TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mục Tử Như Lòng Mong Ước

Thứ sáu - 07/05/2021 19:07 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   900
Jesus Good Shepherd guides me[2]
Jesus Good Shepherd guides me[2]

Mục Tử Như Lòng Mong Ước

 

Mục tử nhân lành hoàn hảo không ai khác chính là Chúa Giêsu, là người Mục Tử mẫu mực cho tất cả mục tử như lòng Chúa mong ước. Khi nói đến người Mục Tử Nhân Lành mẫu mực, Chúa Giêsu cũng đưa ra những tiêu chí cần thiết cho những mục tử ngày nay. Mục tử chính là những người lãnh đạo ngày nay đang điều hành nhiều lãnh vực khác nhau trong đời sống.

Tôn Trọng – Ngưỡng mộ. Là người Mục Tử Nhân Lành để chinh phục người khác, điều cần thiết đầu tiên: Lời nói cần đi đôi với thực hành. Chúa trách các kinh sư: “Họ nói mà không làm” (Mt 23, 3). Không thể bắt người khác tôn trọng người lãnh đạo bằng những thiết chế đồng lương, sự quy phục cưỡng bức bởi uy thế, cũng không dựa vào nịnh hót, dựa dẫm. Người Mục Tử như Chúa Giêsu dạy: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta theo Ta” (Ga 10, 27). Biết là một động từ Thánh Gioan diễn tả, đó là cái biết bằng cả trái tim và bằng cả lý trí để nhận biết. Chính vì vậy, Chúa Giêsu trân trọng từng con người, dù họ là ai, Chúa vẫn mở lòng yêu thương họ, bởi “Chúa biết con hơn con biết chính con” (Thánh Augustine). Biết người khác để trân trọng, biết mình để giữ được sự tôn trọng.

Tinh tế: Người Mục Tử Nhân Lành còn dạy điều tinh tế với từng người. “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng không kết án chị” (Ga 8, 11). Biết lỗi lầm của người khác nhưng lấy lòng nhân từ mà tha thứ, đón nhận. Chúa vẫn nhắc kể cả người Tông Đồ Trưởng riêng tư: “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13, 38). Biết về mỗi người sẽ sai lỗi nhưng Chúa luôn tín nhiệm, cầu nguyện cho người được Chủa thác: “Và Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin.” (Lc 22,31-32).

Người mục tử nhân lành, còn là người lo đến đời sống vật chất cho họ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Thưa không.” (Lc 22,35). Không chỉ vậy, cả những người đi theo và nghe Lời Chúa đông đảo, Chúa Giêsu vẫn lo cho họ đủ cái ăn, qua phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn. Sự tinh tế là một điều cần thiết cho nhà lãnh đạo, từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất và quan trọng là tháo gỡ những vướng mắc riêng tư của từng cá nhân đang làm họ lo âu, buồn khổ.

Trung tín và trách nhiệm.
Người lãnh đạo, luôn cần có sự trung tín từ đời sống thành thật, cởi mở với người khác với sự chân thành. Giữ kiên định trong ý ngay lành, vượt qua những khó khăn để tiến về phía trước, chia sẻ những lo âu với anh chị em đang cùng đường đi: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” (Mc 14, 34). Mặc dù các môn đệ của Chúa cũng không giúp gì được cho Người, nhưng vẫn cần họ chung sức để nỗ lực vượt qua khó khăn ít ra trong sự đồng cảm. Trung tín không chỉ giữ riêng cho mình còn giúp người khác sống trung tín, đặc biệt cầu nguyện cho họ: “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý.” (Ga 17, 15 – 17). Người lãnh đạo không những chỉ là những người trở nên gương mẫu mà còn là người biết cầu nguyện cho anh chị em của mình, trung tín với sự thật và kiên vững trong mọi sự để tiến tới trong việc ngay lành.

Người lãnh đạo cũng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn, dù đó là lỗi của ai, cá nhân nào. Chúa Giêsu trong lời nguyện hiến tế đã nói thi hành trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo như một nguyên tắc cơ bản: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17, 19). Người nào có quyền cao nhất là người có trách nhiệm lớn nhất, bởi thế: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35).

Người mục tử nhân lành đòi hỏi một đức tính quan trọng trong mọi hành xử là khiêm nhường. Khiêm nhường là để thấy anh chị em luôn quan trọng với sứ vụ của mình: “Trở nên giá chuộc cho mọi người” (Lc 10, 45). Khiêm nhường để thấy mình đã “được cho không thì cũng cho không anh chị em như vậy” (Mt 10, 8). Khiêm nhường là để trở nên những người con bé nhỏ của Chúa, vâng phục Thánh ý Thiên Chúa trong mọi việc, trở nên người tôi trung của Chúa.

Là người mục tử nhân lành như Chúa là một tiến trình để trở nên người lãnh đạo cần thiết cho ngày hôm nay. Cần có nhiều mục tử không những ở trong Hội Thánh mà ngay cả xã hội, chính trị, và ngay từ nơi nhỏ bé trong gia đình, để có thể xây dựng thế giới trong văn hóa tình thương, một nơi con người tìm thấy niềm vui hạnh phúc. Xin Chúa ban cho chúng con những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây