TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng nhiệt thành

Chủ nhật - 18/04/2021 04:59 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   773
Lòng nhiệt thành

Lòng nhiệt thành

Nhiệt thành để chu toàn sứ vụ cuộc đời mình, đó là một chủ đề được nhìn với cuộc đời của Đức Maria. Từ đó, tìm ra bài học cần thiết cho bản thân. Triết gia Ralph Waldo Emerson nói: “Chẳng có thành tựu vĩ đại nào lại không chứa đựng ngọn lửa nhiệt tình.” Lửa nhiệt tình ấy kín múc từ đâu? Hoàn thành cuộc đời với lòng nhiệt thành. Chúng ta cùng lược qua những vấn đề trên.

Kín múc lửa nhiệt thành.

“Khi lửa cháy trong linh hồn con người, không điều gì là không thể” (La Fontaine). Đức Maria vội vã lên miền sơn cước gặp gỡ bà chị Elizabeth (Lc 1, 39). Vội vã lên đường, chỉ đến một lộ rình nhiệt huyết của ngày đầu lãnh nhận Đấng Cứu Thế. Lửa nhiệt thành kín múc từ nơi Chúa Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49). Kín múc bằng đời sống chiêm ngắm, Đức Maria kinh nghiệm về việc Chúa đã làm: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 50 – 51). Không có hiểu biết, lòng nhiệt thành có thể trở nên phá hoại, công việc trở nên vô ích. Lửa nhiệt thành ở chính việc biết chúa và yêu mến Chúa mới có thể dâng hiến cuộc đời mình trở nên khí cụ: “Vâng, tôi đây nữ tỳ Chúa” (Lc 1. 38).

Lửa nhiệt thành có thể tắt hay nguội đi khi gặp những sự kiện không vừa ý hoặc trở ngại chống đối. Đức Maria chỉ cho chúng ta việc duy trì lòng nhiệt thành nhà Chúa bằng phương pháp: “Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 1, 19). Không có trở ngại nào có thể thắng được một con người luôn kiên nhẫn bồi bổ lòng khát khao và sự hiểu biết. Cuộc đời vì thế luôn tràn đầy nghị lực để gánh chịu mọi buồn vui, đầy tràn tình yêu để chu toàn sứ mệnh.  

Thực hiện lửa nhiệt thành.

Lửa nhiệt thành làm cho cuộc đời trở nên đáng sống và dâng trào một niềm vui luôn hướng tới người khác. Lòng nhiệt thành đi với sự hiểu biết làm nên một năng lực lớn lao, và với năng lực ấy để phụng sự tha nhân, con người trở nên cao cả: “Con người chỉ trở nên cao cả khi họ dám xả thân cho một cái gì lớn hơn là bản thân mình” (Saint Exupery). Đức Maria nhận lãnh sứ vụ với lòng nhiệt thành: “Xin Chúa cứ làm cho tôi” (Lc 1, 38) , không sợ hãi, không ngần ngại: “Một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35). Một tinh thần quả cảm vì những con người cần được Chúa đoái thương.

Tình yêu đích thực của con người hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa được biểu lộ qua hành động: “xin vâng”. Xin vâng trong mọi lúc, với tinh thần vững mạnh, như khi đứng dưới chân thập giá, như sau đó trong ngôi nhà cầu nguyện. Đức Maria tràn đầy mọi hy vọng và tin chắc chắn về sự kiện “sống lại”. Sách Tông Đồ công vụ không kể lại việc Đức Maria chạy ra mồ từ sáng sớm, nhưng kể lại Đức Maria hiện diện trong nhà cầu nguyện cùng với các môn đệ Chúa Giêsu (Cv 1, 14). Con người mạnh mẽ về đức tin là con người đã chứng nghiệm chắc chắn về những việc “Chúa đã làm”, không nghi ngờ, không cần vội vã chạy ra để xem mộ trống, không lo âu; trái lại, bình tĩnh, tin tưởng, vững chãi thi hành bổn phận đời sống, làm giá đỡ tinh thần cho người khác trong lúc nguy nan. Sự hiện diện của Đức Maria trong nhà cầu nguyện nói lên nhiều điều và nhiều điều cần được “suy đi nghĩ lại” những gì Đức Maria đã sống và trải nghiệm.

Nhiệt thành trong âm thầm

Khác với nhiều suy nghĩ, nhiệt thành là biểu lộ qua việc hăng hái, xông pha, hô to, chúi đầu với công việc. Nhiệt thành không phải là những biểu lộ kiểu nóng sốt của các phong trào, bùng lên rồi tắt ngấm.

Lửa nhiệt thành với nhà Chúa thường biểu lộ qua tính cách: “vì lòng yêu mến Thiên Chúa”. Tất cả đều có thể xuất phát từ đây để thực hiện cuộc đời của mình cách lặng lẽ mà không thiếu lửa cháy. Vì lòng yêu mến Chúa, tôi thực thi những điều Chúa dạy; vì lòng yêu mến Chúa, tôi đi trên con đường toàn thiện; vì lòng yêu mến Chúa, tôi sống hết mình cho tha nhân... Trọng tâm của giới răn là sự liên kết giữa yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6, 5) và yêu mến tha nhân (Lv 19, 18). Hành động của tình yêu thường không ồn ào, như người mẹ ôm con trong giấc ngủ, như người cha làm việc không mang gánh nặng về nhà. Hành động của tình yêu cũng không thường kể lể đến công lao, cũng chẳng tính toán hơn thua. Lửa nhiệt tình trong âm thầm mà mạnh mẽ, trong im lặng mà quả cảm, trong trầm tĩnh mà cương quyết, trong lặng yên mà cao thượng.

Nhiệt thành có sức chuyển nhiệt cho người khác. Sự kiện tại ngôi nhà cầu nguyện, Đức Maria với các môn đệ của Chúa Giêsu, được diễn tả giống như những câu chuyện ở cuộc đời. Mỗi khi thất vọng, lo âu, sợ hãi, gian nguy, khó khăn trong hiện tại, người ta hay tìm về nơi khích lệ, nâng đỡ, an ủi bên cha mẹ, tìm lại nguồn mạch sức sống. Kinh nghiệm của nhiều người khi chạy đến kêu cầu Mẹ Maria cũng cho thấy như vậy. Có thể thấy kinh nghiệm của nhà thơ Hàn Mạc Tử diễn tả trong bài thơ “Ave Maria”:

“Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ-bi,
Cho tôi dâng lời cảm-tạ phò nguy
Cơn lâm-lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng-rưng hai dòng lệ:
Dòng thao-thao như bất-tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí-vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền-bí,
Và trong tay nắm một vạn hào-quang”

Xin thắp lên trong chúng con lòng nhiệt thành học biết Chúa và yêu mến Chúa như Mẹ. Trong mọi nơi và trong mọi lúc, chúng con tìm thấy nguồn năng lượng của sáng tạo và kiên nhẫn; đón nhận mọi buồn vui và lặng lẽ đầy sức mạnh gánh vác việc đời. Chu toàn đời sống con người và nên thánh.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây