tác vụ Lời Chúa : các bài giảng phải là những chiêm niệm suy tư của mình và chia sẻ với người khác. Nói khác đi, phải là "từ trái tim đến trái tim”.
- Trong thừa tác vụ cử hành bí tích : mặc dù Giáo Hội xác quyết rằng hiệu quả của bí tích là Ex oppere operator – chính Đức Ki-tô đã hoạt động trong các bí tích. Tuy nhiên không phải vì thế mà để mặc cho Chúa mà đời sống con người của người linh mục không thay đổi. Nếu người linh mục không biến đổi đời mình, thì việc cử hành bí tích dễ bị coi như những hành động phù phép, ma thuật mà thôi.
Cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô phải biến đổi con tim người mục tử trở nên giống con tim của Đức Ki-tô. Đừng biến đời sống người linh mục trở thành một nghề nghiệp.
Để có thể gắn bó hơn với Đức Ki-tô, cần phải ở lại với Chúa, và sống trong Chúa.

 

Câu hỏi đặt ra để anh em linh mục suy nghĩ :
1. Liệu anh em có còn đủ xác tín vào quyền năng cứu độ của Đức Ki-tô không ?
Lý do đặt ra là: Trên hành trình sứ vụ của Đức Giêsu, Ngài đã đối diện với những cám dỗ đầu tiên liên quan đến đường lối thi hành sứ vụ. Những cơn cám dỗ đó cũng là những cám dỗ trong việc thi hành thừa tác vụ mục tử của người linh mục: tiền của, vật chất được coi là chính yếu trong thời kinh tế thị trường, nó có làm cho người linh mục nhạt nhòa ý thức về sứ vụ của mình không ?
Mỗi người được mời gọi gặp gỡ Đức Ki-tô trong mối tương quan cá vị bằng việc thực hành, suy gẫm Lời Chúa qua Lectio Divina, để cá nhân hóa và nội tâm hóa LỜI trước khi rao giảng cho người khác. Đồng thời, hãy ở lại với Chúa Giêsu trong bí rích Thánh Thể.

2. Người linh mục phải làm thế nào dể hình ảnh của Đức Giêsu Ki-tô ngày càng trở nên gần gũi đối với giáo dân?
Người giáo dân giữ được đức tin là do truyền thống của cha ông để lại. Vậy liệu trong tương lai gần, nếu chỉ dựa trên truyền thống mà không dựa vào xác tín của bản thân, thì liệu người giáo dân có còn đến với ta nữa hay không, hay ta phải đi tìm người giáo dân ?

Phó tế : Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP.  ghi nhanh

Đầu giờ chiều ngày 19, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm tiếp tục những loạt bài thuyết trình với đề tài “ Say Mê Sứ Vụ” (Ga 2, 13 – 17).
Mở đầu bài thuyết trình ngài nói về việc cầu nguyện hay kinh nguyện hồi tưởng. Hồi tưởng những kỳ công của Chúa, những biến cố trong cuộc đời, những hạnh phúc và những khổ đau trong cuộc đời. Cầu nguyện khơi dậy ân huệ của Thiên Chúa, giúp ta tìm lại niềm tin tưởng cậy trông. ĐTC Phanxicô đã chia sẻ : “ Cầu nguyện đối với tôi luôn đầy ắp những hồi tưởng. Tôi có thể quên Ngài, nhưng Ngài không bao giờ quên tôi”

Say mê cầu nguyện hiện nay như thế nào ?
Cha giảng phòng dựa vào Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 2, 13 -17) để chia sẻ với các linh mục.
Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Thiệt thân ở đây có hướng chúng ta đến Thập giá của Chúa Giêsu không ?

Gắn bó với Chúa Kitô như thánh Phaolô diễn tả là mang trong mình những tâm tư của Đức Giêsu Kitô, là nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, nhiệt tâm với sứ vụ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả bằng một hình ảnh rất cụ thể : Một ngọn lửa chỉ được thắp lên bởi một vật đang cháy lửa”. Chúng ta đang cháy lửa tình yêu của Đức Kitô và lửa nhiệt tình mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người biết đến, yêu mến hơn, bước theo Ngài một cách sâu sát hơn. Lửa gắn bó với Đức Kitô và lửa nhiệt thành với sứ vụ đã làm nên thành công trong cuộc truyền giáo của người mục tử hằng bao thế kỷ.

 

Câu hỏi đặt ra cho linh mục suy nghĩ :

1. Phải chăng niềm say mê sứ vụ ấy đang tàn lụi trong Giáo Hội Công giáo chúng ta ?
Nguyên nhân được đặt ra là : theo nhận định của Hồng Y Henry Deleus :
- Về lịch sử : Hội Thánh Công giáo đã dấn thân vào công cuộc truyền giáo suốt một lịch sử lâu dài. Điều này không thể phủ nhận qua sự thể hiện lòng nhiệt tâm của các nhà truyền giáo. Tuy nhiên khủng hoảng bắt đầu xuất hiện từ thời cải cách. Hội Thánh Công giáo nhấn mạnh đến luật lệ của Hội Thánh, của các bí tích hơn là sứ điệp Cứu Độ.

- Về mặt mục vụ: Công giáo vẫn quan tâm đến vấn đề ly khai và lạc thuyết. Nỗ lực bảo vệ các tín hữu chống lại các những lầm của thời đại. Hội Thánh xét như một toàn thể, quan tâm đến chính mình nhiều hơn việc bận tâm đến việc dạy dỗ, và chăm sóc mục vụ cho những thành viên của mình hơn là quan tâm việc phải vươn tới những thành viên mới.

- Về mặt thần học : việc giải thích văn kiện Công đồng Vatican II cũng góp phần tạo ra sự suy thoái trong việc Phúc Âm hóa. Lý do là mặc dù nhấn mạnh đến Đức Kitô và sự cần thiết của việc truyền giáo, nhưng xem ra Công Đồng vẫn quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nổi cộm của Hội Thánh, chẳng hạn: tính hiệp đoàn của Giám mục, Thượng Hội đồng Giám mục hay Hội Đồng Giám mục địa phương. Khi đề cập đến vấn đề các anh em ngoài tôn giáo, Công Đồng nhấn mạnh đến đối thoại hơn là loan báo. Để giữ được hòa khí với mọi người, Công đồng khuyến khích có một cái nhìn khái quát về các tôn giáo khác, làm cho nhiều người có cảm tưởng có nhiều nẻo đường để đạt tới ơn Cứu Độ, chứ không phải chỉ Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất ! Cho nên đã từng có, và hiện nay vẫn có những chủ trương cho rằng truyền giáo là giúp cho người khác sống tốt niềm tin tôn giáo của họ, chứ không cần nói đến Chúa Giêsu.

Trong mối tương quan với thế giới, giữa Hội Thánh với anh chị em ngoài Hội Thánh, người ta cho rằng chúng ta dễ rơi vào hai thái độ đều được coi là quá khích :
• Biến Hội Thánh thành một pháo đài, một lô cốt khép kín, không có liên hệ với bên ngoài.
• Hội Thánh có sự liên hệ với bên ngoài, nhưng sự liên hệ đó giống như một cuộc thánh chiến.
Đang khi đó Chúa Kitô mời gọi chúng ta là “muối” cho đời, là “ánh sáng” cho trần gian, mà bản chất của muối và ánh sáng không hiện hữu cho mình nhưng là hiện hữu cho người khác. ĐGH Phanxicô cũng đã khẳng định : “Khi Hội Thánh không ra khỏi chính mình để Phúc Âm hóa, thì Hội Thánh chỉ quy về chính mình, về chính bản ngã của mình. Đó là một mối nguy hiểm lớn !”

Trong nhiều năm gần đây, Giáo Hội VN xem ra cũng chỉ lo giữ đạo mà thôi, truyền đạo thì chưa có. Giả như mình có thao thức với việc truyền giáo, thì cần phải tìm một cách hiện diện mới, chẳng hạn, một hình thức cộng đoàn Giáo Hội cơ bản hiện diện ở đó, thay vì phải có một giáo xứ. Mặc dù biết có những khó khăn, các linh mục có sẵn sàng đi đến những vùng biên để đáp ứng nhu cầu truyền giáo, hay chỉ muốn bám trụ vào những giáo xứ có sẵn?

Câu hỏi 2 : Ta có thể làm gì để khơi dậy niềm hăng say sứ vụ?
Đức Cha Phêrô mời gọi các linh mục chiêm ngắm hai khuôn mặt trong Giáo Hội, đó là Thánh Phaolô và Thánh Phêrô. Cả hai vị đều có điểm chung là say mê Chúa Giêsu, và say mê với sứ vụ. Tuy nhiên đường lối của hai vị có khác nhau :
- Thánh Phaolô : Biến cố trung tâm trong cuộc đời của ngài là biến cố Damas. Từ kinh nghiệm gặp gỡ, Đức Giêsu mà ông tưởng rằng ngài đã chết mà nay còn sống - “Saolê ! sao ngươi bắt Ta ?”. Câu nói đã làm phát sinh nơi thánh Phaolô một tình yêu với Đức Giêsu để rồi ngài phải thốt lên “ Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi.” (Pl 3, 8). “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl1, 21).
Kinh nghiệm Damas làm cho thánh Phaolô đi từ chỗ yêu mến Đức Kitô đến yêu mến Hội Thánh. Thánh nhân cũng là nhà thần học triển khai tư tưởng Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô. Bởi Đức Kitô đã đồng hóa Người với những ai tin vào Người. Chính vì thế, yêu Đức Kitô thế nào thì cũng yêu mến  Hội Thánh như vậy.
Đối với thánh Phaolô, truyền giáo trở thành một câu chuyện tình yêu kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô của thánh Phaolô được coi như là một tiếng sét.

- Thánh Phêrô : Kinh nghiệm của thánh nhân lại là một hành trình tiệm tiến, kéo dài, xuyên qua những sai lầm, những vấp ngã.từ đó giúp ngài khiêm tốn hơn, nhận ra con người đích thực của mình hơn. Để từ đó, ngài đặt mọi niềm cậy trong vào Thiên Chúa.
Câu trả lời của thánh nhân thật thấm thía : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Khi nhìn vào kinh nghiệm của hai vị thánh Tông đồ nay, ta thấy rằng muốn thực sự say mê việc truyền giáo, thì phải thực sự say mê Đức Giêsu. Nếu không, ta chỉ làm theo sở thích của mình, để rồi chỉ một thời gian thì “tắt ngúm”.
Qua niềm say mê của thánh Phêrô dạy chúng ta thấy niềm say mê ấy không phải lúc nào cũng như nhau, nhưng là cả một hành trình tiệm tiến kéo dài với những va vấp. Có điều chúng ta dám đứng dậy không ? Chính vì thế, một trong những phương pháp cầu nguyện giúp cho người linh mục hâm nóng nhiệt tình sứ vụ ngay trong những lúc khó khăn và thử thách, đó là kinh nguyện hồi tưởng - Cầu nguyện bằng cách nhớ lại, ôn lại quá khứ. Đó là những kinh nghiệm thiết thực gắn liền với con người của mình. Đó có thể là những khoảng khắc, những biến cố mà ta thấy được những sự hiển nhiên và can thiệp thực sự của Chúa. Những sự kiện hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời, để khơi dậy những ân huệ của Chúa ban cho ta. 

 Lúc 19g30, Đức cha Giáo phận và linh mục đoàn viếng mộ hai Đức cố Giám mục Giuse 

 

Phó tế Vinh Sơn Phạm tiến Duẩn, OP. ghi nhanh
 

Bài III. TẬP TRUNG VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA (Mc 1,14-15)
Trong buổi tĩnh tâm thứ 3, Đức Cha giảng phòng đã giúp các linh mục suy gẫm về khía cạnh khác trong linh đạo Tân Phúc Âm hóa đó là Tập trung vào nước Thiên Chúa:
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 14-15) 
Tập trung vào Nước Thiên Chúa, là đòi hỏi thứ 3 trong linh đạo Tân Phúc Âm Hóa.
Evangelium = Phúc Âm hay Tin Mừng, là một từ đã được dùng thời đế quốc Roma, nó có nghĩa là sứ điệp bao hàm những mệnh lệnh của hoàng đế. Thánh Sử đã sử dụng từ này để diễn tả sứ điệp mà Chúa Giêsu đã rao giảng, và nội dung cốt lõi của sứ điệp đó là Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Vậy Nước Thiên Chúa là gì?
Theo Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trong dòng lịch sử, có 3 chiều kích giải thích hay diễn tả về nước Thiên Chúa:
- Chiều kích quy Kitô: Đức Kitô chính là nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không phải là sự vật, một mầu nhiệm thần bí, nhưng là một Đấng có tên là Giêsu Nazareth. Qua lời rao giảng của Chúa Giêsu về nước Thiên Chúa, người ta khám phá nơi Đức Giêsu nước Thiên Chúa đang ở giữa họ.
- Chiều kích thần bí: nơi chốn của nước Thiên Chúa là tâm hồn con người: “nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (x. Lc 17,21). Nước tôi không thuộc về thế gian này có nghĩa là người ta không tìm thấy nước Chúa trên bản đồ địa lý, nước đó không được xây dựng theo kiểu những vương quốc trần gian, nhưng nước đó ngự trị trong mỗi con người để từ đó chiếu tỏa ánh sáng ra bên ngoài.
- Chiều kích Giáo Hội: Nước Thiên Chúa và Hội Thánh là những thực tại liên hệ với nhau qua nhiều cách thế. Đấy là cách giải thích và hiểu về Hội Thánh trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhiều khi cách giải thích đó đi quá đà, làm cho người ta đồng hóa Giáo Hội với Nước Thiên Chúa.

Ngày nay, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội là bí tích, là dấu chỉ và khí cụ của nước Thiên Chúa.
Trong suy tư thần học Công giáo, Đức Bênêdictô XVI đề cập đến một tiến trình nguy hiểm khi nói về Nước Thiên Chúa:
Lúc đầu, người ta coi Đức Kitô là trung tâm, có ý kiến cho rằng nếu như vậy thì làm sao đối thoại với các tôn giáo không nhìn nhận Đức Kitô. Vì vậy để phục vụ cho việc đối thoại với các tôn giáo khác, người ta chuyển từ Đức Kitô là trung tâm sang Thiên Chúa là trung tâm. Nhưng làm sao để đối thoại với những người không cùng niềm tin tôn giáo, người ta đâu có nhìn nhận Thiên Chúa đâu. Chính điều này, người ta lại chuyển một bước nữa từ Thiên Chúa là trung tâm sang Nước Chúa là trung tâm. Tuy nhiên, khi đề cập đến Nước Chúa - vương quốc, thì điều này cho thấy người ta chỉ nhấn mạnh đến chiều ngang thôi; nước Chúa trở thành một dự án thuần túy mang tính chính trị và xã hội. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI là người cố gắng giúp cho người tín hữu ý thức lại về Thiên Chúa (chiều dọc). Ngài nhấn mạnh rằng trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã rao giảng về Nước của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu rao giảng về nước Thiên Chúa thì Người loan báo về Thiên Chúa và cũng loan báo chính Người là Thiên Chúa đang hiện diện sống động giữa dân của Người, đang hành động cụ thể trong thế giới này và trong lịch sử này. Và cũng chính vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 đề nghị khi dịch nước Thiên Chúa cần nhấn mạnh đến vương quyền của Thiên Chúa.


Với những suy tư về Nước Thiên Chúa như thế, câu hỏi đặt ra để các linh mục suy nghĩ là: Tại sao trong linh đạo Tân Phúc Âm Hóa, lại tập trung vào Nước Thiên Chúa?


Một số gợi ý được đặt ra là:
1. Tập trung có nghĩa là để Thiên Chúa làm chủ toàn bộ cuộc sống của con người, và từ con người làm chủ thế giới và nhân loại. Sự làm chủ này bắt đầu ngay từ hôm nay và viên mãn trong thời cánh chung.
Sứ điệp của Liên hội đồng Giám mục Á Châu về Tân Phúc Ấm hóa đã cho biết: không tách thế giới ra khỏi nước Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Sở dĩ nhấn mạnh điều đó là vì trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày hôm nay luôn có 2 nguy cơ:
- Nhìn nước Thiên Chúa chỉ là thiên đàng mai sau, không có liên hệ gì đến hiện tại. Cho nên, người ta phê bình Giáo Hội không khuyến khích con người xây dựng xã hội ở trần gian.
- Chỉ thấy nước Thiên Chúa ở chiều ngang, không có một chân trời nào khác. Cho nên sứ vụ của Giáo Hội chỉ dấn thân cách nhiệt tình vào khía cạnh chính trị thuần túy.

2. Việc để Thiên Chúa làm chủ toàn bộ đời sống con người phải khởi đi từ việc để Thiên Chúa làm chủ tâm hồn, từ đó đưa đến tác động trong cuộc sống xã hội. Bởi lẽ mọi sự khởi đi từ lòng người.
3. Hội Thánh không phải là cứu cánh tự tại, nhưng Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa.

Qua cái nhìn và những suy tư về vấn đề tập trung vào nước Thiên Chúa. Đức Cha giảng phòng đã gợi ra các vấn đề liên quan trức tiếp đến đời sống của các linh mục:
1. Nếu linh đạo Tân Phúc Âm hóa tập trung vào nước Thiên Chúa, vào vương quyền của Thiên Chúa. Vậy đối với con người, Thiên Chúa có thực sự làm chủ cuộc đời của người linh mục không hay người linh mục đang đi tìm một gia nghiệp khác, một ai khác làm chủ cuộc đời của mình?
2. Khi nhấn mạnh đến chiều kích thần bí, tức liên quan đến tâm hồn, thì Thiên Chúa có làm chủ tâm hồn của người linh mục không hay chỉ là những việc bên ngoài. Người linh mục có tôn trọng những ranh giới trong nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống của người linh mục không?
3. Làm thế nào để cộng đoàn giáo xứ nơi mình phục vụ trở thành dấu chỉ và khí cụ của nước Thiên Chúa?

Phó tế Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP  

Đề tài  IV : HIỆP THÔNG (Ga 17, 20-23)
Buổi chiều ngày thứ hai trong tuần tĩnh tâm, Đức Cha giảng phòng đã dựa vào bản văn Ga 17,20-23, để khai triển đề tài hiệp thông – hiệp nhất, là một trong những đòi hỏi của linh đạo Tân Phúc Âm Hóa:
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.”

Trong lời cầu nguyện trên, Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ đang ở với Người lúc bấy giờ, nhưng Người còn hướng tầm đến một cộng đoàn đông đảo những người tin vào Người, trong số đó có các linh mục và những người nhờ vào linh mục rao giảng Lời để tin vào Chúa Giêsu, “để tất cả được nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.
Có lẽ Chúa Giêsu đã thấy trước được rằng hiệp nhất là một điều khó chứ không phải là điều dễ dàng. Điều này được thể hiện qua sự rạn nứt, ly khai trong lịch sử Giáo hội, không biết đến bao giờ mới hàn gắn được.

Khi suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã đặt ra câu hỏi: Sự hiệp nhất nào?
- Sự hiệp nhất này có cội nguồn từ chính Thiên Chúa. Đồng thời sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa là mô hình cho sự hiệp nhất mà mỗi người được mời gọi giữ gìn và xây dựng.

- Sự hiệp nhất này không đến từ thế gian. Không thể có hiệp nhất nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của thế gian. Nỗ lực riêng của thế gian chỉ dẫn đến chia rẽ. Bao lâu tính thế gian còn hoạt động trong Giáo hội, thì nó chỉ dẫn đến sự phân ly. Sự hiệp nhất chỉ có thể đến từ Chúa Cha qua Chúa Con. Sự hiệp nhất ấy liên quan đến vinh quang mà Chúa Con ban tặng, có nghĩa là với sự hiện diện của Người được ban qua Thánh Thần và là hoa trái của Thập Giá – hoa trái của sự biến đổi ngang qua cái chết và sự phục sinh. Hay nói cách khác, sự hiệp nhất đó là một ân ban của Thiên Chúa và ta cần mở lòng ra để đón nhận.

- Sự hiệp nhất đó cần phải xuất phát từ:
+ Bên trên: đó là ân ban của Thiên Chúa mà mình cần mở lòng ra để đớn nhận, chứ không phải là từ dưới lên – tức là sự nỗ lực của con người.
+ Bên trong: đó là do con người mở lòng ra để đón nhận, chứ không phải do áp lực từ bên ngoài.
Chính vì thế, nguồn cội của sự hiệp nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi, mô hình của sự hiệp nhất cũng chính là Thiên Chúa Ba Ngôi và mục đích của sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu nguyện là nhắm đến sứ vụ truyền giáo – Phúc Âm Hóa.
Theo giáo huấn của Giáo Hội: sự hiệp nhất khi thi hành tác vụ không chỉ là một đòi hỏi, một kỷ luật áp đặt từ bên ngoài, nhưng đó là một đòi hỏi được cắm rễ sâu trong chính ơn gọi và Bí tích Truyền chức thánh. Khi lãnh nhận bí tích truyền chức thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh của Đức Kitô, để rao giảng Tin Mừng, để hướng dẫn các tín hữu, để cử hành việc phụng tự thần linh với tư cách là tư tế đích thực của Giáo Hội mới. Thế nhưng, chính từ nội dung và ý nghĩa của Bí tích Truyền chức thánh, người linh mục thấy đòi hỏi của sự hiệp nhất được gắn với ơn gọi linh mục. Cụ thể, người linh mục khi cử hành bí tích không phải là cử hành với tư cách cá nhân nhưng với tư cách là thừa tác viên của Hội Thánh. Cũng vậy khi rao giảng Lời Chúa, người linh mục không phải rao giảng lập trường cá nhân của mình, nhưng là dựa vào bản văn Kinh Thánh đã được công bố, như Giáo Hội muốn. Trong tư cách là người mục tử của một công đoàn, của một giáo xứ được Hội Thánh trao phó, người linh mục thi hành thừa tác vụ linh mục là thi hành nhiệm vụ thừa tác viên của Hội Thánh.

Dựa trên nền tảng Bí tích, chúng ta mới có thể nói đến mối tương quan hiệp nhất trong đời sống linh mục:
1. Sự hiệp nhất với Giám mục Giáo phận: Các linh mục không thể thực thi nhiệm vụ của mình nếu không tùy thuộc vào giám mục và hiệp thông với ngài. Lời hứa vâng phục Đức Giám Mục của các linh mục khi chịu chức cho thấy giám mục nhận các linh mục như những cộng sự viên, như con cái, như anh em như bạn hữu của mình. Về phần các linh mục phải yêu mến và vâng phục Giám mục. Tuy nhiên, khi nói đến sự vâng phục của các linh mục đối với Giám mục giáo phận, dường như người ta thường đặt sự vâng phục này trương mối tương quan quyền lực. Nếu như thế, Hội Thánh có khác gì một công ty, một xí nghiệp. Cho nên, cần phải nhìn sự vâng phục ở đây không phải trong tương quan quyền lực ngoài đời, nhưng trong ý nghĩa của Bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ để thi hành thánh ý Chúa.

2. Sự hiệp nhất trong anh em linh mục: Việc đặt tay trên các tân chức là dấu chỉ hiệp thông của linh mục đoàn, trở thành thành viên của linh mục đoàn. Và linh mục đoàn không phải là hiệp hội của một nhóm người cùng sở thích, cùng một niềm say mê điều gì đó ngoài xã hội, nhưng là hiệp hội của những người hiệp thông với nhau cách sâu sắc ngay trong ý nghĩa của bí tích mà người linh mục lãnh nhận. Đôi khi, người giáo dân cảm thấy giữa các linh mục có sự chia rẽ nhau, không có sự hiệp nhất có lẽ do có sự khác biệt trong cử hành phụng vụ, trong cách làm mục vụ.

3. Sự hiệp nhất đối với giáo dân: Linh mục quản xứ là người đóng vai trò giữ gìn, duy trì và phát huy sự hiệp nhất. Chính vì thế, người linh mục được mời gọi cảnh giác với khuynh hướng giáo sĩ trị, xem thường giáo dân, không lắng nghe ý kiến của người giáo dân; cảnh giác với khuynh hướng duy lề luật, không quan tâm đến tính hiện sinh riêng của mỗi con người. Đồng thời, người linh mục được mời gọi hướng đến cung cách lãnh đạo mang tính hợp tác, tham gia tạo điều kiện cho người giáo dân được hợp tác, tham gia nhiều hơn. Bên cạnh đó, người linh mục cũng được nhắn gửi không rơi vào khuynh hướng coi giáo xứ là sở hữu riêng của mình, muốn làm gì thì làm.

Phó tế Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP. ghi nhanh

V.HIỆN DIỆN KHIÊM HẠ (Pl 2,6-11)
Buổi sáng ngày thứ ba trong tuần tĩnh tâm, Đức Cha giảng phòng đã chia sẻ với các linh mục giáo phận về đề tài “Hiện diện trong khiêm hạ” dựa vào đoạn văn trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Philip:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2,6-11)


Theo Liên Hội đồng Giám mục Á Châu: hiện diện khiêm hạ là yêu cầu đặt ra cho những sứ giả mới của Tin Mừng đang hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo. Đấy chính là một trong những đòi hỏi của linh đạo Tân Phúc Âm Hóa.
Qua Thánh thi Pl 2, 6-11, người ta nhận thấy những điểm cốt yếu nhất trong mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô: Đức Kitô vốn dĩ là thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn hủy mình ra không, mặc lấy thân phận nô lệ. Việc hủy mình ra không nhấn mạnh đến sự khiêm tốn và vô vị lợi, đỉnh cao là cái chết trên thập giá.
Mầu nhiệm Kênôsys – hủy mình ra không là một sợi chỉ suyên suốt toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu: từ khi nhập thể, Chúa đã trở nên giống người phàm trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi; sinh ra trong cảnh khó nghèo, lớn lên trong một vùng quê nhỏ bé và sinh sống bằng nghề thủ công. Khi đi rao giảng thì Người sống cuộc sống nghèo hơn mọi người khi: con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu, và đỉnh cao là cái chết trên thập giá – một cái chết chỉ dành riêng cho những phạm nhân khét tiếng.

Nếu quan tâm để ý, ta cũng sẽ nhận ra mầu nhiệm tự hủy này trong trình thuật rửa chân cho các môn đệ trong Tin Mừng Gioan (Ga13,1-15).
Nếu trong thánh thi Pl 2,6-1, Thánh Phaolô mô tả Đấng vốn là Thiên Chúa, nhưng không gắn chặt với địa vị Thiên Chúa mà lại hủy mình ra không, thì trong trình thuật rửa chân, Thánh Gioan mô tả, Chúa Giêsu đứng dậy rời bàn ăn, Người không gắn chặt Mình với địa vị vinh quang của Thiên Chúa, cởi áo ngoài ra, hủy mình ra không.

Nếu trong thánh thi (Pl 2,6-11), Đức Kitô mặc lấy thân nô lệ, hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá, thì trong trình thuật rửa chân, Chúa Giêsu lấy khăn, thắt lưng, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động của tên đầy tớ. Như vậy trình thuật rửa chân đã diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa hủy mình ra không, bởi Đức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Như vậy, động lực Thiên Chúa hủy mình ra không chính là vì tình yêu, tình yêu đi đến tận cùng. Nếu không nhận ra tình yêu đi đến tận cùng này, thì cái mà chúng ta gọi là mầu nhiệm tự hủy sẽ dễ bị người ta sẽ cho rằng đó là một thứ khổ dục, đi tìm khoái lạc trong đau khổ. Và nghi thức mà người linh mục thực hiện hằng năm vào thứ năm tuần thánh chỉ còn mang tính hình thức bên ngoài, và đánh mất đi ý nghĩa nghĩa sâu xa bên trong cũng như nội dung thần học.

Từ ý nghĩa của hành động hủy mình ra không của Đức Kitô, mỗi người được mời gọi cùng nhìn vào Hội thánh, là thân thể của Đức Kitô. Nếu Kênôsys là điều cốt lõi trong mầu nhiệm Đức Kitô, thì Hội thánh không thể không sống mầu nhiệm này. Cho nên, trong linh đạo Kitô giáo, hành động hủy mình ra không là đòi hỏi chính yếu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn lựa con đường mục vụ là con đường của Chúa Kitô: chịu sự sỉ nhục và trở nên nghèo khó. Chon con đường mục vụ đến với người nghèo, không phải là một chọn lựa mang tính xã hội, đấu tranh giai cấp, nhưng là một chọn lựa bắt nguồn từ chính đức tin Kitô giáo. Nó không chỉ dừng lại trên bình diện luân lý đạo đức, mà còn mang một ý nghĩa thần học. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh châu Á và Việt Nam, là những nơi có những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng đời sống cầu nguyện: như Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo.
Chính vì thế, Đức Hồng y Tagle, Tổng Giám mục Manila, trong hội nghị FABC vừa qua đã phát biểu: nếu Hội Thánh muốn khơi dậy tinh thần truyền giáo trong thế kỷ 21, thì Hội Thánh cần có 3 phẩm chất: khiêm tốn, đơn giản và sống thinh lặng.


Qua những suy tư về mầu nhiệm tự hủy nơi Đức Kitô và nơi Hội Thánh, Đức Cha giảng phòng chia sẻ cho các linh mục những gợi ý liên quan đến đời sống của anh em linh mục:
1. Tinh thần khó nghèo: nhìn nhận sự nghèo khó và giới hạn của mình để nương tựa vào Chúa. Điều đó không nhất thiết là người linh mục phải sống trong điều kiện cùng khổ và thiếu phương tiện làm việc, nhưng là sử dụng những phương tiên đó như thế nào, để những phương tiện vật chất đó không cản trở người linh mục hiệp thông với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Trong thực tế, ranh giới khó nghèo đó rất mỏng manh. Có thể lúc đầu, người linh mục suy nghĩ cách đơn giản là những phương tiện vật chất đó giúp cho mình hoạt động cách có hiệu quả, nhưng những phương tiện vật chất đó dần lôi kéo người linh mục phụ thuộc vào nó lúc nào không biết. có người đã nhận xét rằng: anh em linh mục có dịp gặp nhau ít khi nói chuyện về đời sống thiêng liêng, mà thường nói về mốt này, mốt kia… Anh em linh mục nghĩ thế nào?

2. Sống giản dị, gần gũi với người nghèo: trong mầu nhiệm hủy mình ra không, tinh thần nghèo khó phải thể hiện bằng nếp sống giản dị và gần gũi với người nghèo. Đây là bằng chứng đánh động người ta, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay. Anh em linh mục được mời gọi suy nghĩ về lối sống của mình đối với người nghèo, và có thể nói đó là một thách đố đối với hàng giáo sĩ ngay tại Việt Nam. Chọn lựa đến với người nghèo không phải chỉ là chọn lựa trong lối sống mà còn là chọn lựa trong suy tư và nhận thức.

3. Lãnh đạo bằng tình thương: anh em linh mục hãy suy nghĩ về lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi thấy rõ điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả đó là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Tôi thấy cần sự gần gũi cận kề. Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Và trên hết các thừa tác viên của hội thánh là những thừa tác viên của lòng thương xót…., phải có trách nhiệm với dân, đồng hành với họ, như người Samari nhân hậu, để rửa ráy, lau sạch và nâng đỡ tha nhân. Đây mới chính là Tin Mừng đích thực…”.

Phó tế Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP ghi nhanh
Đề tài 6 : ĐỐI THOẠI

Trong buổi chiều cuối cùng của tuần tĩnh tâm, Đức Cha giảng phòng đã chia sẻ với các linh mục một đề tài rất quen thuộc mà theo Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã đặt ra và cũng là một đòi hỏi trong linh đạo Tân Phúc Âm Hóa đó là đối thoại.

Trong sứ điệp của FABC có nói: “Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc thúc đẩy cuộc sống hằng ngày, và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu.
Cũng nên nhớ lại rằng, ngay trong lần họp đại hội đầu tiên của FABC cách đây 40 năm, mục đích mà các giám mục muốn nhắm tới là Loan báo Tin Mừng; và câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để loan báo Tin Mừng cho một lục địa mà người Công giáo chỉ chiếm 3% ?” Khi đặt câu hỏi đó các ngài đã đưa ra nhận định có 3 hiện tượng lớn ở Châu Á:
- Phần lớn các dân tộc tại Châu Á là người dân nghèo.
- Châu Á là miền đất của những nền văn hóa cổ kính, tác động lên phần lớn đời sống xã hội.
- Tại Châu Á, có nhiều truyền thống của các tôn giáo lớn trên thế giới, là cái nôi của các tôn giáo lớn, trong đó có Kitô giáo.
Trong tông huấn: Giáo hội tại Á Châu, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: Đức Giêsu được sinh ra trên mảnh đất Á Châu, thế nhưng lại rất ít người tại Á Châu nhận biết Người. Và một câu hỏi được nhà thần học Peter Cho đặt ra là: giả như Tin Mừng của Chúa Kitô không được truyền bá theo con đường đi qua Rôma và chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, mà đi qua con đường của Châu Á, thì Kitô giáo ngày nay sẽ ra sao?
Chính từ những nhận định về Châu Á như vậy, các giám mục đã đề nghị thực hiện việc loan báo Tin Mừng – Phúc Âm Hóa bằng con đường đối thoại, mà các ngài gọi là đối thoại 3 mặt:
- Đối thoại với người nghèo, hướng đến một cuộc giải phóng toàn diện cho người nghèo.
- Đối thoại với các truyền thống tôn giáo hay còn gọi là đối thoại liên tôn.
- Đối thoại với các nền văn hóa: hội nhập văn hóa.
Khi nó đối thoại với các truyền thống văn hóa, người ta không chỉ đối thại với các truyền thống đã có sẵn trước đó, mà còn đối thoại với cả văn hóa hiện đại mang dấu ấn của chủ nghĩa duy vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ, gạt Thiên Chúa ra ngoài. Đấy là định hướng của FABC.
Với tình hình mục vụ cụ thể của các linh mục tại giáo phận Banmêthuột, có lẽ thực tế cũng gần giống như đinh hướng của FABC. Bởi các linh mục đang làm việc cho người dân nghèo, cách riêng là đối với các anh chị em sắc tộc thiểu số, và trong khi thi hành công tác mục vụ, rất nhiều anh chị em xung quanh đang sống theo một tôn giáo khác nào đó, chứ không chỉ là những người vô thần.
Vậy, đâu là nền tảng của Giáo hội khi đề nghị con đường đối thoại trong việc loan báo Tin Mừng?
Trước hết, về mặt nhân học xã hội, chúng ta đang sống trong một bối cảnh mới, trong đó mỗi quan hệ giữa xã hội và Giáo hội đang bị rạn nứt cách trầm trọng, cách riêng là ở những nơi Kitô giáo là thiểu số, Kitô giáo bị gạt ra bên lề của xã hội, bị coi như một thứ rào cản làm chậm bước phát triển của nhân loại. Cho nên, ta hiểu được tại sao trong thông điệp “Ánh sáng Đức Tin”, ngay ở những số đầu tiên, đã đặt vấn đề: Đức Tin là ánh sáng, nhưng ánh sáng này là thật hay ảo?
Trong bối cảnh như vậy, giáo hội thấy rằng mối tương quan với thế giới là mối quan tâm lớn đối với Hội Thánh, và để tiến hành mối tương quan này, cần phải thông qua con đường đối thoại. Một đàng, không thể dùng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào để áp đặt chân lý lên người ta, nhưng đàng khác, phải can đảm giới thiệu Đức Giêsu và Tin Mừng của Chúa, giới thiệu chân lý Đức Tin Kitô giáo. Tuy nhiên, nếu việc đối thoại chỉ dừng lại ở chỗ giúp ta sống chung hòa bình với giáo hội, với các tôn giáo khác, nhất là lúc mình đang ở thế yếu, như vậy thì chưa đủ. Giáo hội cho thấy chọn lựa đối thoại này sâu xa hơn, bắt nguồn từ cuộc đối thoại yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đã nói rằng: Hội Thánh chỉ có thể chu toàn sứ vụ của mình nếu đường lối phù hợp với đường lối Thiên Chúa hành động nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài làm người, chia sẻ đời sống con người, nói bằng ngôn ngữ con người, để thông truyền sứ điệp cứu độ của Ngài. Cuộc đối thoại mà Hội Thánh đề nghị được đặt nền trên nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể.
Sau khi lược qua những suy tư về con đường đối thoại và nền tảng của tinh thần đối thoại, Đức Cha giảng phòng đặt ra những câu hỏi cụ thể trong việc sống linh đạo đối thoại và đâu là những đòi hỏi, những khía cạnh của một tinh thần đối thoại thật? Đức Cha cho biết rằng có lẽ không có gì tốt hơn là dựa vào Lời Chúa, mà cụ thể là qua cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari:
- Đi bước trước: Chúa Giêsu đã đi bước trước bằng việc cởi mở, đón nhận, lên tiếng trước, đặt mình trong vị thế của một người đi xin để vượt qua rao cản. Trong thực tế cuộc sống và trong công cuộc loan báo Tin Mừng cũng có biết bao nhiêu thứ rào cản, chẳng hạn có một thứ rào cản vô hình trong tâm trí của rất đông anh chị em rằng cứ theo đạo Công Giáo là bỏ ông bà tổ tiên…, khiến cho người ta không đến được với đạo. Vì thế, nếu mình đi bước trước bằng chính đời sống của mình thì có thể vượt qua được.
- Lắng nghe: Gợi chuyện để họ bày tỏ nỗi niềm của mình. Lắng nghe một cách đích thực là một điều rất khó. Điều này đòi hỏi ta phải dành cho người khác nhiều thời giờ để họ bày tỏ quan điểm lập trường của mình. Trong thực tế vì bận rộn với nhiều công việc, người linh mục thường làm cho xong việc, không tạo cho người giáo dân cảm giác họ được lắng nghe, được quan tâm.
- Khiêm tốn: người linh mục cần phải học gương Chúa Giêsu, phải khiêm tốn hơn bởi mình còn có rất nhiều giới hạn, đồng thời cần phải khiêm tốn để tâm hồn mình mở ra một khoảng trống để có thể đón nhận cái gì đó từ người khác.
- Chất vấn: không theo nghĩa tiêu cực nhưng theo nghĩa tích cực, để giúp cho người đối thoại khám phá ra sự bất nhất giữa lời nói và hành động của họ hay là một lỗ hổng nào đó trong cách hiểu của họ, để nhìn vấn đề cách xa hơn. Đối thoại không chỉ đơn thuần là lắng nghe một cách thụ động mà còn biết chất vấn.
- Đối thoại không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cuộc sống và bằng con tim của người mục tử.


Đức Ông TĐD thay mặt linh mục đoàn cảm ơn Cha giảng phòng

Cha Trưởng Ban Truyền Thông thông tin về đêm hội diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2013
Lúc 17g00, Đức Giám Mục giáo phận chủ sự  giờ chầu Thánh Thể, và sau đó ngài cùng với anh em linh mục, từng hai người lập lại lời hứa linh mục.


Con xin chọn Người, con xin chọn Người làm gia nghiệp con mãi mãi
Trọn đời con trót cả đời con, trọn tuổi xuân dâng cả tình yêu luôn với ước mơ.
Trọn niềm tin yêu với sướng vui, cùng nghìn đau thương với đắng cay
Thăng trầm đổi thay, dù thời gian núi lở sông bồi
Con xin chọn Người, con xin chọn Người  ...


(XIN XEM HÌNH)
Phó tế Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP. ghi nhanh

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây