CHÚA GIÊSU, CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN
Chúa Giêsu là con người của cầu nguyện. Ngài đã sống và dạy chúng ta cầu nguyện liên lỉ, không được nản lòng (x. Lc 18,1). Nhờ cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, chúng ta sẽ dần trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa, đồng thời, trở nên người đồng hành với anh chị em của mình trong cuộc sống đức tin và thường nhật.
1. Chúa Giêsu, con người của cầu nguyện
Chúa Giêsu là một người cầu nguyện sâu sắc. Đối với Ngài, cầu nguyện là một thái độ cần phải có của Chúa Con. Chúa Cha không phải cầu nguyện, cũng không phải vâng phục, vì Người là nguồn mạch, Người có tất cả. Cầu nguyện sẽ giúp người con nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa và mở lòng ra cho tình phụ tử với Thiên Chúa.
Nhờ sự vâng phục sâu xa, Chúa Giêsu đã chấp nhận đến trần gian để cứu độ con người theo thánh ý Chúa Cha (x. Dt 10,4-7). Vì thế, Ngài thường xuyên gặp gỡ Chúa Cha qua cầu nguyện, để biết ý muốn của Cha mà thi hành. Ngài là người con hiếu thảo rất mực yêu mến Cha, nên việc kết nối mật thiết với Cha làm Ngài hạnh phúc. Việc cầu nguyện với Cha là lương thực nuôi dưỡng trọn vẹn mọi khía cạnh trong đời sống của Ngài (x. Ga 4,34).
Thật vậy, Ngài đã cầu nguyện rất nhiều trong mọi khoảnh khắc của ngày sống và trọn cuộc sống: từ sáng sớm, lúc trời còn tối mịt (x. Mc 1,35) cho tới khi đêm về (x. Mc 6,46), khi chịu Phép Rửa (x. Lc 3,21), trước khi chữa bệnh cho nhiều người (x. Lc 5,16), thức suốt đêm cầu nguyện tuyển chọn các tông đồ (x. Lc 6,12), trước khi biến hình (x. Lc 9,28), khi dạy các môn đệ cầu nguyện (x. Lc 11,1), trước khi chịu thương khó (x. Lc 22,39-46), trên thánh giá (x. Lc 23,34.46)...
Đối với Chúa Giêsu, mọi lời cầu nguyện căn bản chỉ là một sự kêu cầu Chúa Cha: Abba - Cha ơi! Này con đây (x. Lc 11,2). Ngài luôn đặt mình trong trạng thái mở ra cho Chúa Cha, bằng cách để Chúa Cha hoạt động trong Ngài và qua Ngài. Ngài trò chuyện, bàn bạc với Chúa Cha về mọi việc Ngài làm. Đến khi hoàn tất sứ mạng của mình, Ngài đã tái hợp nhất với Chúa Cha qua cách nói ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Mc 16,19).
Một điểm độc đáo mà chúng ta có thể nhấn mạnh ở đây. Đó là Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha bằng hành động song song với cầu nguyện. Tác giả thư Do-thái đã đặt hành động cứu chuộc trong khung cảnh của một lời cầu nguyện được nhậm lời (x. Dt 5,7-9).
Theo đó, Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ của Ngài vào giờ thứ chín - giờ cầu nguyện chính thức của Israel. Thứ đến, hành động cứu chuộc của Chúa Giêsu và việc cầu nguyện có tính cứu chuộc rất giống nhau, vì cả hai đều là việc “đi lên” cùng Thiên Chúa. Ngài phải cầu nguyện để “đi lên” cùng Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, là Đấng Thánh. (Bởi thế, người ta hay định nghĩa cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.) Ngài đã đi lên với Chúa Cha vì lợi ích của toàn nhân loại, khi trở thành lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta, một khẩn nguyện vĩnh viễn cho ơn cứu độ của chúng ta (x. Rm 8,34; Dt 7,25). Sau cùng, chính trong cái chết, Ngài đã nâng mình lên với Chúa Cha, đồng thời, nâng tất cả chúng ta lên với Ngài (x. Ga 12,32). Như thế, Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của Ngài, và hành động ấy có tính cứu chuộc.
2. Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã trở thành Người Con như Ngài đã là
Chính nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã trở thành Người Con như Ngài đã là: “Đang khi Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác” (Lc 9,29). Dung mạo ấy cũng chính là khuôn mặt mà Thiên Chúa đã công bố: “Đây là Con Ta. Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
Việc Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều cho thấy mầu nhiệm làm con của Ngài cần phải phát huy hơn nữa nhờ việc cầu nguyện. Ngài đã là một với Cha (x. Ga 10,30), nhưng vẫn còn cần phải “đi đến” với Cha (x. Ga 14,28). Ngài đã hiệp thông với Cha, nhưng vẫn còn cần phải “đi vào” mối hiệp thông đó hơn nữa. Bao lâu còn sống nơi trần gian, Ngài còn cần phải “tiến tới” với Cha Ngài. Và rồi, Chúa Cha đã nhậm lời Chúa Giêsu khi nói: “Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Dt 5,5; Cv 13,33).
Thử hỏi điều gì đã đem lại cho Chúa Giêsu sức mạnh, để vượt thắng tất cả những gian lao thử thách trong sứ vụ tại thế? Điều gì đã đem lại cho Ngài sức sống và hy vọng, để can đảm đối diện với cuộc thương khó và tử nạn nhằm mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đó chẳng phải là vì tin vào lời hứa phục sinh của Chúa Cha với trọn tình con thảo sao? (x. Ga 17,1-11) Và Ngài múc lấy sức mạnh ấy từ đâu, nếu không phải từ việc cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha (x. Mc 1,35, Lc 10,21, Ga 17…).
Chắc hẳn các tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Chắc hẳn khi ấy nơi Ngài toát lên một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn. Có một năng lực tích cực luôn tỏa ra từ con người của cầu nguyện là Chúa Giêsu. Ngài nêu gương cho chúng ta trong việc cầu nguyện để được tái sinh và biến đổi, nhờ múc lấy sức sống mới từ Chúa Cha. Nhờ cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa.
3. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ trở nên những người con như Chúa muốn
Được làm con cái Thiên Chúa là đặc ân mà Chúa Cha đã ban trước cho chúng ta. Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Chúa Cha yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Đó là phần việc của Thiên Chúa. Về phía chúng ta, để thực sự trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu mến và thi hành ý muốn của Chúa Cha. Vì lẽ, càng sống theo thánh ý Chúa Cha thì chúng ta càng trở nên những người con đích thực của Chúa Cha.
Nhờ việc cầu nguyện, chúng ta sẽ không ngừng được tái tạo dựng (F.X Durrwell, Đức Kitô Cuộc Vượt Qua Của Chúng Ta, Bản dịch của Nguyễn Đức Thông, NXB Đồng Nai, 2016, 55). Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ được tạo dựng một lần là xong, nhưng sẽ không ngừng được tái tạo nhờ đời sống cầu nguyện. Đây là một khẳng định rất mạnh mẽ mà F.X Durwell muốn chúng ta nhận ra và ý thức hơn nữa tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Lời khẳng định này nghe có vẻ hơi xa lạ, bởi vì, sự thường chúng ta chỉ nghĩ mình được tái tạo, được phục sinh vào ngày Cánh Chung.
Chắc chắn chúng ta sẽ được phục sinh vào ngày sau hết. Tuy nhiên, mỗi lần cầu nguyện là mỗi lần chúng ta được nếm trước kinh nghiệm được phục sinh, được tái tạo trong tình phụ tử với Chúa Cha. Đó là một phúc lành mà chúng ta hay bỏ quên! Có lẽ chúng ta cần phải đi vào chiêm niệm thật nhiều thì mới có thể hiểu được sức nặng của lời khẳng định này. Vì quả thật, mầu nhiệm phục sinh cần phải được chúng ta sống mỗi ngày chứ không phải chỉ sống trong Mùa Phục Sinh. Đạo của chúng ta là Đạo của sự phục sinh, một sự phục sinh “được sống”, chứ không phải là một sự phục sinh “bị chết” trong Phụng Vụ.
4. Cầu nguyện giúp chúng ta trở nên người đồng hành với tha nhân
Cầu nguyện còn giúp chúng ta trở nên những người đồng hành với anh chị em của mình. Tại sao như thế? Thưa vì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ gợi mở và lôi kéo ân sủng cứu độ của Thiên Chúa cho những người chúng ta yêu thương, đặc biệt là những ai đang gặp khó khăn, thử thách trong đời sống (x. Mt 8,6; Mt 15,21-28). Cầu nguyện làm phát sinh ân sủng, không phải vì chúng ta dâng lên Thiên Chúa những quà tặng của mình, nhưng vì chúng ta để lòng mình mở ra và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Tắt một lời, mỗi lần kết hiệp với Chúa Giêsu và cầu nguyện như Ngài đã làm là chúng ta đang nối dài ân sủng cứu độ của Ngài cho chính mình và cho người khác.
Hơn nữa, việc cầu nguyện cho người khác còn giúp con tim chúng ta mở ra, để biết quan tâm và chia sẻ cuộc sống đức tin và thường nhật với mọi người xung quanh. Lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta có được sự khôn ngoan, sáng suốt và quân bình để biết cách đối nhân xử thế. Người cầu nguyện sẽ có được sự bình tâm và tự chủ, nhờ đó, cách ứng xử với mọi người sẽ công minh và hài hòa hơn.
Cuối cùng, việc cầu nguyện có thể hàn gắn những rạn nứt và đổ vỡ trong tương giao với người khác. Tâm lý tự nhiên của con người dễ coi mình là trung tâm của vũ trụ, là chuẩn mực cho người khác. Do đó, những phút giây chìm đắm trong cầu nguyện sẽ giúp chúng ta biết khiêm tốn hơn và nhận ra những điều tốt nơi người khác, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, bạn bè, thân hữu... Khiêm tốn để thấy mình còn bất toàn trong ứng xử, để rồi chân thành hòa giải và nối lại mối thân tình với mọi người xung quanh.
Tóm lại, chúng ta có một mẫu gương sáng ngời về cầu nguyện là Chúa Giêsu. Có mẫu gương thì chúng ta phải biết soi mình vào gương mà học theo, chứ đừng úp ngược gương vào tường. Việc cầu nguyện vô cùng ích lợi cho chúng ta, vì mỗi lần cầu nguyện là mỗi lần chúng ta đi vào tình hiệp thông với Chúa Cha và mở ngõ cho chương trình của Người dành cho chúng ta. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mình ra cho tình phụ tử với Thiên Chúa và để mình được trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa. Và, một khi đã sống cho Chúa thì chúng ta cũng sẽ trở thành người đồng hành với anh chị em của mình, bằng một cuộc sống yêu thương và hy sinh cho người khác.
Giuse hạt bụi tro
Thư mục tham khảo
F.X Durrwell. Đức Kitô Cuộc Vượt Qua Của Chúng Ta. Bản dịch của Nguyễn Đức Thông. NXB Đồng Nai, 2016.
Vũ Văn Thiên. “Hãy cầu nguyện”, truy cập ngày 30/10/2022. https://tgpsaigon.net/bai-viet/hay-cau-nguyen-46925
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn