TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 18/11/2022 18:53 |   921
Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.” (Mt 12, 49)

21/11/2022
THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ dâng mình

Đức Mẹ dâng mình

Mt 12, 46-50


THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CHÚA
Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.” (Mt 12, 49)

Suy niệm: Đức Ma-ri-a dâng mình trong Đền thánh theo thói quen đạo đức thời ấy để có thể thuộc trọn vẹn về Chúa ngay từ những tháng ngày thơ ấu của mình. Dâng mình cho Chúa là đặt đời mình trong tay Chúa, dưới sự hướng dẫn, điều động của Ngài. Vì lẽ đó không lạ gì sau này Đức Ma-ri-a mau mắn nói tiếng “Xin vâng,” vui lòng chấp nhận làm Mẹ Con Thiên Chúa, rồi “vội vã” lên đường giới thiệu Chúa cho người chị họ Ê-li-sa-bét. Nếu không được chuẩn bị tâm hồn từ trước, Mẹ sẽ rất đắn đo, thậm chí khó lòng thuận theo ý muốn viễn tưởng đó dù từ Thiên Chúa trên trời. Sự vâng theo thánh ý Chúa ấy là mẫu gương cho các tín hữu, đồng thời cũng liên kết Mẹ với các phần tử khác trong đại gia đình Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chúng ta không được sinh ra – theo huyết thống – để trở thành anh chị em ruột thịt của Thiên Chúa; nhưng chúng ta được phép trở thành người nhà của Ngài khi lắng nghe, tuân giữ và đem ra thực hành những điều Chúa dạy bảo. Chúa biến đổi bạn, từ người xa lạ, trở nên người thân của Ngài, được thông phần gia nghiệp sự sống đời đời. Bạn hãy luôn cảm tạ Ngài.

Sống Lời Chúa: Được chọn gọi để trở thành môn đệ Đức Ki-tô, con cái Thiên Chúa, ta phải suy nghĩ về ân huệ cao quí này và luôn để tâm làm những điều đẹp ý Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, noi gương Mẹ Ma-ri-a, hôm nay con xin tận hiến toàn thân để thuộc trọn về Chúa là gia nghiệp đời con. Xin cho con luôn ý thức từ tâm khảm mọi điều con nghĩ, mọi việc con làm, mọi lời con nói, đều cho thấy Chúa đang ở trong con. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

 

t2 t34 TN

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 1, 1-6. 8-20

“Không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria”.

Khởi đầu sách Tiên tri Ðaniel.

Năm thứ ba triều đại vua Gioakim nước Giuđa, Nabukô-đônôsor, vua Babylon, tiến đến vây hãm Giêrusalem. Chúa trao vua Gioakim nước Giuđa và một phần đồ vật dùng trong đền thờ Chúa vào tay ông: Ông mang các đồ vật ấy về chùa thần minh của ông trong đất Sennaar và trong kho báu thần minh của ông.

Vua truyền cho quan thái giám Asphênez dẫn về hoàng cung các con cái Israel, các người thuộc hoàng tộc và gia đình quyền quý, các thiếu niên không tàn tật, tuấn tú, đầy khôn ngoan, thông minh, sáng trí, xứng đáng sống trong hoàng cung, để dạy văn chương và ngôn ngữ người Calđêa cho các cậu. Vua quy định mỗi ngày cho các cậu ăn đồ của vua ăn, và uống rượu vua uống, để sau ba năm nuôi dưỡng như vậy, các cậu có thể hầu cận trước mặt vua. Trong số các cậu thuộc dòng dõi Giuđa, có Ðaniel, Anania, Misael, và Azaria.

Ðaniel dốc lòng không để cho đồ vua ăn và rượu vua uống làm cậu ra ô uế, và xin quan thái giám đừng làm cho cậu ra ô uế. Thiên Chúa đã ban cho Ðaniel được ân huệ và lòng thương trước mặt vị tổng thái giám. Vị này bảo Ðaniel rằng: “Tôi sợ đức vua, Người đã quy định thức ăn và của uống cho các cậu rồi. Nếu Người xem thấy nét mặt các cậu xanh xao hơn đồng bạn, thế là các cậu nạp đầu tôi cho đức vua rồi”. Ðaniel nói với Malasar, kẻ được vị tổng thái giám chỉ định coi sóc Ðaniel, Anania, Misael và Azaria: “Tôi xin ông thử cho chúng tôi, là các tôi tớ ông, ăn rau và uống nước lã, rồi ông ngắm xem nét mặt chúng tôi và nét mặt những đứa dùng lương thực của đức vua; ông thấy sao, thì hãy đối xử với các tôi tớ ông như vậy”. Nghe nói thế, ông để thử chúng trong mười ngày. Sau mười ngày, nét mặt bốn cậu trở nên xinh tươi béo tốt hơn mọi thiếu niên dùng lương thực của nhà vua. Malasar cất đồ ăn và rượu uống của các cậu, rồi cho các cậu ăn rau.

Thiên Chúa ban cho các cậu này được thông minh, hiểu biết mọi sách vở và khôn ngoan; phần Ðaniel lại thông hiểu các thị kiến và chiêm bao. Ðến hết thời gian vua chỉ định, vị tổng thái giám dẫn các cậu đến trước mặt vua Nabukôđônôsor. Khi nói chuyện với các cậu, vua thấy mọi người không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria. Các cậu đứng trước mặt vua. Vua hỏi các cậu về sự khôn ngoan và thông minh, thì thấy các cậu giỏi hơn gấp mười lần các thuật sĩ, đồng bóng trong cả nước của vua.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.

Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5

“Tên của Ðức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 1-4

“Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

CẦN CÓ CÁI NHÌN CỦA CHÚA (Lc 21, 1-4)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Sau khi Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ bằng việc đánh đuổi con buôn để trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng đúng nghĩa. Hôm nay, Đức Giêsu tiến xa hơn khi nói đến tâm hồn của con người trong việc thực hành niềm tin tôn giáo. Vì thế, Ngài đã thay đổi quan niệm xưa khi cho rằng: một người được Thiên Chúa chúc phúc là một người đông con nhiều cháu, đoàn xúc vật và của cải nhiều… Đây là não trạng mang đậm truyền thống của tiền nhân nơi những người Dothái đương thời với Đức Giêsu. Lối suy nghĩ này còn bén rễ sâu vào khái niệm dâng cúng tiền bạc trong đền thờ. Họ cho rằng: ai dâng cúng nhiều thì dấu chỉ người đó được nhiều ơn…, bởi thế, ở gần hòm tiền, luôn có người phụ trách xướng lên lớn tiếng số lượng mỗi người dâng để cho mọi người biết.

Thấy thế, Đức Giêsu đã xóa bỏ quan niệm đó và mặc cho nó một ý nghĩa sâu xa được khởi đi từ tấm lòng chân thành chứ không phải là những vật phẩm bề ngoài.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay hiện lên hình ảnh của một bà góa nghèo. Bà được Đức Giêsu đề cao vì đã dâng tất cả những gì mình có. Thật vậy, bà không có nhiều tiền, nhưng bà có tấm lòng bao la. 2 đồng tiền nhỏ mà bà bỏ vào thùng không đáng gì so với những đồng tiền của giới nhà giàu dâng cúng. Tuy nhiên đây là cả gia sản hiện tại của bà. Thấy được nghĩa cử cao quý đó, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi: “Ta bảo thật anh em, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm nhiều hơn mọi người”.

Khi đề cao bà góa nghèo như vậy, Đức Giêsu đã không chú ý đến số lượng, mà Ngài đã đề cao phẩm chất. Sự ca ngợi của Đức Giêsu dành cho bà làm toát lên cái nhìn của Thiên Chúa. Ngài nhìn từ bên trong tâm hồn, trong khi con người thì lại nhìn từ những cái bên ngoài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: tấm lòng của con người mang tính quyết định chứ không phải những gì bên ngoài. Giá trị tâm linh thì quan trọng hơn lễ vật. Nếu dâng cúng nhiều mà không có tấm lòng yêu thương, bác ái thì chỉ là một cách phô trương mà thôi.

Mặt khác, với cái nhìn của Đức Giêsu cho chúng ta thấy: đừng vì bề ngoài mà xét đoán anh chị em mình tốt hay xấu. Cũng đừng vì tiền mà thay đổi thái độ trắng đen và phân biệt đối xử, hoặc đừng vì những thứ bề ngoài mà an tâm rằng ta được phúc hơn người!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương bà góa nghèo để đến với Chúa bằng tấm lòng chân thành trong sự yêu mến. Xin Chúa cũng ban cho chúng con có cái nhìn như Chúa để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ dâng mình

Ca nhập lễ

Lạy Thánh Mẫu, chúng tôi kính chào Mẹ, là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời.

Hoặc đọc:

Lạy Đức Trinh Mữ Maria, phúc thay đã cưu mang Đấng tạo thành muôn vật, đã sinh ra Đấng tác tạo Mẹ, và Mẹ sẽ còn đồng trinh đến muôn đời.

Hoặc đọc:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã được Chúa là Thiên Chúa tối cao, chúc phúc hơn mọi người nữ trên địa cầu; vì Người đã cao rao danh Mẹ như thế, nên lời khen ngợi Mẹ luôn luôn ở miệng loài người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con họp mừng Ðức Trinh Nữ Maria vinh hiển. Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu và ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Dcr 2, 14-17

Lời Chúa trong sách Dacaria

Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến ở lại giữa ngươi, – sấm ngôn của Đức Chúa.

Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi. Bấy giờ, (các) ngươi sẽ nhận biết rằng Đức Chúa các đạo binh đã phái tôi đến với (các) ngươi. Đức Chúa sẽ lấy Giuđa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, Bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Alleluia: Lc 1,28

Alleluia, alleluia!- Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 46-50

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu

Một hôm, khi Đức Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy. Người bảo kẻ ấy rằng: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Con Một Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại, ước gì Người ban ơn trợ giúp chúng con. Xưa khi Người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến, nay ước gì Con Một Chúa cũng giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ

Ca hiệp lễ

Phúc thay lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã cưu mang Con Đức Chúa Cha hằng có muôn đời.

Hoặc đọc:

Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là Thánh.

Hoặc đọc:

Muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, vì Thiên Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hoan hỷ cử hành thánh lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria và được ăn bánh bởi trời. Xin cho chúng con biết noi gương Ðức Trinh Nữ rất thánh mà hết lòng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
 

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Đức Mẹ Dâng mình trong đền thờ bắt nguồn ở phương Đông; lễ này có liên quan tới ngày kỷ niệm lễ Cung hiến thánh Đường Đức Mẹ (Sainte-Marie-la-Neuve) (21 tháng 11 năm 543), thánh đường này được hoàng đế Justinien (527-565) xây dựng tại Giêrusalem gần Đền thờ và bị quân Ba Tư phá huỷ năm 614.

Giáo Hội phương Đông liên kết sự kiện này với lễ kính nhớ sự kiện mà Giáo Hội Byzantine gọi là việc “Đức Mẹ Thiên Chúa vào đền thờ”. Lễ này là lễ bậc 2 đối với người Hi Lạp, bậc 1 đối với người Slavơ, được mừng trong 6 ngày (20-25 tháng 11) và hình như lấy ý tưởng từ Ngụy thư thánh Giacôbê, được viết giữa thế kỷ II. Tác phẩm này cũng có tên là Lịch sử của thánh Giacôbê về việc Đức Maria sinh ra, và kể rằng Đức Mẹ, hồi thơ ấu, đã được dâng vào Đền thờ và sống ở Đền thờ cho tới năm 12 tuổi. “Vị tư tế đón nhận ngài, chúc phúc và nói: Đức Chúa đã tôn vinh danh ngài qua mọi thế hệ. . .Đức Chúa đã ban tràn ơn phúc cho ngài, và ngài nhảy mừng, và toàn thể nhà Ítraen yêu mến ngài. . .” (Ngụy thư Giacôbê).

Ở phương Tây, người ta đã cử hành lễ này từ thế kỷ IX trong các tu viện đông phương ở miền nam nước Ý, rồi từ đó truyền sang nước Anh vào thế kỷ XI. Nhưng mãi đến năm 1373 giáo triều Rôma ở Avignon mới bắt đầu cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, nhờ Philipe de Mézière, hiệp sĩ người Pháp từng cư trú ở phương Đông và muốn mình là người truyền bá việc tôn sùng này ở phương Tây, với mục đích thiết lập sự hiệp nhất với người Hi Lạp. Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1370-1378) cho phép cử hành thánh lễ này với giờ kinh phụng vụ riêng; và năm 1472, Đức Giáo Hoàng Sixte IV mở rộng lễ này cho Giáo Hội công giáo toàn cầu với một phụng vụ giờ kinh riêng trong sách nguyện.

Các bài giảng về lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ rất nhiều. Các bài giảng đích thực đầu tiên có lẽ là của thánh Germain, giáo phụ Constantinople (715-730) và của André de Crète († 740). Vào thế kỷ XI có: Tarasios, giáo chủ Constantinople († 806), Basile de Philippes và Georges de Nicomédie.

Các tranh ảnh thánh cũng rất nhiều, lấy hứng từ các tác phẩm nguỵ thư, mô tả Đức Mẹ đứng trên bậc Đền thờ: tranh ghép của Daphni, tranh trang trí sách Menologe de Basile (Vatican, thế kỷ XI), tranh dầu của Giotto (Pađua), Carpaccio (Milan), Titien (Venise), tượng điêu khắc của V. Stoss (Cracovie). Một bức tranh khắc trên gạch lát (thế kỷ V) được giữ trong nhà thờ hầm Saint-Maximin de Provence, mô tả “Đức Trinh Nữ Maria phục vụ trong Đền thờ Giêrusalem”.

II. Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ lễ Đức Mẹ Dâng Mình không dừng lại ở những bài tường thuật nguỵ thư, nhưng làm sáng tỏ ý nghĩa thần học và thiêng liêng của nó.

Lời Nguyện của ngày nói đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ, để ngài xin cho chúng ta được “sống hạnh phúc ở đời này” trước mặt Thiên Chúa. Bài đọc I (Cn 8, 22-31) cũng gợi lên cùng ý tưởng đó: . . . Ta đã hiện diện ở bên Người. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

“Giá trị gương mẫu cao vời” của việc Đức Mẹ Dâng Mình (x. Marialis Cultus 8) cũng nhấn mạnh ơn gọi và phẩm giá của Đức Maria. Nhờ việc hoàn toàn sống trước sự hiện diện của Chúa và giữ mình trinh khiết, ngài cũng trở thành “Mẹ Thiên Chúa, Đền Thờ Đấng Tối Cao, Nhà Ở của Chúa Thánh Thần” (điệp ca của Magnificat). Chính nơi ngài, Lời của Thiên Chúa được thể hiện (điệp ca của Benedictus).

Bài giảng của thánh Augustin trong Giờ Kinh Sách mô tả sự vĩ đại của Đức Maria trong tư cách “môn đệ Chúa Kitô”. “Đối với Đức Maria, là môn đệ Chúa Kitô quan trọng hơn là Mẹ Chúa Kitô … Ngài đã nghe lời Thiên Chúa và đã ôm ấp Lời ấy …Tâm hồn ngài đã giữ gìn chân lý hơn là lòng dạ ngài giữ gìn xác thể. Chân lý, đó là Đức Kitô trong tâm hồn Đức Maria; xác thể, đó là Đức Kitô trong lòng dạ Đức Maria. Điều ở trong tâm hồn thì lớn hơn điều ở trong lòng dạ.”

Còn chúng ta, làm thế nào trở thành “mẹ Chúa Kitô ?” Thánh Augustin trả lời bằng Tin Mừng: Ai nghe và làm theo ý của Cha thầy, người ấy là anh em, chị em, và là mẹ thầy ».

Sau cùng, việc Đức Mẹ Dâng Mình là một biểu tượng của việc hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa, nên sự kiện này cũng được hiểu như một mẫu mực cho việc chuẩn bị đời sống tu trìb hay thánh hiến. Noi gương cha Olier (1608-1657), vị sáng lập hội các cha Xuân Bích, nhiều nhà giáo dục đã đề nghị lấy mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình làm mẫu mực hoàn hảo cho sự thánh hiến.

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây