TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng cất dấu tình yêu thương…

Thứ bảy - 24/09/2022 02:31 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   685
“Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.” (x.Lc 16, 25).
Đừng cất dấu tình yêu thương…

Chúa Nhật XXVI– TN – C
Đừng cất dấu tình yêu thương…

Người xưa có lời dạy rằng: “Thương người như thể thương thân. Một miếng khi đói bằng gói khi no”. Vâng, quả thật đây là những lời dạy dỗ rất nhân ái, tràn ngập tình người.

Thế nhưng, ngày nay, có vẻ như những lời dạy dỗ nêu trên không còn được xem như là nét đẹp cần thể hiện trong cuộc sống. Có không ít người đã thờ ơ, lãnh đạm trước lời dạy dỗ này. Có không ít người đã sống vô tâm, vô cảm trước những bất hạnh, khổ đau, nghèo đói của đồng loại.

Nói… không sợ sai, vô tâm hay vô cảm đang là một cơn đại dịch, một cơn đại dịch lây tràn lan trong xã hội của chúng ta, hôm nay. Khi đề cập đến cơn đại dịch này, Helen Keller nói: “Chúng ta có thể chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người”.

Nhìn sự-vô-cảm-của-con-người, Lm An-tôn Nguyễn Văn Độ buồn bã chia sẻ: “Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?”

Niềm tin Kitô giáo không hoan nghênh lối sống vô cảm, không tán thành cung cách sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Người Kitô hữu không phải là “xác khô của một cỗ máy”. Người Ki-tô hữu được dạy phải “mến Chúa - yêu người”. Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. v.v…” Đó là chưa nói đến, thương linh hồn bảy mối. “Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo. Thứ năm: tha kẻ dể ta. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta” v.v…

Đức Giê-su, tất nhiên là Ngài cũng lên án lối sống vô tâm, vô cảm. Rất rõ ràng và quyết liệt, Ngài đã khuyến cáo những hạng người này bằng nhiều dụ ngôn. Một trong những dụ ngôn ai nghe qua cũng phải “nhìn lại mình”, đó là dụ ngôn nói về “Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó”. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Vâng, chỉ chừng ấy lời mô tả, chúng ta có thể nói, ông nhà giàu này là một người “sống để ăn”. Ngày-ngày-yến-tiệc-linh-đình chẳng phải là chỉ ăn-ăn-và-ăn, sao!

Tương phản với ông nhà giàu, kẻ chỉ sống-để-ăn là một người cần ăn-để-sống. Người đó là “…một người nghèo khó tên là La-da-rô”. Và, như người xưa có nói: “nghèo lại gặp cái eo”. Anh nhà nghèo La-da-rô đã “gặp cái eo”, đó là, người anh ta “mụn nhọt đầy mình”.

Nói, quý vị đừng cười… Tôi (người viết) lúc lên năm tuổi, cũng đã bị mụn-nhọt-đầy-mình. Hồi đó, chúng ta thường gọi là “ghẻ tàu”. Với căn bệnh này, đau đớn lắm, nhức nhối lắm.

Thế nên, qua những gì anh La-da-rô gặp phải, chúng ta có thể nghĩ rằng, anh ta rất đau khổ. Mà thật vậy, anh ta không chỉ “đau” vì bệnh tật, mà còn “khổ” vì đói khát. Chuyện kể rằng, “nằm trước cổng ông nhà giàu”, anh ta đói đến độ “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc! Cơn “thèm” của anh ta không được đáp ứng. Buồn nhỉ! Vâng, rất buồn… buồn vì chỉ có “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

Chỉ có mấy-con-chó thôi! Không có người đồng cảnh ngộ nào, như anh ta, cũng “nằm trước cổng ông nhà giàu”, để chia sẻ nỗi đau với nhau. Ước gì có nhỉ! Ước gì nếu có, rất có thể họ sẽ cùng nhau cất tiếng ca, ca rằng: “Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời (chúng) con”!

Những suy nghĩ trên đây, chỉ là sự tưởng tượng của người viết. Ấy thế mà, chuyện lại xảy ra đúng y như vậy. Trời cao “đã” thấu cho hoàn cảnh của anh La-da-rô.

Vâng, như chúng ta được biết, người Trung Hoa xưa có nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử.” nghĩa là: “Nhân sinh tự cổ ai không chết”. Đúng vậy, ai mà không phải chết! Anh nhà nghèo La-da-rô, chuyện kể rằng: “Thế rồi người nghèo này chết”.

Khi người nghèo này chết, “Trời cao” đã nhìn “thấu suốt” hoàn cảnh của anh ta. Trời cao đã ban phước cho anh ta. Phước đức anh ta được hưởng, đó là: “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”. (x.Lc 17, 22).

Còn ông nhà giàu… ông nhà giàu thì sao! Thưa, cũng chết. Kinh Thánh chẳng nói rằng: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi... cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.”, đó sao! (Tv 90, 10).

Tuy nhiên, sau khi chết, ông nhà giàu không được hưởng những gì mà anh La-da-rô đã được hưởng. Ông nhà giàu, rất thảm hại. Chuyện kể rằng: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ”.

Thấy anh La-da-rô! Ôi, chắc hẳn ông nhà giàu vui mừng lắm. Vui mừng vì anh chàng này ít ra thì cũng biết ông là ai. Thế là, ông nhà giàu “nước mắt cá sấu” năn nỉ với tổ phụ Áp-ra-ham. Ông ta năn nỉ rằng: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Rất công bằng, tổ phụ Ap-ra-ham đáp: “Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (x.Lc 16, 25).

Và rất… rất cay đắng cho ông nhà giàu, khi tổ phụ Áp-ra-ham cho ông ta thấy sự thật, sự thật về khoảng cách giữa ông ta và anh La-da-rô. Khoảng cách đó không còn là một cái “cổng nhà” nhưng đó là “một vực thẳm lớn”. Vâng, tổ phụ Áp-ra-ham đã nói rằng: “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được.”

Như chúng ta thường nói “còn nước còn tát”. Ông nhà giàu, sau khi nghe thế, cố gắng “tát” thêm một lời thỉnh cầu, một lời thỉnh cầu may chi có thể “vớt vát” tương lai cho những người anh em của ông, là những người còn sống ở trần gian. Ông đã khẩn khoản nài xin rằng: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này.”

Lời thỉnh cầu này nghe có lý chăng! Đúng, có lý, nhưng là “lý sự cùn”. Cùn ở chỗ, anh La-da-rô này đâu phải là một vị “chức sắc” nào đó của Đền Thờ! Anh ta chỉ là một tên khố rách áo ôm, mụn nhọt đầy mình, hỏi sao “năm người anh em” của ông chịu nghe lời cảnh cáo! Biết đâu chừng khi tổ phụ sai anh Ladaro đến nhà cha ông, năm người anh em của ông, lại chẳng xua đàn chó ra đuổi anh ta đi!

Muốn nghe lời cảnh cáo ư! Tổ phụ Áp-ra-ham có lời rằng: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Đúng… đúng quá đi chứ! Này ông nhà giàu ơi! nếu ông đừng sáng say, chiều xỉn, tối sương sương mà dành thời giờ đọc “Xuất hành, Levi, Dân số, Đệ nhị luật.” thì đâu có chuyện hôm nay “con bị thiêu đốt khổ sở lắm”!

Không muốn năm người anh em lại rơi vào hoàn cảnh bị-thiêu-đốt-khổ-sở như mình, ông nhà giàu cố biện luận với tổ phụ Áp-ra-ham một lần nữa. Ông ta nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.”

Câu chuyện kết thúc ở đây. Kết thúc với lời phán quyết của tổ phụ Áp-ra-ham. Lời phán quyết rằng: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng tin”.

Đúng. Đức Giê-su từ trong cõi chết Ngài đã Phục Sinh. Thế mà, được bao nhiều người trong số hơn bảy tỷ người trên thế gian này… “đã tin”!!!

***
Câu chuyện chỉ là một dụ ngôn. Thế nhưng, chúng ta đừng nghĩ rằng, đây chỉ là một câu chuyện phù phiếm, chẳng liên quan gì đến mình. Không, rất liên quan… rất liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Nói rõ hơn, nó là một bài học rất giá trị cho chúng ta, hôm nay.

Bài học thứ nhất. Nếu tôi là “ông nhà giàu”, thì sao! Tốt thôi, vì đó là ơn phúc Chúa ban. Giàu không phải là một cái tội. Trong câu chuyện dụ ngôn, không thấy một câu hay một chữ nào lên án sự “giàu sang” của ông nhà giàu. Ông ta bị lên án chỉ vì sự vô tâm, vô cảm của ông ta.

Sự giàu có của ông Gióp như một điển hình. Kinh Thánh chép rằng, ông ta có “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Satan cũng phải công nhận Đức Chúa đã “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (x.G 1, 10).

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, cũng có nhiều người giàu đi theo trợ giúp Ngài. Một vài tên tuổi chúng ta biết rồi đó. Ông Ni-cô-đê-mô, ông Giô-xếp người thành A-ri-ma-thê, bà Sa-lô-mê, v.v...

Thế nên, nếu chúng ta giàu có: “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (x.Hc 28, 8-9).

Và đây, hãy nghe Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” (Cn 19, 17).

Cuối cùng, nếu chúng ta giàu có: “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6, 17).

Bài học thứ hai. Nếu chúng ta là anh chàng La-da-rô? Thưa, cũng hãy vui lên, vui là bởi chính Đức Maria đã có lời khẳng định: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư” (Lc 1, 53) Thế nên, nếu chẳng may: “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo” thì đừng nghĩ rằng, là do “quả báo”, là do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Đừng quên, Đức Giê-su chẳng từng tuyên phán: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em.”, đó sao! (x.Lc 6, 20) Lời Đức Giê-su tuyên phán, gợi cho chúng ta nhớ… nhớ một ai đó nói rằng: “nghèo tiền bạc, nhưng không nghèo tình yêu thương.”

Khi đề cập đến “những kẻ nghèo khó”, Raniero Cantalamessa, qua cuốn sách tựa đề: “Tám chặng đường đi tới hạnh phúc”, có lời viết rằng: “Người nghèo khó đích thực của Phúc Âm là người ‘được Thiên Chúa che chở’… Nơi người Do Thái thời ấy, hạn từ ‘nghèo khó’ thực tế đồng nghĩa với thánh thiện (hasid) và đạo đức. Các Giáo Phụ coi người ‘có tâm hồn nghèo khó’ hầu như đồng nghĩa với khiêm nhường”.

Vậy, có gì phải nặng lòng khi cuộc đời chúng ta: “Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo!”
Vâng, dù hôm nay chúng ta vẫn-còn-nghèo thì cũng đừng “túng quá hóa liều”. Niềm tin Ki-tô giáo không cho phép chúng ta viện cớ rằng: túng quá nên đành liều đi trộm cướp. Nghèo mà lại hành động như Chí Phèo, có phần chắc tổ phụ Áp-ra-ham không hoan nghênh.

Hãy nhớ, người xưa từng nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm.” Nhớ để đừng quên Kinh Thánh có lời rằng: chúng ta chỉ có “một thời để lìa thế… một thời để yêu thương.”

Vâng, chúng ta chỉ có một thời… một thời để yêu thương, để sống bác ái, để xót thương người, để đem niềm vui đến chốn u sầu. Đừng lãng phí thời gian này vào những đêm dài say sưa chèn chén, vào những tháng ngày yến tiệc linh đình.

Bởi vì… bởi vì nếu lãng phí, khi đến “thời gian lìa thế” hệ quả mà chúng ta sẽ lãnh nhận chẳng khác gì hệ quả “ông nhà giàu” trong dụ ngôn đã lãnh nhận. Đó là: “bị thiêu đốt khổ sở lắm”.

Do vậy, đừng lãng phí “một thời để yêu thương”, bởi vì nếu không lãng phí, khi đến thời-gian-lìa-thế, chúng ta cũng sẽ được… “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”, như anh La-da-rô, đã được.

Nói rõ hơn, chúng ta đừng sống vô tâm, vô cảm. Đừng cất dấu tình yêu thương.

Petrus.tran


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây