TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 15/11/2022 04:37 |   1351
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19, 41)

17/11/2022
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Êlisabeth Hunggari

t5 t33 TN

Lc 19, 41-44


CHUNG THÂN PHẬN NGƯỜI
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19, 41)

Suy niệm: Đối với Đức Giê-su, Giê-ru-sa-lem không chỉ là bầu trời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của những lần cùng cha mẹ lên đền hành hương. Đây còn là “nhà cầu nguyện”, “nhà Cha của Ngài” (x. Lc 19, 46; Ga 2, 16), là nơi Ngài phải đến để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha (x. Lc 13,33; 18, 31). Hôm nay, khi trông thấy đền thánh huy hoàng tráng lệ, Chúa Giê-su lại khóc. Dù là Thiên Chúa, Ngài đã khiêm hạ mặc lấy thân phận con người (x. Pl 2, 7) nên Ngài thấu hiểu, cảm thông “mọi nỗi yếu hèn của chúng ta” (x. Hr 4,15). Nhưng Đức Giê-su không chỉ “khóc” như một cảm xúc theo tính tự nhiên. Ngài “khóc” vì dân riêng của Chúa thờ ơ trước sứ điệp bình an Ngài đem lại; Ngài “khóc” vì họ đã “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm.”
Mời Bạn: Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa”. Đức Ki-tô sống trọn kiếp người để đồng cảm với những khổ đau của chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn thí mạng sống mình trên thập giá để giành lại cho chúng ta sự sống và chức vị làm con cái Chúa. Ngài yêu thương và thân cận với chúng ta như thế, vậy bạn còn ngần ngại gì mà không bày tỏ với Ngài mọi nỗi niềm, để Ngài giúp bạn biết cách hành động thế nào cho xứng tầm là con cái Chúa.
Sống Lời Chúa: Trước khi làm hoặc nói điều gì, bạn tự hỏi trong trường hợp này Chúa sẽ hành động như thế nào. Và bạn hãy hành động như Chúa soi sáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người để con được làm con Chúa. Xin cho con luôn hành động như người con thảo của Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Êlisabeth Hunggari

Ca nhập lễ

Chúa phán: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến: vì xưa Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bảo thật các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong  các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Êlisabet nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi người nghèo khổ. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà ban cho chúng con luôn hết lòng mến yêu phục vụ những ai đang lâm cảnh khốn cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin chấp nhận của lễ Hội Thánh Chúa dâng tiến; này chúng con đang cùng nhau tưởng niệm tình yêu vô biên của Con Một Chúa, xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh Êlisabet để lại. Nhờ đó tình yêu của chúng con đối với Chúa cũng như đối với nhau ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Hoặc đọc:

Chúa nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng thương yêu nhau.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa nhờ Thánh lễ chúng con vừa hiệp thông, Chúa đã cho chúng con thêm sức mạnh. Xin giúp chúng con noi gương thánh Êlisabet mà sống với Chúa cho trọn tình con thảo và sống với nhau cho trọn nghĩa anh em. Chúng con cầu xin...

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Élisabeth qua đời tại Marbourg, Thuringen (nước Đức) đêm ngày 16 rạng ngày 17 tháng 11 năm 1231. Bốn năm sau, 1235, ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh, và năm 1274 được ghi vào lịch phụng vụ Rôma. Cùng với thánh Louis nước Pháp, ngài được chọn làm bổn mạng Dòng Ba Phanxicô.

Sinh năm 1207 ở lâu đài Saros Patak, Élisabeth là công chúa của vua Anđrê II nước Hungari. Từ 4 tuổi đã được đính hôn với thái tử Louis IV của Thuringen (nước Đức), lúc đó thái tử 11 tuổi, và kết hôn với thái tử khi cô 14. Hai vợ chồng được ba người con: Hermann (1222), Sophie (1224) và Gertrude (1227). Năm 1227 chồng bà Élisabeth tử trận tại Brindisi (Ý) khi tham gia thập tự chinh. Trở thành goá phụ, bà Élisabeth bỏ lâu đài Wartburg trong hoàn cảnh cô cùng khó khăn, để hiến mình hoàn toàn cho các công cuộc bác ái. Năm 1228, bà mở một bệnh viện ở Marbourg và chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ người nghèo. Ba năm sau, người góa phụ thánh thiện này qua đời, lúc đó bà mới hai mươi bốn tuổi, để lại tiếng tăm vang dội về sự thánh thiện.

Các tranh ảnh về thánh nữ Élisabeth rất phong phú và đã góp phần truyền bá sâu rộng lòng tôn sùng ngài. Một bức tranh khắc vào thế kỷ XIII, còn lưu trữ tại Marbourg nơi ngài được an táng, mô tả những thời kỳ của cuộc đời ngài. Bức Phép Lạ Hoa Hồng được trình bày rất độc đáo bởi Cavallini (Napôli). Simone Martini đã vẽ hình thánh nữ trong vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assise: Ông diễn tả thánh nữ đầu đội vương miện và bận y phục hoàng hậu. L. Vanni (Washington), Van Eyck (New York), và H. Holbein (Munich) vẽ hình thánh nữ trên những khung cửa kính nhà thờ.

Thông điệp và tính thời sự

Thánh Élisabeth đã biết “nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi những người nghèo” (Lời Nguyện của ngày). Sống vào thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu đậm của gương sáng và lời nói của thánh Phanxicô Assise (1181-1226), vị thánh nữ trẻ tuổi đã sớm bị chinh phục bởi tinh thần Phanxicô. Là người mẹ gương mẫu và người vợ hoàn hảo, ngài còn dành rất nhiều thời giờ cho những người nghèo khổ, khiến ai ai cũng nhắc đến lòng bác ái của ngài.

Tình thương ngài dành cho các người nghèo khổ, bệnh tật chỉ là kết quả của sự giàu có nội tâm và tinh thần chiêm niệm của ngài. Cha Conrad de Marbourg, linh hướng của ngài, nói về ngài trong một lá thư viết năm 1232 như sau: “Tuy bà có nhiều công cuộc trong đời sống hoạt động, nhưng tôi quả quyết trước mặt Thiên Chúa, tôi hiếm thấy một phụ nữ nào có tinh thần chiêm niệm hơn bà.”

Chính tinh thần này là nguồn vui cho thánh nữ. Ngài nói: “Tôi không muốn làm Chúa khiếp sợ vì một vẻ mặt thiểu não. Chắc chắn Người thích trông thấy tôi vui tươi, bởi vì tôi yêu Người và Người yêu tôi.” Cha linh hướng của ngài còn nói về ngài như sau: “Rất đông tu sĩ, nam nữ, nhiều lần trông thấy bà khi kết thúc giờ kinh nguyện thinh lặng, vẻ mặt bà rạng rỡ tuyệt vời, và đôi mắt bà sáng ngời như ánh mặt trời.”

Lá thư của cha Conrad de Marbourg trong bài đọc Giờ Kinh Sách là một bức họa chân dung thánh nữ Élisabeth Hungari, đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần phúc âm của việc đền tội và từ bỏ: “Ngày thứ sáu tuần thánh, bà đặt hai tay lên bàn thờ của một nhà nguyện trong thành phố của bà, bà từ bỏ ý riêng, mọi sự phù phiếm thế gian, và tất cả những gì mà trong Tin Mừng Chúa đã dạy chúng ta từ bỏ.” Sau khi xây một bệnh viện ở Marbourg, bà chăm sóc các người ốm đau tật nguyền ở đó, cho những người nghèo khổ và bị khinh dể nhất đến dùng bữa với bà.

Thánh nữ Élisabeth đã chết vì kiệt lực khi còn rất trẻ, mới chỉ 24 tuổi, để lại mọi của cải cho người nghèo. Chứng tá của ngài về đời sống Phan-sinh, tình thương những người nghèo khổ, lòng khiêm nhường và kiên nhẫn trong các thử thách đã được tưởng thưởng và xác nhận qua rất nhiều phép lạ của ngài. Lòng tin nồng cháy và tinh tuyền của ngài vào Đức Kitô mà ngài thờ lạy trong chiêm niệm, yêu mến và phục vụ trong những người hèn kém nhất, đã làm cho thánh Élisabeth Hungari trở thành một mẫu gương thánh thiện đáng ngưỡng mộ, vẫn còn chiếu toả hoàn hảo cho chúng ta ngày hôm nay.

Enzo Lodi

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 2, 15-29

“Chúng tôi tuân theo lề luật cha ông chúng tôi”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: “Ông là thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban cho vàng bạc và ân huệ khác”. Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng: “Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi, chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi, kẻo chúng tôi đi theo con đường khác”.

Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.

Ðoạn Mathathia kêu lớn tiếng khắp trong thành phố rằng: “Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!” Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Xướng: Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng.

Xướng: Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán.

Xướng: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10

“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

“Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. 

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 41-44

“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TẠI SAO CHÚA KHÓC THƯƠNG THÀNH GIÊRUSALEM? (Lc 19, 41-44)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta cũng chứng kiến nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi… Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng!

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai qua sự đổ nát do đế quốc Rôma gây nên vào năm 70 Công Nguyên.

Nhưng có lẽ, điều làm cho Đức Giêsu đau lòng hơn cả chính là dân thành này đã khước từ chính Ngài là nguồn ơn cứu độ. Không tuân giữ những lời dạy của Ngài, không hề để ý đến những hành vi tội lỗi của mình để sám hối ăn năn… Ngược lại, họ luôn tự hào mình là dân tộc ưu tuyển, nên đương nhiên được hưởng những quyền đặc lợi cho riêng mình. Chính sự tự hào này đã giam hãm con người và thái độ của họ trong sự ích kỷ, nên không thể đón nhận được ơn lành của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến luật Chúa và cùng nhau chung tay xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính đời sống chứng tá của mình. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây