TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Không… không thể làm tôi hai chủ

Thứ bảy - 17/09/2022 09:13 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   882
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10).
Không… không thể làm tôi hai chủ

Chúa Nhật XXV– TN – C

Không… không thể làm tôi hai chủ

Một trong những đức tính không thể thiếu đối với người Ki-tô hữu, đó là: lòng trung tín. Gọi không thể thiếu là bởi lòng trung tín có thể được xem như là thước đo niềm tin của người Ki-tô hữu.

Là thước đo niềm tin, do đó lòng trung tín rất là quan trọng. Thế mà, như một bóng cây dưới ánh nắng mặt trời liên tục thay đổi phương hướng và kích thước theo thời gian, lòng trung tín của con người (chúng ta) cũng hay thay đổi như thế.

Gia-vê Thiên Chúa không bao giờ thay đổi như chúng ta hay thay đổi. Tông đồ Gia-cô-bê nói: “Nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1, 17). Kinh Thánh Cựu Ước thì nói rằng: Gia-vê là “Đức Chúa Trời thành tín.”

Đối với Đức Giê-su thì sao? Thưa, với Đức Giê-su, khi đã là người môn đệ của Ngài, người ấy không được phép “thay lòng đổi dạ”. Khả năng mà người môn đệ phụng sự Ngài không nhất thiết là phải “vượt qua những thử thách nghiêm trọng”, nhưng chỉ cần dựa trên lòng trung tín của người môn đệ ấy, mà thôi.

Một lần nọ, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ mình, rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10).

Để cho các môn đệ hình dung ra sự bất lương trong việc rất nhỏ sẽ dẫn đến sự bất lương trong việc lớn, Đức Giê-su đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất sát thực với cuộc sống đời thường. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề “người quản gia bất lương”.

**

Theo Tin Mừng thánh Luca: Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này phung phí của cải nhà ông”.

Vâng, chỉ mới có một chi tiết “phung phí của cải nhà ông (chủ)” chúng ta đủ lý lẽ để có thể nói rằng, người quản gia này là một kẻ “bất lương”. Của cải có phải của mình đâu, sao lại phung phí như thế!

Người quản gia là một kẻ bất lương, nếu bạn là ông phú hộ, bạn sẽ làm gì? Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ cho anh chàng này thôi việc, và tính sổ những gì y đã làm. Thật vậy, khi những lời tố cáo đến tai ông phú hộ, chuyện kể rằng: “Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Đúng quá! Phải “xử lý” như thế chứ, phải không thưa quý vị?

Bị ông chủ “cất chức quản gia của mình”, người quản gia ra về trong tâm trạng sầu não khi nghĩ đến tương lai của mình. Chuyện kể rằng: “Anh ta nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.”

Và, như người xưa có nói: “Cái khó ló cái khôn”. Chàng quản gia khi nhìn thấy “cái khó” của mình liền “ló cái khôn”. Ló-cái-khôn, nhưng lại là “khôn lỏi”, một thứ “khôn vặt, luôn tìm cách giành lợi riêng cho mình một cách ích kỷ.”

Thật vậy, “để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đến rước mình về nhà họ”, người quản gia thể hiện cái khôn lỏi của mình. Y “cho gọi từng con nợ của chủ đến”, và rồi, rất thản nhiên, anh ta “khuyến mãi” cho mỗi con nợ của chủ bằng cách “giảm nợ” tùy theo giá trị số nợ của họ.

Với con nợ thứ nhất, người quản gia hỏi: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu.” Nghe thế, người quản gia bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.”

Một con nợ khác, người này nợ “một ngàn giạ lúa”. Cũng như con nợ thứ nhất, người quản gia nói với con nợ này rằng: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.

Thật… thật “hết ý kiến” cho hành vi của người quản gia. Tuy nhiên, với ông phú hộ: “ổng” có ý kiến rằng “...tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.  

***

Vâng, thánh Luca ghi rằng: “ông ta khen” người quản gia. Tuy nhiên, đằng sau lời khen, rất thâm thúy, ông phú hộ tặng cho người quản gia một “nickname” rất xứng đáng cho hành vi của y. Đó là nickname “bất lương”.

Vâng, từ “việc rất nhỏ” đó là phung-phí-tài-sản (của chủ), để rồi trong cả “việc lớn”, đó là xem tài sản của chủ như là của mình, rồi đem cho bừa bãi, “của người phúc ta”, như thế chẳng phải là bất lương, sao!

Còn đối với lời nhận định: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” thì sao? Thưa, chúng ta biết rồi, đây chỉ là khôn khéo vặt.

Khi suy tư về những điều Đức Giê-su nói, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Đức Giê-su chẳng hề quan tâm đến các sáng kiến (của người quản gia) vốn là các sáng kiến trên trần thế, cũng như tham vọng (của người quản gia) vốn là tham vọng của người đời. Song, Người quả hy vọng chúng ta quan tâm đến sự cứu độ vĩnh viễn của mình.”

Đúng vậy. Tiếp nối câu chuyện về người quản gia, Đức Giê-su nói: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu”.

Đừng… đừng chú ý đến bốn chữ “Tiền Của bất chính”. Gọi là bất chính vì của cải vật chất, đặc biệt là tiền bạc, thuộc về con người là những kẻ bất toàn. Chính vì bất toàn, nên khi con người ước muốn đạt được nhiều của cải có thể dẫn đến những hành vi bất chính.

Với lời nói Đức Giê-su nêu trên và lời chia sẻ của ngài Lm.Charles, nên chăng chúng ta hãy nghĩ rằng: thể hiện lòng trung tín qua việc sử dụng của cải vật chất phải thật khôn ngoan!

Thật vậy, với sự khôn ngoan chúng ta sẽ không dùng nó vào những mục tiêu ích kỷ, mà sẽ sử dụng của cải vào việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, cụ thể là ngôi nhà Giáo Hội. Cũng như chia sẻ với tha nhân tiền của và phúc lành mà chúng ta đã lãnh nhận.

Tỏ lòng trung tín theo cung cách nêu trên, như lời Đức Giê-su nói: chúng ta sẽ “tạo lấy bạn bè.” Người Bạn Lớn mà chúng ta sẽ được kết bạn, đó chính là Đức Giê-su – Người sẽ “rước (chúng ta) vào nơi vĩnh cửu” (x.Lc 16, 10).

Vâng, Đức Giê-su chẳng bao giờ truyền dạy các môn đệ (và bây giờ là chúng ta) dùng tiền buôn bán ma túy làm việc từ thiện. Đức Giê-su chẳng bao giờ dạy chúng ta cướp ngân hàng, tặng quý cha xây sửa nhà thờ.

Lời Đức Giê-su nói (nêu trên), ngài Lm. Charles có lời giải thích, rằng: “Chúa Giê-su còn trông đợi chúng ta cũng cật lực đạt tới các giá trị thiêng liêng như một số người cố giành cho được lợi lộc về tiền bạc.”

Hãy chú ý đến sự-cứu-độ-vĩnh-viễn và vào-nơi-vĩnh-cửu. Và, hãy xem đó chính là điều chúng ta cần phải “cật lực”.

Thế nên, lời khuyến cáo của Đức Giê-su: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”, là điều chúng ta phải “cật lực” cảnh giác, cảnh giác để mình không sa vào “vết chàm” của người quản gia bất lương, trong câu chuyện dụ ngôn.

Thế nên lời khuyến cáo của Đức Giê-su: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”, là điều chúng ta phải “cật lực” cảnh giác, cảnh giác để chúng ta không trở thành “kẻ bất lương”, như người quản gia, trong câu chuyện dụ ngôn.

Và, điều Đức Giê-su phán truyền: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”, cũng là điều chúng ta phải “cật lực” phân định, phân định và thực thi.

Phải cật lực thực thi lòng trung tín, dù có phải thực thi trong những vấn đề có vẻ nhỏ. Tại sao? Thưa, là bởi, điều đó nói lên rằng, chúng ta coi trọng quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Hãy nhìn lại sự thử thách về lòng trung tín mà Thiên Chúa đã đặt ra cho nguyên tổ Adam và Eva. Sự thử thách đó không phải là một đòi hỏi quá sức cho hai người.

Adam và Eva đã có quyền hưởng tất cả các trái cây trong vườn Eden. Chỉ có một cây, “cây biết điều thiện và điều ác”, là không được đụng tới. (Stk 2, 16-17). Lòng trung tín trong việc vâng theo lệnh truyền đó sẽ cho thấy hai ông bà coi trọng quyền cai trị của Thiên Chúa. Đáng tiếc thay! Hai ông bà đã bất trung…

Trung tín tuân theo những chỉ dẫn của Chúa trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đứng về phía quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Thế nên, đừng ngại khi chúng ta phải nghe thêm một lần nữa. Đó là đừng bỏ lỡ việc thực thi lòng trung tín, dù là thực thi “trong việc rất nhỏ”. Bởi vì, nó sẽ có tầm ảnh hưởng đến cách chúng ta thực thi lòng trung tín “trong việc lớn”.

Trong-việc-lớn, là trong việc gì? Thưa, có thể… có thể “việc lớn” đó là cuộc sống hôn nhân gia đình. “Trong việc lớn” này, chúng ta có trung tín với lời hứa “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời?” “Trong việc lớn” này, dẫu cho “bụi thời gian có làm mờ đi những kỷ niệm của hai chúng mình, (chúng ta) cũng không bao giờ, không bao giờ quên (nhau)?”

Chưa hết, việc-lớn… việc lớn này cũng có thể đó là ơn gọi sống đời sống tu trì, đời sống là linh mục, là tu sĩ nam nữ. Trong-việc-lớn này, chúng ta có trung tín với “thánh chức”, với chức vụ, thánh chức giảng dạy, chức vụ săn sóc đoàn chiên, Chúa trao ban?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, khi chúng ta trung tín trong đời sống hôn nhân, chúng ta sẽ là một nhà xây dựng, xây dựng một thôn xóm “láng giềng thân thiết”, xây dựng một gia đình “anh em hòa thuận” và quan trọng hơn cả, đó là: xây dựng một tổ ấm, một tổ ấm “vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Đừng quên, cả ba điều này, “cả ba đều làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hc 25, 1).

Thế còn trung tín với thánh chức, chức vụ, Chúa trao ban thì sao, nhỉ! Thưa, tuyệt vời lắm, thưa quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ. Trung tín với thánh chức, chức vụ Chúa trao ban, thánh Phao-lô nói: “Làm như vậy, anh em sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy” (x.1Tim 4, …16).

Cứu-được-những-người-nghe-anh-giảng-dạy. Vâng, viết tới đây, người viết đã phải dừng viết. À không! dừng “gõ” keyboard mới đúng. Dừng gõ để ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô, ngước lên và khẩn nguyện với Người, rằng: “Lạy Chúa! Xin Người ban cho quý linh mục, quý tu sĩ ơn trung tín.” (Tất nhiên cũng phải xin cho chúng ta nữa).

Phải… phải xin Chúa ban ơn thôi. Vì, sống trung tín trong một xã hội tràn ngập bất tín không phải là một việc dễ dàng. Do đó, ngoài việc xin Chúa ban ơn, chúng ta còn phải ghi khắc trong con tim mình lời truyền dạy của Người-Bạn-Lớn là Đức Giê-su. Lời truyền dạy rằng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Không… Đức Giê-su nói: “Không thể làm tôi hai chủ.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây