TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 03/02/2023 20:39 |   654
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm vào tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6, 56)

06/02/2023
THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

t2 t5 TN

Mc 6, 53-56


QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC KI-TÔ
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm vào tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6, 56)

Suy niệm: Lời đầu tiên trong Kinh Tin Kính là lời tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng. Đức Giê-su Ki-tô trong khi thi hành sứ vụ cứu thế đã thể hiện quyền năng qua nhiều phép lạ để chứng tỏ rằng Ngài thực sự là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Để dẹp yên sóng gió, Ngài phán một lời, “gió liền tắt, biển lặng như tờ” (Mc 4,39). Chúa truyền cho ma quỷ xuất khỏi người bị chúng ám, chúng liền tuân lệnh (x. Mc 9,25-26). Chúa gọi người chết chôn trong mồ, người ấy liền sống dậy, đi ra (x. Ga 11, 43-44). Còn hôm nay, kẻ đau người bệnh, “bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi.”

Mời Bạn: Chúa Giê-su vẫn mời gọi và trao cho chúng ta cơ hội đến với Ngài để Ngài chạm đến chúng ta. Để cho Lời Chúa chạm đến tâm hồn, chúng ta được chữa lành, được tẩy sạch tội lỗi (x. Mc 2, 1-12). Chúa còn chạm đến chúng ta khi chúng ta rước Thánh Thể là Bánh hằng sống, nhờ đó, chúng ta được nuôi dưỡng, được sống đời đời.

Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ, chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa, hằng ngày dành thời giờ cầu nguyện tâm tình với Chúa, đó là những phương thế giúp chúng ta hôm nay “chạm” tới Chúa Giê-su. Xin cho ơn ích chúng ta hưởng nhờ khi “chạm” tới Ngài, chúng ta được thánh hóa, được chữa lành trong hành trình theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành con vì con trông cậy nơi Ngài, xin cứu vớt và giải thoát con khỏi những bệnh tật phần xác và những đam mê yếu đuối trong tâm hồn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 1-19

“Thiên Chúa phán: và xảy ra như vậy”.

Trích sách Sáng Thế.

Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ðất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và Thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.

Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng”. Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: “Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước”, và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: “Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: “Ðất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103, 1-2a. 5-6. 10 và 12. 24 và 35c

Ðáp: Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa (c. 31b).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. 

Xướng: Ngài dựng vững địa cầu trên nền tảng, cho tới muôn đời nó chẳng lung lay. Ngài dùng biển che phủ nó như áo che thân, trên ngọn núi non muôn ngàn nước đọng.

Xướng: Ngài lệnh cho mạch nước tràn ra thành suối, chúng chảy rì rào giữa miền non núi. Bên cạnh chúng, chim trời cư ngụ, từ trong ngành cây vang ra tiếng hót.

Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 1-7. 9-13

“Họ mang hòm bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh, và mây bao phủ nhà Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, các kỳ lão Israel, cùng những thủ lãnh các chi họ và những trưởng gia tộc con cái Israel đều tề tựu trước mặt vua tại Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa từ thành Ðavít, tức là thành Sion. Trong ngày đại lễ, nhằm tháng Ethanim, tức tháng bảy, toàn dân Israel tụ họp quanh vua Salomon. Khi các kỳ lão Israel đến, các tư tế liền khiêng hòm bia, và mang hòm bia Chúa đi, mang cả nhà tạm giao ước và tất cả những đồ thánh trong nhà tạm; các tư tế và các thầy Lêvi phụ trách khiêng đi.

Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: “Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 6-7. 8-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ (c. 8a).

Xướng: Ðây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Ðavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 53-56

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Đó là Lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO (Mc 6, 53-56)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc… Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành…”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.



BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

Ca nhập lễ

Linh hồn các Thánh, những Đấng đã theo chân Chúa Kitô, được vui mừng trên trời; và vì yêu mến Người, các ngài đã đổ máu mình ra, bởi thế các ngài luôn luôn hân hoan với Chúa Kitô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, là nguồn sức mạnh của các thánh, Chúa đã gọi thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn bước lên thập giá để vào cõi trường sinh. Xin Chúa thương nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng con hằng can đảm tuyên xưng đức tin và trung thành giữ vững đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, là Cha chí thánh, chúng con dâng những lễ vật này để tưởng niệm các thánh đã làm chứng cho Chúa. xin Chúa thương chấp nhận và làm cho chúng con cũng trở thành những chứng nhân bất khuất khi phải tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Các con đã kiên trì với Thầy trong cơn gian nan của Thầy, và Thầy sắp đặt Nước trời cho các con, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiệm thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời các thánh tử đạo. Xin ban cho chúng con, vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó cùng Chúa Kitô, và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Phaolô Miki là một trong 3 Giêsu-hữu thuộc nhóm 26 thánh tử đạo đổ máu ngày 05.02.1597 trên đồi Tateyama, gần Nagasaki (Nhật Bản), trong đó có: 6 nhà truyền giáo Tây Ban Nha thuộc Dòng Phanxicô ; 3 giáo lý viên thuộc Dòng Tên Nhật Bản, trong số đó có Phaolô Miki, còn có 17 giáo dân người Nhật cùng tử đạo.

Phaolô Miki được nêu danh đặc biệt vì thái độ anh hùng khi ngài bị đóng đinh cùng với các bạn. Các vị này là những người tử đạo đầu tiên của miền Viễn Đông được ghi vào sách các thánh tử đạo (Martyrologium). Trong số này, cũng có các em dưới 14 tuổi: Louis, André, Antoine. Chứng nhân cuộc tử đạo này đã nói về Antoine: “Đôi mắt hướng về trời, sau khi gọi danh thánh Giêsu và Maria, em bắt đầu cất tiếng hát Thánh Vịnh: “Các em hãy ca ngợi Thiên Chúa” mà em đã học tại Nagasaki, trong trường giáo lý.”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhập lễ nói: Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh ; lời kinh này đã gọi Miki và các bạn “đã vượt qua Thánh giá để đi vào sự sống”.

Em Antoine, khi bị một vị quan dụ bỏ đạo, đã nói: “Thập giá không làm tôi sợ ; tôi lại khao khát nó vì tình thương Chúa Kitô.”

Từ trên Thánh giá, Phaolô Miki đã nói với đám đông tụ họp: “Tôi muốn nói với anh em điều này: không có con đường cứu độ nào ngoài con đường người Kitô hữu đi. Tôn giáo này dạy tôi tha thứ, tôi xin tha thứ cho nhà vua cách thật lòng và tất cả những người tạo ra cái chết của tôi, và tôi cầu nguyện để họ có thể lãnh nhận phép rửa của người Kitô hữu.”

Bài đọc một (Gl 2,19-20) nhắc lại những lời của Phaolô Miki: Tôi chịu đóng đinh vào cây Thánh giá cùng với Đức Kitô : tôi sống, nhưng không phải là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Từ trên cao của 26 cây Thánh giá, các thánh tử đạo ở Nagasaki đã trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, Đấng kêu gọi các môn đệ đi theo Người: Nếu ai muốn theo tôi, phải bỏ mình, vác thập giá của mình và theo tôi (Mt 16,25).

b. Phaolô Miki và các bạn đã gìn giữ và tuyên xưng đức tin cho đến lúc chết. Trình thuật về cuộc tử đạo của họ, do một chứng nhân ghi lại, cho thấy hiến tế của họ như một Phụng Vụ : người ta hát Thánh Vịnh “Các em, hãy ca ngợi Chúa”; người ta kêu đến thánh danh Giêsu và Maria ; người ta đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng và người nào đó đã lập lại lời van xin của người trộm lành : Lạy Chúa, xin nhớ đến con. Cuối cùng, 4 lý hình đã chấm dứt chứng cứ anh hùng của đức tin bằng việc lấy giáo đâm vào tim, trong khi các Kitô hữu vẫn kêu lên: “Giêsu, Maria !” Như thế đối với họ, cũng như đối với Chúa Giêsu trên đồi Calvariô: “Tất cả đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây