TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy can đảm sống phù hợp với đức tin

Thứ bảy - 05/11/2022 08:09 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   737
“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chống.” Con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 36).
ChuaNhat32TN C

Chúa Nhật XXXII – TN – C
Hãy can đảm sống phù hợp với đức tin

Có một ai đó đã nói: “Những điều bí ẩn là một phần trong cuộc sống”. Đúng… đúng là vậy. Có rất nhiều điều bí ẩn trong cuộc sống. Và thường thì những điều bí ẩn đó luôn là những nan đề khiến cho con người phải hỏi “vì sao!”

Vì sao trái đất lại xoay quanh mặt trời! Vì sao mặt trời lại cách xa trái đất một khoảng cách vừa đủ để con người (cũng như những sinh vật sống ở đó) không bị thiêu đốt bởi sức nóng khủng khiếp hay bị đông cứng bởi cái lạnh kinh hồn! Vì sao định luật vạn vật hấp dẫn Newton luôn vận hành một cách chính xác, hiệu quả!

Có rất nhiều điều con người đã hỏi “vì sao”, và khoa học cũng đã trả lời cho những câu hỏi “vì sao” đó. Tuy nhiên, những câu trả lời đó chỉ như là một sự diễn tả chứ không thể gọi là một lời giải thích rõ ràng, thấu đáo.

Chưa hết, cuộc sống của con người đâu chỉ xoay quanh những bí ẩn được cho là bí ẩn nêu trên! Còn đó là bí ẩn nơi chính bản thân của mỗi con người. Khi nói đến bí ẩn nơi chính bản thân mỗi con người, Lm. Chalers E. Miller gọi đó là “một trong các bí ẩn sâu xa nhất của vũ tr.”

Và, để mọi người hiểu rõ lời nói của mình, ngài Lm. Charles giải thích: “Ta bắt đầu cuộc sống trong lòng mẹ như một tế bào li ti, đơn lẻ, có vẻ như chẳng có giá trị gì, bám theo món quà sự sống tuy bấp bênh nhưng vô cùng báu trọng, tìm một nơi an toàn để nương náu trong dạ mẹ. Nơi đây, ta lớn dần, phát triển lên và được sinh ra đời. Rồi lớn thêm, phát triển thêm, rõ ràng ta trở nên loài thọ tạo mà Kinh Thánh mô tả là ‘chẳng thua kém thần linh là mấy’ (Tv 8, 6). Liệu các điều kỳ thú này có cho thấy cái khả năng có những điều kỳ thú khác thậm chí còn to tát hơn?”

Vâng, như chúng ta thường nói: hỏi là trả lời. Cắt đi đoạn đầu câu hỏi của ngài Lm. Charles, chúng ta có câu trả lời rằng: Có… có-những-điều-kỳ-thú-khác-thậm-chí-còn-to-tát-hơn, đã được mặc khải. Và điều kỳ-thú-to-tát đã được mặc khải, đó là: “kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”

Đức Giê-su, vào những ngày còn tại thế, đã có lần Ngài tuyên bố cho mọi người biết điều kỳ-thú-to-tát này: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống…”.

Tuy nhiên, với nhóm Sa-đốc, một nhóm “chủ trương không có sự sống lại”, họ phớt lờ lời Đức Giê-su tuyên bố (nêu trên). Họ không chỉ phớt lờ mà còn đã đến gặp Đức Giê-su. Gặp để đấu lý với Ngài về chuyện sự sống lại, hầu làm cho chuyện kẻ chết sống lại trở thành chuyện lố bịch. Tiếc thay! Họ thất bại. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 20, 27-38).

**
Tin Mừng thánh Luca ghi rằng: Một hôm, “có mấy người thuộc nhóm Sa-đốc đến gặp Đức Giêsu.” Cứ sự thường, mỗi khi có một “phe nhóm” nào đến gặp Ngài, y như rằng, cuộc gặp gỡ đó sẽ biến thành một cuộc tranh luận.

Thế nhưng, với nhóm Sa-đốc hôm nay, họ không tìm một cuộc tranh luận. Trái lại, khi gặp Đức Giêsu, họ lại tỏ thái độ của mình như thể là những người đi tìm kiếm lời chỉ giáo cho một nan đề trong cuộc sống.

Hôm ấy, trước khi đi vào chủ đề chính, quý ông Sa-đốc đã thưa với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, ông Môse có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình.”

Tưởng chúng ta cũng nên biết, đây là luật “thế huynh” được Do Thái giáo đã đặt ra. Luật này rất phổ biến ở Cận Đông. Đức Giêsu là người Do Thái, hẳn nhiên Ngài không lạ lẫm về luật lệ này.

Đức Giê-su biết điều luật này. Thế nhưng, hôm ấy dù bắt đầu nói về luật, nhưng nhóm Sa-đốc không chủ trương tranh luận với Ngài về luật. Họ muốn nói với Ngài chuyện khác. Chuyện cuộc sống đời sau. Và rồi, họ đã kể một câu chuyện, một câu chuyện có lẽ ngày nay, khi nghe đến, ai trong chúng ta cũng sẽ phải trợn mắt và thốt lên: có thật vậy không, mấy cha nội!.

Vâng, câu chuyện được họ kể rằng: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết”.

Dù đây là chuyện có thật hay chỉ là chuyện đùa thì câu chuyện này như một sự thách thức mà nhóm Sa-đốc muốn thách thức Đức Giêsu.

Họ thách thức Đức Giêsu điều gì? Thưa, họ thách thức Ngài về việc “chuyện gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia, thế giới của sự chết!”

Hôm ấy, sự thách thức đã được họ “gài” vào một câu hỏi. Họ hỏi Đức Giê-su rằng: “Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (Lc 20, 33).

Đúng, quả là một câu hỏi đầy thách thức. Thế nhưng, có thách thức thì cũng chỉ thách thức đối với những ai chưa biết gì về “cuộc sống đời sau”. Với Đức Giêsu, Đấng “từ trời mà xuống”, thì có gì ngăn trở Ngài biết đến những gì sẽ xảy ra ở “cuộc sống đời sau”!
Hôm đó, trả lời cho câu hỏi, Đức Giêsu đã nói rằng, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chống.” Với sự sống đời sau, Đức Giêsu nói tiếp: con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 36).

***
Vâng, cũng khó trách quý ông Sa-đốc. Khó trách là bởi quý ông chỉ đọc “ngũ kinh”, năm cuốn đầu bộ Cựu Ước, mà quên đi sách Macabe. Đó là một thiếu xót lớn.

Sách Macabe có chép rằng “Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ”. Vua Antiokho bắt họ phải “ăn thịt heo là thức ăn luật Môse cấm”(2Mcb 7, 1). Đối với người Do Thái, luật Môse chính là luật của Đức Chúa. Chính vì thế, bảy anh em không thi hành lệnh vua. Thế là vua ra lệnh giết họ. Một người trong bảy anh em trước khi chết đã lớn tiếng nói rằng: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 9).

Sách Macabe có nói đến việc “hưởng sự sống đời đời”. Sách Macabe còn có lời khuyên “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb 7, 14).

Thiên Chúa “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”. “Dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb 7,14). Đó không phải là những lời hứa xuông.

Đức Giêsu, qua phép lạ “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, rồi đến “cho con gái ông Gia-ia sống lại”, kế đến sự kiện “anh Lazaro đã chôn trong mồ được bốn ngày” được sống lại, và cuối cùng là chính Ngài, chính Ngài cũng đã sống lại từ cõi chết. Vâng, đó chính là những minh chứng cho lời phán hứa nêu trên.

****
Kinh Thánh có chép rằng: “Một thời để chào đời, một thời để lìa thế…”. Là một tín hữu Công Giáo, với tháng Mười Một được gọi là tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nên chăng gọi đó là tháng để chúng ta nghĩ đến “một thời để lìa thế”.

Vâng, rất cần nghĩ đến “một thời để lìa thế”. Cần nghĩ đến, là bởi sự sống của mình hôm nay rồi sẽ qua đi. Và sự sống đời sau (của mình) sẽ đến.

Rất cần nghĩ đến “một thời để lìa thế”. Cần nghĩ đến để tự hỏi mình, rằng:”Khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì. Về bên kia thế giới”?

Khi tôi lìa thế, điều tôi sẽ lấy được, phải chăng đó là sự “cực hình lửa thiêu đốt!” Hay, phải chăng, đó là “được ngồi vào lòng ông Apraham!”

Thưa, câu trả lời phụ thuộc vào cách sống của chính mỗi chúng ta. Chúng ta “sống sao chết vậy”. Thật vậy, Kinh Thánh có lời chép rằng, “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” (Hc 11, 26).

Vì thế, hãy ghi khắc câu Kinh Thánh (nêu trên) vào tâm hồn chúng ta. Ghi khắc để nhớ rằng, lối sống mà chúng ta đã sống, chính là tiêu chuẩn, chính là thước đo, trước tòa phán xét, nơi Thiên Chúa sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20, 34-35).

Tuy nhiên, để được thỏa lòng về những lời hứa ban của Chúa, điều quan trọng, trước tiên, đó là chúng ta phải tin và tuyên xưng rằng “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Còn trong hiên tại, bây giờ, đừng quên Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể, Lm.Charles E.Miller nói: Đó chính là “thức ăn dinh dưỡng phần hồn giúp duy trì và bổ sức cho đời sống ơn sủng của chúng ta. Lúc lên rước lễ, anh chị em phải nhớ lại lời hứa quả quyết của Chúa Giê-su: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”

Bí Tích Thánh Thể sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và sự can đảm. Niềm hy vọng, rằng: “Lúc Người lại đến trong vinh quang, niềm vui của chúng (ta) sẽ được tròn đầy.” (đáp ca). Và, sự can đảm, can đảm rằng chúng ta: “không phải chết cho đức tin, mà sống sao cho phù hợp với đức tin ấy” (trích lời Lm Charles).

Vâng, Hãy can đảm sống phù hợp với đức tin. 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây