TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – A

Thứ năm - 09/02/2023 21:27 |   1132
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5, 20)

12/02/2023
chúa nhật VI THƯỜNG NIÊN – a

cn t6 TN A

Mt 5, 17-37


công chính hơn
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5, 20)

Suy niệm: Các kinh sư và biệt phái là những người giữ luật rất đúng, và cũng rất kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe. Là bậc thầy trong dân, thay vì dạy dân sống tinh thần của Giao Ước thì, qua cách sống của mình, họ làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn lề luật. Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ không dừng lại ở những việc làm vụ hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48); cụ thể là:

  • sâu xa hơn, không chỉ bề ngoài mà tận trong tâm hồn: có lòng giận ghét đã là giết người, có ý muốn ngoại tình đã là ngoại tình trong tư tưởng rồi.

  • bao dung hơn: không còn “mắt đền mắt, răng đền răng,” nhưng đưa cả má phải khi bị vả má trái.

  • triệt để hơn: nếu mắt, tay nên dịp tội cho mình thì hãy chặt nó đi.

Mời Bạn: Quan niệm sai lầm và hẹp hòi về đức công chính vẫn tiếp tục trong chúng ta, nếu bạn và tôi vẫn cứ coi việc sống đạo chỉ là đi nhà thờ, xem lễ và giữ những việc luật buộc. Đức công chính của người môn đệ Chúa Ki-tô đòi hỏi chúng ta vượt qua những hình thức bên ngoài để đạt đến điều cốt lõi là “Mến Chúa yêu người.”

Chia sẻ: Hành vi, cử chỉ nào của bạn và cộng đoàn đang cần “công chính hơn”?

Sống Lời Chúa: Làm việc bổn phận hoặc việc bác ái với lòng yêu mến chứ không vì bắt buộc hoặc vì lý do gì khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con tự mãn vì đã giữ những gì luật buộc, nhưng xin giúp con biết làm mọi việc chỉ vì mến Chúa và yêu người.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VI Thường Niên -Năm A

Dẫn vào Thánh lễ

Thiên Chúa cho con người cái quý giá nhất, đó là tự do. Con người phải khôn ngoan để chọn lựa cái tốt, cái hay cho mình, làm được như thế mới thật hạnh phúc.

Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với cái vỏ bên ngoài, mà Người còn muốn cả cái bên trong con người: trong ý muốn, trong quyết định của con người nữa, cái đó mới nói lên tình yêu của con người đối với Thiên Chúa.

Luật lệ là để bảo vệ con người, nhưng chúng ta thường quên đi điều đó để rồi sa vào tội lỗi.

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Hc 15,16-21

"Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác"

Bài trích sách Ðức Huấn ca.

Nếu người muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi. Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy. Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội.


Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118,1-2.4-5.17-18.33-34

Xướng: Phúc đức những ai có đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. Phúc đức những ai giữ lời Chúa răn bảo, những người đó tận tâm tìm kiếm Chúa.

Đáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa.

Xướng: Phần Chúa, Chúa ban bố huấn lệnh, để chúng được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Xướng: Xin gia ân cho tôi tớ Chúa được sống, để tuân giữ những lời Chúa răn. Xin mở rộng tâm hồn con mắt của tôi, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân giữ luật pháp của Ngài và để tôi hết lòng vâng theo luật đó.

Bài Ðọc II: 1Cor 2, 6-10

"Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô.


Anh em thân mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần, hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong. Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi. Sự khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới: vì giả thử nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh. Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép: "Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người". Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi, do Thánh Thần của Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia - Alleluia - Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 5, 17-37

"Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.


Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.

 
Ta bảo thật cho ngươi biết: "Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!" Các con đã nghe nói với người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Còn Ta, Ta bảo các con: "Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con,

thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".


Cũng có lời dạy rằng: "Ai ly dị vợi mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình". Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: "Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa". Còn Ta, Ta bảo các con: "Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".


Đó là lời Chúa

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Giới luật Chúa như kim chỉ nam giúp chúng ta thi hành và suy nghĩ thánh ý Ngài với tinh thần yêu mến. Đó là sự công chính toàn hảo mà Đức Kitô muôn cho mọi người đạt tới. Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :

1. “Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành dộng của con người”. - Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được mặc lấy tinh thần mới của Đức Kitô, nhờ đó mọi giáo huấn các ngài truyền đạt thấm đượm tình bác ái của Chúa Giêsu, hầu đem lại cho Hội Thánh bầu khí thánh thiện.

2. “Thiên Chúa đã tiền định từ muôn thuở, để làm nên sự vinh hiển của chúng ta”. - Xin cho các Kitô hữu ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để khi tìm hiểu và suy niệm giới luật Chúa, họ tuân giữ không phải chỉ vụ luật hay hình thức, nhưng do lòng yêu mến Chúa.

3. “Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo các con thế này”. - Xin cho giới trẻ hôm nay không lạm dụng ơn Chúa, trái lại biết dùng ơn Chúa mà luôn giữ được tầm hồn trong sạch, ngay thẳng trước những quyến rũ của đam mê thế tục.

4. “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu ”. - Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta luôn sống chân thật với Chúa, với bản thân, để xứng đáng là con cái của Đấng là Chân, Thiện, Mỹ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhìn lên gương mẫu Đức Kitô, Đấng đã tuân thủ và kiện toàn lề luật. Nhờ đó, đời sống của mỗi người sẽ như dấu chứng lòng chúng con yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa ....

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm:

“Lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5, 37).

Trong những năm rao giảng, có lẽ Chúa Giê-su không kỵ điều gì hơn sự giả dối. Người xót thương những kẻ tội lỗi đau khổ nhưng lại lên án cách sống giả hình. Biết bao lần Người khiển trách các kinh sư, pha-ri-sêu vì lối sống đó và ví von họ với những “mồ mả tô vôi”. Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc sống cho con cái Chúa: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5, 37).
Mục tiêu loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su là chỉ cho con người sự thật về Thiên Chúa và sự thật về chính con người. Thiên Chúa đã mặc khải cho con người sự thật và kêu gọi con người sống thật với nhau. Quả vậy, vì tội lỗi chi phối nên con người luôn bị cám dỗ sống dối trá. Khởi đầu, con người là nạn nhân của sự dối trá. Ma quỷ đã dối gạt con người: “Chẳng chết chóc gì đâu”. Con người đã tin vào lời dối trá đó nên đã cắt đứt mối tình với Thiên Chúa là Đấng chân thật. Từ đó, con ngowif thỏa hiệp với ma quỷ là cha kẻ dối trá và sự dối trá nhiễm vào con người như một “gen di truyền” truyền từ đời này sang đời khác.

Ngôi Hai Thên Chúa đến trần gian cứu độ và giải thoát con người khỏi vòng cương tỏa của satan. Người giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ cho sự dối trá của ma quỷ để được trở lại làm con cái Chúa, con cái của Sự Thật như thưở ban đầu.

Nhờ bài học trong Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng kiểm duyệt việc sống sự thật của chính bản thân và gia đình mình. Mang danh là Ki-tô hữu, tôi có dám sống sự thật cho dù “thẳng thắn thường thua thiệt” không? Là doanh nhân, tôi có bán thật mua thật hay lọc lừa để thu lợi cho mình? Là công nhân viên chức, tôi có dám sống và nói lên sự thật hay để tiền bạc quyền lực khiến tôi chà đạp lương tâm lừa dối tha nhân? Là học sinh, sinh viên, tôi học thật thi thật hay tôi tự lừa dối mình, lừa dối thầy, lừa dối xã hội bằng những chiêu trò gian lận trong thi cử?…

Lạy Chúa, sống giữa trần thế, chúng con bị lây nhiễm những gian dối lọc lừa đầy rẫy trong xã hội. Chúng con sợ những thua thiệt khi sống sự thật. Chúng con sợ những phiền lụy khi sự thật được phơi bày. Xin Chúa giúp chúng con can đảm để chấp nhận và làm chứng cho chân lý hầu xứng danh là con cái Chúa. Amen.

Chúa nhật tuần thứ 6 mùa thường niên – A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu. (Mt 5, 17-37)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ, mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho ngươi biết: "Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!" Các con đã nghe nói với người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Còn Ta, Ta bảo các con: "Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể, còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục". Cũng có lời dạy rằng: "Ai ly dị vợi mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình". Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: "Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa". Còn Ta, Ta bảo các con: "Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".
 
Suy niệm
 
Bước vào tuần thứ 6 mùa thường niên, phụng vụ Lời Chúa mời con cái trở về với những giá trị của tình yêu, và cố gắng vượt qua những giới hạn của lề luật trong cuộc sống, trong đó có cả những lề luật tôn giáo, để thực sự là những hạt muối mặn ướp cho đời, và cũng là những chiếc đèn sáng, được đặt trên giá, để chiếu sáng cho mọi người chung quanh.
 
Chọn lựa vẫn mãi là một khái niệm song hành với cuộc sống con người, đặc biệt là người tín hữu Kitô. Họ sẽ chọn điều tốt, loại bỏ cái xấu, họ sẽ chọn điều thiện, loại bỏ sự dữ. Dân riêng của Thiên Chúa, trong suốt hành trình về đất hứa, họ cũng được mời gọi chọn lựa, hoặc chọn Giavê là Thiên Chúa của họ, hoặc chọn các thần ngoại bang, là thần thánh che chở và bảo bọc họ. Mãi tới lúc vào đất hứa, họ vẫn được Giavê tôn trọng việc chọn lựa về cuộc sống. Ngay cả những lúc họ bước đi trong sự thăng trầm của lịch sử, họ vẫn được tôn trọng và được người của Thiên Chúa yêu cầu họ chọn lựa giá trị nào họ ưa thích, để sống đẹp lòng Giavê. Lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 là một gợi ý giúp họ chọn lựa: “Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy. Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác,
và không cho phép một ai phạm tội”.
Thiên Chúa luôn tôn trọng con người, bởi Ngài không lầm khi tạo dựng nên họ, dẫu biết con người không thiếu những lần đã bội phản. Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, Ngài chỉ mong con người hãy chọn lựa con đường riêng cho mình để mỗi ngày sống đúng là một con người, một người con của Giavê Thiên Chúa.
 
Đứng trước một chọn lựa, thường có hai yếu tố, hai yếu tố này lắm lúc trái ngược nhau, chính trong sự trái ngược đó mới đòi hỏi có chọn lựa. Trong sự chọn lựa của người tín hữu Kitô cũng vậy, cái thiện luôn là yếu tố trái ngược với sự dữ, điều tốt luôn trái ngược với yếu tố điều xấu. Động lực nào giúp mỗi người có thể đem ra những quyết định đúng trong việc chọn lựa, nếu không phải là dựa vào những giá trị của Tin Mừng. Thánh Phaolô Tông Đồ, trong lời khuyên bảo cộng đoàn Corintho, đã hướng dẫn cho họ rằng: “chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian,' cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần, hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong. Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi”. Một điều chắc chắn mà thánh nhân khẳng định với cộng đoàn đó là sự thiện, điều tốt lành đến từ Thiên Chúa luôn giúp con người có một tương lai tốt đẹp, một hành trình bình yên hơn và cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn.
 
Câu chuyện trong bài giáo lý mà Đức Giêsu giới thiệu với cộng đoàn, với các môn đệ, đó là sức mạnh của tình yêu đến từ trời, và sự ràng buộc của lề luật nơi con người. Có thể nói rằng, giới luật công bằng chưa thể sánh được với giới luật bác ái của tình yêu. Con Thiên Chúa làm người đã vượt ra khỏi những giới hạn của lề luật, Ngài không bãi bỏ lề luật, nhưng muốn dùng những lề luật đó như là cánh cửa mở ra cho con người bước vào một không gian thanh bình của tình yêu, nơi đó không còn khổ đau, không còn chết chóc, không còn tranh giành, cũng không còn bị ghét bỏ, khinh miệt hay dối trá: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
 
Nếu như con người luôn đặt những giá trị của Tin Mừng làm tiêu chí để chọn lựa, để cam kết, ắt sẽ không có cảnh tranh giành, ganh tị hay khích bác nhau trong cuộc sống, thậm chí trong mỗi ơn gọi, hay cùng một ơn gọi. Vậy mà, lắm lúc con người, vì một chút tư lợi hay một chút quyền bính, đã để cho sự gian dối hay những giá trị ảo, chen lấn vào trong đời sống tâm linh của bản thân. Bởi thế, Thầy Chí Thánh đã lên tiếng: “lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Đức Giêsu đến không bãi bỏ những lề luật trong cộng đoàn, Ngài tuân giữ tất cả trong vai trò là một thành viên cộng đoàn, từ những sinh hoạt tôn giáo tại đền thờ, đến những quy định dâng lễ vật, chịu phép rửa và đặt tên, rồi sau nữa là những luật lệ trong đời sống hàng ngày. Những lề luật đó được đặt ra với mục đích giúp con người xa lánh những sinh hoạt của các dân ngoại bang, giữ họ đi trong đường lối của Giavê, vậy mà, họ đã tục hoá những lề luật đó, thậm chí còn đặt thêm những điều khoản khác, tạo nên những gánh nặng cho các thành viên cộng đoàn. Đức Giêsu mong muốn họ vượt qua những định kiến nặng nề đó, để sống với nhau bằng giới luật bác ái, bằng giới luật yêu thương, đó là những tương quan tình người thật gần gũi, ấm áp, không khách sáo, không màu mè, không hình thức, sống chân tình và đầy tính nhân văn.
 
Những người Luật Sĩ, Biệt Phái sống rất nghiệm nhặt và theo lề luật, họ tuân giữ lề luật không thiếu một chấm một phẩy, dưới mắt người đời, họ là những người thánh thiện, công chính toàn thiện. Đức Giêsu mượn hình ảnh của các Luật Sĩ, các Biệt Phái sống và giữ các lề luật để nhắc cho các môn đệ, cho những ai đi theo Ngài, hãy sống giới luật yêu thương hơn như thế, hãy để cho những giới luật bác ái trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống, cho mọi tương giao giữa con người với con người, và giữa con người với Thiên Chúa. Giới luật bác ái là giới luật của tình yêu, tình yêu có một sức mạnh vô hình, giúp những ai là tín đồ của nó, can đảm vượt qua mọi trở ngại, mọi thách đố, và mọi chướng ngại vật, để cho tình yêu được lên ngôi, để cho tình yêu được thi thố hiệu quả của nó.
 
Sống ơn gọi nào cũng là những bậc sống luôn được Thiên Chúa chúc phúc và đồng hành. Trong những ơn gọi đó, người tín hữu Kitô khởi đi từ những quy định của con người, của cộng đoàn, của gia đình, nhưng khi bước vào lộ trình của mỗi ơn gọi đó, người tín hữu có để cho tình yêu đích thực hướng dẫn để thánh hoá ơn gọi của mình, để từ nơi ơn gọi đó, người môn đệ hoàn thiện bậc sống và làm nảy sinh hoa trái, cũng như từ bậc sống đó, người môn đệ có thể trở thành một chứng nhân của tình yêu, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu vô điều kiện. Nói một cách khác, đây là lúc người môn đệ của Đức Giêsu đang hoạ lại khuôn mặt của Thầy Chí Thánh trong hành trình đức tin và ơn gọi của mình. Tiếc thay, lắm lúc con người vì sợ quyền bính nhân loại, sợ những quy định của con người, nên đã tục hoá ơn gọi và giới răn bác ái, giới răn yêu thương. Họ luôn chú trọng vào những quy định của con người và sẵn sàng luồn cúi để tiến thân và chấp nhận đánh đổi tất cả để được sự an phận, được tiếng tăm và được địa vị trong cộng đoàn. Nếu vậy, thực sự họ đã thánh thiện và công chính hơn các Luật Sĩ và các Biệt Phái chưa, và nếu chưa, thì họ đâu xứng đáng để được vào Nước Trời.
 
Lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, Ngài muốn con người khi mang lấy tên của Ngài và được thừa kế gia sản của Ngài, hãy nên hoàn thiện mỗi ngày trong mỗi ơn gọi và mỗi hoàn cảnh. Xin cho chúng con luôn hướng về lời mời đó, để sống giới răn yêu thương ngày một vẹn toàn và chân thành. Con Chúa là Đức Giêsu, khi nhập thể, sống với loài người nhưng luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thực hiện trong phận làm con. Xin cho chúng con học được tâm tình khiêm tốn nơi Chúa Con, để sống giới răn yêu thương một cách chân thành và vẹn nghĩa như lòng Chúa mong ước. Amen.
 

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
(Chúa Nhật VI TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Dù không ít lần cố tình vi phạm luật ngày lễ nghỉ và luật sạch - nhơ cũng như công khai bênh vực các môn đồ về việc không ăn chay, nhưng Chúa Giêsu đã từng nhiều lần trưng dẫn Lời Thánh Kinh Cựu Ước, đặc biệt khẳng định tính ưu việt của thập giới. Chính Người đã minh định rõ ràng: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay lời các tiên tri, Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Xin cùng xem xét đôi nét về việc kiện toàn lề luật của Đấng Cứu Độ.

1. Chúa Kitô trả lề luật về đúng vị trí của nó.

Lề luật là “một phương thế” chứ không phải là mục đích. “Ngày Sabbat được tạo nên cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabbat” (Mc 2,27). Khi khẳng định điều ấy thì Chúa Kitô nhắc nhớ chúng ta vị trí vai trò của lề luật như là các phương thế. Các phương thế chỉ có ý nghĩa khi hướng đến mục đích được nhắm. Nếu vì lý do gì đó mà chính phương thế làm cản trở mục đích nhắm thì chúng ta cần phải bỏ nó qua một bên. Đã nhiều lần Chúa Kitô cố tình vi phạm luật ngày lễ nghỉ là cốt dạy chân lý này.

2. Hãy giữ lề luật khởi đi từ đáy lòng.

Thời Chúa Kitô, đã và đang có đó nhiều biệt phái giữ lề luật cách hình thức bên ngoài. Dĩ nhiên điều mà họ nhắm là chứng tỏ cho người ta thấy lòng đạo đức của mình. Cái bên ngoài tuy vẫn cần thiết nhưng nếu thiếu điều bên trong thì nó thành trống rỗng vô hồn. Những khi cố tình vi phạm luật sạch - nhơ thì Chúa Kitô đã cho thấy sự thật này. Ích gì khi rửa tay chân, chén bát bên ngoài mà lòng vẫn đầy tham lam bất chính. Ý hướng và mục đích tự đáy lòng góp phần lớn xác định tính luân lý của các hành vi bên ngoài. Nhiều khi chưa thực hiện bằng hành động bên ngoài nhưng đã có ý hướng và chủ định bên trong thì đã dệt thành giá trị tốt xấu các hành vi của chúng ta. Chúa Kitô nói rõ điều này khi khẳng định là nếu đã có chủ định phạm tội với người phụ nữ dù chưa thực hiện bên ngoài thì cũng đã phạm tội ngoại tình rồi (x.Mt 5,27-28).

3. Chúa Kitô xác định bậc thang giá trị của các loại lề luật.

Xét về nguồn gốc thì Kitô giáo chúng ta phân biệt rõ ràng nhân luật (luật do con người làm ra) với thiên luật (luật do Thiên Chúa đặt định). Thiên luật thì có giá trị trường cửu, không hề thay đổi theo thời gian, vì do chính Thiên Chúa đặt định. Lề luật của Thiên Chúa được tỏ bày qua tiếng lương tâm dưới ánh sáng của lý trí đúng và qua Lời mạc khải thì luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu. Còn nhân luật là luật do các thể chế, các quốc gia và cả do Giáo Hội lập ra thì có tính tương đối và nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Theo nhãn quan Kitô giáo, khi nào mà luật của con người trái với luật của Thiên Chúa thì nó không có giá trị. Và khi ấy chúng ta không chỉ bỏ qua nó mà có khi phải hành xử ngược với nó. Chúa Kitô đã nhiều lần khẳng định điều này khi Người trách cứ các lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ đã bỏ qua lề luật của Thiên Chúa mà quá chăm chú vào luật của nhân trần, dù cho đó là truyền thống của tiền nhân.

4. Rượu mới – bình mới.

Nhiều thể chế, luật lệ con người và cả truyền thống của Giáo Hội tuy không nghịch với luật của Thiên Chúa nhưng chúng không còn phù hợp với tinh thần Tin Mừng đặc biệt là tinh thần nghĩa tử mà Chúa Kitô truyền ban thì phải cần đổi thay hay thậm chí là bỏ đi. Các Tông đồ đã đoạn tuyệt với Lễ Nghi cắt bì là một đan cử. Thực tế vẫn còn đó nhiều vị lãnh đạo vốn thích cái bình cũ vì nhiểu lý do chưa thật chính đáng khiến Đức Phanxicô đã gọi họ là những người thường biện bạch “xưa đã như vậy, như vậy…”.

Đã là người với tính xã hội thì lề luật luôn còn đó vai trò vị trí của nó. Tuy nhiên lịch sử cho thấy rất nhiều người khi đã ở vai cao, vị trọng trong các tập thể xã hội, có khi cả trong Giáo hội, thì dễ bị cám dỗ đặt ra các luật lệ phục vụ cho lợi ích của mình. Đã và đang có đó tình trạng nô lệ lề luật thay vì làm chủ nó. Là Kitô hữu thì chúng ta phải có thái độ đúng với lề luật như Chúa Kitô truyền dạy. Nhiều hiền nhân, nhất là các thánh nhân đã từng chấp nhận mang tiếng là “chống đối”, là “phản động”, là “gây xáo trộn”… để góp phần kiện toàn lề luật như Chúa Kitô đã làm.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây