TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đan viện Thiên Hòa hành trình 50 năm

Thứ năm - 15/04/2021 06:22 |   1377
Để có một cái nhìn chính xác về Lịch sử Thiên Hòa hầu từ đó có thể đồng cảm, chúng tôi phải ghi nhận những sự kiện dệt nên lịch sử Năm Mươi Năm của Đan viện.
Đan viện Thiên Hòa hành trình 50 năm

Đan viện Thiên Hòa hiện diện và phát triển qua 50 năm


Để có một cái nhìn chính xác về Lịch sử Thiên Hòa hầu từ đó có thể đồng cảm, chúng tôi phải ghi nhận những sự kiện dệt nên lịch sử Năm Mươi Năm của Đan viện. Chúng tôi chia lịch sử Năm Mươi Năm của Thiên Hòa thành bốn giai đoạn.


1. Giai đoạn chuẩn bị (1959 – 1962)
Trong nhiệm kỳ làm Bề Trên Thiên An của cha Anselmo Nguyễn Ngọc Ngãi (1959 – 1961), đã có dự phóng thành lập Đan Viện Thiên Hòa. Tháng 3 năm 1959, Đan viện Thiên An quyết định thành lập nhà con và cử Cha Nguyễn Ngọc Ngãi lên Tây Nguyên tìm đất. Sau khi tiếp xúc với Giáo Quyền Ban Mê Thuột, cha Anselmo đã tậu được 290ha cho để lập dòng Thiên Hòa. Lô đất này tọa lạc sát mặt Quốc lộ 26 (cây số 30-31) Buôn Ma Thuột – Nha Trang mà chiều dài theo Quốc lộ là 1900m, chiều ngang ăn vào Suối Buôn Pan là 1500m.
Sau khi các thủ tục thành lập Đan viện Thiên Hòa được hoàn thành, tháng 5/1962, Thẩm quyền của Đan Hội Subiacô đã chấp thuận cho Thiên An thành lập Thiên Hòa theo yêu cầu của Đức Cha Paul Seitz, Giám Mục Giáo phận Kontum, gồm cả Ban Mê Thuột.


2. Giai đoạn thành lập và phát triển (1962 – 1974)
Ngày 08/12/1962, tại Đan viện Thiên An, cha Benoît Nguyễn Văn Thái, Bề Trên Thiên An, chủ tế Thánh Lễ kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm và tuyên bố thành lập Đan viện Thiên Hòa, đồng thời nhận Mẹ Vô Nhiễm làm Bổn Mạng Thiên Hòa. Hôm ấy cũng là ngày đánh dấu sự khai sinh của Thiên Hòa. Cha Anselmo được chọn làm Bề Trên tiên khởi của Thiên Hòa.
Sau đó, ngày 10/12/1962, đoàn lập dòng đã lên đường gồm 6 đan sỹ (2 linh mục là cha Anselmo làm Bề Trên, cha Arsène và 4 thầy: Phanxico, Justino, Barnabê và Odilon). Đoàn thuê một xe tải nhỏ chở đồ đạc và đan sỹ từ Huế vào Buôn Ma Thuột và tạm trú (ở nhờ) cơ sở của CADA, cách đất Thiên Hòa 4 km. Tại đây, ngày ngày các đan sỹ đi nhờ xe cày hay đi xe đạp đến khai phá một diện tích để làm nhà.

Đức Cha Paul Seitz làm phép và khánh thành cơ sở Thiên Hòa

Ngày 15/4/1963, đoàn đan sỹ thứ hai được Thiên An sai đi đến Thiên Hòa gồm 4 người: cha Jérôme, cha André, thầy Tarsicius và thầy Stanislas.
Ngày 30/4/1963, mười nhân sự của Thiên Hòa đến cư trú tại khu nhà thô sơ mới hình thành: Cốt bằng phên tre tô hồ xi măng, cột gỗ, lợp tôn, dài 50m ngang 5m, phần đầu nhà làm Nhà Nguyện, phần còn lại làm nhà ở. Sau khi định cư, Thiên Hòa bắt đầu những năm tháng xây dựng cơ sở vật chất, đón nhận ơn gọi, huấn luyện đời đan tu.
Ngày 13/05/1963, cha Benoît Nguyễn Văn Thái, Bề Trên Thiên An đến thăm Thiên Hòa và nói rằng: “Thiên Hòa chỉ tiếp tục công việc của La Pierre-Qui-Vire là xây cất đời sống nội tâm, là cái mà chỉ có đan sỹ làm được, người ngoài sẽ giúp xây cất cơ sở vật chất”.
Ngày 22/05/1963, Đức Cha Paul Seitz làm phép và khánh thành cơ sở Thiên Hòa. Cùng đi với Đức Cha, có một số linh mục và tu sĩ; cũng có các Thân Nhân và Ân Nhân của Thiên Hòa; ngoài ra còn có lãnh đạo Chính Quyền… Đức Cha Paul Seitz nói tiếng Việt rất trôi chảy; đã từ lâu, ngài ước mong có Dòng Chiêm Niệm trong Giáo phận, ước mong đó cũng là định hướng của Đức Giáo Hoàng Pio XI, vị Giáo Hoàng truyền giáo, “Trong cánh đồng truyền giáo, cần có các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm”. Từ đây, Thiên Hòa hướng tới một nếp sống đan tu đúng đắn để có thể xin mở Nhà Tập.


Đầu năm 1965, các khu Dinh điền Thăng Trị, Thăng Tiến… bất ổn vì chiến sự; người dân di tản ra vùng ngã ba Phước An. Đan viện Thiên Hòa tổ chức cứu trợ dân tị nạn: dựng lều ở tạm, mở trạm y tế phát thuốc, và cứu đói, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm, tạo môi trường học hành cho trẻ em.
Tháng 6/1966, Thiên Hòa mở Đan Tử Viện, cha Christophe làm giám đốc. Lớp đan tử đầu tiên có 8 em; năm 1975 có 40 em từ lớp Đệ Tứ (lớp 9) đến Đệ Nhị (lớp 12).

Ngày 16/01/1967, Trắc Địa Sư Trương Văn Phó, đo cắm mốc lập sơ đồ lô đất 290ha Thiên Hòa. Ông Tổng Giám Đốc Điền Địa là kỹ sư Võ Văn Nhơn duyệt y bản sơ đồ theo sơ đồ tỷ lệ 1/10000, với nội dung: “Nghị định số 84 C.C.Đ.Đ.N.N/H.C.T.C/ND ngày 16/02/1970 cấp quyền cho Đan viện Thiên Hòa trên phần đất diện tích 290ha tại xã EAYONG, Quận Phước An, Tỉnh DăkLăk”.
Ngày 09/07/1968, sau cuộc thăm viếng của cha Tỉnh Phụ Marie Louis, Thiên Hòa nhận được Sắc Lệnh thành lập Đan viện. Từ đây, Thiên Hòa được ủy nhiệm mở Nhà Tập và nhận Khấn Sinh. Có một số Thỉnh Sinh đã chờ đợi từ 2 năm qua. Thiên Hòa cũng có dự phóng gởi cha Basile và cha Christophe đi.
Ngày 11/01/1970, Đan viện Thiên Hòa có hai Tập Sinh đầu tiên tuyên khấn. Ngày 07/01/1971, thầy Phêrô Tuần đã đi theo xe tải Desoto Thiên An chuyển đến Thiên Hòa. Cũng thời gian này, Thiên Hòa đón nhận anh Emmanuel và anh Jacques của Kép.


Ngày 10/03/1972, Thiên Hòa trở thành nhà tự trị (monasterium sui juris). Phúc trình trong cuộc thăm viếng theo Giáo Luật, Thiên Hòa có: 10 Khấn Trọng, 3 Khấn Tạm, 2 Tập Sinh. Các vị thăm viếng cũng lưu ý Thiên Hòa cần quân bình giữa các hoạt động làm rừng, canh tác, xã hội. Vì vậy, sau cuộc thăm viếng, Thiên Hòa đã thu nhỏ các công việc: Café, canh tác, trường học, cô nhi, garage… Năm 1973, Thiên Hòa lập sơ đồ (plan) và thu gom vật liệu để xây cất Đan viện.
Năm 1974, cộng đoàn Thiên Hòa gồm có 30 thành viên, một tương lai khả quan mở ra vì có nhiều ơn gọi và có đủ đất đai hợp pháp để trồng trọt chăn nuôi, vừa sống ơn gọi đan tu, vừa giúp đỡ dân nghèo sắc tộc Việt Nam, bằng cách mở cô nhi viện, trạm xá, phát thuốc và trường học miễn phí cho 500 em học sinh cấp tiểu học.
Ngày 21/11/1974, Cha Bề Trên Bernard qua đời vì tai nạn khi ngồi sau xe Honda. Cha Thomas, Bề Trên Thiên An đã chỉ định cha Gioan Lê Chúng thay thế cha Bernard.


3. Giai đoạn thử thách do thời cuộc (1975 – 2000)
Đan viện Thiên Hòa đang từng bước đi vào ổn định và phát triển thì sóng gió nổi lên vào Mùa Xuân 1975 (biến cố thống nhất đất nước). Cộng đoàn Thiên Hòa phải di tản để tránh lằn đạn giao tranh. Sau khi trở về, Thiên Hòa bị trộm cướp, mất nhiều, nhất là thư viện, đồ thờ phượng, vật tư, lương thực, thú vật, văn khố… Lúc này, toàn vùng ở trong tình trạng quân quản.
Cô Nhi Viện (20 em) và Nhà Dưỡng Lão của Thiên Hòa bị giải tán. Đan viện bị kiểm kê và niêm phong toàn bộ tài sản đất đai, vật tư, xe cộ, súc vật, lương thực…
Kể từ biến cố 1975, Cộng đoàn Thiên Hòa trở thành “kẻ trắng tay”, những ai còn sức lao động thì đưa vào sản xuất Tập Đoàn. Các anh em trẻ gồm Khấn Tạm, Tập Sinh, Thỉnh Sinh phải hồi tục trở về gia đình làm nghĩa vụ xã hội.
Ngày 21/02/1975, thầy Thomas Thiện chịu chức Linh Mục và đến tháng 6/1976, cha Thomas Thiện làm Bề Trên Thiên Hòa thay cha Gioan.


Ngày 17/12/1977, chủ Tịch UBND Huyện KrôngPắc ký quyết định số 236 QĐ – UB “Thu hồi toàn bộ 290ha đất đai và trang thiết bị của Đan viện Thiên Hòa và thành lập Ban Kiểm Kê quản lý toàn bộ cơ sở nói trên”. Chính Quyền không nhìn nhận việc chuyển nhượng cho dân đã có từ trước năm 1975. Ngày 10/01/1979, Đan viện Thiên Hòa phải lập Biên Bản bàn giao toàn bộ khu nhà cho Nhà Nước (Huyện) quản lý. Ngày 15/06/1979, UBND Huyện KrôngPắc “giải quyết đưa Đan viện Thiên Hòa đến ở Giáo Họ Thuận Hiếu I, xã Hòa Tiến, cho phép sử dụng đất vườn chung quanh nhà thờ và tham gia lao động trong Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Hòa Tiến”.
Vì vậy, ngày 05/09/1979, Đan viện Thiên Hòa gởi đơn đến các cơ quan cấp Tỉnh DăkLăk khiếu nại về các quyết định và giải quyết nói trên của UBND Huyện đối với Đan Viện Thiên Hòa. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột cũng có văn thư số 4864 – L79 gửi UBND Tỉnh DăkLăk, MTTQ Tỉnh, Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tỉnh, khiếu nại và yêu cầu cứu xét lại hai quyết định chưa đúng Luật Pháp của UBND Huyện KrôngPắc đối với Đan viện Thiên Hòa và Giáo Họ Thuận Hiếu I.


Ngày 08/07/1985, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai phong chức Linh Mục cho thầy phó tế Phêrô Tuần (chịu chức phó tế ngày 05/06/1975). Sau đó, cha Thomas Châu Văn Đằng chỉ định cha Phêrô Tuần Cao Kim Động làm Bề Trên Thiên Hòa thay cha Thomas Thiện Lê Thanh Các.
Cộng đoàn Thiên Hòa thời điểm này chỉ còn 8 đan sỹ Khấn Trọng: cha Thomas Thiện, cha Christophe, thầy Michel, thầy Gérardo, thầy Phanxico Trung, thầy Jacques, thầy Ephrem và cha Phêrô Tuần, không có người trẻ. Tình trạng này khiến Đan viện Thiên Hòa có nguy cơ bị giải thể hay bị hạ xuống hàng lệ thuộc vì không còn hội đủ các yếu tố của một Đan viện Tự Trị: nhân sự, nếp sống đan tu, tài chánh, đất đai, ơn gọi (theo Hiến Pháp Đan Hội Subiaco). Ngày 15/07/1987, thầy Phanxico Trung qua đời, khiến thành viên Thiên Hòa chỉ còn 7 người.

Trong thời gian này, sau khi không còn sở hữu đất đai, phương tiện sản xuất, các đan sĩ đã phải theo gót dân chúng đi khai hoang đất rừng, trồng hoa màu để có thể kiếm sống qua ngày và duy trì cộng đoàn: khi thì làm tương, làm nấm, khi thì trồng mía, trồng củ mì, củ dong hay trồng tiêu, trồng cà phê trên 1ha đất của Giáo Họ Thuận Hiếu I…
Sau nhiều ứng biến để sống còn như: gia công làm đậu phụ cho Phòng Công Nghiệp Huyện (1976 – 1978), làm lò nấu đường (1982 – 1984), Đan viện Thiên Hòa được UBND Huyện KrôngPắc chuẩn y cho thành lập “Tổ Hợp Tác Sản Xuất Mây – Tre – Lá Thuận Hòa” (Quyết định số 4/QĐ – UB ngày 12/04/1988).
Trong tình thế như vậy, Đan viện Thiên Hòa đã rơi vào tình trạng thiếu hụt cả nhân sự lẫn điều kiện vật chất và không thể duy trì quy chế nhà tự trị. Vì vậy đã phải trở lại thành nhà trực thuộc Đan viện Thiên An (từ năm 1992).
Tuy nhiên, trong những năm khốn đốn và cơ cực này, qua việc làm ăn sản xuất… Thiên Hòa tìm được một số “ơn gọi”, và từ đó tiếp tục tìm kiếm và vun xới, một số ơn gọi đó còn bền đỗ cho đến nay (2012).
Khi Thiên Hòa bị thu hồi đất, Đức Cha Nguyễn Huy Mai phản đối với chính quyền và Cộng đoàn Thiên Hòa liên tục đòi trả lại hoặc cấp đất mới, nhưng không có kết quả. Thiên Hòa tiếp tục tự xoay xở để tìm cho mình được nơi cư trú ổn định, hầu có thể tồn tại và phát triển. Tháng 07/1991, nhận thấy Thiên Hòa không còn đất đai, nhà cửa nên ông bà cố Lê Xuân Hồng (Song Thân của hai nữ Đan sỹ Biển Đức là chị Tố Trinh và chị Tố Hương) đã hiến tặng cho Thiên Hòa lô đất trồng cà phê 1,4ha tại 110 Lê Thị Hồng Gấm, Thị xã Buôn Ma Thuột để làm cơ sở tu hành.
Ngày 22/06/1993, thầy phó tế Laurent Hoàng Thanh Trương của Đan viện Thiên Bình đến Thiên Hòa để thi hành nhiệm vụ làm Bề Trên, thay thế cha Phêrô Tuần.
Thiên Hòa tiếp tục tìm hướng đi nhằm khôi phục đời đan tu. Vì vậy, ngày 19/03/1994, Thiên Hòa mua được khoảng 8ha đất nhờ vốn tự có và nhờ tài trợ của Ân Nhân xa gần, trước là để canh tác sau là để dự phóng cho tương lai Đan viện.
        Lô đất có tọa độ cách Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột 11km, tại Thôn Hòa Nam, xã EANOUL, Huyện Buôn Đôn. Từ đó một cộng đoàn nhỏ được thành lập với tên gọi “Tổ liên kết trồng cà phê”.

 

               

Ngày 15/08/1998, Giáo Họ Thuận Hiếu I kiến nghị Chính Quyền Tỉnh, Huyện, Xã giải quyết đưa Đan viện Thiên Hòa đi chỗ khác để trả lại khuôn viên, cơ sở cho Giáo Họ. Song song theo đó, Đan viện Thiên Hòa cũng kiến nghị lên Chính Quyền giải quyết theo nội dung kiến nghị của Giáo Dân. Tiếp theo các văn bản kiến nghị là những cuộc tiếp xúc, trao đổi và làm việc giữa đôi bên. Mãi tới ngày 18/11/1999, UBND Huyện KrôngPắc, qua văn thư số 191/CV-UB, mới chấp thuận cấp cho Đan viện Thiên Hòa 5ha đất ở Xã Tân Tiến và đề nghị lên UBND Tỉnh DăkLăk cứu xét. Phải một năm sau, ngày 09/11/2000, UBND Tỉnh mới có công văn số 2135/CV-UB hướng dẫn Đan viện làm hồ sơ.

 Cơ sở đất Hòa Nam


4. Giai đoạn hồi phục (2001)
Sau khi được giao đất, Đan viện Thiên Hòa đã khởi công xây dựng cơ sở trên Vùng Đất Mới từ đầu năm 2001.

Ngày 08/01/2001, Đan viện Thiên Hòa đã tổ chức cải táng và dời mộ cha Bernard Cao Văn Liêm tại Thị Trấn Phước An (đất Thiên Hòa trước đây) và thầy Phanxico Trung tại đất Giáo Họ Thuận Hiếu I về đất Thiên Hòa vừa được giao. Cha Đan Phụ Stéphano Huỳnh Quang Sanh chứng kiến việc bốc mộ và chủ lễ cải táng. Đồng tế thánh lễ cải táng với Đan Phụ có 2 cha xứ của Thuận Hiếu I và Thuận Hiếu II; ngoài ra còn có các Thân Nhân – Ân Nhân của Đan viện và đông đảo giáo dân tham dự.


Ngày 22/06/2001, Thiên Hòa viết văn bản bàn giao “không điều kiện” đất đai và cơ sở Thuận Hiếu I cho Giáo Quyền sở tại, cám ơn và từ giã Giáo Họ mà Thiên Hòa đã “ở nhờ” suốt 23 năm (1979 – 2001) để chuyển về Vùng Đất Mới. Ngày 10/07/2001, qua văn thư số 132/CV-UB, Huyện KrôngPắc đã chấp thuận cho các đan sĩ được nhập hộ khẩu tập thể.
Ngày 11/07/2001, Lễ Thánh Tổ Phụ Biển Đức, cũng là Lễ Khánh Thành và làm phép Đất Mới của Đan viện Thiên Hòa (nhà cửa và đất đai) do Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức, Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột chủ lễ. Đồng tế với Đức Cha, có Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, Cha Tổng Đại Diện, Đan Phụ Thiên An, Quý Cha Bề Trên và Quý Cha trong Giáo phận, cùng với Quý Thân Nhân, Ân Nhân, đông đảo tín hữu Giáo Dân và các cấp Chính Quyền.

Sau khi có được Đất Mới, Thiên Hòa trả lại lô đất 1,4ha được ông bà cố Lê Xuân Hồng hiến tặng để xây dựng cơ sở Tôn giáo, nhưng trong giai đoạn này Thiên Hòa không thể thực hiện được do phải tập trung nhân lực, tài lực để xây dựng lại Đan viện. Từ đây, Thiên Hòa lật sang một trang sử mới.
Ngày 29/03/2004, cha Thierry Đan Phụ Chủ Tịch, chỉ định cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh của Đan viện Thiên Phước làm Bề Trên Thiên Hòa, thay thế thầy phó tế Laurent Hoàng Thanh Trương đến tuổi nghỉ hưu theo Giáo Luật.
Ngày 19/03/2005, Thiên Hòa mở lại Nhà Tập sau 14 năm gián đoạn, những năm trước đó Thiên Hòa gửi người ra Thiên An để làm Nhà Tập. Cũng trong năm 2005.
Ngày 12/05/2009, Thiên Hòa lấy lại được tư cách Tự Trị (sui juris) đã bị mất từ năm 1991. Trong nhiệm kỳ Bề Trên của cha Phaolô, cơ sở vật chất về cơ bản đã được Hòan bị gồm: nhà khách, hai dãy nhà một tầng 60 phòng cho Đan sỹ, một dãy nhà dài một tầng bao gồm: Nhà hội, nhà bếp, phòng ăn, phòng quản lý, nhà xe, phòng bệnh, phòng vi tính.
Ngày 20/08/2011, cha Phêrô Cao Dương Đình Thời của Thiên An được cha Bruno, Đan Phụ Chủ Tịch, chỉ định làm Bề Trên Thiên Hòa, thay thế cha Phaolô Nguyễn Hữu Thanh.
Từ ngày được bổ nhiệm phụ trách Đan viện Thiên Hoà, cha Phêrô Cao Dương Đình Thời đã cùng các đan sĩ Thiên Hòa nổ lực kế thừa truyền thống đan tu của các đan sĩ tiền bối, theo ba hoạt động chính: cầu nguyện, học hành và lao tác.

Truyền thống đan tu thánh Biển Đức dựa vào Thánh giá, sách vở và chiếc cày. Nhờ Thánh giá, nghĩa là luật Chúa Kitô, thánh Biển Đức củng cố và phát triển đời sống cộng đoàn, trong đó coi việc phụng thờ Thiên Chúa trong kinh nguyện là vị trí hàng đầu. Nhờ sách vở, nghĩa là văn hóa, ngài đã cứu vãn truyền thống và di sản văn hóa nhân loại khỏi bờ vực thẳm. Nhờ chiếc cày, nghĩa là với việc khai khẩn và canh tác, các đan sĩ đã biến những vùng đất hoang vu thành những cánh đồng phì nhiêu. Khi kết hợp cầu nguyện với lao tác, Ora et Labora, ngài đã nâng cao giá trị lao động của con người. Tu luật và đời sống các đan sĩ Biển Đức đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nền văn minh và văn hóa Tây phương, cũng như đến sự hiệp nhất về đức tin và về văn hóa giữa các dân tộc trên lục địa Âu châu (Xem Saint Benoyt, patron de l'Europe, Bref «Pacis nuntius» de S. S. Paul VI).
Vào thời điểm tái lập năm 2001, Đan viện Thiên Hòa chỉ có 10 đan sĩ, nay lên tới con số 61, gồm 19 Khấn Trọng (5 Linh Mục, 2 Phó Tế), 20 Khấn Tạm, 6 Tập Sinh, 9 Thỉnh Sinh, 3 Hiến Sinh và 6 em đang tìm hiểu. Điều đặc biệt hiếm thấy nơi các Đan viện khác đó là cộng đoàn Thiên Hòa gồm nhiều sắc tộc: Kinh, Dao, Tày, Êđê, Xêđăng. Sinh hoạt cộng đoàn tập trung vào ba hoạt động chính là đời sống đan tu, đời sống tri thức và đời sống lao tác. Ba hoạt động đó như kiềng ba chân giúp cộng đoàn đứng vững và phát triển. Do đó, nhân sự trong cộng đoàn cũng được phân công theo ba phân ban tách biệt nhưng luôn có sự cộng tác và nâng đỡ nhau. Các phân ban này không thay thế các hội đồng cố vấn theo Tu luật và Hiến pháp, là hội đồng Đan tá và hội đồng Nhà chung.
Hiện nay, với những điều kiện thuận lợi về tinh thần, nhân sự và vật chất, Đan viện Thiên Hòa đã được trao lại quyền tự trị và đang trên đà phát triển với những dấu hiệu tốt đẹp qua sự chúc lành của Thiên Chúa.


(XIN XEM HÌNH ĐAN VIỆN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây