TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TUẤN MÃ

Thứ tư - 05/05/2021 18:26 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   852
bonconngua[1]
bonconngua[1]

TUẤN MÃ

Con ngựa đưa Thánh Gióng về trời, cũng con ngựa lửa đưa Elia về trời. Bản thân con ngựa là mang vác, chuyên chở, người và vật. Con ngựa gắn liền với chiến tranh qua hình ảnh kỵ binh, chiến xa; cũng gắn lền với sự thanh khiết, chiến thắng dục vọng nhờ sự ngự trị của tinh thần. Con ngựa là con vật uy nghi chở con người chiến thắng là Đấng Trung Tín và Chân Thật (Kh 19, 11) và nó cũng là con ngựa bất kham bởi những dục vọng lèo lái.

Bốn con ngựa

Bốn con ngựa trong sách Khải Huyền của Gioan: Chúng là biểu tượng của sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết, được coi là dấu hiệu của sự phán xét cuối cùng trong suốt Ngày tận thế. Chúng có màu sắc khác nhau, lần lượt là: trắng, đỏ, đen và xanh xám hay xanh lá cây (Kh 6, 1 - 7).

Con ngựa trắng:
Thường gọi là bạch mã, biểu tượng cho chiến thắng sau cùng, uy nghi trong sự thiện toàn bích, đẩy xa vùng tăm tối, tiến lên như con tuấn mã mặt trời. Bạch mã là vật cưỡi của Vua chiến thắng, là chính Chúa Kitô đã đánh bại thần chết trong sự phục sinh của Người.

Ngựa đỏ:
Cũng gọi là con ngựa lửa, con ngựa lửa kéo cỗ xe lửa đưa Êlia về trời (2V 2, 11). Hình ảnh con ngựa lửa trong văn hóa Hy Lạp biểu hiện của thần Apollon với tư cách là người lái cỗ xe mặt trời, còn cỗ xe tương trưng cho mặt trời với sự dịch chuyển của nó. Con ngựa lửa tượng trưng cho năng lực tuổi trẻ hướng về phía trước, một thời sung mãn của con người khi hướng về thiện hảo. Sức mạnh của đời sống thiêng liêng làm cho con người thăng tiến toàn diện, giúp khả năng sáng tạo của con người tuôn chảy như thác nước.

Bay về trời, mang tính bất diệt của những con người “cháy lửa” lòng yêu mến Chúa trong khi phụng sự tha nhân hết mình, như hình ảnh Thánh Gióng của người Việt có phần nào giống. Sống hết mình với anh chị em, phụng sự Thiên Chúa trong mọi người bằng sự nhiệt huyết của chính mình.

Lửa cũng mang tính hủy diệt, con ngựa lửa cũng tượng trưng cho thần chiến tranh, kẻ lấy đi an bình, nếu con người chống lại Thiên Chúa là con người tự kết án cho mình một cái chết không tránh khỏi.

Ngựa Đen: 
Thường được gắn liền với thần chết, các tai ương. Trong thời kỳ viên mãn, điều quan trọng không phải là ngày tai ương, hoạn nạn, hủy diệt trần thế, chỉ là báo trước ngày Chúa ngự đến trong vinh quang.

Con ngựa đen vùng lên lần sau cùng trước khi bị xóa nhòa vĩnh viễn. Không còn tang tóc, Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ và cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân (Is,. 25, 7 – 8). 

Con ngựa đen từ cõi âm ty bước lên để nhận lấy ánh sáng, nó không còn ở trong tăm tối, nó đã bước vào ngày khai sinh mới, trong uy nghi và tràn ngập ánh sáng của Đấng Cứu Thế. Nhìn theo nhãn quan này, ngày tận thế không phải là ngày lo sợ đau khổ nhưng là ngày Thiên Chúa đến giải thoát dân Người, ngày con người ra khỏi bóng tối và  bước vào vinh quang.

Con ngựa xanh xám:
Gần với ý nghĩa con ngựa đen và đôi khi nhầm lẫn với con ngựa trắng. Con ngựa xanh xám, là tượng trưng cho trần thế này với những điều thật giả lẫn lộn. Con người bước đi giữa bóng tối và ánh sáng, bị dẫn dụ bởi những hào nhoáng mà không phải là vinh quang vĩnh cửu. Con người dễ rơi vào lo sợ hơn là sống trong bình an. Chính bởi vậy, con người cần thắp sáng niềm tin mạnh mẽ bằng đời sống: Thức tỉnh và cầu nguyện, biết đâu là thật, đâu là giả để chọn lựa sống bình an và niềm vui đích thật.

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 1 – 2).

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI khi nói chuyện với các chủng sinh tại Đại chủng Viện Roma, Ngài chia sẻ: “Thế gian” ở đây được hiểu là thế giới ở trong quyền lực của sự ác. Ngày nay, có hai quyền lực lớn của sự ác, đó là quyền lực của tài chánh và quyền lực của các phương tiện truyền thông. Hai thứ này tự chúng là tốt và cần thiết, nhưng chúng trở nên xấu khi bị lạm dụng.

Về tài chánh: “Chúng ta thấy thế giới tài chánh có thể thống trị trên con người: sự ham hố của cải và danh vọng thống trị thế giới và biến nó thành nô lệ. Thế giới tài chánh không còn là một dụng cụ để mưu an sinh, thăng tiến sự sống con người, nhưng trở thành một quyền lực áp bức con người, một quyền lực mà người ta phải tôn thờ như thần tài, nó thực là thần minh giả dối thống trị thế giới. Chúng ta không thể chiều theo và tùng phục thứ quyền lực như thế!”

Về truyền thông: “Nó có vẻ là thực tại, nhưng thực tế, nó làm cho con người không còn theo đuổi sự thật nữa. Chúng ta cần chống lại thứ quyền lực này: chúng ta không muốn chiều theo nó, không muốn được ca tụng, không muốn cái vẻ bề ngoài, nhưng muốn sự thật; sự thật mang lại cho chúng ta tự do đích thực, được giải thoát khỏi nhu cầu khoái lạc, khỏi thái độ chỉ biết nói theo tập thể... Chính thái độ không về hùa như thế theo tinh thần Kitô, giải thoát chúng ta và trả lại cho chúng ta sự thật.”

Với hình ảnh bốn con ngựa trong sách Khải huyền để chia sẻ đề tài năm con ngựa. Con ngựa xanh xám là con ngựa biểu hiện thế gian đang sống, đáng chú ý hơn. Chúng ta cầu xin Chúa luôn ban cho chúng ta sống một năm trong ân phúc của Chúa, được Chúa soi sáng bước đi trong uy dũng, vững vàng trước những thách đố, trở thành nhân chứng cho “Niềm Vui Phúc Ấm” khi sống Lời Chúa từ trong gia đình, nơi xuất phát niềm vui cho nhân loại.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây