TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu Kitô -Đường kiện toàn lề luật

Thứ tư - 30/06/2021 23:55 | Tác giả bài viết: Gm Phêrô Nguyễn Văn Viên |   1014
Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (19)

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (19)

 

vn010721a

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 07 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 6 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Ở Lại. Tháng 7 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Kiện Toàn Lề Luật. Thiên Chúa ban lề luật để giúp con người thực thi thánh ý của Người trong hành trình trần thế này. Nhờ đó, con người điều chỉnh tư tưởng, lời nói, hành động của mình trong các tương quan của cuộc sống và định hướng lòng trí mình về với Quê Hương Vĩnh Cửu là Nước Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng lề luật có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như lề luật vĩnh cửu, lề luật tự nhiên, lề luật Thiên Chúa, lề luật con người, lề luật Giáo Hội, lề luật dân sự. Theo nghĩa nhân học, thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng lề luật được hiểu như là huấn lệnh hữu lý vì lợi ích chung được ban hành bởi người lãnh đạo cộng đoàn. Nói đến lề luật là nói đến tác giả lề luật, nội dung lề luật, mục đích và ý nghĩa của lề luật. Nói đến lề luật là nói đến những mệnh lệnh, cấm đoán, hình phạt, cho phép, khuyên dạy, khen thưởng. Hơn nữa, nói đến lề luật là nói đến những nguyên tắc điều tiết và cách thức hành xử của các thành viên trong hội đoàn hay tổ chức nào đó. 

Đâu là lề luật Thiên Chúa trong mặc khải Kinh Thánh? Theo các học giả, trong bối cảnh Cựu Ước, lề luật được hiểu như là: (1) Mười Giới Răn mà Thiên Chúa truyền cho Mô-sê nói lại với dân Do-thái trong sa mạc khi họ được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập (Xh 20,2-17; Đnl 5,6-21); (2) Torah/תּוֹרָה tức là năm cuốn sách đầu của Cựu Ước, còn được gọi là ‘Ngũ Thư’ (Pentateuch hay Five Books of Moses): Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật và Mô-sê được xem là tác giả của năm cuốn sách này; (3) Toàn bộ nội dung các sách Cựu Ước và (4) Tất cả những gì được viết trong các sách Cựu Ước cũng như các lề luật bất thành văn khác. Hơn nữa, truyền thống Do-thái ghi nhận lề luật gồm 613 điều, trong đó 365 điều phải tránh (negative commandments; số 365 tượng trưng cho số ngày trong năm Dương Lịch) và 248 điều phải làm (positive commandments; số 248 tượng trưng cho số các loại xương và cơ phận trong thân thể con người).

Đối với các vị lãnh đạo Do-thái thời Cựu Ước, tuân giữ lề luật Thiên Chúa là điều cần thiết để đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, Mô-sê cho dân Do-thái biết rằng tuân giữ hay không tuân giữ lề luật Thiên Chúa liên quan đến sự tồn vong của mỗi cá nhân cũng như toàn thể dân tộc: “Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả lề luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,8); “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em” (Đnl 4,1); “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh em, là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30,20). Trước khi qua đời, vua Đa-vít căn dặn con mình là Sa-lô-môn: “Cha sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua; con hãy can đảm lên và sống cho xứng bậc nam nhi. Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi” (1 V 2,2-3). Trong chương trình của Thiên Chúa, các lề luật Cựu Ước được kiện toàn nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su nơi hành trình trần thế.

Với Bài Giảng Trên Núi, sau khi công bố Các Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18). Đồng thời, Người đưa ra sáu ví dụ cụ thể để minh chứng rằng Người là Đấng kiện toàn lề luật: (1) Liên quan đến sự xung đột với người khác, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22); (2) Liên quan đến việc ngoại tình, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28); (3) Liên quan đến việc ly dị, Đức Giê-su nói: “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,31-32); (4) Liên quan đến việc thề thốt, Đức Giê-su nói: “Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người” (Mt 5,33-35); (5) Liên quan đến việc trả thù, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39); (6) Liên quan đến kẻ thù, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44).

Đức Giê-su nói Người đến để kiện toàn lề luật Mô-sê trong bối cảnh Người diễn giải chiều kích thực hành Các Mối Phúc. Theo các học giả Kinh Thánh, ‘luật Mô-sê’ mà Đức Giê-su đề cập là Ngũ Thư (Torah/Pentateuch), còn lời các ngôn sứ bao gồm Các Ngôn Sứ Tiền (từ Giô-suê tới Các Vua: Chúng ta gọi là các Sách Lịch Sử) và Các Ngôn Sứ Hậu (từ I-sai-a tới Ma-la-khi). Đây là những sách chính yếu của ‘Bộ Kinh Thánh’ thời Mát-thêu. Hơn ai hết, Mát-thêu là người Do-thái, độc giả ưu tiên của ngài cũng là dân Do-thái. Mát-thêu muốn cho những người Do-thái đã thấm nhuần Torah và lời các ngôn sứ biết rằng Đức Giê-su không phủ nhận mặc khải của Thiên Chúa nơi lề luật và lời các ngôn sứ Cựu Ước. Với Mát-thêu, Đức Giê-su là Đấng diễn tả lề luật theo nghĩa đầy đủ nhất để giúp mọi người nhận ra tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn trong lề luật của Người.

Điệp khúc ‘anh em đã nghe luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em…’ của Đức Giê-su gợi lên trong chúng ta những lời của Mô-sê đối với dân Do-thái trong sa mạc Si-nai: ‘Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây…’ (Xh 20,1). Trong khi Mô-sê gián tiếp lặp lại những chỉ dẫn của Thiên Chúa cho dân Do-thái, Đức Giê-su nói trực tiếp với những người đang lắng nghe. Người diễn tả mình là Tác Giả của lề luật được kiện toàn. Những lời nói và việc làm của Đức Giê-su cho thấy sự khác biệt giữa Người với các nhân vật uy thế trong lịch sử dân Do-thái, nhất là Mô-sê. Thật vậy, Mô-sê chỉ là trung gian truyền lại ‘lời của Thiên Chúa’, còn Đức Giê-su chính là ‘Ngôi Lời của Thiên Chúa’. Thánh Mác-cô trình thuật rằng khi Đức Giê-su giảng dạy và chữa lành người bị quỷ ám ở Ca-phác-na-um, mọi người thốt lên: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27). Uy quyền trên ma quỉ, bệnh tật và giáo lý kiện toàn của Đức Giê-su minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến, thuộc về Thiên Chúa và thực thi công việc của Thiên Chúa.

Giữa Đức Giê-su và Mô-sê có sự nối kết đặc biệt, trong đó Đức Giê-su là Mô-sê Mới công bố Các Mối Phúc là luật Thiên Chúa không chỉ cho dân Do-thái mà còn cho muôn dân muôn nước trên mặt đất này. Với Mô-sê, lề luật Giao Ước Cũ (Cựu Ước) giữa Thiên Chúa và dân Do-thái được khắc ghi trên đá; với Đức Giê-su, lề luật Giao Ước Mới (Tân Ước) được khắc ghi trong tâm hồn con người (2 Cr 3,3.6). Mô-sê nhân danh Thiên Chúa công bố lề luật cho toàn dân, còn Đức Giê-su công bố luật từ Trái Tim Người. Do đó, lề luật được Đức Giê-su kiện toàn là ‘lề luật từ trái tim đến trái tim’. So sánh giữa ‘lề luật cũ’ và ‘lề luật mới’, chúng ta thấy những sự phân biệt như sau: Lề luật cũ thiên về thể chất, lề luật mới thiên về tinh thần; lề luật cũ thiên về mệnh lệnh, lề luật mới thiên về mời gọi; lề luật cũ thiên về ràng buộc, lề luật mới thiên về tháo cởi; lề luật cũ thiên về cấm đoán, lề luật mới thiên về tự nguyện; lề luật cũ thiên về hình phạt, lề luật mới thiên về tha thứ; lề luật cũ thiên về lý trí, lề luật mới thiên về con tim; lề luật cũ thiên về quá khứ, lề luật mới thiên về tương lai.

Khi đề cập đến lề luật, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư quan tâm đến những ‘con chữ’, Đức Giê-su quan tâm đến ‘con người’. Vì quan tâm đến ‘con người’, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã trở thành ‘Con Người’ để thông phần sự sống Thiên Chúa cho mọi người. Với thánh Gio-an, Đức Giê-su không chỉ ‘mặc lấy xác phàm’, mà còn ‘trở nên người’ và cư ngụ giữa chúng ta: “Ὁ Λόγος σὰρξ ἐγένετο καὶ ἐσκήνωσεν ἐν ἡμῖν” (Ga 1,14). Thánh Phao-lô minh định: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,5). Đức Giê-su không chỉ ‘sống dưới chế độ lề luật’ mà thôi, Người hội nhập trọn vẹn trong bối cảnh của người Do-thái. Khi sinh ra, Người được ‘bọc trong tấm khăn’ và ‘nằm trong máng cỏ’ văn hóa Do-thái. Người tuân giữ các tập tục truyền thống và tôn giáo, chẳng hạn như Người tham dự các nghi thức phụng thờ Thiên Chúa tại hội đường hay lên Giê-ru-sa-lem tham dự Lễ Vượt Qua (Lc 2,41-42). 

Dưới nhãn quan của nhiều người Do-thái thời Đức Giê-su, lề luật Thiên Chúa là bền vững. Bổn phận của con người là học hỏi, suy niệm, tuân thủ lề luật. Với Đức Giê-su, Người không hề phủ nhận lề luật Thiên Chúa ban tặng dân tộc Do-thái là bền vững. Điều Người quan tâm là những người Do-thái, đặc biệt giới khoa bảng, hiểu không đúng, không đủ thậm chí hiểu sai ý Tác Giả trao ban lề luật cũng như mục đích lề luật hay quyền lợi và nghĩa vụ của những người thực thi lề luật. Một mặt, Đức Giê-su bảo tồn căn tính của lề luật được Thiên Chúa ban tặng trong Cựu Ước. Mặt khác, Đức Giê-su đề cao việc khai triển tinh thần lề luật sao cho lề luật trở thành khí cụ hữu hiệu giúp con người ngày càng sống thánh thiện hơn và các tương quan trong đời sống họ được diễn tiến phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư triển khai và thực thi lề luật theo sự chủ quan của mình. Hậu quả là lề luật trở thành gánh nặng cho nhiều người. Quả thật, họ đã “quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi” (Cv 15,10). Nói cách khác, nhân danh lề luật Thiên Chúa, nhân danh công lý, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã giải thích lề luật cách thiên kiến và tuân giữ lề luật cách máy móc. Mô-sê nói với dân Do-thái: “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4,2). Tuy nhiên, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã thêm vào nhiều điều không phù hợp và giải thích lề luật Thiên Chúa cách tự phát. Vì thế, lề luật Thiên Chúa bị bóp méo, biến dạng, kìm hãm sự phát triển con người toàn diện. Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su lên án những người Pha-ri-sêu và các kinh sư cách thẳng thắn: “Các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15,6-9) hay: “Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7,13). Người cũng nói với các môn đệ của mình: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Với những người Pha-ri-sêu và các kinh sư: (1) Lề luật Thiên Chúa trong Cựu Ước đã hoàn thành, (2) sự hiểu biết của họ về lề luật là đúng đắn, và (3) sự diễn tả và áp dụng lề luật của họ là đầy đủ. Đức Giê-su cho họ biết: (1) Ý định Thiên Chúa nơi lề luật Cựu Ước chưa hoàn thành, (2) Người đến trần gian để kiện toàn lề luật, và (3) mọi người được mời gọi đón nhận, sống và diễn tả lề luật được Người kiện toàn. Trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, khi Phi-la-tô không tìm được lý do để kết tội Người, dân Do-thái nói: "Chúng tôi có lề luật; và chiếu theo lề luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa" (Ga 19,7). Quả thực, lời nói và việc làm của Đức Giê-su không bao giờ ngược lại với lề luật và lời các ngôn sứ Cựu Ước. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư tố cáo Đức Giê-su sai phạm lề luật vì họ không hiểu được bản chất đích thực của lề luật trong chương trình của Thiên Chúa. Lề luật đáng ra đem lại sự giải thoát và ‘nâng cấp phẩm giá’ con người lại trở thành rào cản hay gánh nặng cho con người. Đức Giê-su kiện toàn lề luật để lề luật trở thành phương tiện giúp con người ngày càng sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn, đồng thời, cho phép con người nhận ra sự cần thiết để biến đổi tư tưởng, lời nói và hành động sao cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa đối với mỗi người cũng như toàn thể cộng đoàn.

Khi một người thông luật hỏi Đức Giê-su về ‘điều răn quan trọng nhất’ trong sách luật Mô-sê, Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22,37-40). Như vậy, giữa rừng lề luật và muôn hình thức chú giải, nhiều người Do-thái không biết đâu là lề luật, đâu là giới răn quan trọng nhất. Đức Giê-su đã trích hai điều trong Ngũ Thư và Người cho biết tất cả lề luật quy tụ ở đây (Đnl 6,5; Lv 19,18). Nếu chúng ta để ý thì Đức Giê-su tóm lược toàn bộ lề luật trong một từ thôi, đó là từ ‘yêu’ và từ này được diễn tả theo hình thập giá, chiều đứng là Thiên Chúa và chiều ngang là anh chị em, nghĩa là yêu Thiên Chúa, yêu con người hay nói cách ngắn gọn hơn là ‘mến Chúa yêu người’. Quả thực, trong gia đình nhân loại, chưa ai có khả năng khái quát lề luật cách ngắn gọn, đầy đủ và sâu sắc như vậy.

Một người giàu có hỏi Đức Giê-su về cách thức để ‘được sự sống đời đời làm gia nghiệp?’, Người đã nêu một số giới răn Cựu Ước như “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10,19). Anh ta thưa với Đức Giê-su rằng mình đã tuân giữ những điều đó từ thuở thiếu thời. Đức Giê-su nói với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta là người giàu có. Quả thực, Đức Giê-su muốn anh ta vượt qua chính mình, vượt qua sự nô lệ của cải vật chất để lãnh nhận gia sản quí báu là Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su khai mở và kiện toàn. Mặc dù anh ta tuân giữ lề luật Thiên Chúa cách tỉ mỉ, anh ta vẫn là người tầm thường vì bị của cải vật chất lôi cuốn không thể cưỡng lại được, khiến anh ta không thể yêu mến anh chị em mình theo ý định Thiên Chúa. Anh ta không nhận ra rằng luật của Đức Giê-su là luật yêu thương, quan tâm, chia sẻ mà Người đã nêu gương bằng chính đời sống trút bỏ, hy sinh trong hành trình trần thế của Người.

Với Đức Giê-su, không có sự mâu thuẫn, đứt quãng hay xung khắc giữa lề luật cũ và lề luật mới. Điều này có nghĩa là những gì Thiên Chúa đã thiết lập trong mặc khải Cựu Ước hay lề luật tự nhiên được tiếp tục trong Tân Ước với dung mạo mới mẻ, thuần khiết và tràn đầy sức sống nhờ sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô quả quyết: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2). Như vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng ta nhận thức được ‘sự lớn lên’ hay ‘sự trưởng thành’ của lề luật. Nói cách khác, lề luật Thiên Chúa là vĩnh cửu, nhưng là vĩnh cửu trong sự năng động của mặc khải Thiên Chúa phù hợp với nhận thức của con người qua dòng thế kỷ. Cũng như bao thực tại khác, lề luật tìm được sự viên mãn trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su (Ep 1,9-10).

Dưới ‘nhãn quan phụng tự’ của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su kiện toàn lề luật và cho mọi người biết rằng đối với Thiên Chúa: Không phải là lễ vật hiến tế mà là lòng nhân hậu, không phải là bên ngoài mà là bên trong, không phải là cho mình mà là cho người khác, không phải là chiến thắng mà là hy sinh, không phải là con chiên thanh sạch mà là Chiên Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái biện luận: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: Mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau lề luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7,27-28) hay: “Lề luật chỉ phác họa lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó. Cho nên, lề luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những ngần ấy thứ hy lễ người ta cứ dâng mãi năm này qua năm khác” (Dt 10,1). Với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi” (Dt 10,4). Nghi thức hiến tế trong Lễ Vượt Qua của người Do-thái là biểu tượng của thực tại Hiến Tế Vượt Qua được Đức Giê-su thực hiện. Nơi đây, Người diễn tả mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng kiện toàn lề luật và thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu nhờ Máu Châu Báu của Người.

Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy sống theo lề luật Người kiện toàn. Tuy nhiên, con người thường nghe theo tiếng bản năng tự nhiên nhuốm màu tội lỗi của mình hơn là ‘nghe theo tiếng ân sủng’ của Đức Giê-su. Con người vẫn quen sống với tinh thần Cựu Ước hơn là Tân Ước, với lề luật cũ hơn là lề luật mới, với cảm tính hơn là tình yêu. Qua muôn thế hệ, con người vẫn quen hành xử theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,24-25). Nhìn chung, nhịp điệu quán xuyến của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể trong gia đình nhân loại vẫn là ‘hòn đất ném đi hòn chì ném lại’, ‘ơn báo ơn, oán báo oán’, ‘yêu kẻ yêu mình, ghét kẻ ghét mình’. Trong khi đó, Đức Giê-su đề nghị: “Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5,40-41). Nói cách khác, lề luật được Đức Giê-su kiện toàn là lề luật tình yêu, không chỉ là ‘tình yêu đáp trả tình yêu’ mà còn là ‘tình yêu đáp trả hận thù’ (Lc 6,27-35).

Như đã đề cập ở trên, nói đến lề luật là nói đến tác giả lề luật, nội dung lề luật, mục đích và ý nghĩa của lề luật. Rõ ràng, với Đức Giê-su, tác giả lề luật là Tình Yêu, mục đích lề luật là tình yêu, chế tài lề luật là tình yêu, quyền lợi và nghĩa vụ của người tuân thủ lề luật cũng là tình yêu. Lề luật được Đức Giê-su kiện toàn là thế đó, tất cả đều gói gọn trong từ ‘yêu’. Thánh Gio-an, người môn đệ yêu dấu của Đức Giê-su viết: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người” (1 Ga 5,3). Cao điểm của lề luật là tình yêu hay tình yêu là luật cao cả nhất (caritas suprema lex). Nhiều người cho rằng tình yêu và lề luật tương phản hay xung khắc nhau, nhưng Đức Giê-su cho mọi người biết rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng chính là lề luật và ngược lại, lề luật Thiên Chúa cũng chính là tình yêu của Người. 

Suy niệm về giáo huấn của Đức Giê-su, thánh Phao-lô viết: “Ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Như vậy, dưới nhãn quan của thánh nhân, nơi Đức Giê-su là sự qui tụ của tình yêu và lề luật. Nói cách khác, tình yêu và lề luật nên một trong Đức Giê-su và ai tiếp cận Đức Giê-su là tiếp cận tình yêu và lề luật của Người. Với Đức Giê-su, tình yêu và lề luật không còn xung khắc nữa bởi vì cả hai đều được Đức Giê-su kiện toàn. Đức Giê-su nói rằng Người đến để kiện toàn lề luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu được rằng Đức Giê-su đến để kiện toàn tình yêu nữa, bởi vì trong gia đình nhân loại, nhiều người hiểu sai bản chất đích thực của tình yêu, đặc biệt là tình yêu Thiên Chúa. Đức Giê-su đã cho mọi người biết ý nghĩa tròn đầy của tình yêu bằng chính đời sống hy sinh, quên mình và tha thứ của Người.

Hơn ai hết, thánh Phao-lô hiểu biết lề luật được Đức Giê-su kiện toàn và giải thích lề luật này cách thấu đáo nhất. Thánh nhân cho chúng ta biết về sự trung tín của ngài đối với lề luật Cựu Ước: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Tuy nhiên, sự gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh trên đường Đa-mát giúp thánh nhân nhận ra Đức Giê-su là Đấng kiện toàn lề luật. Như thánh Mát-thêu, thánh Phao-lô minh chứng rằng Đức Giê-su không thay đổi hay làm cho lề luật Cựu Ước trở nên vô hiệu. Trái lại, Người nâng cấp, kiện toàn ý nghĩa cũng như giá trị của lề luật này. Hơn nữa, dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, lề luật được nâng cấp, kiện toàn không chỉ áp dụng cho dân Do-thái mà còn cho mọi người trong gia đình nhân loại. Nói cách khác, với Đức Giê-su, lề luật mang tính hoàn vũ, cho mọi người, trong mọi thời và khắp mọi nơi.

Thánh Phao-lô viết: “Cứu cánh của lề luật là Đức Ki-tô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Đồng thời, thánh nhân cũng viết: “Lề luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô” (Gl 3,24). Với thánh nhân, Đức Giê-su vừa là Nguồn Gốc vừa là Hội Tụ của lề luật. Như đã được đề cập ở trên, điều này có nghĩa rằng Đức Giê-su vừa là Tác Giả của lề luật vừa là Đấng kiện toàn lề luật. Người diễn tả lề luật trong đời sống và sứ mệnh trần thế của Người. Tuy nhiên, khi thánh Phao-lô viết ‘cứu cánh lề luật là Đức Ki-tô’, thánh nhân không có ý dạy rằng với Đức Ki-tô, con người không cần lề luật nữa, con người có thể tự ý làm điều mình muốn. Thực ra, điều căn bản thánh nhân dạy là với lề luật được kiện toàn nhờ Đức Giê-su, con người có được ngữ pháp để viết cuốn sách đời mình, có được bản đồ cho hành trình trần thế của mình, có được tương lai vững chắc cho niềm hy vọng của mình.

Cũng theo thánh Phao-lô, Tội Nguyên Tổ và các hình thức tội lỗi khác nảy sinh từ Tội Nguyên Tổ trong thế giới thụ tạo làm cho tâm trí con người trở nên chai cứng, khó có thể đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa hay nhận ra thánh ý Người. Tự thân, con người khó có thể đánh bại những khuynh hướng xấu trong tâm hồn mình. Kinh nghiệm của thánh nhân về điểm này là bài học cho tất cả chúng ta. Chẳng hạn, thánh nhân viết: “Vẫn biết rằng lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14-15) hay: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Thánh nhân ý thức rằng, tự thân, thánh nhân không thể chiến thắng các mưu chước cám dỗ của ma quỷ và thế giới bóng đêm, nhưng với ơn Thiên Chúa, thánh nhân có thể vượt qua tất cả: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,24-25).

Thánh Phao-lô khẳng định: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Đồng thời, theo thánh nhân: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Thánh Gia-cô-bê thì mời gọi các tín hữu thực thi lề luật Thiên Chúa để có được tự do, hạnh phúc. Ngài viết: “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,25). Đồng thời, thánh nhân khuyên bảo các tín hữu: “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do” (Gc 2,12). Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô và Gia-cô-bê cũng như các tác giả sách Tân Ước, lề luật Thiên Chúa không làm thương tổn hay suy giảm tự do của con người, trái lại, bồi bổ, nâng đỡ, hướng dẫn tự do của con người, đồng thời, giúp con người diễn tả tự do của mình cách sung mãn nhất. Nói cách khác, lề luật Thiên Chúa diễn tả sự khôn ngoan khôn dò khôn thấu của Người hầu biến đổi tự do của con người và giải thoát con người khỏi muôn hình thức nô lệ của thế giới bóng đêm, ma quỷ, sự dữ đang hoành hành trong thế giới thụ tạo (Rm 6,6; 2 Tx 2,4-6).

Đức Giê-su kiện toàn lề luật, trả lại cho lề luật bản chất đích thực vốn có, nhằm làm cho con người ngày càng được hoàn thiện hơn. ‘Lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật’ là giáo huấn chủ đạo của Đức Giê-su. Người nói: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát" (Mc 2,27-28). Mười Giới Răn, Ngũ Thư hay toàn bộ nội dung của các sách và truyền thống Cựu Ước đều đóng vai trò quan trọng trong chương trình mặc khải của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đức Giê-su đến để kiện toàn lề luật đồng nghĩa với việc Người tôn trọng lề luật và làm cho lề luật được hiểu, sống và diễn tả cách đúng đắn nhất. Với Đức Giê-su, tương lai chỉ có thể tốt đẹp khi tất cả mọi người biết tôn trọng quá khứ, biết rút ra những bài học từ quá khứ để làm cho tương lai được tốt hơn. Trong thế giới thụ tạo này những gì chúng ta gọi là tương lai rồi cũng trở thành quá khứ cho đến khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su.

Trong đời sống xã hội, ai cũng mong mỏi các hình thức lề luật do con người thiết lập từ lề luật địa phương đến lề luật hoàn vũ, từ lề luật quốc gia đến lề luật quốc tế và muôn hình thức lề luật khác được kiện toàn hầu giúp con người điều chỉnh đời sống cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, lề luật do con người thiết lập dù bất cứ dưới hình thức nào cũng không bao giờ được gọi là ‘kiện toàn’, bởi vì, đời sống con người luôn luôn biến động và lề luật cần phải biến đổi sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng hình thức lề luật nào ‘thuận ý trời’ thì bền vững, không ‘thuận ý trời’ thì tàn lụi. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, bất cứ hình thức lề luật nào trong gia đình nhân loại mà không tham chiếu ‘lề luật tự nhiên’, ‘lề luật lương tâm lành mạnh’, ‘lề luật Thiên Chúa’ thì xúc phạm phẩm giá và tự do của con người cũng như bần cùng hóa căn tính, đời sống và sứ mệnh của con người giữa các thực thể khác thuộc thế giới thụ tạo. Trong cuộc sống, nhiều thứ chúng ta gọi là nền tảng, quy luật, nguyên lý hay nguyên tắc nhưng lại trở nên vô hiệu và bị lãng quên theo dòng thời gian. Những lề luật ‘trái tự nhiên’, ‘trái ý trời’, ‘trái lương tâm lành mạnh’ sẽ mau chóng qua đi, còn những lề luật ‘thuận tự nhiên’, ‘thuận ý trời’, ‘thuận lương tâm lành mạnh’ thì luôn bền vững và tồn tại mãi mãi.

Một số người gặp không ít khó khăn khi tuân giữ lề luật Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng lề luật Thiên Chúa không bao giờ quá sức con người bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương con người và không để bất cứ ai phải lâm cảnh bi đát không thể cứu chữa. Chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta khỏi phải đương đầu với những khó khăn hay đau khổ mà còn cầu xin Người giúp sức để có thể vượt qua những nghịch cảnh đó nữa. Thiên Chúa luôn nâng đỡ chúng ta trong mọi nơi mọi lúc, miễn là chúng ta đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Người. Đức Giê-su nói: “Ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11,30). Đường Kiện Toàn Lề Luật của Đức Giê-su vừa là Đường khó đi vừa là Đường dễ đi. Đường này khó đi cho những ai lấy mình làm tiêu chuẩn, nghe theo cảm tính của mình hơn là nghe theo giáo huấn của Đức Giê-su. Đường này dễ đi cho tất cả những ai đón nhận Đức Giê-su là Chúa, là Thầy và là Bạn của mình trong hành trình trần thế này.

Đối với nhiều người, nói đến lề luật là nói đến việc phải làm điều này, phải tránh điều nọ, phải giữ điều kia. Nói đến lề luật là nói đến sự hà khắc bởi vì lề luật biến con người thành nô lệ. Quả thực, không ai muốn mình trở thành nô lệ của người nào đó, tập thể nào đó hay hiện tượng, biến cố nào đó. Mặc khải Ki-tô Giáo giúp chúng ta biết rằng lề luật Thiên Chúa đem lại niềm vui cho con người. Ba câu đầu tiên của Thánh Vịnh thứ nhất diễn tả điều này: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành” (Tv 1,1-3). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ thân thương rằng ai tuân giữ giới răn Người thì ở lại trong tình yêu Người và nhờ vậy được ở lại trong tình yêu Chúa Cha và niềm vui của họ được trở nên trọn vẹn (Ga 15,10-11).

Sau khi sống lại, Đức Giê-su gặp hai môn đệ trên đường Em-mau và nói cho họ biết về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đấng Ki-tô, đặc biệt, cho họ biết lề luật và lời các ngôn sứ đã được ứng nghiệm nơi Người (Lc 24,25-27). Trong niềm vui sướng, hai môn đệ trở về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đệ khác. Ở đây, Đức Giê-su phục sinh lại hiện ra và nói với họ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24,44). Đồng thời, Người nhắc nhở họ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,46-48). Trung tín với Đức Giê-su và giáo huấn của Người, các môn đệ đã ra đi loan báo Đường Kiện Toàn Lề Luật của Đức Giê-su cho mọi người. Hôm nay, tất cả những ai nhận Đức Giê-su là Chúa, là Thầy và là Bạn của mình cũng được mời gọi noi gương các chứng nhân tiên khởi của Đức Giê-su mà thực thi như vậy.

 

Chúng ta có thể kết luật rằng Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Kiện Toàn Lề Luật. Trong đó, lề luật Cựu Ước là nền tảng cho lề luật mà Đức Giê-su kiện toàn với tinh thần là Các Mối Phúc được thực hiện trong đức tin, đức cậy và đức mến. Lề luật này được diễn tả trong chữ ‘yêu’: Yêu Chúa và yêu người. ‘Hình ảnh thập giá của tình yêu Đức Giê-su’ được thánh Gio-an tóm lược như sau: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Với thánh Gio-an, yêu Chúa và yêu người định dạng lẫn nhau. Chính Đức Giê-su đã thực thi lề luật này cách đầy đủ và trung tín nhất. Bao lâu con người chưa hiểu được tinh thần lề luật, chưa nội tâm hóa lề luật hay chưa ý thức rằng đỉnh cao lề luật là tình yêu và cứu cánh lề luật là Đức Giê-su, bấy lâu con người vẫn chưa đi trên Đường của Người. Khi Đức Giê-su nói rằng Người đến để kiện toàn lề luật, điều này có nghĩa rằng lề luật luôn ở trong hai trạng thái tĩnh và động. Trong trạng thái tĩnh, nội dung lề luật luôn ổn định và là mô phạm điều chỉnh tư tưởng, lời nói, hành động của con người. Trong trạng thái động, lề luật được giải thích, khai triển và áp dụng cách phù hợp với tiến trình nhận thức của con người theo dòng lịch sử. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đón nhận, sống và loan báo Đường Kiện Toàn Lề Luật của Đức Giê-su cho anh chị em mình.

+ Pet. Nguyễn Văn Viên
WHĐ (01.7.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây