TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Học Hỏi Sứ Điệp Của Đại Hội Dân Chúa VN 2010 (1)

Thứ hai - 10/05/2021 09:29 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   949
Các thánh tử đạo Việt Nam vừa là gương mẫu vừa là động lực thúc đẩy Hội Thánh thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước mình.
Học Hỏi Sứ Điệp Của Đại Hội Dân Chúa VN 2010 (1)

 

 

 
 

HỌC HỎI

SỨ ĐIỆP CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA
VIỆT NAM 2010 (1)

 

 
PHẦN I
1.1. Năm thánh 2010 là kỷ niệm:
a. 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam.
b. 350 năm thiết lập 2 địa phận Tông tòa đầu tiên.
c. 30 năm bức thư chung: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
d. Chỉ a và b đúng.
e. Cả a, b và c đúng.

 
1.2. Ngày Đại hội Dân Chúa Việt Nam diễn ra tại đâu?
a. Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.
b. Tổng Giáo phận Hà Nội.
c. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang.

 
1.3. Giáo Hội Việt Nam có bao nhiêu giáo phận?
a. 24
b. 25
c. 26
d. 27

 
1.4. Đại hội Dân Chúa Việt Nam bao gồm những ai?
a. Giám mục, linh mục và tu sĩ.
b. Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
c. Linh mục, tu sĩ và giáo dân.
d. Giám mục, linh mục và giáo dân.

 
1.5. Những ngày Đại hội Dân Chúa Việt Nam được coi là gì?
a. Thời điểm của ân sủng.
b. Thời điểm của hòa giải.
c. Khởi đầu của nhập thế.
d. Khởi đầu của dấn thân hoạt động xã hội.

 
1.6. Những ngày Đại hội Dân Chúa Việt Nam được xem là gì?
a. Thành quả của Giáo Hội Việt Nam.
b. Kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam.

c. Thành quả của sự truyền giáo tại Việt Nam.
d. Kinh nghiệm tổ chức của Giáo Hội.

 
2.1. Đại hội Dân Chúa Việt Nam được khai mạc vào ngày lễ gì?
a. Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
b. Lễ Các Thánh Nam Nữ
c. Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
d. Lễ Chúa Hiển Linh

 
2.2. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng gì?
a. Giúp các dân tộc hòa giải với nhau.
b. Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
c. Giúp cho con người sống hòa bình.
d. Giúp cho con người phát triển kinh tế và xã hội.

 
2.3. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là vương quốc của sự gì?
a. Sự thật, sự sống
b. Thánh thiện, toàn phúc
c. Yêu thương, an bình
d. Chỉ a và b đúng
e. Cả a, b và c đúng

 
2.4. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng gì của Chúa Kitô?
a. Hòa giải.
b. An ủi và che chở.
c. Yêu thương và phục vụ.
d. Giải thoát con người khỏi cảnh tối tăm.


2.5. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, góp phần kiến tạo nền văn hóa gì?
a. Sự sống
b. Sự chết
c. Tiêu dùng
d. Tư bản

 
2.6. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn minh gì trên quê hương đất nước này?
a. Công bằng
b. Hòa giải
c. Tình thương
d. Dấn thấn vào việc bác ái xã hội


3.1. Để tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, đòi hỏi Hội Thánh phải làm gì?
a. Phải đổi mới không ngừng.
b. Phải dấn thân vào lĩnh vực xã hội và kinh tế.
c. Phải chăm lo cho những người di dân.
d. Phải chăm lo cho những người nghèo và bị bỏ rơi.

 
3.2. Hội Thánh tại Việt Nam phát xuất từ ai?
a. Thiên Chúa.
b. Các nhà truyền giáo.
c. Hàng Giáo phẩm Việt Nam.
d. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 
3.3. Hội Thánh tại Việt Nam xuất phát từ Thiên Chúa, sống nhờ ngài, và hướng tới ai?
a. Thiên Chúa
b. Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc con người.
c. Cộng đồng các tín hữu.
d. Những người nghèo và bị bỏ rơi.

 
3.4. Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất của Hội Thánh tại Việt Nam là gì?
a. Củng cố mối hiệp thông của mỗi người tín hữu.
b. Canh tân mối hiệp thông của mỗi người tín hữu.
c. Đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu.
d. Cả a, b và c đúng.

 
3.5. Hội Thánh tại Việt Nam củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua việc gì?
a. Cử hành thánh thể.
b. Đời sống cầu nguyện.
c. Lắng nghe Lời Chúa.
d. Chỉ a và c đúng.
e. Cả a, b và c đúng

 
3.6. Điều gì phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam?
a. Học hỏi Lời Chúa.
b. Việc cử hành Thánh Thể.
c. Sống bác ái công bằng.
d. Dấn thân phục vụ người nghèo.

 
3.7. Để trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam, việc cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng việc gì?
a. Đào sâu chân lý đức tin.
b. Suy niệm Lời Chúa.
c. Cầu nguyện.
d. Chỉ a và b đúng.
e. Cả a, b và c đúng.

 
3.8. Đây là ước muốn của Hội Thánh tại Việt Nam trong những năm sắp tới.
a. Giúp cho con người thăng tiến trong đời sống xã hội.
b. Tạo sự công bằng giữa mọi người.
c. Giúp các tín hữu hòa đồng vào xã hội.
d. Phổ biến và học hỏi Lời Chúa.

 
3.9. Ước mong của Hội Thánh trong những năm sắp tới là để Lời Chúa thực sự trở nên điều gì?
a. Kim chỉ nam của các tín hữu.
b. Ánh sáng soi dẫn mọi quyết định của các tín hữu.
c. Chọn lựa của các tín hữu
d. Chỉ a và b đúng.
e. Cả a, b và c đúng.

 
3.10. Khi học hỏi Lời Chúa là để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng điều gì?
a. Trí khôn
b. Lòng mến
c. Tâm hồn
d. Tri thức

 
 
4.1. Hội Thánh tại Việt Nam phải làm gì với văn hóa và lịch sử của dân tộc mình?
a. Nhập thể.
b. Trung dung.
c. Đào sâu.
d. Loại trừ.

 
4.2. Những ai là người đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng?
a. Những người thực dân pháp.
b. Những người Công giáo.
c. Những người Phật giáo.
d. Nhà cầm quyền Bắc thuộc Trung Hoa.

 
4.3. Người Công giáo đã đem những giá trị nhân văn gì vào đời sống xã hội?
a. Tôn trọng sự sống.
b. Tôn trọng phẩm giá con người.
c. Sống bình đẳng và bác ái.
d. Chỉ a và b đúng.
e. Cả a, b và c đúng.

 
4.4. Người Công giáo đã đem những giá trị nhân văn như tinh thần phục vụ, hy sinh vào đời xã hội. Đúng hay sai?
a. Đúng
b. Sai

 
4.5. “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo Việt Nam là 1 đòi hỏi của ... ... ... ?
a. Phúc Âm
b. Cộng đoàn
c. Giáo Hội
d. Xã hội

 
4.6. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội Thánh mong muốn phục vụ những ai?
a. Những người Công giáo Việt Nam.
b. Những người di dân.
c. Tất cả mọi người dân.
d. Những gia đình trẻ.

 
4.7. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội Thánh có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân trong tinh thần gì?
a. Đối thoại.
b. Hợp tác.
c. Tôn trọng lẫn nhau.
d. Cả a, b và c đúng.

 
4.8. Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Đây là lời của ai?
a. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI
b. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
c. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII
d. Đức Giáo hoàng Phaolô VI

 
4.9. Theo ý Đức Thánh Cha Bênêđíctô, để trở thành 1 người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, đời sống của chúng ta được xây dựng trên nền tảng gì?
a. Sự liêm chính.
b. Đức ái.
c. Việc quý trọng công ích.
d. Chỉ a và b đúng.
e. Cả a, b và c đúng.

 

4.10. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội Thánh có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ những ai?
a. Những người Kitô hữu
b. Tất cả mọi người dân.
c. Những người có thiện cảm với Kitô giáo.
d. Những người nghèo bị bỏ rơi.

 
 


LỜI GIẢI
SỨ ĐIỆP
CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

PHẦN I
1.1. d. Chỉ a và b đúng.
1.2. a. Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.
1.3. c. 26
1.4. b. Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
1.5. a. Thời điểm của ân sủng.
1.6. b. Kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam.

 
2.1. c. Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
2.2. b. Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
2.3. e. Cả a, b và c đúng
2.4. c. Yêu thương và phục vụ.
2.5. a. Sự sống
2.6. c. Tình thương


3.1. a. Phải đổi mới không ngừng.
3.2. a. Thiên Chúa.
3.3. a. Thiên Chúa
3.4. d. Cả a, b và c đúng.
3.5. e. Cả a, b và c đúng
3.6. b. Việc cử hành Thánh Thể.
3.7. e. Cả a, b và c đúng.
3.8. d. Phổ biến và học hỏi Lời Chúa.
3.9. e. Cả a, b và c đúng.
3.10. c. Tâm hồn

 
4.1. a. Nhập thể.
4.2. b. Những người Công giáo.
4.3. e. Cả a, b và c đúng.
4.4. a. Đúng
4.5. a. Phúc Âm
4.6. c. Tất cả mọi người dân.
4.7. d. Cả a, b và c đúng.
4.8. a. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI
4.9. e. Cả a, b và c đúng.
4.10. b. Tất cả mọi người dân.

 
 
 NGUYỄN THÁI HÙNG
 
 
 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

 
 

SỨ ĐIỆP

CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010


1. Trong Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010, tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM. Hiện diện tại đại hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.

Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về đây như anh chị em dưới một mái nhà, đây chính là thời điểm của ân sủng và kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam. Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này. Đồng thời, ý thức rằng trong suốt thời gian Đại hội, được anh chị em tín hữu công giáo tại Việt Nam cũng như hải ngoại luôn đồng hành trong lời cầu nguyện và qua những ý kiến đóng góp cho Đại hội, xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.

2. Đại hội Dân Chúa được khai mạc trọng thể vào ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 21-11-2010, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn với sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu. Cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ để khai mạc Đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là “vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và toàn phúc, vương quốc công chính, yêu thương và an bình” [1]. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.

3. Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam. Chúng tôi xác tín rằng Hội Thánh tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Ngài và hướng tới Ngài [2]. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu.

4. Đại hội cũng xác tín rằng để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người công giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường công giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người công giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh. Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” [3]. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” [4]. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ tất cả chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” [5].

5. Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Trong những ngày Đại hội, chúng tôi cảm nghiệm được bầu khí hiệp thông huynh đệ này khi mọi thành phần Dân Chúa sống chung với nhau như anh chị em trong một gia đình, cùng lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và suy tư về Hội Thánh qua các bài thuyết trình, tham luận và hội thảo, với thao thức xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn. Sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội chị em lại mở rộng hơn nữa chân trời hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô. Ước mong bầu khí huynh đệ này được trải rộng và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt Nam ở mọi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận.

Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình. Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện. Đối với các bạn trẻ, xin các bạn nhiệt thành tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh để đem sức sống và sự tươi trẻ cho đời sống Hội Thánh. Gia đình và giáo xứ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các đức tính nhân bản cho thiếu nhi, để sau này trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Hội Thánh. Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội. Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác.

6. Để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam. Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình” [6], nên hơn ai hết, người công giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội [7], nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc.

7. Đối chiếu với sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu: “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14), chúng tôi nhìn nhận mình còn nhiều lỗi lầm thiếu sót, vì thế khiêm tốn xin Chúa và anh chị em trong cũng như ngoài Hội Thánh tha thứ cho. Hội Thánh cũng nhớ đến biết bao khổ đau, bất công, bách hại đã phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình, không phải để nuôi dưỡng oán thù nhưng để tha thứ và cầu nguyện cho những người đã bách hại Hội Thánh, theo gương Chúa Kitô là Đấng đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong sự khó nghèo và bị bách hại [8]. Các thánh tử đạo Việt Nam vừa là gương mẫu vừa là động lực thúc đẩy Hội Thánh thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước mình.

8. Đại hội Dân Chúa Việt Nam kết thúc nhưng lại mở ra cho những bước chân hi vọng, niềm hi vọng được khơi nguồn và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả những ý kiến của Đại hội sẽ được đúc kết thành những đề nghị, là chất liệu chính của văn kiện hậu Đại hội, nhằm đưa ra những định hướng và kế hoạch mục vụ của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh 22,20). Đây vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khao khát và hi vọng của Đại hội. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình công giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam chúng con. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.

Làm tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM.,

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2010

–––––––––––––––––––––––––––
[1] Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua.
[2] Xem Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010. Cũng xem Tài Liệu Làm Việc, số 2.
[3] Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[4] Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịp Ad Limina 2009.
[5] Như trên.
[6] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010.
[7] Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác Ái trong Chân Lý, số 4-6.
[8] Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, số 8.

Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010
 
NGUỒN : http://www.hdgmvietnam.org/su-diep-cua-dai-hoi-dan-chua-viet-nam-2010/2380.63.8.aspx

http://www.hdgmvietnam.org/su-diep-cua-dai-hoi-dan-chua-viet-nam-2010/2380.63.8.aspx

Nguồn: 
 WHĐ
 Tags: vhgl vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây