TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm Giáp Ngọ - Tản mạn về NGỰA

Thứ tư - 12/05/2021 05:55 |   947
Năm Giáp Ngọ - Tản mạn về NGỰA

Năm Giáp Ngọ - Tản mạn về NGỰA

Sách Khải Huyền có nhiều câu nhắc tới ngựa. Thánh Gioan cho biết thị kiến về những con ngựa: “Một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2). Và một thị kiến khác: “Một con ngựa ô, và người cỡi ngựa cầm cân trong tay” (Kh 6:5). Rồi lại thị kiến khác: “Một con ngựa xanh nhạt, và người cỡi ngựa mang tên là Tử thần, có Âm phủ theo sau” (Kh 6:8).

Ngựa là con giáp thứ bảy trong mười hai con giáp. Có lẽ ngựa có vóc dáng đẹp nhất trong số các con giáp. Ngựa cũng có nhiều chuyện để nói, nhất là trong năm Giáp Ngọ này…

Tục ngữ Nga có câu: “Ngựa bốn vó vẫn cứ bị vấp ngã”. Câu này có ý nói “nhân vô thập toàn”, chẳng ai hoàn hảo tuyệt đối. Về giao tiếp, tục ngữ của Nhật có câu: “Biết ngựa qua bước đi, biết người qua giao tiếp”. Còn ca dao Việt Nam nói: “Ngựa hay chẳng quản đường dài, Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng”.

Ngựa có những cách đi khác nhau. Nước kiệu là đi chậm, nước trung là đi vừa, nước đại là đi nhanh – gọi là “phi”. Ngựa thường bộc lộ những điểm mạnh hoặc điểm yếu. Con người cũng vậy, người ta khả dĩ nhận biết nhau qua giao tiếp.

Người con gái đã yên bề gia thất được ví như “ngựa có cương”, nghĩa là các chàng trai đừng dòm ngó nữa, và tất nhiên cô gái đó phải nghiêm túc chứ không được tơ tưởng viễn vông, đôi bên phân định rạch ròi:

Em có chồng rồi như ngựa có cương

Ngựa em em đứng, đường trường anh đi

Nếu lỡ bị phụ tình, con gái vẫn tỏ ra mình “ngon lành”, vẫn tuyên bố thẳng thắn chứ không chịu lép vế:

Sông sâu ngựa lội ngập kiều (cầu)

Dẫu anh có phụ còn nhiều người thương

Nhưng nếu vì lý do gì đó mà phải lấy chồng cho xong chứ chẳng yêu thương gì nhau, cô gái cảm thấy tình yêu đôi lứa không cân xứng mà vẫn “nhắm mắt đưa chân”, bị thiên hạ mỉa mai:

Tiếc thay con ngựa cao bành

Để cho chú ấy tập tành sao nên?

Cô gái cũng chẳng vừa, “đanh đá” qua lời trách chàng trai, vì anh ta cứ “kén cá chọn canh” để rồi gặp phải cô gái chẳng ra gì:

Ngựa ô chẳng cưỡi, cưỡi bò

Đường ngang không chạy, chạy dò đường quanh

Cuộc đời thật tuyệt vời nếu gặp được người tình chung thủy, nhưng cũng thật tội nghiệp cho người chung thủy:

Đường dài ngựa chạy biệt tăm

Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ

Những người yêu nhau chân thành luôn mơ ước về một mái ấm, với ngày xưa là ngôi nhà năm gian và những con ngựa, đồng thời tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc:

Năm con ngựa bạch ngang sông

Năm gian nhà ngói, đèn trong đèn ngoài

Tình yêu chân chính nào cũng dẫn đến hôn nhân, và một ngày kia đẹp trời nào đó, chàng hạnh phúc đón nàng lên “xe hoa” bằng ngựa quý:

Ngựa ô anh thắng kiệu vàng

Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh

Theo lịch sử Việt Nam, Bồ Đề (quận Long Biên) xưa là tên một bến nước thuộc làng Phú Viên ở đầu cầu Long Biên về phía Gia Lâm (Hà Nội). Ở đây có một cây bồ đề lớn, nay không còn, mà người ta cho rằng nghĩa quân Lam Sơn đã có doanh trại đóng xung quanh cây này. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh và đã đóng quân ở đây. Mọi người đã thi nhau cắt cỏ về cho ngựa để tỏ lòng yêu mến Lê Lợi, và cỏ Bồ Đề đã đi vào trong câu hát đồng dao của trẻ em:

Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn

Khi phê phán những điều xấu, dân gian có các thành ngữ như “ngựa non háu đá”, “như ngựa bất kham”, “ngựa quen đường cũ”; khi chỉ sự ghen đua lố bịch thì có câu như “ngựa lồng, cóc cũng lồng”,… Khi ám chỉ kẻ xấu thì dùng “đầu trâu mặt ngựa”; khi chỉ sự may rủi thì nói “Tái Ông mất ngựa” (Tái Ông thất mã); khi chỉ sự thẳng thắn quá thì ví “thẳng như ruột ngựa”; khi chỉ sự thăng tiến hay mất chức thì nói “lên voi, xuống ngựa”. Câu tục ngữ “ngựa nào gác được hai yên” có ý nhắc nhở chúng ta không nên ép người khác làm việc quá sức.Nói chung, ngựa được dân gian ví von nhiều cách. Nhà thơ Cao Bá Nhạ có câu:

Ngựa hươu thay đổi như chơi

Giấu gươm đầu lưỡi, thọc dùi trong tay

Cổ ngữ nói: “Hồ mã tê Bắc phong” (Ngựa Hồ hí gió Bắc), và “Việt điểu sào Nam chi” (Chim Việt đậu cành Nam). Nghĩa là ở đất Hồ thuộc phương Bắc có lắm ngựa quý, ở nước Việt thuộc phương Nam có nhiều chim lạ. Ngựa Hồ và chim Việt là những loài khi bị đưa vào Trung quốc vẫn nhớ nước cũ. Chúng có tính trung thành, không quên cố hương. Điều đó nhắc nhở chúng ta cũng phải vậy, dù đi đâu cũng không được quên cố hương, đặc biệt là quê hương Việt Nam.

Chúng ta cũng thường nghe nói câu “con ngựa thành Troa”. Theo thần thoại Hy Lạp, quân Hy Lạp muốn chiếm thành đã dùng một con ngựa gỗ, trong bụng có chứa nhiều quân mai phục, rồi đánh lừa quân thành Troa đưa vào thành. Đêm đến, quân Hy Lạp từ trong bụng ngựa chui ra mở cửa thành, đốt lửa làm ám hiệu cho đại quân tiến vào chiếm thành Troa. Trong văn học, điển tích “con ngựa thành Troa” chỉ một việc làm có nội ứng, hoặc bề ngoài nhìn đẹp mà bên trong chứa đầy cái xấu, đầy mưu mô thâm độc.

Câu “ngựa trắng có cánh” cũng được nhắc tới. Thần thoại Hy Lạp dùng hình ảnh con ngựa trắng có cánh và biết bay, tượng trưng Thi Thần, người gợi cảm hứng trong sáng tác thi ca.Về pháp luật, chúng ta thường nhắc tới “vành móng ngựa”. Khi nói “trước vành móng ngựa” là nói đến việc ra trước tòa án, đứng trước pháp luật. Chỗ bị cáo đứng có hình bán nguyệt giống như móng ngựa (móng sắt gắn vào chân ngựa) nên gọi là “vành móng ngựa”.

Thời đế quốc La Mã, khi chính phủ xử tội phạm nhân thường dùng ngựa để xé xác hoặc giày xéo thân thể họ. Cách xử tội “voi giày ngựa xéo” này thể hiện sự nghiêm minh và hà khắc của pháp luật. Về sau, người ta dùng “vành móng ngựa” để làm biểu tượng cho sự uy lực và nghiêm khắc của tòa án.

Người ta đóng móng sắt vào chân ngựa để móng không bị mòn khi bước đi, nhất là khi phi nước kiệu. Vả lại, trên đầu ngón có một cái móng bằng chất sừng bao bọc, mặt ngoài của móng ngựa là chất sừng dày và cứng, nó gắn chặt với xương ngón chân, nhưng phần phía trong của móng là chất sừng mềm có tính đàn hồi co giãn được, móng sắt giúp làm giảm xung lực từ mặt đất khi ngựa bước đi. Ngựa còn phải tra hàm thiếc. Hàm thiếc được đặt giữa hai hàm răng ngựa để buộc dây cương, và cũng để nó không cắn được.Con người cũng luôn dễ nhiễm cái xấu, cần có “hàm thiếc” và “dây cương” để kiềm chế bản năng xấu!

Thánh Giacôbê dùng hàm thiếc để ví von: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3:3-6).

Sách Khải Huyền cũng nhắc tới hàm thiếc: “Người ta đạp nho trong bồn đặt ở ngoài thành, máu tự bồn trào ra ngập đến hàm thiếc ngựa và lan đến một ngàn sáu trăm dặm” (Kh 14:20).

Trầm Thiên Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây