TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 07/02/2023 21:14 |   935
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7, 37)

10/02/2023
THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Scholastica, trinh nữ

t6 t5 TN

Mc 7, 31-37


làm việc tốt đẹp của chúa
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7, 37)

Suy niệm: Một số học giả nhận xét dân ta có tinh thần tôn giáo cao độ nhưng đồng thời cũng pha lẫn óc thực dụng. Điều đó được thể hiện qua nét tâm lý thường tình: mỗi khi có những “sự cố, vấn đề” đụng chạm đến cuộc sống như bị bệnh hoạn tật nguyền chẳng hạn, thì “hữu sự vái tứ phương”, thầy thuốc nào cũng chạy chữa, thần phật nào cũng cúng vái, đền chùa nào cũng khấn xin. Dân Do Thái cũng mang tâm trạng đó: có ai đau ốm tật nguyền đều đem đến Chúa Giê-su mong được chữa lành. Phúc Âm Mác-cô ghi lại tâm trạng “kinh ngạc” kèm theo lời tán tụng: “Ngài làm việc mọi việc đều tốt đẹp” như một lời vang vọng từ sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.” Hiểu được điều này chúng ta mới nhận thấy Chúa Giê-su chứng tỏ thần tính của mình khi Ngài thực thi sứ vụ cứu thế như một cuộc sáng tạo mới: Ngài không chỉ chữa lành thân xác, cứu giúp những nhu cầu thể chất mà còn phục hồi con người toàn diện và biến đổi họ thành con người mới trong Nước Thánh Tẩy.

Mời Bạn: Hãy nhìn lên thập giá để tìm gặp “Đấng chữa lành”, nơi đó, chúng ta gặp được Đức Ki-tô, Đấng có khả năng chữa lành những thương tích, đặc biệt là những thương tích do tội lỗi gây ra là tiêu huỷ nơi chúng ta cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tiếp tục “những việc tốt đẹp của Thiên Chúa” bằng việc phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá con người nhất là nơi người nghèo, bị bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con góp phần bày tỏ vinh quang của Chúa qua những công việc bác ái yêu thương của chúng con với anh em đồng loại.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 3, 1-8

“Các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Con rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” Người nữ trả lời con rắn: “Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không, sẽ phải chết”. Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu. Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Người nữ thấy cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại đưa cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Bấy giờ hai người nghe tiếng Thiên Chúa đi trong vườn địa đàng lúc chiều mát. Ađam và vợ ông liền núp trong lùm cây trong vườn địa đàng cho khuất mặt Thiên Chúa.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2.5.6.7

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.

Đáp: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm.

Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội tôi đã phạm, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi”.

Xướng: Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cùng Chúa, trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không làm hại nổi những người này.

Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 11, 29-32; 12, 19

“Israel lìa bỏ nhà Ðavít”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi ấy, Giêroboam từ Giêrusalem đi ra, thì tiên tri Ahia, người Silô mặc áo choàng mới, gặp ông dọc đường. Lúc đó chỉ có hai người ở ngoài đồng. Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: “Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: ‘Ðây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Ðavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc’ “. Như thế, Israel lìa bỏ nhà Ðavít cho đến ngày nay.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 80, 10-11ab. 12-13. 14-15

Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, ngươi hãy nghe Ta răn bảo (c. 11a & 9a).

Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.

Xướng: Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích.

Xướng: Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay!

Alleluia

Alleluia – Alleluia – Lạy Chúa, xin dạy bảo tôi về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn tôi trong chân lý của Ngài – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Đó là lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

HÃY BIẾT NHẠY BÉN VỚI NHỮNG DẤU CHỈ (Mc 7, 31- 37)
Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Ngày nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của con người. Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở thành phổ quát trong xã hội hôm nay.

Nguyên nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu sự nhạy bén!

Thật vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn họ đã không hờ hững khi thấy một người phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa; hay thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa bãi trong khi hằng đêm vẫn có những người phải thức trắng để dọn dẹp đường phố; hoặc vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ chút lương thực cho ấm lòng…! Tệ hơn nữa, đó là nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh lùng trước tấm lòng của những người làm việc tốt, để rồi tung ra những lời nói không thật gây nên một sự hoang mang làm cho người ta bị khổ tâm!

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu ra tay cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng của người bị bệnh và cũng là niềm vui của những người đã dẫn anh ta đến gặp Đức Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền của tướng Quỷ mà trừ Quỷ. Như vậy, họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện, mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của Đức Giêsu.

Lối sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta không thể thấy được điều tốt nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ, bất công và không thể nhận ra chân lý.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Scholastica, trinh nữ

Ca nhập lễ

Này là trinh nữ khôn ngoan, là một trong những người nữ biết thận trọng, đã cầm đèn sáng đi đón rước Chúa Kitô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính Thánh nữ Cô-lát-ti-ca. Xin cho chúng con theo gương người để lại biết hết lòng mến yêu phụng thờ Chúa và cảm nghiệm tình thương Chúa ngọt ngào. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Scholastica, xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Scholastica, là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ cuối thế kỷ thứ VIII, lịch Phụng Vụ của Mont-Cassin định ngày kỷ niệm Scholastica vào ngày 10 tháng 02. Việc tôn kính thánh nữ được lan rộng, nhất là trong các Đan viện từ thế kỷ thứ IX.

Scholastica sinh tại Nursia (Ombrie) khoảng năm 480, là em của thánh Bênêđictô. Thánh Grégoire Cả (Dialogues II,33-34) nói rằng, chị đã tận hiến cho Thiên Chúa từ khi còn bé và có thói quen đến thăm anh một năm một lần tại núi Mont-Cassin. Hai vị thánh gặp nhau và chia tay vào lúc đêm, vì theo luật dòng, Viện phụ không được phép rời khỏi Đan viện lúc đêm.

Thánh Grégoire Cả nói, vào buổi chiều khi họ gặp nhau lần cuối cùng, Scholastica đã xin anh : “Em xin anh, đừng bỏ em đêm nay : hãy nói cho em nghe về niềm vui của đời sống trên trời.” Thánh Bênêđictô trả lời : “Em nói cái gì vậy, hãy ra ngoài Đan viện, anh không được phép.” Thánh Grégoire viết tiếp : “Bầu trời không gợn một đám mây ! thánh nữ nghiêng đầu cầu nguyện. “Khi Bà ngước mặt lên, sấm sét bùng lên dữ dội và cơn mưa ập tới, đến độ vị đáng kính Bênêđictô và anh em đi theo ngài không thể vượt qua nơi mà họ đang trú…Như thế họ đã tỉnh thức suốt đêm, trao đổi những việc thiêng liêng cho tới sáng.”

Ba ngày sau, khi thánh Bênêđíctô ở Đan viện, thấy linh hồn của người em mình, dưới hình chim bồ câu, bay lên trời. Ngài hiểu rằng em đã rời bỏ trần gian và đã đi tìm xác em về đặt trong ngôi mộ ngài đã chuẩn bị cho chính mình. Câu chuyện trình thuật kết lại như sau : “Những ai đã có tinh thần luôn kết hợp trong Chúa, sẽ không bao giờ chia lìa nhau ngay cả trong mộ” (Dialogues II,34).

Hiện tại di hài của thánh nữ Scholastica và thánh Bênêđictô được yên nghỉ dưới bàn thờ trong tu viện ở Mont-Cassin.

2. Thông điệp và tính thời sự

Scholastica và Bênêđictô là hai tâm hồn luôn kết hợp sâu xa trong Chúa, vì giữa họ, tình yêu thiên linh là nguồn mọi tình bạn chân thật.

Thánh Grégoire Cả đã giải thích “phép lạ” do lời cầu nguyện của thánh nữ : “Đừng lấy làm lạ, trong trường hợp này, một phụ nữ lại mạnh hơn : em khao khát gặp anh mình lâu hơn. Và như thánh Gioan nói : Thiên Chúa là Tình yêu, Bà mạnh hơn chỉ vì Bà yêu nhiều hơn.” Bà đã nói với Viện phụ: “Em van anh, mà anh lại không chịu nghe em. Em cầu xin Thiên Chúa và Người đã nhậm lời.”

Lời cầu nguyện của thánh nữ Scholastica gợi lên “tình yêu không vấy bẩn” và “sự dịu dàng” mà các tâm hồn phục vụ Thiên Chúa được cảm nghiệm.

Bài đọc một trong Thánh lễ (1 Cr 7,25-35) ca tụng đức trinh khiết mà thánh nữ tận hiến cho Thiên Chúa : Người phụ nữ có chồng, hay các trinh nữ, chỉ lo lắng việc của Thiên Chúa; họ chỉ muốn dâng cho Người đời sống và tinh thần của mình.

Bài Phúc Âm (Lc 10,38-42) cho thấy Bà Maria ngồi bên chân Chúa, chỉ muốn nhấn mạnh đến tình yêu người trinh nữ Scholastica, vì Bà đã chọn phần tốt nhất mà không ai có thể lấy mất được (câu 42).

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây