TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hai người Bạn

Thứ tư - 12/05/2021 04:10 |   1445
Hai người Bạn

Hai người Bạn

Nhân lễ kính Thánh Têrêxa, tôi cùng Bạn đến thăm Cộng đoàn Dòng Kín Cát Minh. Trước khi đi, tôi ngạc nhiên khi thấy Bạn đi đôi dép nhựa đã cũ (và hơi xấu). Nhìn ánh mắt đầy thắc mắc của tôi, Bạn nói: “Đường vào nhà Dòng khó đi và lầy lội lắm, phải cẩn thận kẻo trơn trượt và té ngã như chơi!”

Nhìn lại mình, tôi cảm thấy một chút e ngại: chân tôi mang đôi giày da khá đắt tiền! E ngại chẳng phải vì lo đôi giày sẽ lấm lem bùn đất, mà ngại ngùng vì lẽ Bạn đơn sơ và giản dị, còn tôi lại cầu kỳ và xa hoa quá đỗi!

Từ nơi chúng tôi ở đến Cộng đoàn các nữ tu Dòng Kín không bao xa, theo Bạn cho biết chỉ tầm 4 cây số. Vừa đi vừa nhìn vào đồng hồ của chiếc xe máy, tôi ước lượng đã gần đến Cộng đoàn rồi, tôi ngạc nhiên lẫn thắc mắc, pha chút hồi hộp: Đã đi được 3 cây số rồi, mà sao đường vẫn thênh thang và dễ đi quá vậy?! Bạn đã nói đường đi sẽ rất gian truân, sao tôi vẫn thấy những con đường thẳng tắp được trải nhựa phẳng lỳ? Phải chăng khúc cuối con đường là một đoạn hành trình khủng khiếp mà lúc này tôi vẫn chưa hình dung được? Thật hồi hộp hết sức!

Đang chạy phía trước để dẫn đường, đột nhiên Bạn ra hiệu cho tôi dừng lại: “Hình như nhầm đường rồi, để mình hỏi thăm đã!” Thoáng nghĩ trong đầu, có lẽ Bạn sắp hỏi người bên đường rằng “đường đến Dòng Kín đi hướng nào nhỉ?”, thế nhưng tôi lại thêm một lần nữa phải ngạc nhiên, Bạn hỏi người dân ven đường: “Đường đến nhà nguyện Tin Lành ở hướng nào vậy thưa ông?”

Được chỉ dẫn, chúng tôi quay ngược trở lại và tiếp tục hành trình, tôi thầm cười một mình: Muốn đến thăm Dòng Kín Carmel của Công giáo, chúng tôi phải hỏi đường đến nhà nguyện của Tin Lành! Thú vị nhỉ: cơ sở của Tin Lành trở thành cột mốc định vị cho cơ sở Công giáo!

Nhà nguyện Tin Lành nằm ở mặt tiền con đường trải nhựa, còn Dòng Kín Carmel ẩn mình phía sau đồi thông! Và đây, đoạn đường gian truân mà Bạn nhắc đến đang hiện ra trước mắt tôi: đường lồi lõm vết xe máy cày, lại còn thêm chi chít rễ cây nổi ngổn ngang trên mặt đất khiến tôi đi xe mà chẳng khác gì ngồi thuyền cưỡi sóng lướt gió vậy! Đoạn đường khá ngắn, chỉ khoảng vài trăm mét, mà chúng tôi mất hơn 10 phút mới vượt qua được, may mắn là chẳng té ngã, tôi chưa kịp lên tiếng vì mừng rỡ, thì Bạn đã nói cách bí ẩn: “Đừng vội mừng! Lúc này trời khô ráo, đất khô và cứng, tuy có khó đi một chút nhưng vẫn gọi là dễ dàng, lát nữa trời mà mưa thì “vồ ếch”, “đo đường” là điều chắc chắn!”

Chật vật mãi, chúng tôi cũng đến được Cộng đoàn, chúng tôi lập tức vào quỳ trước Thánh Thể để chào thăm Thầy Giêsu! Các nữ tu trang hoàng cung thánh thật đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng bằng hoa tươi, nến sáng và dải lụa hình con thuyền Giáo hội nữa!

Đón tiếp chúng tôi là mười nữ tu, người lớn nhất đã gần 100 tuổi, người nhỏ nhất mới chỉ hơn tuổi đôi mươi một chút! Tuy mới gặp gỡ lần đầu nhưng chúng tôi đã trò chuyện thân thiết như anh chị em xa nhau lâu ngày giờ mới gặp lại vậy! Cũng đúng thôi, chúng tôi là anh chị em cùng Cha trên trời, và chúng tôi cùng chung lý tưởng ơn gọi tu trì nữa mà!

Buổi trò chuyện đề cập đến nhiều đề tài, từ việc khấn dòng, đến việc trồng cây ăn trái… nhưng nổi bật là chủ đề sức khỏe và tuổi thọ!

Bạn và tôi rất ngỡ ngàng trước sự nhanh nhẹn và vui tươi của người nữ tu đã 96 tuổi đời! Tuy trí nhớ của ngài không còn minh mẫn nữa, hỏi tên người đối diện vừa xong là có thể quên ngay và phải hỏi lại lần nữa, nhưng ngài thật đơn sơ và đáng yêu khi đón chào chúng tôi bằng một bài hát khá vui!

Bài hát khá dài, nhưng đọng lại nơi chúng tôi là lời hát: “Chúc cho sống lâu trăm tuổi,… vui hưởng phúc Thiên đàng…!”

Bạn cất tiếng trêu người nữ tu cao niên: “Năm nay Ngoại đã 96 tuổi, vậy có sợ khi chỉ sống được đến 100 tuổi không?” Vị nữ tu mỉm cười rất thánh thiện, và vui vẻ đáp lại “vui hưởng phúc Thiên đàng!” Câu trả lời ngắn gọn nhưng khiến người nghe phải xúc động!

Trong khi đó, tôi trò chuyện với các nữ tu trẻ tuổi về cuộc đời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chúng tôi nói đến tuổi đời ngắn ngủi của Chị Thánh, vỏn vẹn chỉ 24 năm tại dương trần nhưng đã đủ để trở nên vị Đại Thánh của Thiên Quốc. Một trong hai nữ thanh tuyển của Cộng đoàn nói: “Con tiếc quá, con đã vượt số tuổi của Chị Thánh rồi, mà chưa kịp trở nên Thánh chút nào trong cuộc sống hằng ngày!” Tôi nhận thấy tuy Chị nói như thế, nhưng nơi Chị lại toát lên một sự khiêm nhường rõ ràng, rõ đến mức người khác như có thể chạm đến sự khiêm nhường dung dị đó được vậy!

Tiếp lời bạn mình, nữ thanh tuyển kia cũng cười nói: “Còn con kém Chị Thánh đến ba tuổi lận!”

Xem kìa, Chị thanh tuyển nói về cái tuổi qua đời của một con người và hình như cũng ước ao được sống đẹp và chết thánh như vị Thánh trẻ tuổi kia, vậy mà sao cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát đến lạ: nói về sự chết, nói về sự ra đi khỏi thế gian này mà sao nữ đệ tử này bình thản và vui tươi lạ?! Cô ấy không hề ngán sự chết?

Ở đầu đề của bài viết, chúng tôi nhắc đến hai người bạn, phải chăng đó là Bạn (người đã mời tôi đi cùng) và tôi?

Thưa không, một trong hai NGƯỜ I BẠN mà tôi đề cập đến chính là NGƯỜI đang hiện diện trong chủ đề câu chuyện giữa chúng tôi và các nữ tu: ANH BẠN CHẾT!

Khi tôi và các bạn vừa sinh ra đời, thì BẠN CHẾT đã đến chào từ giã và hẹn có ngày gặp lại chúng ta!

Trong một vở kịch mà tôi từng được xem, một nhân vật thi sĩ đã làm hai câu thơ rằng: “Sống là mon men đến dần cái chết, và chết là hết phải sống mon men!” Nghĩ cũng hay, sống là hành trình tiến về ngày hội ngộ với BẠN CHẾT!

Khoảng thời gian đến ngày tái ngộ đó, nơi một số người là trăm năm, nơi người khác ít hơn khoảng sáu bảy chục năm, hoặc ngắn ngủi hơn đối với một số khác: 5 năm, 10 năm hoặc khá hơn là năm mươi năm! Thời gian hẹn ước cho lần gặp lại nơi mỗi người chẳng ai giống ai, người chỉ thoáng chốc khi chưa kịp một lần ngắm cảnh bình minh, người thì lây lất trên giường bệnh nhiều năm nhiều tháng trời, người thì tự ý tìm và bắt ngày đó phải đến mau và ngay lập tức theo ý riêng mình…

BẠN CHẾT đã từ giã chúng ta ngay khi chúng ta vừa có mặt trên đời, thế nhưng hầu như ai cũng thường nhớ đến BẠN, nhắc đến tên BẠN, để rồi nơi người này là lo âu sợ hãi tìm đủ phương thế mà né tránh hay kéo dài thời gian hẹn ước, và nơi người khác là sự tỉnh thức sẵn sàng đón tiếp với thái độ sống tích cực và lạc quan!

Mặc dù đã chia tay từ rất sớm, nhưng BẠN CHẾT lại thường được nhắc nhớ trong ngày sống! Người bạn thứ hai của mỗi người chúng ta lại không được may mắn như vậy: THIÊN THẦN HỘ THỦ!

Vị Thiên Thần gắn bó với mỗi người trong chúng ta ngay từ lúc chào đời, và hằng ở bên cạnh mỗi người trong từng nhịp sống, từng hơi thở nhưng mấy ai lại nhớ đến và trò chuyện với Người?

Xót xa và thương cảm cho người bạn thân – THIÊN THẦN HỘ THỦ biết bao! Người hằng luôn song hành với tôi, để nhắc nhở, khuyên ban và hướng dẫn cuộc sống của tôi theo đúng Ý Thiên Chúa thì chính tôi lại thờ ơ, lãng quên Ngài!

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với các nữ tu không bớt phần hào hứng và thú vị, nhưng trong tôi lại trổi lên một nỗi buồn man mác, buồn cho bạn thân đã bị quên lãng của tôi!

Nhớ đến BẠN CHẾT là dịp để tôi ý thức sống tốt đẹp hơn, nhưng quên lãng BẠN THIÊN THẦN HỘ THỦ là tôi đang tự đánh mất một cố vấn khôn ngoan, chân thực và trung tín!

Tôi buồn khi nhắc đến hai người bạn của mình, còn các bạn thì sao nhỉ, có cảm giác giống tôi không? Mong rằng các bạn không bao giờ quên sự hiện diện của “người bạn đời” thân thiết THIÊN THẦN HỘ THỦ nhé!

Nai ngơ ngác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây