TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 22/01/2023 19:51 |   1697
“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin…” (Mc 16, 17a)

25/01/2023
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô tông đồ trở lại

t4 t3 TN

Mc 16, 15-18


LÒNG TIN, KHỞI ĐẦU CỦA ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ
“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin…” (Mc 16, 17a)

Suy niệm: Nếu được hỏi người môn đệ nào đã thi hành sít sao lời mời gọi “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” của Chúa Giê-su, chắc hẳn câu trả lời được nhiều Ki-tô hữu chọn sẽ là thánh Phao-lô. Theo sách Công vụ Tông đồ, sau khi trở lại, Phao-lô đã hăng say đi khắp vùng Tiểu Á, đến “tận cùng trái đất” – vùng đất thuộc đế quốc Rô-ma thời bấy giờ – và hoạt động không mệt mỏi, tận dụng mọi hoàn cảnh để loan báo Tin Mừng cứu độ. Điều giúp thánh nhân mạnh dạn ra đi đến những vùng ngoại vi, làm được nhiều dấu lạ, chấp nhận mọi gian lao khốn khó, kể cả sự bách hại “miễn là Chúa Ki-tô được rao giảng” (Pl 1, 18) không chỉ do lòng say mê Chúa Kitô, mà còn nhờ lòng tin vững chắc vào một Thiên Chúa luôn yêu thương, mãi ở cùng, và đồng hành với những ai hết lòng gắn bó với Ngài.

Mời Bạn: Mỗi Ki-tô hữu đều được thông chia phần phúc Tin Mừng, được Chúa sai đi để làm chứng nhân cho Nước Trời. Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta bước đi một mình, nhưng Ngài hứa sẽ “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20) và “dùng những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời chúng ta rao giảng” (x. Mc 16, 20). Bạn có tin vào lời hứa này để rồi mỗi ngày can đảm rao giảng về Chúa bằng đời sống của mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dâng Chúa lời cầu nguyện để xin Ngài giúp mình vững tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con dám sống vì đức tin ấy mỗi ngày, loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 10, 11-18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời”

Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người.

Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.

Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế.

Vì sau khi Chúa đã phán: “Nầy là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy”, thì Người còn thêm: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa”.

Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 88, 4-5, 27-28, 29-30

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái. (29)

Xướng: Ta sẽ ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của tôi”. và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

Xướng: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 7, 4-17

“Ta sẽ cho con của ngươi kế vị, và bảo đảm triều đại ngươi”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan lời này rằng: “Hãy đi và nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng? Vì từ ngày Ta dẫn dắt con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, Ta không ở trong nhà, nhưng Ta di chuyển trong nhà tạm và trong trại. Khắp mọi nơi Ta đi qua với con cái Israel, có khi nào Ta nói cùng một trong các chi họ Israel mà Ta truyền dạy chăn dắt Israel dân Ta rằng: “Tại sao không xây cất cho Ta một ngôi nhà bằng cây hương nam?”

Giờ đây, ngươi hãy nói cùng Ðavít tôi tớ Ta rằng: “Chúa các đạo binh phán thế này: Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt để một nơi cho Israel dân Ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một ngôi nhà. Ðến khi qua đời, ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó Ta sẽ cho con của ngươi kế vị và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người sẽ xây dựng cho danh Ta một ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn tại đến muôn đời. Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta. Nếu người có phạm lỗi, Ta sẽ sửa trị người bằng roi người lớn và bằng tai hoạ con cái loài người. Nhưng Ta sẽ không cất khỏi người lòng từ bi của Ta, như Ta đã xử với Saolê, kẻ đã bị Ta khai trừ khỏi mặt Ta. Và nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi!” Nathan đã thuật lại cho Ðavít tất cả những lời và thị kiến này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 4-5. 27-28. 29-30

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái.

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

Xướng: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh.

Alleluia: 1Sam 3,9

Alleluia, Alleluia. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 1-20

“Người gieo hạt đi gieo hạt giống”

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:

“Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống.

Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.

Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.

Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.

Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô.

Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được.

Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.

Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”.

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:

“Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.

Người nói với các ông:

“Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?

Người gieo hạt là gieo lời Chúa.

Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.

Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.

Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.

Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.

Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.

Ðó là Lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐÓN NHẬN HAY KHƯỚC TỪ? (Mc 4, 1-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Thánh Âu Tinh nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn, Ngài không cần hỏi ý kiến bạn, nhưng khi muốn cứu chuộc bạn, Người phải hỏi ý kiến bạn”.

Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, đây là gia sản quý giá mà Thiên Chúa không ngần ngại ban tặng cho một loài thụ tạo. Vì thế, con người hoàn toàn có trách nhiệm khi sử dụng tự do của mình trong cuộc sống.

Hôm nay, Đức Giêsu kể cho dân chúng và các môn đệ dụ ngôn người gieo giống. Người gieo cứ gieo. Gặp đâu gieo đấy. Nào là gieo cả trên sỏi đá, bụi gai, vệ đường, và đất tốt. Tuy nhiên, duy nhất nơi đất tốt mới sinh hoa kết quả. Như vậy, chỉ có ¼ có tác dụng, còn ¾ thì uổng công vô ích.

Thiên Chúa là như vậy! Ngài quảng đại trao ban hết tất cả cho con người, ngay cả Con Một yêu dấu Người cũng ban. Nhưng mấy ai hiểu được tình yêu của Người lớn lao như thế! Mà ngược lại,  những nhà lãnh đạo Dothái còn tìm cách loại trừ ngay cả Đức Giêsu là món quà cao quý mà Chúa Cha đem tặng cho con người.

Họ như những hạt giống bị gieo bên vệ đường, sỏi đá và bụi gai. Những thứ ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, tự ty làm cho tinh thần nên trai cứng và Lời Chúa bị bóp nghẹt trong lòng họ, nên không hề sinh ích lợi cho bản thân.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức trách nhiệm trong tự do để trở nên như thửa đất tốt, ngõ hầu Lời Chúa đâm dễ sâu, lớn mạnh và sinh hoa kết trái trong cuộc sống của chúng ta.

Có thế, chúng ta mới trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu nhờ biết nghe và giữ Lời Chúa trong lòng, nhất là đem ra thực hành.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con sẽ khô cằn, sỏi đá và trơ trọi nếu không được Lời Chúa là nguồn sự sống dưỡng nuôi. Xin Chúa ban cho tâm hồn chúng con trở nên thửa đất tốt tươi, để Lời Chúa trở thành nguồn hoan lạc cho chúng con. Amen.
 

Thánh Phaolô trở lại


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô tông đồ trở lại

Ca nhập lễ

Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào, và tôi chắc chắn rằng: vị thẩm phán công minh là Đấng quyền năng, sẽ gìn giữ kho tàng của tôi cho đến ngày đó.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phaolô Tông Ðồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cv 9, 1-22

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con, như xưa Người vẫn soi sáng Thánh Phao-Lô Tông Ðồ, để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

 Lời tiền tụng tông đồ

Ca hiệp lễ

Tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa thánh Phao-lô tông đồ đã nhờ lửa yêu mến đó mà xả thân lo lắng cho tất cả các giáo đoàn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.

Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).

Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống: Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội thánh và qua Hội thánh; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô : Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta? nhưng lại nói: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22,7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.

a. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.

“Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2,1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.

b. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9, 16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách…” (Cv 20, 19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo…Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11, 27).

c. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ: Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh ; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).

Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe: “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô: “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại… Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới.”

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây