TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đấng đã đến thế gian

Thứ tư - 12/05/2021 05:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   665
Đấng đã đến thế gian

Chúa Nhật III Mùa Vọng – C

Đức Giêsu, thật là Đấng đã đến thế gian

Trong cuộc sống thường nhật, có ai trong chúng ta lại không hơn một lần sống trong tâm trạng hoài nghi, ngờ vực về một điều gì đó.

Có những hoài nghi dẫn đến chia rẽ, có những ngờ vực dẫn đến chia ly. Có sự hoài nghi dẫn đến bất trung và bội phản. Có những ngờ vực làm suy yếu niềm tin.

Câu chuyện bà Eva bị Xatan đầu độc tâm trí bằng lời dụ dỗ “Chẳng chết chóc chi đâu!” dẫn đến sự hoài nghi, ngờ vực về lời phán truyền của Thiên Chúa, rằng: “Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn người sẽ phải chết”; là một minh chứng điển hình.

Thế nhưng, không phải tất cả mọi sự hoài nghi đều đem đến kết quả xấu. Đôi khi, chúng ta không cần phải vội vàng chấp nhận một điều gì đó, nếu điều đó còn mơ hồ chưa chắc chắn. Tôn giáo nào khuyên bạn chỉ việc nhắm mắt mà tin, không nên hoài nghi gì cả đều là nguy hiểm.

Tông đồ Gioan đã cũng cảnh báo tới những ai có đức tin mù quáng, rằng: “Đừng cứ thần khí nào cũng tin”. Ngài nói tiếp “nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không?” (1Ga 4, 1)

Sự cân nhắc dẫu có bị mang tiếng là hoài nghi thì nó cũng là “sự hoài nghi chân thành”. Mà như có lời chép: “Sự hoài nghi chân thành có thể là bước đầu cho một đức tin mạnh mẽ”.

Nói tới sự hoài nghi, chúng ta không thể không liên tưởng tới ông Gioan Tiền Hô. Là người có một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, có sự liên hệ mật thiết với Đức Giêsu, đã thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” và đã loan báo với mọi người rằng “đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”, cứ tưởng rằng, ông đã nhận ra Đức Giêsu là ai!

Trái lại, ông Gioan Tiền Hô vẫn băn khoăn về vai trò và sứ vụ của Ngài, để rồi cuối cùng, ông đã sai những người môn đệ của mình đến gặp Đức Giêsu hỏi cho ra lẽ.

Sự việc này đã được chép lại trong Tin Mừng thánh Matthêu (11, 1-12).

**
Vâng, bối cảnh câu chuyện xảy ra trong lúc ông Gioan “đang ngồi tù”. Lý do bị tù là bởi ông ta đã ngăn cản bạo chúa Hêrôđê không được phép lấy một người phụ nữ, vì người phụ nữ ấy chính là “vợ ông Philipphê anh của nhà vua” (x. Mt 14, 3-4). Vua Hêrôđê dự định giết ông Gioan vì lời ngăn cản đó, nhưng lại sợ dân chúng “vì họ coi ông là ngôn sứ”.

Đang “ủ tờ” nhưng không rõ do đâu ông Gioan vẫn có thể “nghe biết những việc Đức Kitô làm”. Không thấy Tin Mừng nhắc đến, nhưng rất có thể, qua sự phối hợp giữa nghe và những điều đã thấy ở sông Giodan, hôm làm phép rửa cho Đức Giêsu, ông Gioan nảy sinh sự hoài nghi về Ngài.

Tại sao lại có sự hoài nghi Đức Giêsu? Thưa, không hoài nghi sao được! Một người mà ông từng loan báo rằng “Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi… Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”, sao hôm nay Ngài không “rê sạch” cái lão Hêrôđê tàn bạo kia nhỉ!

Nơi sông Giodan, ông từng hùng hồn tuyên bố “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, để rồi hôm nay, từ ngục tối sầu thảm, sự hoài nghi đã làm cho ông Gioan chuyển từ dấu chấm than sang dấu chấm hỏi… hỏi rằng: “Đấng phải đến” là ai?

Kinh Thánh có chép rằng: “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”

Hôm đó, trước sự khắc khoải trào dâng, ông Gioan “liền sai các môn đệ” đến hỏi Đức Giêsu, rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (x.Mt 11, 3)

***
Sự hoài nghi của ông Gioan có được xếp vào loại “hoài nghi chân thành”? Có lẽ nên trở lại Nadarét, quê hương của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Thật vậy, niềm tin vào Đức Giêsu “có thật là Đấng phải đến hay không?” không phải là không có sự hoài nghi ngờ vực.

Sự hoài nghi ngờ vực, trước tiên, lại xảy ra ngay tại quê hương của Đức Giêsu. Không ai có thể tin rằng, sự hoài nghi của những người đồng hương lại dẫn đến hành động cực đoan đến độ, họ đòi “kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực”(Lc 4, 29).

Tại sao họ lại có hành động “du côn” như thế? Thưa, là vì, hôm đó, sau khi đọc Sách Thánh, với một phần trích đoạn Isaia, Đức Giêsu liền tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Lời tuyên bố chưa kịp chấm dứt, cả hội đường xầm xì những lời lẽ chất chứa sự hoài nghi: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Hôm đó, kết thúc cho sự trở về quê hương của Đức Giêsu là một rừng người “đầy phẫn nộ” (x. Lc 4, 28)

Còn hôm nay, hôm những người môn đệ của ông Gioan đến gặp Đức Giêsu, khác hẳn. Các môn đệ của ông Gioan, sau khi nghe những lời Đức Giêsu nói, cũng là những lời được trích từ sách Isaia, họ không biểu lộ sự hoài nghi, Kinh Thánh chép rằng: “họ đi”.

Không thấy Tin Mừng nói họ đi đâu, nhưng có phần chắc, nơi đến là nhà tù, nơi giam ông Gioan. Vâng, chắc hẳn họ sẽ kể cho ông thầy mình nghe điều Đức Giêsu đã nói, rằng: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Được sinh ra trong một gia đình cha là tư tế; mẹ là bà Êlizabeth “cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, tất nhiên, ông hiểu ngay những lời Kinh Thánh này.

Như vậy, sự hoài nghi của ông Gioan (nếu có) cũng chỉ là “sự hoài nghi chân thành”. Do đó, chúng ta có thể tin rằng, “lời cuối cho một cuộc tình”, cuộc tình của ông với những người môn đệ, có phần chắc là lời khẳng định, rằng: Đức Giêsu chính là Đấng phải đến, không còn phải-đợi-ai-khác nữa…

****
“Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không?”

“Đức Giêsu, Ngài có thật là Đấng đã đến thế gian không?”

Hôm nay, nếu có ai đó đến hỏi chúng ta như thế, chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Phải chăng, kể cho họ nghe câu chuyện “Cuộc đời Chúa Cứu Thế”? Phải chăng, nhân dịp Mừng lễ Giáng Sinh, mời họ tham dự một buổi trình diễn thánh nhạc, đi lễ nửa đêm và sau đó là viếng hang đá Belem?

Thưa, tất cả những việc làm như thế đều có một giá trị nhất định. Thế nhưng, sẽ là giá trị hơn hết khi câu hỏi nêu trên được trả lời bằng chính cuộc sống của mỗi chúng ta.

Khuôn mặt Chúa Giêsu sáng ngời trước bàn dân thiên hạ không do những ánh đèn lấp lánh nơi hang đá do được trang trí dịp lễ Giáng Sinh, nhưng là do những việc làm thiết thực của chúng ta đối với tha nhân, với gia đình và với xã hội.

Thiên hạ chỉ có thể nhận ra “Đức Giêsu thật là Đấng đã đến thế gian” khi họ thật sự “mắt thấy tai nghe” chúng ta “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”

Thiên hạ chỉ có thể thốt lên: “Ồ! Đức Giêsu thật là Đấng đã đến thế gian” khi họ thật sự mắt-thấy-tai-nghe, người môn đệ của Ngài, là chính chúng ta “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Đó không phải là những việc dễ dàng, một sớm một chiều, chúng ta có thể thực hiện.

Thế nhưng, nếu chúng ta có lòng kiên trì và “thấy mục đích Chúa nhắm”, mục đích mà Ngài đã công bố trong một hội đường tại Nadarét, rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”, thì đừng để nguồn cảm hứng của mình, nguồn cảm hứng “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”, tan vỡ theo thời gian.

Hãy nhớ, chỉ khi chúng ta thực thi ý Chúa, chỉ khi đó, qua chúng ta, thiên hạ mới nhận ra “Đức Giêsu thật là Đấng đã đến thế gian”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây