TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường kiện toàn Lời Chúa

Chủ nhật - 01/08/2021 05:03 | Tác giả bài viết: Gm Phêrô Nguyễn Văn Viên |   914
Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (20)
Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (20)

 

vn010821a

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 08 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG KIỆN TOÀN LỜI CHÚA

 

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 7 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Kiện Toàn Lề Luật. Tháng 8 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Kiện Toàn Lời Chúa. Đây là hai chủ đề liên hệ mật thiết với nhau bởi vì lời của Thiên Chúa cũng được thể hiện qua lề luật Người. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng nhờ lời của Thiên Chúa mà muôn vật muôn loài cũng như con người được dựng nên và lịch sử nhân loại gắn liền với lịch sử mặc khải của Thiên Chúa. Đặc biệt, dân Do-thái đóng vai trò quan trọng trong việc đón nhận, trao đổi và lưu truyền mặc khải của Người. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã gửi Đức Giê-su là Lời của Người đến với gia đình nhân loại để kiện toàn mặc khải, kiện toàn lời của Thiên Chúa hầu đem lại ơn cứu độ cho con người và quy tụ muôn vật muôn loài.

Trong Cựu Ước, lời của Thiên Chúa đến với dân Do-thái qua những người lãnh đạo được Thiên Chúa tuyển chọn, đặc biệt, qua các ngôn sứ. Theo các học giả Kinh Thánh, trong Cựu Ước, ‘lời’ (דָּבָר‎/ dabar là danh từ có chung gốc với động từ ‘nói’ (דבר/ dbr)) được dùng hơn 394 lần, còn trong Tân Ước, ‘lời’ (λόγος/ logos) được dùng khoảng hơn 300 lần. Lời của Thiên Chúa không chỉ là lời phát ra hay lời được lắng nghe mà còn được diễn tả qua các sự kiện, hiện tượng, biến cố hay hành động của Thiên Chúa nữa. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như những thị kiến, tiên báo, luật lệ, mệnh lệnh, cảnh cáo, khuyến khích. Lời của Thiên Chúa không chỉ cho con người mà còn cho các thiên thần hay các thụ tạo vô hình khác. Đặc biệt, lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn, được ứng nghiệm, được đầy đủ ý nghĩa (πληρόω, fulfill) nhờ Biến Cố Đức Giê-su. Trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói rằng Người đến để kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ (Mt 5,17). Quả thật, Đức Giê-su đã thực thi điều đó và nội dung chính yếu của việc Người thực thi được diễn tả trong 27 cuốn sách của bộ Tân Ước, nhất là trong 4 cuốn Tin Mừng.

Để khai triển chủ đề ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường Kiện Toàn Lời Chúa’, chúng ta điểm qua ‘năm lời’ chính yếu của Thiên Chúa theo mặc khải Cựu Ước: (1) Lời của Thiên Chúa là lời sáng tạo: “Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng” (St 1,3) hay: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); (2) Lời của Thiên Chúa là lời giao ước: “Người đã thông báo cho anh em giao ước của Người, giao ước mà Người truyền cho anh em đem ra thực hành, đó là mười lời Người viết trên hai bia đá” (Đnl 4,13) hay: “Người đã viết trên các bia điều đã viết lần trước, là mười lời Đức Chúa đã phán với anh em trên núi, từ trong đám lửa, trong ngày đại hội. Rồi Đức Chúa ban những bia đó cho tôi” (Đnl 10,4); (3) Lời của Thiên Chúa là lời qua miệng ngôn sứ: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1,7) hay: “Nhờ thần khí của Đức Chúa, tôi được đầy sức mạnh, công lý và can trường để loan báo cho nhà Gia-cóp biết tội phản nghịch, cho nhà Ít-ra-en biết tội lỗi của nó” (Mk 3,8); (4) Lời của Thiên Chúa là lời khôn ngoan: “Đức Khôn Ngoan kêu to ‘phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người’” (Cn 8,3-4) hay: “Đức Khôn Ngoan hiểu biết tất cả, sẽ khôn khéo hướng dẫn con trong việc con làm, lấy quyền năng vinh hiển mà gìn giữ con” (Kn 9,11); (5) Lời của Thiên Chúa là lời dẫn lối chỉ đường: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105) hay: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người và bước theo đường Người chỉ vẽ" (Mk 4,2).

Theo nghĩa rộng, lời của Thiên Chúa đến với con người đồng thời với sự hiện hữu của con người (do Thiên Chúa sáng tạo) trong vũ trụ này. Tuy nhiên, lời của Thiên Chúa đến với con người cách cụ thể và rõ ràng hơn với việc Người chọn gọi Áp-ra-ham để qua ông, chương trình của Thiên Chúa ngày càng được trọn vẹn. Lời của Thiên Chúa được lưu truyền trong lịch sử dân Do-thái, dần dần được sưu tập và biên soạn. Như vậy, Kinh Thánh chính là lời của Thiên Chúa theo truyền thống được viết ra. Cuốn Kinh Thánh của người Do-thái (the Hebrew Bible) hay Cựu Ước (the Old Testament) được hình thành với khoảng thời gian hơn một ngàn năm. Nội dung chính yếu của Cựu Ước hướng về sự xuất hiện của Đức Giê-su, Lời hằng hữu của Thiên Chúa và là Đấng được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần để thực thi chương trình của Thiên Chúa đối với con người và toàn thể thế giới thụ tạo. Hành trình của Đức Giê-su trên đường dương thế được diễn tả trong Tân Ước.

Các vị lãnh đạo hay các ngôn sứ trong Cựu Ước như Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en đều chuẩn bị cho sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su. Trong Tân Ước, Đức Giê-su nói với nhiều tầng lớp người khác nhau, chẳng hạn như Người nói với Đức Ma-ri-a, với các môn đệ, với những người Pha-ri-sêu, với các kinh sư, với Hê-rô-đê, với Phi-la-tô, với đám đông dân chúng. Lời của Người liên quan đến những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như lời của Người xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, nâng đỡ người đau yếu, hồi sinh kẻ chết. Đặc biệt, Đức Giê-su đã kêu gọi và thiết lập Nhóm Mười Hai cũng như công bố những tiêu chuẩn luân lý trổi vượt của thời Tân Ước so với Cựu Ước. Lời nói và việc làm của Đức Giê-su minh chứng rằng Người không chỉ thuộc về Thiên Chúa mà còn là Thiên Chúa hiện diện trong dòng lịch sử để đồng lao cộng khổ với mọi người trong gia đình nhân loại và cứu độ nhân loại. 

Chúng ta nhận ra lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn, được trở nên hiện thực nơi Đức Giê-su, chẳng hạn như lời của Thiên Chúa là ánh sáng trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Ánh Sáng trong Tân Ước (Tv 119,105; Ga 8,12); lời của Thiên Chúa là lời sự thật trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Sự Thật trong Tân Ước (Tv 12,7; Ga 14,6); lời của Thiên Chúa đem lại sự sống trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Sự Sống trong Tân Ước (Tv 119,116; Ga 11,25); lời của Thiên Chúa là lời hy vọng trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Hy Vọng của mọi người trong Tân Ước (Tv 119,147; 1 Tm 1,1); lời của Thiên Chúa là của ăn cho bậc ngôn sứ trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Của Ăn cho mọi người trong Tân Ước (Gr 15,16; Ga 6,54-55); lời của Thiên Chúa ‘chớ giết người công chính’ trong Cựu Ước hướng về Đức Giê-su là Đấng Công Chính chịu chết cho mọi người trong Tân Ước (Đn 13,53, Mt 27,19). Chúng ta có thể kể ra nhiều trích đoạn tương tự khi so sánh lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn bởi Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Cựu Ước là nền tảng cho Tân Ước, còn Tân Ước là ánh sáng chiếu soi Cựu Ước.

Dưới nhãn quan của thánh Gio-an, Đức Giê-su là Lời hằng hữu của Thiên Chúa đến với thế giới thụ tạo. Ngài viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” [ὁ λόγος σὰρξ ἐγένετο καὶ ἐσκήνωσεν ἐν ἡμῖν] (Ga 1,14). Từ ‘λόγος’ của tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng Việt là ‘Ngôi Lời’ (viết hoa). Có hai điểm cần quan tâm ở đây: (1) Trong bản văn cổ bằng tiếng Hy Lạp, người ta không phân biệt chữ viết hoa hay chữ viết thường và (2) khi dịch ‘λόγος’ là ‘Ngôi Lời’, chúng ta dịch theo cách diễn tả của thánh Gio-an. Đối với tiếng Việt, nói rằng ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’ dễ hiểu hơn nói rằng ‘Lời đã trở nên người phàm’. Như vậy, với Đức Giê-su (Ngôi Lời), lời của Thiên Chúa không chỉ là âm thanh phát ra, đi vào lòng và biến đổi tâm hồn con người mà còn cho phép con người nhìn ngắm, đụng chạm và thiết lập mối tương quan liên vị trong hành trình trần thế. Với Đức Giê-su, lời của Thiên Chúa không chỉ cư ngụ trong hòm bia ở Lều hội ngộ để dẫn dắt dân Do-thái vào miền Đất Hứa Ca-na-an mà ‘đã cắm lều giữa chúng ta’ để dẫn dắt toàn thể nhân loại vào miền Đất Hứa Nước Trời. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa vô hình của Cựu Ước đã trở nên Thiên Chúa hữu hình của Tân Ước. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa trở nên ‘vừa tầm’ hơn để con người có thể tiếp cận, học hỏi và thực thi thánh ý Người. Chúng ta cùng xem xét một số trình thuật chính yếu diễn tả lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước.

Theo thánh Mát-thêu, khi truyền tin cho thánh Giu-se, sứ thần của Thiên Chúa nói: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’" (Mt 1,22-23). Điều này ứng nghiệm lời của ngôn sứ I-sai-a: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Thánh Mát-thêu cũng trình thuật biến cố Đức Giê-su đến Ai-cập rồi trở về Na-da-rét: “Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2,14-15). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Hô-sê: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11,1). Tin mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu có 130 chỗ quy chiếu trực tiếp Cựu Ước, trong đó có 43 lần trích sát bản gốc, chẳng hạn như Mt 1,22; 2,5.15.17.23; 3,3; 4,14. Thánh nhân muốn minh chứng rằng Đức Giê-su chính là Đấng kiện toàn và hoàn thành mọi lời Cựu Ước đã loan báo.

Theo thánh Lu-ca, Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Giu-đa: “Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giu-se. Giu-se là con Ê-li… Nác-sôn con Am-mi-na-đáp, Am-mi-na-đáp con Át-min, Át-min con Ác-ni, Ác-ni con Khét-rôn, Khét-rôn con Pe-rét, Pe-rét con Giu-đa… I-xa-ác con Áp-ra-ham… A-đam là con Thiên Chúa” (Lc 3,23-38). Điều này ứng nghiệm lời chúc phúc của ông Gia-cóp trong sách Sáng Thế: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49,10). Cũng theo thánh Lu-ca, sau khi chịu cám dỗ, Đức Giê-su trở về loan báo Tin Mừng tại Ga-li-lê. Đặc biệt, khi đến quê hương là Na-da-rét, Đức Giê-su vào hội đường như Người vẫn thường làm trong ngày sa-bát. Người ta trao cho Người sách ngôn sứ I-sai-a. Mở sách ra, Đức Giê-su gặp đoạn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a (Is 61,1-2). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cũng nói với các môn đệ về sự ứng nghiệm nơi Người lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh: “Thầy bảo cho anh em hay: Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22,37).

Theo thánh Mác-cô, khi Đức Giê-su bị bắt: “Có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!" (Mc 14,56-58). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa: “Bọn chứng nhân giả dối đứng lên, hạch hỏi tôi những điều tôi chẳng biết. Chúng lấy oán đền ơn, này thân tôi trơ trọi một mình” (Tv 35,11-12). Khi Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá giữa hai tên trộm cướp, thánh Mác-cô trình thuật: “Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái” (Mc 15,27-28). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,12).

Thánh Gio-an trình thuật cuộc thương khó của Đức Giê-su: “Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ’Tôi khát!’ Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người” (Ga 19,28-29). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69,22). Cũng trong cuộc thương khó Đức Giê-su theo thánh Gio-an: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,33-34). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong trong Thánh Vịnh: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy” (Tv 34,20-21). Chúng ta còn gặp rất nhiều đoạn trong Tin Mừng Nhất Lãm cũng như theo thánh Gio-an về lời của Thiên Chúa trong Tân Ước ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước, chẳng hạn như Mt 2,17-18; Mt 8,17; Mt 12,17-18; Mc 1,2-3; Mc 8,31; Mc 10,45; Lc 1,20; Lc 3,4-6; Lc 21,20-22; Ga 12,38; Ga 13,18; Ga 15,25.

Việc kiện toàn lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng được diễn tả trong các sách khác của bộ Tân Ước. Chẳng hạn, trong Giáo Hội sơ khai ở Giê-ru-sa-lem, khi chọn người thay thế Giu-đa (môn đệ phản bội Đức Giê-su), thánh Phê-rô lên tiếng: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su” (Cv 1,16). Đặc biệt, thánh nhân hiểu rõ giá trị và thẩm quyền độc nhất vô nhị của Kinh Thánh so với các tài liệu khác. Trong thư gửi các tín hữu, ngài viết: “Anh em phải biết điều này: Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa (2 Pr 1,20-21). Hơn nữa, theo thánh nhân, Đức Giê-su chính là Người Tôi Tớ Đau Khổ được ngôn sứ I-sai-a trình bày trong Cựu Ước (Is 52,13-53,12; 1 Pr 2,23-25).

Tương tự như thánh Phê-rô, nhiều trích đoạn của thánh Phao-lô khẳng định rằng Đức Giê-su đến trần gian theo ‘lời hứa’ trong Cựu Ước. Thánh nhân viết: “Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ [hậu duệ của Áp-ra-ham]” (Rm 9,5). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế: “Nhờ ngươi [Áp-ra-ham], mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Thánh nhân biện giải: “Tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 1,1-3). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,6). Đề cập đến cuộc thương khó, sự chết và phục sinh của Đức Giê-su, thánh nhân viết: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4).

Đối với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su là Đấng kiện toàn lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Tuy nhiên, sự kiện toàn của Đức Giê-su theo cách thức siêu việt, nằm ngoài nhận thức hay tưởng tượng của con người. Chẳng hạn, (1) Đức Giê-su kiện toàn giao ước: “Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15). (2) Đức Giê-su kiện toàn của lễ hiến tế: “Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). (3) Đức Giê-su kiện toàn phẩm vị thượng tế: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: Mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng manh yếu đuối trong mình, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7,27-28). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5,5-6). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh: “Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng ‘muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê’” (Tv 110,4). Như vậy, cùng là giao ước, của lễ và thượng tế nhưng những gì được Đức Giê-su đảm nhận và kiện toàn thì cao trọng, kỳ diệu và nhiệm mầu hơn những gì được thực thi trong Cựu Ước cũng như lịch sử dân Do-thái.

Khi so sánh tương quan giữa thánh Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su (trong bài giảng 293,3), thánh Au-gút-ti-nô quả quyết rằng Gio-an là tiếng (voice), Đức Giê-su là Lời (Word); Gio-an là tiếng trong không gian, Đức Giê-su là Lời hằng hữu; Gio-an là tiếng bên ngoài, Đức Giê-su là Lời bên trong. Theo thánh nhân, tiếng vô nghĩa khi không có lời; tiếng phá vỡ im lặng, lời đi vào tâm hồn; tiếng chỉ đập vào tai, lời cảm hóa trí lòng; tiếng qua đi, lời ở lại; tiếng hoàn thành, lời tiếp tục. Vì người ta khó phân biệt giữa tiếng và lời, giữa Gio-an và Đức Giê-su, Gio-an đã nói ra cho họ biết (Ga 1,19-28). Khi gặp gỡ Đức Giê-su lần đầu tiên, thánh Gio-an Tẩy Giả nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Lời chứng của thánh Gio-an Tẩy Giả giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Đấng kiện toàn lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước khi Người dạy bảo dân Do-thái giết chiên và lấy máu bôi lên khung cửa như là dấu chỉ để được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập (Xh 12,1-14). Nhờ Máu của Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa, mọi người trong gia đình nhân loại được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Thánh Phê-rô diễn giải rõ ràng hơn trong thư của ngài: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1 Pr 1,19-21).

Như đã được đề cập ở trên, lời của Đức Giê-su chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, hồi sinh kẻ chết, tha thứ tội lỗi. Trong ba năm loan báo Tin Mừng, phần lớn những lời Đức Giê-su là lời trực tiếp với con người, chẳng hạn như: ‘Thầy bảo thật các con…’, ‘Thầy bảo cho anh em biết…’, ‘hãy đứng dậy…’, ‘hãy ăn năn hối cải…’, ‘đừng thề thốt…’, ‘phải yêu kẻ thù…’, ‘hãy loan báo Tin Mừng…’. Thánh Mát-thêu trình thuật: “Người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,16-17). Lời của Đức Giê-su là những ‘lời mới mẻ’: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22) hay: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,46). Đặc biệt, Đức Giê-su diễn tả Người như là tác giả của lề luật được kiện toàn (Mt 5,17-48).

Lời của Đức Giê-su là lời đầy quyền năng. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su đến Ca-phác-na-um, một viên đại đội trưởng dân ngoại thuộc quân đội Rô-ma đến xin Người cứu chữa người đầy tớ của ông đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Đức Giê-su định đến nhà ông để cứu giúp người đầy tớ đó. Tuy nhiên, viên đại đội trưởng nói với Người: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Thánh Mát-thêu trình thuật: “Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng ‘ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!’ Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh” (Mt 8,13). Đức Giê-su định đến nhà viên đại đội trưởng nhưng chưa đến. Người không nhìn thấy, không đụng chạm người đầy tớ bệnh tật nhưng người đầy tớ vẫn được khỏi bệnh. Có lẽ viên đại đội trưởng chờ nơi Đức Giê-su ‘lời chữa bệnh’ nhưng lời của Đức Giê-su lại là ‘lời đức tin’. Đức Giê-su tán dương đức tin của viên đại đội trưởng: ‘Ông tin thế nào thì được như vậy!’. Ông là ‘dân ngoại’ nhưng niềm tin của ông trổi vượt hơn niềm tin của những người được gọi là dân được tuyển chọn, dân Chúa. Với sự chữa lành này, Đức Giê-su biểu lộ sức mạnh của ‘lời’ cho những ai đặt niềm tin và hy vọng vào Người.

Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất mạnh, mạnh đến nỗi nhờ đó Thiên Chúa sáng tạo con người và muôn vật muôn loài; Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước còn mạnh hơn, mạnh đến nỗi Lời đã trở nên người phàm, nhờ đó, Thiên Chúa tái tạo con người và muôn vật muôn loài từ cảnh lầm than, hư hoại. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất mạnh, mạnh đến nỗi nhờ đó Thiên Chúa giải thoát dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai-cập; Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước còn mạnh hơn, mạnh đến nỗi nhờ đó Thiên Chúa giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất mạnh, mạnh đến nỗi nhờ đó dân Do-thái có được man-na nuôi sống trong hành trình về với Đất Hứa; Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước còn mạnh hơn, mạnh đến nỗi nhờ đó toàn thể gia đình nhân loại có được Man-na Mới là Mình và Máu Đức Giê-su dưỡng nuôi trong hành trình về với quê hương vĩnh cửu. Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước rất mạnh, mạnh đến nỗi hồi sinh kẻ chết; Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước còn mạnh hơn, mạnh đến nỗi trả lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai tin tưởng, tuân giữ và thực thi thánh ý Người.

Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước vang vọng và được nghe trong không gian, thời gian, cũng như thẩm thấu vào những gì thuộc về không gian, thời gian. Còn theo mặc khải Tân Ước, Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa có trước không gian, thời gian. Lời của Thiên Chúa trong Tân Ước được tóm lược trong Kinh Tin Kính là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha…’. Nói cách khác, những gì thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Chúa Cha, đều thuộc về Đức Giê-su và ngược lại (Mc 2,1-12; Lc 5,17-26; Ga 17,10). Như vậy, có sự liên kết mật thiết và trọn vẹn giữa Thiên Chúa và Đức Giê-su, Lời trở nên người phàm (Θεός-Λόγος σὰρξ ἐγένετο). Đây là sự liên kết nội tại và vĩnh cửu, đồng thời cũng là sự liên kết trong chương trình cứu độ, chương trình diễn ra trong không gian, thời gian của môi trường thế giới thụ tạo. Hơn ai hết, Đức Giê-su làm chứng về điều này khi nói với các môn đệ thân tín rằng Người ở trong Chúa Cha cũng như Chúa Cha ở trong Người (Ga 17,21). Người cũng minh định rằng những việc Người làm cũng là những việc của Chúa Cha và ngược lại (Ga 5,21; Ga 5,24-29).

Khi so sánh ‘Lời’ theo cách hiểu biết và diễn tả của thánh Gio-an với ‘lời’ (dabar) trong Cựu Ước hay ‘lời’ (logos) trong văn hóa Hy Lạp, chúng ta nhận ra rằng ‘Lời’ thánh Gio-an sử dụng mang ý nghĩa sâu đậm hơn. Chẳng hạn, thánh nhân viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1,1). Đối với thánh nhân, Đức Giê-su không phải là Lời như bao lời khác mà là Lời hằng hữu, Lời quyền năng, Lời sự sống. Chính thánh nhân đã nghe, thấy, chiêm ngưỡng, gặp gỡ, đụng chạm Lời này. Các lời của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Cựu Ước nói riêng được xem là chuẩn bị cho Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại. Sự gắn bó mật thiết với Đức Giê-su, Lời của Thiên Chúa, nhất là việc ghé tai vào trái tim Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly cũng như chứng kiến Đức Giê-su chịu chết trên cây thập giá với trái tim bị đâm thủng, giúp thánh nhân nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người cách đầy đủ hơn. Kinh nghiệm của thánh nhân về Đức Giê-su được ngài diễn tả cách cụ thể trong Tin Mừng cũng như các thư mà ngài biên soạn.

Chúng ta nhận ra ba hình thức lời của Thiên Chúa trong mặc khải Ki-tô Giáo: (1) Lời của Thiên Chúa phán ra, (2) Lời của Thiên Chúa được sưu tập, biên soạn (Kinh Thánh) và (3) Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Trong ba hình thức đó, ‘Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm’ thật nhiệm mầu và quan trọng hơn cả. Đây chính là nội dung căn bản giúp chúng ta phân biệt sự khác nhau giữa Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác trong lịch sử thế giới. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng lời nói hay chữ viết không bao giờ giải thích trọn vẹn thực tại, thậm chí lắm lúc còn làm cho thực tại méo mó, biến dạng hay vong bản. Thực tại luôn dồi dào, đa dạng và giàu có hơn các hình thức diễn tả nó. Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa đến trần gian để làm cho lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh hay các hình thức khác trở nên khả tín hơn, giúp con người điều chỉnh các tương quan nội tại của bản thân cũng như tương quan với anh chị em, với muôn vật muôn loài và với Thiên Chúa.

Lời của Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại được diễn tả bằng ngôn ngữ con người. Lời của Thiên Chúa luôn dồi dào hơn những gì con người có thể đón nhận, sống và lưu truyền trong lịch sử. Đặc biệt, lời của Thiên Chúa luôn dồi dào hơn những gì được viết trong các sách của bộ Kinh Thánh. Đức Giê-su nói với các môn đệ thân tín của Người trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12). Thánh Gio-an minh chứng: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31). Như vậy, theo thánh nhân, lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là điều kiện thiết yếu giúp con người luôn biết ở lại với Đức Giê-su để lắng nghe và tin tưởng vào Người hầu có thể cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân, biến đổi anh chị em đồng loại cũng như môi trường xã hội.

Là Lời hằng hữu của Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình (ἑαυτὸν ἐκένωσεν/ emptied himself), làm cho mình trở nên trống rỗng. Tuy nhiên, những lời của Đức Giê-su đối với gia đình nhân loại không phải là những lời trống rỗng mà là những lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Những lời của Đức Giê-su mãi mãi là những lời tiêu chuẩn giúp con người xây dựng và thăng tiến đời sống cá nhân, cộng đoàn, xã hội. Những lời của Đức Giê-su mãi mãi là những lời đầy quyền năng và lòng thương xót đối với con người. Đặc biệt, những lời của Đức Giê-su mãi mãi vang vọng trong gia đình nhân loại để thông đạt ý định của Thiên Chúa, hướng dẫn mọi người cách thức hoàn thiện bản thân và chú tâm hơn vào những giá trị của Nước Thiên Chúa giữa dòng đời.

Chúng ta nhận thức rằng lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước, đặc biệt trong mầu nhiệm nhập thế, sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Đức Giê-su như lời Người nói với các môn đệ trước khi về trời: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24,44). Tuy nhiên, Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước luôn là một tiến trình nhiệm mầu. Một mặt, nội dung chính yếu của mặc khải Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước. Mặt khác, một số khía cạnh liên quan đến cấu trúc, thể chế, phụng tự trong Cựu Ước được tiếp tục theo cách thức vượt quá sự hiểu biết của con người, chẳng hạn như những người Do-thái thuộc Dân Thiên Chúa và Dân Thiên Chúa Mới là Giáo Hội được Đức Giê-su thiết lập; việc thuộc về Dân Thiên Chúa Mới ít lệ thuộc vào yếu tố văn hóa, dân tộc mà lệ thuộc nhiều vào sự gắn bó với Đức Giê-su cũng như tuân giữ giới răn của Người; quan tâm chính yếu của dân Do-thái trong Cựu Ước là lề luật, trong khi quan tâm chính yếu của Dân Thiên Chúa Mới trong Tân Ước là ân sủng; việc cắt bì như là dấu chỉ để thuộc về giao ước giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham không còn tiếp tục nữa nhưng thay vào đó là các bí tích khai tâm Ki-tô Giáo.

Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước nhiều đến nỗi làm cho con người dễ bị lẫn lộn, khó phân biệt rành mạch đâu là những điểm căn bản hầu có thể học hỏi và thực thi cách xứng hợp (Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Vì thế, Đức Giê-su là Lời hằng hữu của Thiên Chúa đến trần gian để ‘tóm lược lời của Thiên Chúa’ bằng chính bản thân Người. Như đã được đề cập ở trên, các hình thức lời chính yếu trong Cựu Ước như lời sáng tạo, lời giao ước, lời ngôn sứ, lời khôn ngoan, lời dẫn lối chỉ đường, đều được Đức Giê-su kiện toàn trong hành trình trần thế của Người. Chúng ta có thể khẳng định rằng lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước là ‘tiềm năng’, là ‘mầm mống’, là ‘phôi thai’, là ‘chồi non’, là ‘hình ảnh’, là ‘mũi tên’, là ‘tiên báo’ hướng tới sự trọn vẹn về mục đích và ý nghĩa trong Tân Ước. Nội dung chính yếu của các sách Cựu Ước ‘hội tụ nơi Đức Giê-su’, còn nội dung chính yếu của các sách Tân Ước ‘khởi đi từ Người’. Do đó, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến tương quan giữa lời của Thiên Chúa trong toàn bộ Kinh Thánh và Đức Giê-su là Lời hằng hữu của Thiên Chúa.

Đề cập đến tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội, Công Đồng Vatican II minh định: “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa” (DV 21). Chúng ta biết rằng nói đến thân thể là nói đến thịt và máu. Nếu Kinh Thánh như chính Thân Thể Đức Giê-su thì chúng ta cần ý thức về ‘thịt’ và ‘máu’ của Kinh Thánh, tức là những gì giúp con người sống xứng đáng với phẩm giá cao trọng của mình giữa muôn vật muôn loài. Trong đời sống phụng tự, mỗi lần cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ có ‘Thịt’ và ‘Máu’ của Đức Giê-su Thánh Thể mà còn có ‘thịt’ và ‘máu’ của lời Người nữa. Chúng ta gặp gỡ Đức Giê-su nơi lời của Người cũng như Bánh và Rượu được thánh hiến và trở nên Của Ăn, Của Uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Chính Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: "Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18,19-20). Lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh thật kỳ diệu, thật nhiệm mầu so với các hình thức lời mà con người có thể tiếp cận hay có kinh nghiệm trong cuộc sống mình. Đó là lý do giải thích tại sao thánh Giê-rô-ni-mô khẳng định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Công Đồng Vatican II giải thích cách cặn kẽ hơn: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (DV 21).

Đức Giê-su, Lời của Thiên Chúa, đã biến đổi và định dạng tâm tính, thái độ và hành vi của các môn đệ Người để họ tiếp tục chương trình loan báo lời của Thiên Chúa được kiện toàn cho muôn dân muôn nước. Ngay từ buổi sơ khai, các môn đệ đã ý thức về sự cần thiết phải loan báo Đức Giê-su và lời của Người cho anh chị em đồng loại. Nội dung chính yếu của ‘Lời loan báo tiên khởi’ (Κήρυγμα/ Kerygma) là: Đức Giê-su, Lời của Thiên Chúa, đã trở nên người phàm; Người chịu chết vì tội lỗi loài người, được mai táng và ngày thứ ba chỗi dậy như lời Kinh Thánh; Người đã hiện ra với Phê-rô và các môn đệ khác. Lời loan báo tiên khởi này luôn được lưu truyền và quảng diễn trong đời sống Giáo Hội, thực thể được Đức Giê-su thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ để đồng hành với gia đình nhân loại cho đến tận thế. Là Ki-tô hữu, tất cả chúng ta được mời gọi dõi theo Đức Giê-su và hiệp thông với Người để ngày càng được biến đổi và trở thành khí cụ thuận tay Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Chúng ta có thể kết luận rằng Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Kiện Toàn Lời Chúa. Nhờ Người là Lời hằng hữu, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài. Nhờ Người, mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng như trong dòng lịch sử nhân loại được quy tụ, được kiện toàn và tiếp tục vang vọng giữa lòng nhân thế. Nhờ Người, chương trình kỳ diệu và đường lối sư phạm nhiệm mầu của Thiên Chúa được thực thi nhằm biến đổi và giải thoát con người từ thân phận nô lệ tội lỗi, nô lệ sự chết thành con cái của Ánh Sáng thường hằng bất biến, của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu. Tất cả mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đón nhận Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Lời Chúa và sống theo Đường của Người. Cùng với Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su tiếp tục đồng hành và hướng dẫn mọi người trong gia đình nhân loại. Người luôn hiện diện để làm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được lan rộng đến tận cùng trái đất, tận cùng lịch sử của thế giới thụ tạo hầu quy tụ con người và muôn vật muôn loài về với Gia Đình Thiên Chúa viên mãn.

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

WHĐ (01.8.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây