TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy canh thức, và hãy sẵn sàng

Thứ tư - 12/05/2021 04:39 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   800
Hãy canh thức, và hãy sẵn sàng

Hãy canh thức, và hãy sẵn sàng
Chúa Nhật I Mùa Vọng – A

Chúng ta vừa kết thúc năm Phụng Vụ bằng thánh lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua. Hôm nay, Chúa Nhật 01/12/2013, năm Phụng Vụ mới bắt đầu. Theo truyền thống, khởi đầu năm phụng vụ luôn được bắt đầu bằng “Mùa Vọng”.

Vọng nghĩa là gì? Thưa, là trông đợi và hy vọng. Vọng, theo nguyên ngữ tiếng Latin: Adventus, còn có nghĩa là “đến – sắp đến”.

Với Mùa Vọng, nếu được gọi là như thế, của hơn hai ngàn năm xa trước đó, chuyện “đến và sắp đến” đó là, Thiên Chúa đến trần gian và đã đi vào lịch sử nhân loại. Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, “Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Để rồi “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha…”

Với Mùa Vọng của hôm nay, chúng ta sẽ trông mong và hy vọng điều gì? Và sự thật là điều gì “đến và sắp đến”? Thưa, điều chúng ta trông mong và hy vọng, điều đến-và-sắp-đến, đó là, Đức Giêsu “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”. (Kinh Tin Kính)

Thật vậy, khi còn tại thế, Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Thầy sẽ gặp lại anh em” – “Người sẽ lại đến trong vinh quang”. Đó chính là trọng tâm của Mùa Vọng, mà hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng bắt đầu cử hành.

**

Nhớ, hơn hai ngàn năm xa trước đó, chính Chúa Giêsu đã công bố thông điệp này trong một lần Ngài cùng các môn đệ lên Giêrusalem.

Chuyện được ghi lại rằng, hôm đó, “Khi Đức Giêsu từ trong Đền thờ đi ra… Sau đó, lúc Người ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: Xin Thầy nói cho chúng con biết… cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm” (Mt 24, 3).

Điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm ư!? Vâng, một thống kê cho biết, trong phạm vi thế kỷ 20 vừa qua, một số tín đồ của một giáo phái nọ, đã tiên báo “ngày Giêsu quang lâm” những năm lần.

Rầm rộ nhất là lời tiên báo của nhà truyền giáo Harold Camping. Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, Harold Camping tiên tri rằng, vào ngày 21.05.2011 Chúa Jesus Christ tái lâm và song song với sự trở lại của Chúa Jesus, nhiều thiên tai như động đất xảy ra, khởi đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ bảy tại New Zealand (Tân Tây Lan) và cuộn theo từng múi giờ, sự tàn phá của thiên tai tràn ngập trên hành tinh của chúng ta. Kể từ ngày 21.05.2011 thiên tai tấn công liên tiếp, hủy diệt loài người trên trái đất cho đến tháng 10.2011, trái đất bị “hỏa thiêu”, trở thành quả cầu lửa, và trong số 6 tỷ người, chỉ có 200 triệu là được Chúa đón về thiên đàng.

Lời tiên đoán này đã được Harold Camping loan tin qua hệ thống 65 đài phát thanh, bằng 81 ngôn ngữ, và qua hệ thống Internet. Không dừng ở đó, ông ta còn tung ra mấy triệu Mỹ kim để đặt các bảng Billboards, tổ chức quảng cáo trên xe bus, và bằng những đoàn người mặc áo T-Shirt có dòng chữ “Judgment-Day May 21, 2011” hoặc chữ “RAPTURE May 21, 2011”. (trích nguồn: internet).

Những lời tiên báo của Harold Camping chỉ mới nói lên được “một nửa sự thật”, còn một nửa sự thật kia, ông ta quên (hoặc chưa) nói tới.

Mà, như có lời nói rằng: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.”

Đúng, Đức Giêsu có nói đến những thiên tai, những hiện tượng sẽ xảy ra trước cũng như trong ngày Ngài quang lâm. Nhưng, “một nửa sự thật” còn lại, mà Harold Camping đã quên, nhưng Đức Giêsu không quên, Ngài đã công bố, rằng “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

Hôm đó, để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, Đức Giêsu đưa ra một lời cảnh báo rằng, “Thời ông No-ê, như thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”.

***

“Thời ông No-ê như thế nào?”. Thưa, Kinh Thánh Cựu Ước có ghi lại rằng: Trước “Sự gian ác của con người trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng’. Nhưng ông No-ê được đẹp lòng Chúa” (St 6, 5-9)

Ông No-ê, theo lời kể lại: “là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa”. Chính vì thế, đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Ai trông cậy Đức Chúa thì được an toàn” (Cn 29, 25), Đức Chúa không chỉ cho ông biết “giờ tận số của mọi xác phàm” mà còn nói với ông “Hãy làm cho mình một chiếc tàu (và) hãy vào tàu, ngươi cùng con trai ngươi.. ” Nhờ đó, ông No-ê và gia đình đã được an toàn khi Đức Chúa “đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày, bốn mươi đêm”.

Chuyện được ghi lại rằng: “Mọi loài trên mặt đất, từ con người đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời chúng bị xóa khỏi mặt đất, chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông.” (St 7, 23).

Bên cạnh lời cảnh báo nêu trên, Đức Giêsu còn đưa ra một thí dụ rất đời thường để nói lên sự bất ngờ của ngày “Con Người sẽ đến”, Ngài đã ví dụ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.” (Mt 24, 43).

Hôm đó, khép lại những lời cảnh báo, một thông điệp đã được Đức Giêsu long trọng tuyên bố, rằng: “Vậy, anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”. Người nhấn mạnh: “Cho nên, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44)

****

Các môn đệ của Đức Giêsu, tiêu biểu là tông đồ Phaolô cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”. Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6)

Với các tín hữu ở Roma, thánh nhân có lời cảnh báo mạnh mẽ hơn, rằng: “Anh em biết, chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo” (Rm 13, 11)

*****

Bây giờ là tới phiên chúng ta. Với những lời cảnh báo của Đức Giêsu cũng như của thánh Phaolô, vâng, chúng ta hãy trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng: “tôi đang canh thức và sẵn sàng? – tôi đang tỉnh thức và sống tiết độ”?

Đừng quên câu chuyện về những người cùng thời ông No-ê, chỉ vì sống không tiết độ, chỉ vì “mải mê ăn uống…” cho nên, họ đã “không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.” (Mt 24, 39).

Hãy nhớ rằng, “tiết độ” là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22). Như vậy, sống tiết độ chính là sống nhờ Thần khí, mà, như lời tông đồ Phaolô nói, “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25).

Nhờ Thần Khí mà tiến bước, thì, ai có thể ngăn cản chúng ta bước vào “con tàu No-ê”? Bước vào được con tàu No-ê, cơn hồng thủy nào có thể nhấn chìm chúng ta?

Thật ra thì, có nằm mơ, con tàu No-ê cũng không còn hiện diện. Thế nhưng, hôm nay, vẫn còn một con tàu, một con tàu khác để chúng ta bước vào, hầu có thể tránh được những cơn hồng thủy, những cơn “hồng-thủy-chủ-nghĩa… hồng-thủy-đam-mê-dục-vọng, hồng-thủy-tiền-tài-danh-vọng, hồng-thủy-say-sưa-chè-chén, hồng-thủy-chơi-bời-dâm-đãng, hồng-thủy-cãi-cọ-ghen-tương”, con tàu đó mang tên “Hội Thánh”.

Con tàu mang tên “Hội Thánh” đã được chính Đức Giêsu ủy nhiệm cho “người anh cả Phêrô” cầm lái, với sự hiện diện của Ngài “mọi ngày cho tới tận thế”.

Như xưa kia, khi nạn hồng thủy xảy ra, “chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông” sống sót. Cũng vậy với chúng ta hôm nay, trong con tàu Hội Thánh, chúng ta mới có quyền trông mong và hy vọng mình có tên trong danh sách “một người được đem đi” (Mt 24, …41)

Chính vì thế, đừng chần chờ gì nữa, hãy bước vào con tàu mang tên Hội Thánh, bởi, những gì đang xảy ra trên thế giới hôm nay, như chiến tranh, thiên tai, bão lụt, động đất v.v… đó chính là “dấu chỉ”, những dấu-chỉ-thời-đại, cho chúng ta thấy, ngày Chúa Giêsu trở lại, đang gần kề, ngày “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” đang “sắp đến”.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng, chỉ khi là hành khách của con tàu mang tên Hội Thánh, chúng ta mới được cung cấp “lương thực thường tồn”, đó chính là “Mình và Máu Thánh Con Trời Giêsu”, một thứ lương thực không chỉ đem đến cho chúng ta sự sống đời đời mai sau, mà còn, ngay tại đời này, đem đến cho chúng ta một sức mạnh siêu nhiên, đủ tỉnh táo để “canh thức và sẵn sàng” cho ngày “Con Người sẽ đến”.

Petrus.tran

 Tags: Mùa Vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây