TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa Thường Huấn của Linh mục -2011

Thứ ba - 04/05/2021 07:03 |   886
Khóa Thường Huấn của Linh mục -2011

Nhật ký Khóa Thường Huấn của Linh mục đoàn Giáo phận Banmêthuột

Chiều thứ hai, ngày 03. 07. 2011, gần 140 linh mục Dòng, Triều trong Giáo phận Banmêthuột, đã trở về Tòa Giám mục, để tham dự tuần Thường Huấn Linh mục. Thánh lễ đồng tế khai mạc tuần Thường Huấn được cử hành lúc 5g30 sáng 04. 7. 2011, do ĐGM Giáo phận chủ tế.
Chia sẻ trong thánh lễ, ĐGM đã nhấn mạnh đến vai trò Lời Chúa trong cuộc sống linh mục. Linh mục không mộ mến Lời Chúa, sẽ không thể rao giảng về Đức Kitô. Vì Đức Kitô là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa làm người. Thánh Augustinô đã nói “ Đức Kitô là Lời, linh mục là “tiếng” .

 

Ngày thứ nhất : 04. 7. 2011


Trước khi triển khai nội dung "Tông Huấn Verbum Domini “ (Lời Chúa), ĐGM phác qua vài nét về cơ cấu và nội dung kỳ họp THĐGM thế giới lần thứ XII. 

Thượng Hội Đồng này giúp Đức Giáo Hoàng trong việc nhận định và đưa ra những hướng dẫn liên quan đến vấn đề thời sự, cần thiết đối với đời sống Đức tin của toàn thể Giáo Hội. Chủ đề của lần họp này là “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội”.
Để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng, Ban Thư ký đã làm việc từ hai năm trước để có thể soạn ra một “tài liệu làm việc”.
Ngoài Ban Thư ký, còn có một đội ngũ các chuyên viên về Thần học, Kinh Thánh…giúp các Nghị phụ về mặt chuiyên môn trong các buổi thảo luận.
Các Nghị phụ là thành viên chính thức của Thượng Hội Đồng, được đề cử theo sĩ số của các Giám mục trong mỗi Hội Đồng Giám mục. Có tất cả 253 Nghị phụ tham dự.
Ngoài ra còn có các quan sát viên đại diện cho các thành phần Dân Chúa, như các Dòng tu, các giáo sư, chuyên gia kinh tế, giáo lý viên, Hiệp Hội Phong trào. Họ có quyền phát biểu, nhưng không có quyền bầu cử.
Bên cạnh thư ký là Ban Dịch thuật, gồm các thông dịch viên làm nhiệm vụ dịch trực tiếp hoặc chuyển dịch các bản văn chính thức ra các ngôn ngữ được sử dụng trong Hội nghị .

Nội dung của kỳ họp THĐGM thế giới lần thứ XII, các Nghị phụ thảo luận về :
Làm thế nào để Lời Chúa thực sự thấm nhập một cách sâu xa và trở thành nền tảng cho đời sống Giáo Hội. Để đạt mục tiêu này, cần phải có nhiều nổ lực :


a/ Phổ biến Lời Chúa qua những bản dịch bằng tiếng địa phương, để ngay cả những người bình dân cũng có điều kiện tiếp cận Lời Chúa.

b/ Làm cho Lời Chúa trở nên quen thuộc với mọi tín hữu. Có nhiều cách để giúp cho người tín hữu tiếp cận với Lời Chúa, như qua các phương tiện truyền thông, internet, phim ảnh, âm nhạc, hội họa…Nơi mà có nhiều ảnh hưởng đến việc đọc Lời Chúa là gia đình, giáo xứ. Để giúp cho người tín hữu cảm mến được Lời Chúa, vai trò của vị mục tử đóng góp một phần rất quan trọng.

c/ Đào tạo các thừa tác viên Lời Chúa
Đối tượng ưu tiên được đào tạo là các chủng sinh. Trong thời gian ở chủng viện, các chủng sinh phải được học hỏi về các phương pháp chú giải, để họ có khả năng liên kết những khám phá của khoa chú giải và mục vụ, khiến bài giảng của họ trở nên sống động, có chiều sâu, và tín hữu cảm nhận được sức sống và sự ngọt ngào của Lời Chúa.

Kêt quả của THĐGM thế giới lần thứ XII là : Tông Huấn (Verbum Domini). Sau đây là tóm tắt nội dung :


PHẦN I : LỜI THIÊN CHÚA

1. Lời Thiên Chúa
Thiên Chúa lên tiếng nói, con người đáp trả Vị Thiên Chúa - đang - lên - tiếng nói. Ngài nói qua :
- Thiên nhiên
- Qua suốt dọc lịch sử cứu độ, qua các tiên tri và đạt tới mức viên mãn trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Khổ nạn và Phục Sinh.
- Qua truyền thống sống động của Giáo Hội
- Qua Kinh Thánh ( Tân Ứơc và Cựu Ứơc)
2. Con người đáp trả
Con người đáp trả Vị Thiên Chúa-đang-lên-tiếng qua sự lắng nghe để biết suy nghĩ, lựa chọn.
3. Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, vừa phải giúp tín hữu củng cố Đức tin trong hoạt động, vừa là công việc nghiên cứu để tìm ra ý nghĩa đích thực của bản văn và phù hợp với Đức tin và truyền thống Giáo Hội.
Nên nhớ rằng Lời Chúa được viết ra bằng ngôn ngữ loài người và trong một bối cảnh văn hóa cụ thể

PHẦN II : LỜI CHÚA TRONG GIÁO HỘI

1. Lời Chúa và Giáo Hội : Giáo Hội là cộng đoàn những người lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Vì thế, Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo Lời Chúa
2. Phụng vụ : Môi trường đặc biệt của Lời Chúa. Lời Thiên Chúa được trao ban và đón nhận trong môi trường phụng vụ. Nói cách khác, trong khi cử hành Thánh Thể và các bí tích, Lời Chúa được công bố như một giải thích cho các dấu chỉ là các bí tích.
3. Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội
Vì đặc tính cốt yếu của đời sống Kitô hữu là gặp gỡ Đức Kitô, học hỏi sự khôn ngoan nơi Người và trở nên giống Người, nên người Kitô hữu phải luôn sống trong Lời Chúa, để Lời Người thực sự trở thành tiêu chuẩn hành động và là ngọn đèn soi sáng bước chân của mình.

PHẦN III : LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI

1. Sứ mạng của Giáo Hội là công bố Lời Chúa cho thế giới : Mọi thành phần Dân Chúa phải có trách nhiệm trong việc loan báo cho thế giới về niềm hi vọng Kitô giáo. Nội dung Lời loan báo đó chính là Nước Thiên Chúa. Cụ thể là chính Đức Kitô. Cách riêng đối với giám mục và linh mục.


2. Lời Thiên Chúa và việc dấn thân vào thế giới : Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn người Kitô hữu, sẽ giúp cho những hoạt động của Giáo Hội trong thế giới. Đặc biệt, Giáo Hội chú trọng việc bảo vệ phẩm giá của người nghèo, góp phần xây dựng một thế giới công bằng, bác ái, giúp con người chọn lựa các tiêu chuẩn, các giá trị nền tảng, điều thiện ích.


3. Lời Thiên Chúa và văn hóa : Lời Thiên Chúa ngỏ với con người được đón nhận và diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Vì thế, Giáo Hội phải biết đem Lời Chúa thấm nhập vào trong môi trường văn hóa. Cụ thể là các môi trường trí thức, nghệ thuật, các phương tiện truyền thông.


4. Lời Chúa và đối thoại liên tôn : Lời Thiên Chúa là nền tảng cho tinh thần đối thoại với các tôn giáo khác. Điều này có nghĩa là việc đối thoại dựa trên mạc khải của Lời Chúa, chứ không thuần túy dựa trên sự khôn ngoan.

KẾT LUẬN :

Rao giảng Tin Mừng, trước tiên phải là sống Tin Mừng. Nội dung của Tin Mừng là chính Đức Giêsu, Đấng được sai đến để giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi bằng sức mạnh của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Vì thế cuộc sống và lời rao giảng của Giáo Hội phải bắt nguồn và đặt nền  tảng trên chính Lời Thiên Chúa nhập thể. Chúng ta không tin và rao giảng một Thiên Chúa của lý trí, của suy tư con người, nhưng là Thiên Chúa, Đấng không ai biết, đã tự mạc khải chính mình qua Đức Giêsu, Lời của Ngài.

Lm. An tôn Vũ Thanh Lịch


(XIN XEM HÌNH TẠI ĐÂY)
 

Ngày 05. 7. 2011


Thánh lễ mở đầu cho ngày thứ hai của khóa Thường Huấn, ĐGM Vinh Sơn đã dựa theo bài Tin MừNg (Mt 10, 1–7),để nói với các linh mục về vai trò quan trọng của những người được Chúa sai đi rao giảng. Không phải với tư cách tôi tớ, mà là những người bạn, những người đồng trách nhiệm với Đức Kitô. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.

Lúc 8giờ, Linh mục Augustinô Hoàng Đức Toàn thuyết trình về Tông Huấn : Bí tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatio).
Tông Huấn được ĐGH Bênêđictô 16 dựa vào đề nghị của các Nghị phụ trong Thượng Hội Đồng Giám mục trình lên Ngài và đã được ấn ký ban hành vào ngày lễ kính Tòa Thánh Phêrô 22. 2. 2007.
Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng có mục đích "lấy lại sự phong phú của những suy tư và đề nghị được ra… nhằm gợi lên trong Hội Thánh những động lực và lòng sốt sắng mới mẻ với Bí tích Thánh Thể". Đọc Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, chúng ta có thể nhận ra trong đó, lối suy tư Thần học và trình bày Giáo huấn theo cách riêng của Đức Bênêđictô 16, một nhà Thần học người Đức. Đó là bố cục văn kiện đi từ giáo huấn tới áp dụng vào thực tế của con người. Thực tế này bao gồm mọi mặt của cuộc sống, từ tâm linh đến thể xác, lý trí, ý chí, văn hóa, xã hội, kinh tế, nghèo đói, bị áp bức, bất công... và những vấn đề môi sinh.

Sau đây là bài thuyết trình của Lm. AUG. Hoàng Đức Toàn:

 


TÔNG HUẤN
SACRAMENTUM CARITATIS
ĐÔI ĐIỀU TÌM HIỂU


Dẫn nhập.

Văn kiện mà con được phép cùng với quí cha tìm hiểu trong ngày hôm nay, là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI họp bàn về chủ đề Thánh Thể, có tựa đề “Sacramentum Caritatis”, tạm dịch là “Bí tích Tình Yêu” (BTTY) với phụ đề “về Bí Tích Thánh Thể (BTTT), nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”.
Tông huấn đã được Đức Thánh Cha soạn ra dựa vào Đề Nghị của các Giám Mục trong Thượng Hội Đồng trình lên Ngài và đã được Ngài ký rồi ban hành ngày Lễ Kính Tòa Thánh Phêrô, 22-02-2007.
Đề tài được chọn để anh em linh mục chúng ta tìm hiểu vì Bí Tích Tình Yêu hay Bí Tích Thánh Thể có liên hệ nội tại với Bí Tích Truyền Chức Thánh, có liên hệ không thể tách rời với đời sống từng ngày của người linh mục.
Tìm hiểu Tông Huấn “Sacramentum Caritatis” hôm nay, con xin được trình bày một ít điểm với 3 đề mục:
thứ nhất Đôi điều về Tông Huấn,
thứ hai Đôi điều trong Tông Huấn,
thứ ba Sống Bí tích Thánh Thể.

1. Đôi Điều Về Tông Huấn

1.1. Văn kiện từ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.
Để đánh giá tầm quan trọng, thế giá của Tông Huấn có lẽ không gì bằng đề cập đến chính Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐGM), cơ cấu sản sinh ra Tông Huấn. THĐGM là một cơ cấu tương đối mới trong Giáo Hội, được thiết lập do ĐTC Phaolô VI vào năm 1967. Cơ cấu này nhằm mục đích thể hiện tính cách Giám Mục Đoàn của Giáo Hội, như đã được Công đồng Vatican II mong ước trong Hiến chế về Giáo Hội. Đây không phải là Công Đồng, nhưng là một cơ cấu gồm đại biểu được đề cử theo chuyên môn của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới để cùng ĐTC suy tư về một vấn đề. Trước khi họp THĐ, thường có cuộc tham khảo về chủ đề sẽ thảo luận. Sau đó chính ĐTC quyết định chủ đề sẽ được bàn tới trong THĐGMTG.
Cho tới nay đã có 12 THĐGMTG.
(Khóa I, năm 1967: Bảo toàn và tăng cường đức tin Kitô giáo, sự vẹn toàn của đức tin này, sức mạnh và sự phát triển cũng như sự đồng nhất đức tin và lịch sử; Khóa II, năm 1971: Chức linh mục thừa tế và công bình trên thế giới; Khóa III, năm 1974: Việc rao giảng Tin mừng trong thế giới ngày nay; Khoá IV, năm 1977: việc dạy giáo lý trong thời đại chúng ta; Khoá V, năm 1980: Gia đình Kitô giáo; Khóa VI, năm 1983: Sự hoà giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội; Khóa VII, năm 1987: Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới; Khoá VIII, năm 1990: Việc huấn luyện linh mục trong hoàn cảnh hiện đại; Khoá IX, năm 1994: Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của bậc sống này trong Giáo Hội và trong thế giới; Khóa X, năm 2001: Giám mục, người tôi tớ của Tin Mừng Chúa Kitô đem lại hy vọng cho thế giới; Khóa XI, năm 2005: Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội; Khóa XII, năm 2008: Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội)
Ngoài các Khóa họp định kỳ 3 năm một lần, còn có các THĐGM đặc biệt, theo nhu cầu của Giáo Hội hay cho từng Châu lục, hoặc từng nước. Đã có 10 khóa tất cả.
(Ta có thể kể THĐGM khóa đặc biệt I, năm 1969: Sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục; Khoá đặc biệt II, năm 1985: 20 năm kết thúc Công đồng chung Vaticano II; Khoá đặc biệt cho Hòa Lan, năm 1980: Tình trạng mục vụ tại Hòa Lan; Khóa đặc biệt cho Âu Châu I, năm 1991: Chứng nhân cho Chúa Kitô; Khóa đặc biệt cho Phi Châu, năm 1994: Giáo Hội tại Phi Châu và sứ mệnh rao giảng tin Mừng vào năm 200; cho Liban, năm 1995: Chúa Kitô là hy vọng của chúng ta; cho Mỹ Châu, năm 1997: Gặp gỡ Chúa Kitô sống động, con đường canh tân hoán cải, hiệp thông và liên đới; cho Á Châu, năm 1998: Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc, sứ mệnh tình yêu và phục vụ của Ngài tại Á Châu; Châu Đại Dương, năm 1998: Chúa Giêsu Kitô: dõi theo con đường của Ngài, loan báo sự thật của Ngài, sống sự sống của Ngài: một lời mời gọi gửi tới Dân Chúa tại Châu Đại Dương; và Âu Châu II, năm 1999: Chúa Giêsu hằng sống trong Giáo Hội, nguồn suối và hy vọng cho Âu Châu; cũng như cho Liban và cho Hòa Lan.)


THĐGMTG sinh hoạt thế nào? Tại Vatican có một Văn Phòng Tổng thư ký, do một Vị Tổng giám mục hay Hồng Y đứng đầu, lo các việc như tham khảo, triệu tập, đệ trình các đề nghị lên ĐTC, và sau khi ban bố Tông huấn THĐ, lo kiểm điểm việc thực thi các giáo huấn trong Tông Huấn.
Khởi đầu Văn Phòng Tổng thư ký cần soạn thảo bản văn gọi là Đề Cương, Lineamenta, gửi đi các Cơ quan trung ương của Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục các nước trên thế giới để suy tư và đào sâu thêm. Sau khi các nơi được tham khảo đã gửi các ý kiến về, thì Văn phòng Tổng thư ký sẽ soạn lại thành một Tài Liệu Làm Việc, Instrumentum Laboris, để dựa vào đó mà suy tư và đào sâu thêm trong chính THĐ. Các ý kiến này cũng giúp cho vị Thuyết trình viên của THĐ soạn bài trình bày tổng quát trước toàn thể các đại biểu của các Hội Đồng Giám Mục. Sau khi thảo luận đề tài trong THĐ, các ý kiến được góp lại thành một bản trình bày sau các cuộc thảo luận. Từ đây THĐ sẽ biểu quyết một số những Đề Nghị, Propositiones để ĐTC có thể dựa vào đó mà soạn thảo Tông Huấn cho toàn thể Giáo hội.
Tóm tắt “hành trình” trên dưới hai năm của Tông Huấn, từ “Điểm xuất phát” tới “Đích” là: Chủ đề từ Đức Thánh Cha → Văn Phòng Tổng Thư Ký → các HĐGM các nước → Văn Phòng Tổng Thư Ký → THĐGM → Đức Thánh Cha → Tông Huấn..


Phương thức làm việc này của THĐGM cũng đã được HĐGM/VN áp dụng sít sao khi tổ chức ĐHDC Năm Thánh 2010 vừa qua. Nghĩa là HĐGM trao đề tài cho Ban Thư ký, Ban Thư ký soạn Đề Cương gửi tới các địa chỉ cần thiết để xin góp ý, sau khi tiếp nhận các phản hồi góp ý, Ban Thư ký soạn thành Tài Liệu Làm Việc để sử dụng trong Đại Hội, cuối cùng, các Đấng hữu trách dựa vào các đề nghị mà viết Thư Chung gửi cho Dân Chúa.
THĐGM khóa XI, họp từ ngày 2 đến ngày 23 tháng 10 năm 2005, tại Vatican, đã chọn đề tài Thánh Thể để suy tư và đưa ra những đường hướng mục vụ liên hệ tới việc tôn sùng Thánh Thể. Năm 2005, hai vị giám mục Việt Nam tham dự THĐ này là Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường, Chủ tịch Ủy ban phụng tự, và Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy ban tín lý.

1.2. Mục đích của Tông huấn.
Các Nghị Phụ của THĐ khoá XI và ĐTC mong muốn điều gì trong kỳ họp vừa kể? Hỏi cách khác ĐTC ban hành Tông Huấn BTTY để làm gì, có mục đích gì?
Chúng ta có câu trả lời ngay ở số 5 của Tông Huấn: “Tông Huấn Hậu THĐ có mục đích lấy lại sự phong phú của những suy tư và đề nghị được đề ra trong Đại Hội thường kỳ của THĐ … nhằm gợi lên trong Hội Thánh những động lực và lòng sốt sắng mới mẻ với Bí tích Thánh Thể ....”, (ĐTC nói:) “với Tông huấn này, tôi ao ước các Kitô hữu đào sâu liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh Thể, hành động phụng vụ và việc phượng tự mới trong tinh thần xuất phát từ Bí Tích Thánh Thể, như là BTTY”.

1.3. Nội dung và Bố cục.
Tông huấn gồm 97 số với 256 cước chú. Như chúng ta nhận thấy ở trang “Nội Dung”, ngoài phần mở đầu (s. 1-5) và phần kết (s. 95-97), Tông Huấn được chia làm ba phần, hầu như cân đối với nhau, xét theo các số trong mỗi phần. Ba phần này được ghi nhận như sau:
Phần I: Mầu nhiệm mà chúng ta tin (s. 6-33)
Phần II: Mầu nhiệm được cử hành (s. 34-69)
Phần III: Mầu nhiệm để sống (s. 70-94).
Bố cục này làm ta nhớ tới bố cục sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo:
Phần I: Tôi tin – Chúng tôi tin (Tuyên xưng đức tin).
Phần II: Tôi cử hành (Các Bí Tích)
Phần III: Tôi sống (Đời sống đức tin trong Đức Kitô).


Sách Giáo lý còn thêm Phần IV: Tôi cầu nguyện. Tuy Tông Huấn không trực tiếp nói về việc cầu nguyện, nhưng đã nói nhiều về viêc cử hành Thánh Lễ và việc thờ lạy Thánh Thể, như là hành động cầu nguyện cao trọng và việc thờ lạy Thánh Thể như là việc cầu nguyện chiêm niệm đích thực và có nội dung cao cả nhất. Chúng ta có ba điểm như một tam giác đều: Mầu nhiệm – Cử hành – Đời sống.
Chúng ta thử nhìn nhanh vào trang mục lục để thấy chi tiết nội dung các phần của Tông Huấn.
Phần thứ nhất: Gồm có các chủ đề: “Mầu nhiệm Ba Ngôi cực thánh và BTTT”; “Chúa Giêsu là Chiên Hiến Tế đích thực”; “Chúa Thánh Thần và BTTT”; “BTTT và Hội Thánh”; “BTTT và các Bí tích”; “BTTT và Cánh chung”.
Phần thứ hai: Gồm có các chủ đề: “Cử hành Thánh Thể, công trình của Đức Kitô Toàn thể, Christus Totus”; “Sự tham dự tích cực”; “Sự tham dự nội tâm vào việc cử hành”; “Sự thờ phượng và lòng sùng kính Thánh Thể”.
Phần thứ ba: Gồm có các chủ đề: “Khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống kitô hữu”; “Thánh Thể, mầu nhiệm để loan báo”; “Thánh Thể, mầu nhiệm để trao ban cho thế giới”.
Nội dung phong phú, sâu sắc, đề cập đến mọi khía cạnh liên hệ đến BTTT.

1.4. Nét riêng biệt của Đức Bênêđictô XVI trong Tông Huấn.
Tông Huấn này là của Đức Bênêđictô XVI và do ĐTC công bố cho toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra trong đó lối suy tư thần học và trình bày giáo huấn theo cách riêng của Ngài. Điều này cũng áp dụng cho các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của Ngài. Người ta hay nói “Văn là người”, cách trình bày cùng một vấn đề, nhưng mỗi người có phương pháp, cách diễn đạt khác nhau.
Vậy đâu là những nét riêng biệt trong cách trình bày của Đức đương kim Giáo hoàng.
Nét rất riêng, rất đặc trưng của lối trình bày giáo huấn là cách xếp đặt bố cục của văn kiện mà chúng ta vừa nói trên đây là đi từ giáo huấn, tới áp dụng vào thực tế của con người. Mà thực tế này bao gồm mọi khía cạnh của đời sống: đi từ tâm linh, đến thể xác, lý trí, ý chí, văn hóa, xã hội, kinh tế, cảnh nghèo đói, túng thiếu, những cảnh bóc lột, thiếu công bằng, những vấn đề môi sinh của thế giới.
Để thấy rõ hơn nét riêng biệt, đặc trưng này của Đức Bênêđictô XVI chúng ta thử nhìn vào cả hai văn kiện đầu tay của ngài là Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (TCLTY), và Tông Huấn BTTY. Trong hai văn kiện này, ĐTC đã đề cập tới những thực tại trần gian rất nhiều.
Trong Thông Điệp TCLTY được ban hành ngày 25/12/2005, gần hai năm trước Tông Huấn BTTY, chúng ta dễ nhận ra nét đặc trưng, rất riêng này của ĐTC: đề cập tới các thực tại trần gian nhiều lắm.
Xin nhìn vào một ít trong rất nhiều “thực tại trần thế” trong TCLTY. đau khổ (s. 19), của cải (s. 20); cảnh góa bụa (s. 21); cảnh mồ côi (s. 21); tù tội (s. 22), bệnh tật (s. 22); lương bổng (s. 26); tư bản (s. 26); sự bóc lột người nghèo (s. 26); công bằng xã hội (s. 27); giáo dục (s. 27); việc tập thể hóa (s. 27); Nhà nước (s. 28); chính trị (s. 28); cuộc đấu tranh cho công bằng (s. 28); toàn cầu hóa (s. 30); lương thực (s. 30. 31), quần áo (s. 30. 31); nơi trú ngụ (s. 30); ma túy (s. 30); kẻ vô gia cư (s. 32); sự cuồng tín (s. 37), nạn khủng bố (s. 37). Vân vân và vân vân.


Tông Huấn BTTY nói về các thực tại trần thế trong tương quan với Bí Tích Thánh Thể một cách rất mạnh mẽ như sau: “Không gì đích thực thuộc về con người – tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành động – mà không nhận ra được trong Bí Tích Thánh Thể một hình thức thích hợp để sống một cách trọn vẹn” (s. 71).
Cũng có rất nhiều thực tại trần thế đã được ĐTC đề cập tới trong Tông Huấn. Có đến cả 100 “thực tại trần thế” trong Tông Huấn BTTY!
Chúng ta thử điểm qua một số thực tại trong Tông Huấn: gia đình (s. 19); bệnh tật (s. 22); di dân (s. 60); thân xác, thịt máu con người (s. 70); việc làm, lao động (s. 73), nghỉ ngơi (s. 73); vui mừng (s. 73); các cuộc gặp gỡ bạn hữu (s. 73); nô lệ (s. 74); lợi ích chung (s. 74); quyền tự do giáo dục con cái (s. 83); thụ thai (s. 83); bạo lực (s. 89); khủng bố (s. 89), trại tị nạn (s. 90); thiếu dinh dưỡng (s. 91); các lo lắng về các điêu kiện môi sinh (s. 92); liên đới (s. 94); vân vân và vân vân.


Nhìn qua hai bảng liệt kê các thực tại trần gian được nói tới trong hai văn kiện, tuy với mục đích khác nhau, đã có những giống nhau về số lượng rất lớn, về chính các thực tại này. Trong Thông Điệp TCLTY, Đức Giáo Hoàng đã muốn các tín hữu hãy sống bác ái qua và trong chính các thực tại này. Còn trong Tông Huấn BTTY, ĐTC đã cho thấy mối liên hệ giữa Bí Tích Thánh Thể và các thực tại này; Thánh Thể giúp tín hữu sống các thực tại này, giữa các thực tại này và cũng như sống trọn vẹn các đòi hỏi đức tin do Thánh Thể gợi ra trong môi trường họ đang sống. Có như thế họ mới là các “con người Thánh Thể” (BTTY, s. 96).


Nhìn vào nội dung, chúng ta thấy hai điểm đặc biệt trong tư tưởng thần học của ĐTC Bênêđictô XVI nổi bật trong Tông Huấn “BTTY”: đó là sự nhấn mạnh tới “chân lý”, và “vẻ đẹp”. Hai điều này thường được nhắc tới trong các bài diễn văn hoặc các huấn từ khác của ĐTC Bênêđictô XVI. Trong Thông Điệp TCLTY, ĐTC đã nói tới tình yêu như là chân lý được nhìn ngắm (s. 12).
Về chân lý. Ngay từ đầu Tông Huấn, ĐTC đã nói tới ở số 2 về “của ăn chân lý” rồi ở số 90: “Của ăn chân lý và sự thiếu thốn của con người” Ngài trình bày Thánh Thể là của ăn chân lý (s. 2. 11. 90); Ngài nói về chân lý của tình yêu (s. 2); chân lý của Tin Mừng (s. 2); Thánh Thần của chân lý (s. 12); tình yêu đối với chân lý (s. 29).
Còn vẻ đẹp: ĐTC nói về vẻ đẹp trong phụng vụ, về việc làm cho tốt đẹp hơn vẻ đẹp của buổi cử hành phụng vụ (s. 4); vẻ đẹp của phụng vụ (x. số 35); vẻ đẹp nội tại của phụng vụ (s. 36); vẻ đẹp trinh nguyên của Đức Mẹ Maria (s. 42); vẻ đẹp và sự hài hòa của phụng vụ trong việc tuân theo thứ tự các phận vụ của buổi cử hành (s. 53); sự sáng ngời và vẻ đẹp chiếu giãi ra từ nghi thức phụng vụ, và đó là dấu chỉ của vẻ đẹp vô tận mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa (s. 97).


Sau mấy nhận định về Tông Huấn được trình bày sơ lược như trên, chúng ta sẽ nhìn vào một số điều mà ĐTC đề cập tới có liên hệ nhiều hơn tới đời sống linh mục và đời sống tín hữu giáo dân mà chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ.

2. Đôi Điều Trong Tông Huấn.

2.1. Đặc tính bí tích của Hội Thánh. (s. 16).
Thánh Thể là một bí tích nhưng là bí tích quy tụ các bí tích khác như Tông Huấn “BTTY” đã nói khi lấy lại lời của Vatican II: “Còn về các bí tích khác và tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các việc tông đồ, tất cả đều liên kết chặt chẽ với Thánh Thể và quy hướng về đó”.
Quả vậy Phép Thánh Thể cực thánh chứa đựng toàn thể những ơn huệ thiêng liêng của Giáo Hội, vì Thánh Thể là chính Chúa Kitô, là Vượt qua của chúng ta, là bánh hằng sống, vì nhờ Thịt của Ngài, được làm cho sống động và có sức ban sự sống nhờ Thánh Thần, đem lại sự sống cho con người, mời gọi và hướng dẫn chính họ cũng tự hiến dâng mình họ, hiến dâng các công việc của họ và mọi sự vật được tạo dựng nên trong khi hợp nhất với Ngài. Mối liên hệ mật thiết giữa Thánh Thể và các bí tích khác cũng như với sự hiện hữu của Kitô hữu được hiểu từ căn gốc khi chúng ta chiêm ngắm chính mầu nhiệm Giáo Hội như một bí tích” (GH 16).
Trong Tông Huấn BTTY, Thánh Thể được đặt ở nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, là nguồn mạch các ân sủng trong Giáo Hội và trong các bí tích (s. 16 và 84). Trong Sắc lệnh về đời sống linh mục và thừa tác vụ linh mục, Thánh Thể được coi là tột đỉnh các bí tích và các bí tích phải quy về đó (LM 7). Hiến chế Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” thì coi Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu (GH 11). Hiến chế về Phụng vụ (PV 7) thì nói cách tổng quát hơn coi phụng vụ như là tột đỉnh và nguồn suối mọi hoạt động của Giáo Hội cũng như là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội phải nhắm tới.
Như vậy Giáo Hội luôn đánh giá hết sức cao Thánh Thể và việc tham dự Thánh lễ. Từ đó chúng ta sẽ hiểu dễ dàng hơn liên hệ giữa Thánh Thể và các bí tích khác. Trong mỗi trường hợp Tông Huấn đã nói tới mối liên hệ, sau đó cho thấy những điểm liên hệ này cách thực tế, rồi đem ra một vài điểm cụ thể cần được lưu ý đặc biệt trong hoạt động mục vụ về bí tích.


Số 16 trình bày tổng quát về mối liên hệ giữa Thánh Thể và các bí tích qua những điểm sau đây: Thánh thể và các bí tích có liên hệ mật thiết với nhau. Mối liên hệ này có nguồn gốc từ sự việc Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi. Thánh Thể chứa đựng tất cả mọi ơn huệ thiêng liêng, vì trong đó là chính Chúa Kitô. Từ Thánh Thể và các bí tích có sức thiêng liêng để biến đổi con người toàn diện và làm cho đời sống con người nên việc phụng tự xứng đáng dâng lên Thiên Chúa và được Ngài thương chấp nhận.
Từ những xác quyết trên đây, Tông Huấn trình bày mối liên hệ của Thánh Thể với 6 bí tích kia. Trong việc trình bày này, Tông Huấn đã theo thứ tự xếp đặt các bí tích như trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, đó là: Ba bí tích khai tâm kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Hai bí tích chữa lành: Cáo Giải và Xức dầu bệnh nhân. Hai bí tích mang tính cách xã hội: Bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Hôn phối.
Cách xếp đặt các bí tích như trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và trình bày theo đó, thay vì trình bày theo các thứ tự thời xưa, theo từng bí tích mà không có liên hệ gì với nhau. Cách xếp đặt “mới” này đã dựa theo thần học về các bí tích.

2.2. BTTT và BT Cáo Giải. (ss. 20-21).
Bí tích Cáo Giải cũng có một liên hệ nội tại với Thánh Thể. Vì Thánh Thể giúp tín hữu đánh giá nhiều hơn bí tích Cáo Giải. Nhờ Thánh Thể, các tín hữu nhận ra cách sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và nhờ ý thức về tình yêu này họ sẽ nhận ra ý nghĩa của tội để xa tránh. Khi sạch tội họ sẽ được trở về với sự hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với Chúa Thánh Thể. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền văn hóa đang mất dần cảm thức về tội lỗi.
Về phương diện mục vụ, Tông Huấn khuyến cáo các điểm sau đây: “Giám mục phải… khuyến khích giáo dân thường xuyên đi xưng tội”. Cần lấy lại tập quán đạo đức này. Vì thế các tòa giải tội cần được mở ra và có cha giải tội ngồi tòa để tín hữu đến xưng tội cách dễ dàng. “Mọi linh mục phải quảng đại trong việc ban BT CG”!
Việc giải tội tập thể chỉ được cử hành trong những trường hợp rất khác thường như luật Giáo Hội đã quy định. Ở đây ĐTC cho thấy mối lo lắng của Ngài về những lạm dụng khi cử hành việc giải tội tập thể quá dễ dàng.

2.3. BTTT và BT Truyền Chức.
In persona Christi Capitis. (ss. 23-26)
Thánh Thể có liên hệ nội tại với bí tích Truyền Chức Thánh vì trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể và chức linh mục tư tế để làm lại việc Ngài đã làm trong bữa tiệc này. Qua Thánh Thể Chúa Giêsu thiết lập một giao ước mới hoàn toàn và vĩnh viễn. Ngài muốn việc này được làm lại. Nhưng không ai khác có thể làm được ngoài linh mục. Chỉ có linh mục khi đọc lời này trong ngội vị của Đức Kitô, khi là hiện thân của Đức Kitô, “Này là Mình Thầy” và ”Này là chén Máu Thầy”, thì mới có thể làm cho bánh nên Thịt Chúa và rượu nên Máu Chúa. Trong Tông Huấn các giám mục đã đề cập tới chính mối liên hệ giữa linh mục và Thánh Thể.

ĐTC lưu ý mấy điểm sau đây
Số 23. Chỉ có linh mục được truyền chức cách hợp pháp mới có thể làm nên Thánh Thể và cử hành Thánh Lễ. Linh mục cử hành Thánh Thể trong tâm thế là hiện thân của chính Đức Kitô, in persona Christi, nên Thánh Thể không là của riêng ngài mà của Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì thế các linh mục không đặt mình là chủ của hành động thánh thiện này, nhưng là đầy tớ. Do đó linh mục cần tuân thủ Lễ nghi cử hành Thánh Lễ, không thêm bớt những lễ nghi văn bản mà Giáo Hội đã định liệu.
Số 24. Một yếu tố khác trong đời sống linh mục được suy tư thêm trong liên hệ với Thánh Thể: đó là việc giữ luật độc thân linh mục. Đây là việc thuộc phạm vi kỷ luật của Giáo Hội Latinh – với sự tôn trọng truyền thống của Giáo hội Đông phương – và Tông Huấn nhắc lại kỷ luật này với sự xác tín dựa vào truyền thống cao cả và các giáo huấn của các vị Giáo Hoàng. Ý nghĩa của luật độc thân không nằm trong khía cạnh thi hành chức vụ, nhưng phải được nhìn cách sâu rộng hơn trong chính sự nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Thánh Thể để trao ban trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Vì thế ĐTC xác định lại tính cách bắt buộc của luật độc thân trong Giáo Hội Latinh.
Số 25. Từ đây Tông Huấn đã nói tới một số vấn đề thời sự trong Giáo Hội liên hệ tới thừa tác vụ linh mục:
Trước tiên là vấn đề thiếu linh mục và thiếu ơn gọi linh mục tại một số nơi. Việc này cần được giải quyết do sự phân phối đồng đều và hợp lý các linh mục. Các nghị phụ cũng xin các dòng tu dấn thân trong việc phục vụ tại các nơi này, cũng xin các giáo sỹ sẵn sàng giúp đỡ khi cần tới tại các nơi này. Các gia đình cũng được khuyến khích hơn trong việc mục vụ ơn gọi và sẵn sàng quảng đại dâng con cho Chúa. Đàng khác cũng cần thẳng thắn nói với người trẻ về tiếng Chúa gọi trong thiên chức linh mục và tính cách tận căn của đời sống linh mục. Tuy nhiên không nên vì thiếu linh mục mà truyền chức cho các ứng viên không đủ các điều kiện đầy đủ.
Số 26. Nhân dịp này ĐTC cũng nhân danh Giáo Hội ca ngợi và cám ơn các linh mục đã quảng đại phục vụ trong chức vụ của mình, như các linh mục “fidei donum” được sai đi phục vụ một thời gian tại các nơi thiếu linh mục. Ngài cũng cám ơn các linh mục đã hy sinh tất cả, ngay mạng sống để sống và phục vụ tín hữu. ĐTC nhắc nhủ, cho dù thiếu linh mục, nhưng hãy tin rằng Chúa thửa ruộng sẽ lo sai các thợ gặt tới làm việc trong ruộng của mình.

2.4. Nghệ thuật cử hành, ars celebrandi (s. 38).
Ngày nay người ta nói nhiều về thuật ngữ “ars celebrandi”, tạm dịch là “nghệ thuật cử hành”. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu cho đúng thuật ngữ này. Đây không phải là một việc học cho biết cách cử hành Thánh Thể, như các nghệ sĩ học nghề múa, diễn kịch, luyện giọng hát, hay điều khiển ca đoàn. Nhưng nghệ thuật cử hành đây là một cố gắng để cử hành Thánh Thể cho nghiêm trang xứng đáng có ý thức đây là hành động của Thiên Chúa (s. 37), là cuộc tưởng niệm Chúa Kitô phục sinh (s. 36) và là biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa (s. 35).
Từ ý thức này, các thừa tác viên nhất là linh mục sẽ lo lắng thi hành những gì thuộc phận vụ của mình một cách sốt sắng ý thức và trong sự tuân thủ khiêm nhường các luật lệ phụng vụ. Tông Huấn nói cách đơn giản như sau: “Ars celebrandi, nghệ thuật cử hành là nghệ thuật cử hành cho tốt đẹp, là tham dự vào phụng vụ cách trọn vẹn, tích cực và hữu hiệu của mọi tín hữu”. Nghệ thuật cử hành này chỉ có được khi có sự trung thành tuân theo các luật phụng vụ cách trọn vẹn, vì phụng vụ đã có một truyền thống lâu đời trong Giáo Hội từ 2000 năm nay.

2.5. Giám mục, nhà phụng vụ tiêu biểu nhất. (s. 39)
Những người đã lãnh nhận chức thánh, như giám mục, linh mục và phó tế có bổn phận lo cho việc cử hành phụng vụ cách đúng đắn. Nhưng giám mục là Vị cử hành phụng vụ cách cao trọng và chân thực trong giáo phận. Vì thế ngài phải lưu tâm tới việc cử hành phụng vụ và kỷ luật về phụng vụ trong giáo phận của mình cho đúng đắn.
ĐTC nhắc nhở các giám mục một vài nhiệm vụ: Giám mục phải làm sao để các linh mục, phó tế và tín hữu càng ngày càng hiểu thấu ý nghĩa đích thực của các lễ nghi và bản văn phụng vụ.
Ngài khuyên giám mục làm sao cho buổi cử hành phụng vụ do giám mục chủ sự tại nhà thờ chính tòa được diễn ra cách đúng đắn và nghiêm trang, như là gương mẫu cho toàn thể giáo phận (x. s. 15).

2.6. Tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các dấu chỉ. (s. 40)
Nghệ thuật cử hành nhắm tới các hình thức bên ngoài để cử hành như sự hòa hợp giữa các lễ nghi, các y phục phụng vụ; các đồ đạc, các bình thánh, dùng trong buổi cử hành Thánh Thể; màu sắc chỉ định cho từng thời gian phụng vụ, cho từng buổi lễ, ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, cử điệu thân xác như đứng quỳ, ngồi, cúi đầu, cúi mình, hôn kính, nằm phủ phục, hôn chúc, thinh lặng phải giữ. Như vậy Tông Huấn đã đi vào thực hành, cụ thể.
Tuy nhiên các linh mục và các người có trách nhiệm cử hành Thánh Thể cần lưu ý tới các sách phụng vụ, tức là Sách Lễ Rôma, Sách Các bài đọc, Sách Phúc âm để phó tế công bố trong Thánh lễ, Sách các lời nguyện tín hữu, Sách các bài thánh vịnh đáp ca để hát, Sách các bài hát trong Thánh lễ cho ca đoàn và cho cộng đoàn khi cử hành Thánh Thể. Ngoài ra còn có sách để cử hành các giờ kinh phụng vụ, cử hành các bí tích và phụ tích, Sách nghi thức chỉ dẫn các lễ nghi cho Giám mục khi cử hành phụng vụ. Các sách này do Hội Đồng Giám Mục soạn thảo, dịch ra và chấp thuận, và xin Tòa Thánh chuẩn y cho phép dùng.
Các Sách này chứa đựng nội dung thần học và kho tàng lâu đời của Giáo Hội. Đó không phải là những sách soạn thảo theo hứng, tùy thời, nhưng theo truyền thống phụng vụ lâu đời và được khởi hứng bởi Kinh thánh, các Giáo phụ. Vì thế có nội dung thần học, phụng vụ sâu xa đáng kính.
Riêng về các sách cử hành Thánh Lễ, chúng ta có Văn kiện ở đầu Sách lễ Rôma, gọi là “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, Institutio generalis Missalis Romani” (QCTQ). Tông Huấn đã lưu ý đặc biệt tới văn kiện này, vì chứa đựng kho tàng lớn lao về thần học, phụng vụ, nghi lễ và luật pháp.
Chúng ta thường bỏ qua không đọc văn kiện này. Có nhiều điều nghi ngờ và câu trả lời cho các nghi ngờ này có thể tìm được trong Văn kiện này mà không phải đi tìm câu hỏi ở đâu xa. Tông huấn nói: “Lưu tâm và trung thành với cấu trúc đặc biệt của nghi lễ vừa diễn tả một sự hiểu biết về bản chất của Thánh Thể như một quà tặng, vừa biểu lộ ý muốn của thừa tác viên đón nhận quà tặng vô giá đó bằng lòng biết ơn đầy vâng phục”.

2.7. Nghệ thuật nhằm phục vụ cho phụng vụ (s. 41).
Vì vẻ đẹp và phụng vụ có mối liên hệ sâu đậm, nên nghệ thuật phải đem hết mọi khả năng của mình để phục vụ buổi cử hành phụng vụ. Các điểm cần lưu ý trong vấn đề này:
Hãy tạo cho tín hữu nếm được hương vị vẻ đẹp trong những gì liên hệ tới Thánh Thể. Vì thế nghệ thuật thánh có tác dụng huấn giáo làm cho nhận ra ý nghĩa thánh thiêng của các yếu tố mỹ thuật như những dấu chỉ.
Tất cả các yếu tố về mỹ thuật phải nhắm tới mục đích là bảo toàn sự kính trọng mầu nhiệm của Thiên Chúa, tính cách duy nhất của đức tin và tăng cường lòng sùng mộ.
Cần cho thấy tính cách duy nhất giữa các yếu tố mỹ thuật của nơi thờ phượng, trong gian cung thánh, các biểu hiệu như bàn thờ, toà công bố Lời Chúa, nhà tạm, Thánh giá, ghế chủ sự, làm sao cho có sự hòa hợp, có tổ chức. Tại gian cung thánh, cần làm sao cho có chỗ di dịch thuận tiện cho các thừa tác viên khi cử hành phụng vụ, vì đây là cử hành các mầu nhiệm thánh.
Các tiêu chuẩn này, cũng như các lời nhắn nhủ khác cũng phải đem áp dụng cho việc vẽ tranh ảnh đạo, hội họa và điêu khắc.
Do đó phải huấn luyện các chuyên viên về vấn đề nghệ thuật thánh, nhất là các linh mục ngay từ thời họ còn là chủng sinh.
Từ cái nhìn thần học này, việc xếp đặt gian cung thánh cũng cần được lưu ý: bàn thờ là để cử hành Thánh Thể, bục công bố Lời Chúa là bàn tiệc Lời Chúa, do đó hai nơi thánh thiêng, cần được tôn kính, không để những gì khác ngoài những vật dụng để cử hành; không dùng chúng vào những công việc khác, như đọc lời rao và các chỉ thị tại bục công bố Lời Chúa. Người đọc các lời hướng dẫn phải đứng ở chỗ khác, các ca trưởng cũng không đứng tại đó...

2.8. Phụng ca. (s. 42).
Tông Huấn đã bàn riêng về âm nhạc dùng trong phụng vụ và cho nó một tầm mức quan trọng đặc biệt.
Tông Huấn đưa ra những lý do thần học và lý do từ suy luận của lý trí, trưng dẫn lời của thánh Augustinô: âm nhạc là thành phần của buổi cử hành phụng vụ. Vậy phải cho dân Chúa, khi tham dự phụng vụ, họ hát những bài hát ca tụng Thiên Chúa. Như Giáo Hội từ 20 thế kỷ nay, đã luôn tìm ra những hình thức âm nhạc xứng hợp và thánh thiêng dùng trong phụng vụ. Tất cả những tác phẩm âm nhạc này không chỉ là những sáng tác trong phạm vi nghệ thuật, nhưng là kho tàng đức tin của Giáo Hội.
Các bài hát trong buổi cử hành phụng vụ không thể cho rằng tất cả giống nhau, mà có tiêu chuẩn sáng tác, chọn lựa chân chính, như phải coi các bài hát là những cách thế diễn tả đức tin, tạo ra lòng tôn kính, tạo ra lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, thích hợp với mầu nhiệm được cử hành, với lúc cử hành và theo năm phụng vụ. Điều này phải được lưu ý trong ba phạm vi sau đây: sáng tác, âm điệu và thể hiện.
Tại số 42 này Đức Bênêđictô XVI, theo ý kiến của các Giám mục trong THĐ, tỏ ý muốn rằng thánh nhạc Grêgôriô phải được đánh giá thích hợp vì đó là loại âm nhạc riêng của phụng vụ Rôma. Về sau ĐTC còn nhắc lại điều này cách cụ thể hơn: đó là làm sao cho các linh mục hiểu tiếng Latinh để cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh, cũng như có thể sử dụng được âm nhạc bình ca; đồng thời cũng phải giáo dục tín hữu giáo dân về điểm này để họ có thể hát một số bài thánh ca bắng tiếng Latinh và theo điệu bình ca nhất là trong các buổi Lễ quốc tế.

2.9. Sự duy nhất nội tại của hành động phụng vụ (s. 44).
Sự duy nhất giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể có tính cách nội tại, nghĩa là theo chính bản tính của chúng, mà không phải là hai phần riêng biệt nhau, biệt lập nhau, rồi nghi lễ đem gán ghép lại với nhau ở bên ngoài, hoặc đặt chúng gần gũi nhau theo sự thuận tiện.
Sự duy nhất này có tính cách nội tại, vì Lời Chúa phát sinh đức tin, tăng cường đức tin bằng của ăn Thánh Thể. Lời Chúa được công bố và sẽ hoàn tất với việc cử hành Thánh Thể. Đó là hai bàn tiệc nuôi dưỡng tín hữu, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa còn đem lại cho các cử chỉ, biểu hiệu ý nghĩa thánh thiêng, để chúng không phải chỉ là những thực tại tầm thường trong đời sống hằng ngày.

2.10. Phụng vụ Lời Chúa (s. 45).
Trước khi đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, ĐTC đã cho thấy lý do phải chú ý đặc biệt vào phụng vụ Lời Chúa với những lý do thần học: vì khi đọc Lời Chúa, Hội Thánh ý thức chính Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ theo cách thế bí tích, nghĩa là theo các dấu hiệu hữu hình mà Ngài chọn lựa và ấn định, Ngài nói với Dân Chúa; vì Lời Chúa liên hệ nội tại với chính con người Chúa Kitô. Việc học hỏi này giúp quý trọng Lời Chúa, cử hành xứng đáng và sống đích thực Lời Chúa nói với chúng ta.
Để có được điều mong muốn này, chúng ta cần lưu ý tới các điểm thực hành sau đây: thừa tác viên đọc sách thánh cần được chỉ định trước và chuẩn bị kỹ càng qua sự hiểu biết Lời Chúa, sách thánh, kỹ thuật đọc trước công chúng, thái độ của thân xác trước công chúng, y phục khi ra trước công chúng. Không nên chỉ định người đọc sách thánh vài phút trước khi tới giờ đọc. Điều này càng phải áp dụng cách triệt để hơn với các linh mục và phó tế.
Cũng cần tôn trọng bục công bố Lời Chúa trong gian cung thánh, các sách bài đọc sách thánh trong Thánh lễ. Sách cũ và đã rách tan nát, cần loại bỏ và thay bằng sách mới, xứng đáng. Sau Thánh Lễ cũng cần đặt Sách bài đọc tại những nơi xứng đáng. Có thể nói vài lời dẫn nhập với mục đích gây chú ý cho cộng đoàn, nhưng phải lưu ý đừng trở thành một bài giảng trước, làm cho bài giảng chính thức mất ý nghĩa, cũng như làm cho chính Bài sách thánh hết hiệu lực.

2.11. Bài giảng (s. 46).
Bài giảng được coi là yếu tố chính của Phụng Vụ Lời Chúa nhằm giúp cộng đoàn hiểu sâu rộng Lời Chúa vừa được công bố. Vì thế ĐTC nhắn nhủ các thừa tác viên có chức thánh là những vị có quyền giảng trong Thánh Lễ theo giáo luật và theo luật phụng vụ, phải lưu tâm đặc biệt về những khía cạnh sau đây: làm cho hoàn hảo các bài giảng, dọn bài giảng kỹ lưỡng, nội dung bài giảng phải trình bày các diểm chính rút từ các bài sách thánh vừa được công bố và các bản văn phụng vụ, lưu ý tới mục đích khuyên nhủ và giáo huấn của bài giảng, không chỉ nói tổng quát trên bình diện lý thuyết trừu tượng, mà phải đi vào thực tế của đời sống.

2.12. Dâng lễ vật (s. 47).
Lý do được đưa ra để giải thích ý nghĩa thật đáng nói tới của việc dâng lễ vật là: về khía cạnh thần học, đây là một lễ nghi đơn sơ, nhưng cho thấy giá trị các tạo vật trước nhan Thiên Chúa. Con người mang dâng lên Thiên Chúa, cùng với sức lao động, khổ đau của nhân loại để đặt tin tưởng vào Ngài và khẩn khoản Ngài chúc phúc. Trong khía cạnh phụng vụ, đây là mối dây nối kết giữa phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Do hai lý do này, việc dâng lễ vật tuy đơn sơ, nhưng thật quan trọng, tự nó đã có ý nghĩa đầy đủ. Vì thế không cần đem vào đó những điều gì không thích hợp và làm mất ý nghĩa trong sáng của nó.

2.13. Kinh nguyện Thánh Thể (s. 48).
Đây là kinh nguyện quan trọng hơn hết trong khi cử hành Thánh Thể. Phụng vụ gọi là lời nguyện đại thể (l’euchologie majeure), khi so sánh với các lời nguyện khác trong Thánh Lễ, như lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ, lời nguyện hiệp lễ và lời nguyện trên dân chúng.
Ý nghĩa thần học phụng vụ của Kinh Nguyện Thánh Thể là: đây là trung tâm và tột đỉnh của tất cả buổi cử hành Thánh Thể. Các Kinh Nguyện Thánh Thể được ghi trong Sách Lễ Rôma, có một truyền thống sống động lâu đời trong Giáo Hội, vì thế chúng mang theo một kho tàng phong phú từ thần học tới tu đức.

2.14. Trao bình an (s. 49).
Cử chỉ chúc bình an trong Thánh Lễ được Tông Huấn bàn tới vì những lý do thần học và thời sự của thế giới ngày nay. Cử chỉ này có ý nghĩa thật đặc biệt vì Thánh Thể tự mình là bí tích của bình an và hiệp nhất, nằm sâu trong tâm khảm của con người và trong Giáo Hội. Và ngày nay hòa bình đang bị đe dọa khắp nơi. Vì thế Giáo Hội khẩn khoản xin ơn bình an cho toàn thể thế giới và gia đình và cá nhân. Không lúc nào hơn trong Thánh Lễ, lời cầu khẩn này có ý nghĩa và được nhận lời cách hữu hiệu vì Chúa Kitô là Chúa của bình an đang hiện diện trong Thánh Thể bằng chính Thịt Máu của Ngài.
Việc trao ban bình an cho nhau trong Thánh Thể mang ý nghĩa lớn lao, tuy nhiên cần thể hiện cách đúng mực và làm cho thấy rõ ý nghĩa đích thực của nó, hơn là một hành động, cử chỉ bên ngoài trống rỗng và cản trở thái độ hồi tâm và việc rước lễ tiếp theo sau. Chỉ nên trao ban bình an với những người bên cạnh gần mình mà thôi. Trong Đề nghị 23, các giám mục cũng bàn hỏi xem các Cơ quan của Tòa Thánh có thể rời cử chỉ ban bình an này vào lúc dâng lễ vật không? (s. 49, chú thích 150).

2.15. Trao và nhận Thánh Thể (s. 50).
Lúc rước lễ tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô hiện diện đích thực bằng Mình và Máu của Ngài. Vì thế việc rước lễ thật quan trọng và cần lưu ý để được thể hiện làm sao cho thấy ý nghĩa này.
Từ lý do thần học trên đây, ĐTC Bênêđictô XVI đã xin mọi thừa tác viên có chức thánh và những người khác lưu tâm tới những điểm sau đây: Chỉ để cho các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ khi có lý do thật cần thiết và họ đã được chuẩn bị kỹ càng. Khi có linh mục, phó tế, thì chính các ngài phải cho rước lễ, thay vì ngồi không và để cho một số giáo dân cho rước lễ.
Cần theo kỷ luật về vấn đề này được ghi nhận trong các văn kiện của Tòa Thánh và trung thành tuân thủ với tinh thần đức tin và lòng mộ mến Chúa Giêsu Thánh Thể.

2.16. Lời giải tán: “Ite Missa est” (s. 51).
Lễ nghi cuối cùng trong Thánh Lễ là việc giải tán dân chúng với lời chào chúc mọi người ta về “Ite Missa est”: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Trong truyền thống phụng vụ, lời chúc này có ý nghĩa là “gửi đi”, giải tán, rồi nó mang thêm ý nghĩa là được sai đi. Từ “giải tán” ám chỉ một “sứ mệnh”. Vì thế, lễ nghi này có ý nghĩa nối kết Thánh Thể với đời sống. Bởi vậy cần giúp tín hữu hiểu rõ ý nghĩa của đòi hỏi chính yếu của đức tin là làm chứng trong đời sống của mình, bắt nguồn từ chính Thánh Lễ. Do đó các giám mục đã đề nghị để bản văn dùng trong lúc này có thể làm sao cho sáng tỏ ý nghĩa thần học và truyền giáo trên đây.

3. Sống Bí Tích Thánh Thể.

3.1. Sự tham dự đích thực. (s. 52).
Cần hiểu rõ tham dự tích cực là gì? Không có ý nói đến một hoạt động đơn thuần bên ngoài trong buổi cử hành. Người tín hữu tham dự vào phụng vụ Thánh Thể không phải “như những khách bàng quan, câm lặng”, mà như những người tham dự “hành động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động”.

3.2. Sự tham dự và chức tư tế thừa tác. (s. 53).
Việc tham dự tích cực không phải là thi hành mọi phận vụ trong phụng vụ. Đó là một hiểu lầm về việc tham dự. Nhưng phải hiểu phụng vụ được xếp đặt với những chức vụ theo phẩm trật. Vì thế cần có khả năng phân định thế nào hiệp thông trong Giáo Hội có phẩm trật. Một sự lẫn lộn về phận vụ sẽ không giúp ích gì cho việc tham dự tích cực.
Phải nhận định rõ ràng vai trò của giám mục, linh mục trong khi cử hành phụng vụ. Linh mục là người có thẩm quyền cử hành buổi phụng vụ Thánh Thể từ đầu cho tới cuối cùng. Qua chức thánh đã lãnh nhận, linh mục là đại diện và biểu hiệu Chúa Kitô và Giáo Hội nữa.
Còn các phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ linh mục tại bàn thờ: như sửa soạn bàn thờ, giúp linh mục, công bố Phúc Âm, đôi khi giảng trong Thánh Lễ, đọc các ý chỉ của Lời nguyện tín hữu, trao Mình Thánh cho tín hữu.
Ngoài các thừa tác viên có chức thánh này, còn có các thừa tác viên khác, tu sĩ hay giáo dân được chọn và chuẩn bị kỹ lưỡng.

3.3. Tham dự qua các phương tiện truyền thông (s. 57).
Tông Huấn cũng nói tới cách thế tham dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông xã hội, như truyền hình, truyền thanh. Về điểm này Tông Huấn nhắc nhở là buổi cử hành Thánh Lễ qua các phương tiện tối tân này phải mang đặc tính: gương mẫu, phải chuẩn bị lưỡng nơi cử hành, giữ kỹ lưỡng các luật về phụng vụ. Các buổi cử hành này giúp ích rất nhiều cho tín hữu và những người theo dõi, nhưng không thể nhờ đó mà chu toàn luật buộc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và Lễ trọng bắt buộc.

3.4. Chăm lo cho những tín hữu có hoàn cảnh đặc biệt (ss. 58, 59, 60).
Các giám mục cũng được nhắc nhở để một số tín hữu gặp những hoàn cảnh không thuận lợi để có thể tham dự Thánh Lễ bình thường như các tín hữu khác, cũng có thể tham dự tích cực vào Thánh Lễ: đó là bệnh nhân, tù nhân và di dân
Phải lo cho bệnh nhân, kể cả những người bị bệnh tâm thần, năng được rước lễ; những người bị bệnh tâm thần rước lễ trong đức tin của gia đình và của Giáo Hội các nhà thờ cần được thu xếp để các người khuyết tật có thể ra vào nhà thờ cách dễ dàng (s. 58).
Còn những tù nhân cần gặp Chúa Kitô trong giai đoạn cuộc đời rất khăn; đàng khác đi thăm tù nhân là thăm viếng chính Chúa. Ở đây ĐTC Bênêđictô XVI đã muốn các giáo phận xét lại việc mục vụ đối với tù nhân, đã thực hiện thế nào trong giáo phận của mình (s. 59).
Còn đối với các người di dân thuộc các lễ nghi khác, vd Đông Phương, vẫn thông hiệp với giáo hội công giáo, các giám mục cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của họ vì không được tham dự phụng vụ theo lễ nghi của riêng mình. Vì thế ĐTC Bênêđictô XVI đã xin các giám mục hãy tiếp nhận các người di dân như anh chị em của mình (s. 60).
Tóm lại khi nói tới việc tham dự tích cực vào buổi cử hành Thánh Lễ hay các buổi cử hành phụng vụ nói chung, Tông Huấn muốn chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ này, không lẫn lộn vai trò của từng người và nhất là của linh mục, làm sao để giúp tín hữu tham dự tích cực, nhất là với các người gặp phải hoàn cảnh khác thường, và việc tổ chức các buổi cử hành phụng vụ ngoại lệ, ngoài nơi thông thường. Phải làm sao cho thấy vẻ đẹp của buổi cử hành Thánh Lễ.

3.5. Thói quen Chầu Thánh Thể (ss. 66, 67).
Điều Tông Huấn muốn lưu tâm ở đây là sửa sai quan niệm cho rằng Thánh Thể chỉ để nên lương thực cho chúng ta chứ không phải để chiêm ngắm. Quan niệm này có phần thấp thoáng đâu đó trong công cuộc canh tân phụng vụ sau Vatican II. Người ta thấy Tông Huấn đã trích dẫn lời Thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt này, nếu đã không thờ lạy thịt đó trước”.
Việc chầu Thánh Thể là để thể hiện cách rõ ràng việc cử hành Thánh Thể, kéo dài việc cử hành này, làm cho tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể trong thinh lặng và hồi tâm và từ đây họ ý thức được sứ mệnh phải đi rao truyền mầu nhiệm này trong cuộc đời của mình. Trong khi chầu Thánh Thể, tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô và đến gặp gỡ Ngài. Họ thờ lạy Ngài sau khi đã đón nhận Ngài trong lúc ruớc lễ. Như vậy việc Chầu Thánh Thể có liên hệ nội tại với việc cử hành Thánh Thể (s. 66). Vì thế cần dạy giáo lý cho tín hữu biết việc đaọ đức này.
Trong thời gian họp THĐ, chính các Nghị phụ đã tới nhà thờ Thánh Phêrô để cùng nhau chầu Thánh Thể. Điều này làm xúc động và đem lại nhiều ý nghĩa cho chính các ngài và cho tín hữu (s. 66).
ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi “Cùng với THĐ tôi tha thiết kêu gọi các vị mục tử của Hội Thánh và Dân Chúa hãy thực hành Chầu Thánh Thể, vừa chầu riêng, vừa chầu chung trong cộng đoàn” (s. 67). Cũng nên tổ chức việc chầu Thánh Thể trong thời gian liên tục. Việc rước lễ lần đầu cũng cần được lưu tâm. ĐTC tỏ lòng ngưỡng mộ các Dòng Tu dành thời giờ để các thành phần của Dòng Chầu Thánh Thể. ĐTC khuyến khích các hiệp hội giáo dân cũng thực hành việc đạo đức quan trọng này.
Chúng ta biết rằng trong phụng vụ, việc Rước Kiệu Thánh Thể và Chầu Thánh Thể đã nằm ngay trong khi cử hành Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

3.6. Những hình thức sùng kính Thánh Thể. (s. 68).
Ngoài việc Chầu Thánh Thể, trong Giáo Hội còn có những hình thức khác biểu lộ lòng tôn sùng đối với Thánh Thể như: Kiệu Thánh Thể, nhất là Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Chầu Thánh Thể 40 giờ, Đại Hội Thánh Thể quốc tế, quốc gia, giáo phận, việc khuyến khích giáo dân thinh lặng trước nhà tạm để sống với Chúa Thánh Thể, việc viếng Mình Thánh Chúa khi đi qua nhà thờ, việc rước lễ thiêng liêng (s. 55). Các hình thức này cần được lưu giữ lại và thích nghi với hoàn cảnh ngày nay.
Hầu hết các giáo phận tại Việt Nam đều có thói quen “Chầu Lượt” luân phiên theo các xứ, họ đạo. Đây là tập tục tốt lành nhưng cần canh tân việc đạo đức này để trở nên ích lợi, như có tam nhật chuẩn bị, tĩnh tâm, học hỏi giáo lý, chầu Thánh Thể trước đó, gặp gỡ cầu nguyện, thi hành việc bác ái, xã hội và truyền giáo.

3.7. Vị trí của Nhà Tạm. (s. 69).
Trường hợp đặc biệt liên hệ tới chỗ đặt Nhà Tạm. Tông Huấn nói tới khá tỉ mỷ, vì Nhà tạm là chỗ lưu giữ và đặt Mình Thánh Chúa để tín hữu thờ lạy. Về cách xếp đặt phải làm sao giúp tín hữu nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể.
Điều này liên hệ tới lối kiến trúc của nhà thờ và gian cung thánh. Vì thế đèn chầu phải được dùng để cho thấy sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể; dùng đèn dầu hơn là những cách thế khác; “tránh đặt ghế chủ tọa phía trước nhà tạm”.
Trong các nhà thờ mới xây cất, nếu được, thì đặt Nhà Tạm ở gần gian cung thánh, hay nếu không thể được thì đặt Nhà tạm trong gian cung thánh, ở vị thế cao hơn, ở giữa phần cuối cuối nhà thờ dễ nhận ra được, với các đồ trang hoàng nghệ thuật sao cho xứng đáng. Nhưng trong vấn đề này, hãy theo các chỉ dẫn của Văn kiện “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma” và theo quyết định của giám mục.

3.8. Sống Đúng Theo Ngày Chúa Nhật, “iuxta dominicam viventes” (s. 72).
Việc giữ Ngày Chúa Nhật đã được các giám mục bàn lại ở đây trong bối cảnh của THĐ, có hai mục đích: một là để đào sâu Tông thư của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành vào năm 1998, Dies Domini; hai là để phân tích mục vụ về luật này trong bối cảnh thế giới ngày nay với bao khía cạnh, hoàn cảnh không giúp gì lắm cho người tín hữu hiểu ý nghĩa Ngày của Chúa và tuân giữ ngày này, như chỉ coí đó là ngày nghỉ cuối tuần, weekend.
Cũng như trong các phần khác, trong phần này (s. 72tt) và sau đó trong phần kết luận (s. 95) Tông Huấn đưa ra những lý do thần học và phụng vụ liên hệ tới Ngày Chúa Nhật, trước khi bàn về một số điểm có tính cách mục vụ và xã hội về luật giữ Ngày Chúa Nhật.

3.9. Sống giới răn ngày Chúa Nhật (73).
Từ đây các giám mục đã lưu tâm đặc biết tín hữu về luật giữ ngày Chúa Nhật. Vì ngày đó vẫn còn là dấu chỉ, nét vẻ đặc biệt cho người khác nhận ra người Kitô hữu là ai. Đó là những nhắn nhủ có tính cách mục vụ. Hãy lấy lại ý thức về tầm quan trọng đi lễ Ngày Chúa Nhật. Thực hành đạo đức này giúp thánh hóa ngày thứ nhất trong tuần, và không làm cho ngày của Chúa «vắng bóng Chúa». Đi lễ Ngày Chúa Nhật còn giúp tín hữu lấy lại và tăng cường lương tâm Kitô giáo; giúp lấy lại tự do đích thực của con cái Chúa.

3.10. Ý nghĩa của nghỉ ngơi và lao động (s. 74).
Phải hiểu thế nào về việc nghỉ lao động vào ngày Chúa Nhật? Trước tiên xin nhớ rằng theo truyền thống Do thái về ngày Sabath, thì ngày Chúa Nhật luôn liên hệ với việc nghỉ việc lao động thường ngày. Nghỉ việc lao động cho thấy rằng lao động không là mục đích của con người, mà lao động quy hướng về con người. Con người làm chủ vũ trụ, chứ không làm nô lệ cho lao động. Lao động giúp thể hiện nhân cách, địa vị con người chứ không bắt con người làm nô lệ cho lao động. Trong ngày Chúa Nhật con người tìm ra ý nghĩa của đời mình và của công việc mình làm. Do đó các giám mục xin mọi chính quyền dân sự hãy tôn trọng quyền nghỉ việc của tín hữu công giáo trong ngày Chúa Nhật.

3.11. Một khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống kito hữu: thuộc về Hội thánh (s. 76).
Chúng ta vừa nhắc lại một chiều kích về ngày Chúa Nhật mà Tông thư Ngày của Chúa, “Dies Domini” nói tới. Ngày Chúa Nhật còn có chiều kích Giáo Hội của ngày Chúa Nhật vì đó là Ngày của Giáo Hội “Dies Ecclesiae”. Khi giữ luật Ngày Chúa Nhật tín hữu ý thức mỗi ngày mình thuộc về Giáo Hội hơn, sống trong tình hiệp thông, communio sanctorum, cách rõ ràng hơn. Từ đó họ sẽ làm tăng cường hình thức Thánh thể trong đời sống họ cách nổi bật hơn. Vì Thánh Thể quy tụ tất cả những người lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để làm nên một thân thể với Chúa Kitô. Vì thế hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu phải là hình thức cộng đoàn, liên đới hiệp thông.
Hình thức cộng đoàn này thể hiện trong giáo phận, giáo xứ, vì đó là mẫu hình căn bản của Giáo Hội. Ngoài ra còn có các hình thức sinh hoạt tập thể. Các phong trào mới trong Giáo Hội ngay cả những Dòng tu cũng phải đóng góp vào việc tăng cường sự hiệp thông này, việc thuộc về Giáo Hội. Điều này càng cần thiết, khi xã hội ngày này hướng nhiều về chiều kích cá nhân, riêng rẽ.

3.12. Linh đạo và văn hóa Thánh Thể (s. 77).
Nói về nền tu đức Thánh Thể, Tông Huấn đã đưa ra nhiều lý do thần học để nhấn mạnh vào nền tu đức này. Đây là một phân tích có tính cách rất mục vụ của các giám mục trong THĐGM thế giới kỳ XI về Thánh Thể. Tu đức Thánh Thể là khởi nguồn các nền tu đức khác, vì trong Thánh Thể có chính Chúa Kitô hiện diện đích thực, vì Thánh Thể là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Thánh Thể đem lại tính cách mới mẻ cho tín hữu và Giáo Hội (s. 9. 10. 11. 29. 71. 72. 85. 95).
Tuy nhiên còn một điều nữa mà Tông Huấn muốn nói ra để nhấn mạnh vào tu đức Thánh Thể, đó là ngày nay người ta muốn gạt bỏ đức tin Kitô giáo ra khỏi sinh hoạt cá nhân, xã hội, và ngay cả trong một số môi trường tu trì. Họ muốn sống như không có Thiên Chúa. Vì thế cần nhắc nhở tín hữu ý thức rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ trong Thánh Thể và Thánh Thể là tình yêu, nên ai thấy tình yêu là thấy Chúa Ba Ngôi (Thánh Augustinô, s. 8).
Điều này đòi buộc tín hữu Thánh Thể, con người Thánh Thể (s. 96) phải làm cho đời của mình trong mọi khía cạnh nên «thiêng liêng», nên «hy tế thiêng liêng» (s. 77; Rm 8, 4). ’Người Thánh Thể’ không học theo cách thế người đời mà hành động, song phải suy tư theo lời Thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu (Rm 12, 2, Ep 4,14).
Vì thế phải cổ võ nền tu đức Thánh Thể trong Giáo Hội, nhất là trong thời đại chúng ta. ĐTC nói Giáo Hội luôn lấy lại niềm tin và lòng sùng mộ Thánh Thể mỗi khi có cuộc canh tân quan trọng phải thực hiện (s. 6). Các Dòng tu, các cộng đoàn nếu muốn đứng vững và lướt thắng thử thách, khủng hoảng, cũng phải tăng cuờng nền tu đức Thánh Thể.

3.13. Thánh Thể và tín hữu giáo dân (s. 79).
Sau khi nói tới ý nghĩa nền tu đức, linh đạo Thánh Thể và sự cần thiết của nền tu đức này. Tông Huấn đã trình bày việc áp dụng cho từng giới trong Giáo Hội. Phương pháp trình bày vẫn là: cho thấy lý do thần học và phụng vụ, rồi đưa ra một số điểm thực hành, cụ thể.
Tông Huấn đã bắt đầu áp dụng vào trường hợp các giáo dân. Giáo dân đã được tham dự vào chức tư tế cộng đồng qua bí tích Rửa Tội, và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể để mỗi ngày đời sống của họ nên trọn vẹn hơn. Vì vậy hằng ngày họ phải trở nên hy tế đẹp lòng Chúa, phải nên thánh vì Chúa kêu gọi họ nên thánh, phải sống cái mới tận căn mà Thánh Thể đem đến cho họ.
Tới đây Tông Huấn nói tới việc sống ơn gọi nên thánh trong cuộc sống giữa đời của giáo dân, tức là tạo ra cho họ một nền tu đức Thánh Thể thực sự.
Trong số 79 này, Tông Huấn trình bày “cái đời này” qua mấy kiểu nói khác nhau: Tình trạng hiện sinh của họ, Bậc sống , Đời sống hằng ngày, Thực tại hằng ngày, Thế giới...

3.14. Thánh Thể và linh đạo linh mục (s. 80).
Tới phần bàn về các linh mục, Tông Huấn như muốn dừng lại, vì thấy rằng Thánh Thể có liên hệ nội tại với linh mục, vì lý do chức thánh, vì lý do linh mục là nguời ban phát mầu nhiệm thánh cùng với giám mục. Tuy nhiên Tông Huấn đã muốn nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
Các linh mục cần nhớ lại lời giám mục đọc khi trao ban đĩa thánh và chén thánh cho linh mục ngày chịu chức: ‘Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa’ (Nghi thức truyền chức linh mục ).
Tông Huấn nhắc lại lời của Tông Huấn Pastores dabo vobis: "các linh mục phải là những người liên tục tìm Chúa”. Nhưng họ cũng phải gần gũi với các nhu cầu của con người.
ĐTC nhắn nhủ hãy dâng Thánh Lễ hằng ngày dù không có giáo dân tham dự, vì việc cử hành Thánh Thể sẽ đem lại cho linh mục sức siêu nhiên và làm cho các linh mục nên một với Chúa Kitô hơn, đồng hình đồng dạng với Ngài hơn.

3.15. Thánh Thể và đời sống thánh hiến (s. 81).
Trong phần bàn về linh đạo Thánh Thể, Tông Huấn muốn nói về liên hệ và ảnh hưởng của Thánh Thể trong đời sống những con người thánh hiến. Trước tiên họ phải là những chứng tá về sức thánh hóa của Thánh Thể cho tu sĩ khi họ tham dự Thánh Lễ và chầu Thánh Thể. Điều này giúp họ theo Chúa Kitô cách tận căn, Đấng vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh. Giáo Hội mong chờ ở họ cái chính yếu của đời sống tu trì hơn là những hoạt động họ làm, là hơn là làm. Đời sống chiêm niệm và Thánh Thể sẽ cho tu sĩ cái chính thực này.
Ở đây ĐTC muốn nhấn mạnh tới liên hệ nội tại đặc biệt giữa Thánh Thể và việc sống đức khiết tịnh, như trong trường hợp giữ độc thân của linh mục (s. 24). Việc giữ đức khiết tịnh được hiểu như là một sự dâng hiến chính mình cách trọn vẹn cho Thiên Chúa và không lấy lại cho mình nữa.
Chính từ Thánh Thể mà tu sĩ rút ra được kín múc được sự sống và của ăn, sự an ủi khích lệ và để dấn thấn cho việc hiến dâng trọn vẹn này. Qua việc sống khiết tịnh tu sĩ cho nhân loại thấy tình yêu bao la và vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Họ cũng cho thấy lời mời gọi của Thiên Chúa gửi tới nhân loại để tham dự vào bữa tiệc cưới đời đời của Chiên Thiên Chúa.

3.16. Thánh Thể, Mầu Nhiệm Để Loan Báo Và Trao Ban Cho Thế Giới. (ss. 84 – 93).
Tông Huấn cũng nói tới sức ảnh hưởng linh động và phong phú làm biến đổi các thực tại trần gian có liên hệ bên ngoài đời sống con người, như luân lý, văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, môi sinh.
Tông Huấn nhấn mạnh nhiều lần, rằng Thánh Thể có sức sống phong phú dồi dào vì Thánh Thể là chính Chúa Kitô. Sức mạnh từ Thánh Thể có khả năng biến đổi toàn diện con người và các điều gì thuộc về con người, như số 71 nói: "Việc thờ phượng mới của Kitô hữu bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: ‘Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa (1Cr 10, 31)... Chẳng có gì thực sự nhân loại mà không tìm thấy trong bí tích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để được sống cách sung mãn, từ tư tưởng và tình cảm cho đến lời nói và việc làm’.
Tuy nhiên Tông Huấn cũng nói tới một thái độ thống nhất trong đời sống người Thánh Thể: nghĩa là không thể nào vừa sống Thánh Thể, vừa rước lễ mà lại có đời sống bên ngoài không phù hợp với đức tin của mình vào Thánh Thể (s. 83). Tông Huấn nói rất mạnh về thái độ sống đồng nhất này: «Thánh Thể mà không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu thì không còn nguyên vẹn” (s. 82).
Từ các suy tư này, "người Thánh Thể”, sau khi đã khám phá ra ’hình thức Thánh Thể” của đời sống mình, phải trở nên chứng nhân của Thánh Thể trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta là chứng nhân khi qua hành động, lời nói và cung cách hành xử của ta, "Đấng Khác” hiện ra và thông ban mình cho chúng ta (s. 85).
ĐTC đã trình bày ý nghĩa của việc làm chứng tá (martyre) theo cái nhìn của tín hữu đầu tiên, tức là các tín hữu này muốn trở thành tử đạo và trở nên hạt lúa mì bị nghiền nát ra để trở thành lễ vật dâng tiến Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa (s. 85).
Nhưng chứng tá này phải phát xuất từ một xác tín của đức tin, để rồi thể hiện trong vui tươi và đầy tin tưởng (s. 85). Họ làm chứng tá để loan truyền Chúa Kitô cho thế giới, Đấng Cứu thế duy nhất của trần gian, là trung tâm điểm của thế giới. Thiếu xác tín này, chứng tá của họ sẽ trống rỗng và sai lệch (s. 86).

3.17. Thánh Thể, mầu nhiệm trao ban cho thế giới (ss. 88-91).
Tông Huấn cũng đã đề cập tới một góc cạnh khác của đời sống “người Thánh Thể” đó là sinh hoạt xã hội của họ, tức là sống trong tình liên đới và lo thăng tiến con người.
Như trong các phần khác, Tông Huấn đã cho biết những lý do thần học và phụng vụ làm căn bản cho các hoạt động xã hội của tín hữu. Lý do thần học này là ơn huệ Thánh Thể Chúa Kitô ban cho chúng ta. Đó là bánh bẻ ra cho cả thế giới, cho hết mọi người. Đó là tình yêu tận cùng của Thiên Chúa ban cho con người và tình yêu này đã biểu lộ ra cho nhân loại qua ánh mắt xót thương của Chúa Kitô tới mọi người (s. 88).
Tin Mừng đã nhiều lần cho thấy cử chỉ yêu thương, cảm thông và xót thương của Chúa Kitô cho những người đồng thời với Ngài nhất là những người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật (s. 88). Các tín hữu “người Thánh Thể”, cũng phải sống trọn vẹn những tâm tình yêu thương, cảm thông và xót thương của Chúa trong cuộc đời của mình bằng những hành động bác ái xã hội.
Từ đây Tông Huấn nói tới những đòi hỏi xã hội nằm trong tu đức Thánh Thể, trong linh đạo Thánh Thể. Những hoạt động xã hội này là lo thăng tiến sự hòa giải, sự tha thứ, việc tôn trọng phẩm giá con người, thăng tiến công bằng xã hội, hòa bình thế giới, việc phát triển xã hội, việc lo giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ, việc chống tham nhũng, hối lộ, chống lạm dụng sắc dục trẻ em và phụ nữ; giải giới vũ khí, chống bạo động và bạo lực. Tông Huấn nói rõ ràng: “Chính từ Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải tố cáo những tình trạng ngược lại với nhân phẩm của con ngừơi, mà Chúa Kitô đã đổ máu của mình ra để cứu chuộc và xác nhận giá trị của mỗi người” (s. 89).
Tông Huấn nhắc tới giáo huấn xã hội của Giáo Hội từ xưa đến nay, nhất là các văn kiện gần đây, như “Cuốn cẩm nang giáo thuyết xã hội của Giáo Hội” (s. 91 Compendium de la doctrine sociale de l’Eglise). Vì thế phải học hỏi giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội (s. 90). Học thuyết này đã có từ 2000 năm nay, có tính cách thực tế và quân bình và giúp tránh những ảo tưởng hay sai lầm (s. 91).
Công việc từ thiện trong Giáo Hội đã được thực hiện ngay từ đầu (s. 90, x. Rm 15, 26; Cv 4, 32), trong phụng vụ đã có việc quyên góp giúp người nghèo trong cộng đoàn (s. 90). Các dòng tu đã và đang thực hiện một cách hữu hiệu trong xã hội, như lo giáo dục nhân bản, chăm sóc bệnh nhân, dạy học,... (s. 81). Tông Huấn khuyến khích các cơ quan từ thiện chính thức của Giáo Hội, như Caritas. Các cơ quan này tiếp tục được cổ võ, chấp thuận và trợ giúp (s. 90).

3.18. Thánh hóa thế giới và bảo vệ vũ trụ. (s. 92).
Một trong những vấn đề thời sự sôi bỏng của xã hội ngày nay, đó là vấn đề môi sinh. Tông Huấn cũng đã bàn tới trong số 92. Tông Huấn đã nói tới việc các tín hữu Thánh Thể phải nhân danh toàn thể vũ trụ mà thánh hóa và bảo tồn môi sinh. Lý do vì Thánh Thể cho biết rõ ràng lịch sử con người và vũ trụ, như là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Vì thế nhờ Thánh Thể, tín hữu mỗi ngày biết đọc và thẩm định cách chân thực ý nghĩa các biến cố của đời sống mình và của môi trường xã hội chung quanh.

Nghi thức dâng lễ vật giúp chúng ta hiểu chân lý trên. Bánh và rượu là hoa màu ruộng đất và lao động của con người (Nghi thức Thánh Lễ). Hai vật này cũng như tất cả vũ trụ có ý nghĩa cao cả của nó. Chúng không đứng ngoài kế đồ yêu thương của Thiên Chúa và tự mình phát xuất ra hay tự mình tiến hóa. Nhưng chúng luôn theo định luật đã được Thiên Chúa đặt định cho chúng để giúp chúng ta thực hiện trọn vẹn tước vị làm con Thiên Chúa (s. 92; Ep 1,3-12).
Hơn nữa tạo vật hiện thời còn giúp chúng ta hướng về việc tạo dựng mới mà chúng ta được hướng tới qua bí tích Rửa tội và trong niềm hy vọng cánh chung. Như vậy với cái nhìn duy nhất và tổng hợp chương trình và kế đồ của Thiên Chúa, chúng ta biết tôn trọng môi sinh và dùng chúng theo đúng ý muốn của Thiên Chúa.
Vậy Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng chân lý (s. 2 và 90), và nhờ chân lý chúng ta khám ra những gì sai lệch trong đời sống của mình và trong những hoàn cảnh chung quanh, để rồi múc lấy từ Thánh Thể sức sống và sức mạnh để biến đổi và làm tăng trưởng thêm những giá trị xã hội chân chính theo chương trình Thiên Chúa hoạch định.

 

Lời Kết.

Để kết thúc bài Đôi Điều Tìm Hiểu Tông huấn BTTY, thiết tưởng không gì bằng đọc lại lời kêu gọi của chính Đức Thánh Cha khi ngài kết thúc Tông Huấn trong số 94:

“Anh chị em thân mến, Thánh Thể là cội rễ của mọi hình thức thánh thiện, và mỗi người chúng ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần ... Trung tâm của sự thánh thiện luôn luôn được tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể…
“Mầu nhiệm rất thánh này cần được xác tín vững chắc, được cử hành sốt sắng, và được sống cách mạnh mẽ trong Hội Thánh. …

“Do đó, tôi yêu cầu tất cả các mục tử đừng bỏ qua bất kỳ một nỗ lực nào để thăng tiến một linh đạo Kitô giáo có tính Thánh Thể đích thực. Các linh mục, phó tế và tất cả những người đang thực hiện một tác vụ Thánh Thể, khi thực thi việc phục vụ này với sự quan tâm và có chuẩn bị, phải luôn tìm thấy trong đó sức mạnh và cảm hứng cần thiết cho hành trình nên thánh của bản thân và của cộng đoàn.
“Tôi khuyên nhủ các Kitô hữu giáo dân, và cách riêng các gia đình, hãy tìm kiếm không ngừng nơi BTTY của Đức Kitô năng lượng cần thiết để làm cho đời sống của họ thành một dấu chỉ đích thực sự hiện diện của Chúa Phục sinh.
“Tôi yêu cầu tất cả các tu sĩ hãy biểu lộ bằng đời sống mang tính Thánh Thể của mình ánh huy hoàng và vẻ đẹp được thuộc trọn về Chúa”.

 

Thực hiện lời Đức Thánh Cha kêu gọi, mọi thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ), - toàn thể những người tin, - cùng cất bước trên con đường tu đức mới, mang đậm tính Thánh Thể, thể hiện “linh đạo Thánh Thể sâu sắc” trong cuộc sống mỗi người, mỗi ngày. Nhờ Thánh Thể, với Thánh Thể và trong Thánh Thể, bây giờ và mãi mãi, những người tin, sẽ tiến tới Omega của Vũ trụ, sẽ được trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa Tình Yêu, - Tình Yêu Viên Mãn, Miên Trường, Bất Diệt.

===♣===


Trong phòng thánh nhà nguyện của Dòng tại Calcutta
Trước bàn mặc áo chuẩn bị ra dâng lễ
Có một tấm bảng nhỏ ghi bốn dòng chữ
Của Mẹ Têrêxa nhắn nhủ linh mục:

“Xin Cha dâng thánh lễ này
Như thánh lễ mở tay đầu đời của Cha,
Như thánh lễ cuối đời của Cha,
Như thánh lễ duy nhất trong đời Cha”.


Banmêthuột 04/7/2011.
Tuần Thường Huấn linh mục đoàn gp. Banmêthuột.

 

Lm. Vũ Thanh Lịch
 

Trong thánh lễ đồng tế mở đầu cho ngày thứ ba của khóa Thường Huấn, ĐGM giáo phận chủ tế dựa theo theo bài Tin Mừng (Mt 10, 7 -14), Đức Giêsu sai các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, đồng thời ban cho họ quyền chữa lành các bệnh hoạn, tật nguyền và trừ khử quỉ, đã nhấn mạnh đến lòng tin, đức tin củ các linh mục. Chính đức tin thúc đẩy linh mục ra đi truyền giáo, và can đảm chấp nhận những gian nan, thử thách. Chính long tin kiên cường sẽ giúp các linh mục dễ thực hiện những việc phi thường.
Từ 8giờ đến 10giờ, linh mục Đaminh Hà Duy Khâm, Tổng đại diện, và linh mục FX. Nguyễn Văn Long, Chưởng Ấn Tòa Giám mục, nói về Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.( xin xem bài của cha Nguyễn  Văn Long)


Sau đây là bài thuyết trình của linh mục Tổng đại diện Hà Duy Khâm :


CHIA SẺ TRONG DỊP THƯỜNG HUẤN : 04-08/07/2011
VỀ THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010

Trọng kính Đức Cha,
Kính thưa quý Cha Hạt trưởng và quý Cha,


Trong ba ngày Thường Huấn này, ngày thứ nhất chúng ta được nghe Đức Giám Mục Giáo phận trình bầy về Tông Huấn HẬU Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về “LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI” vào năm 2008.
Ngày thứ hai, chúng ta được nghe Cha Giáo Augustinô Hoàng Đức Toàn trình bầy Tông Huấn HẬU Thượng Hội Đồng Giám Mục mang tên SACRAMENTUM CARITATIS .
Hôm nay, ngày thứ ba, hai anh em chúng con : con và Cha Giáo Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Long xin được trình bầy THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010 do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban hành ngày 28.04.2011. Nhưng chỉ được công bố ngày 01.05.2011, nhằm ngày lễ kính LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, ngày Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô được phong Chân Phước.
Như vậy là trong cả ba ngày đều nghe nói về HẬU SỰ ! Vậy, trước khi nói về Hậu sự của Thư Chung, con xin nói qua về Tiền sự của Thư Chung.


Để lượng giá Bức Thư Chung HẬU ĐẠI HỘI này – một bức thư phải được coi như một biến cố lớn, một Hồng ân lớn do Chúa Thánh Thần tác động trong Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cần tìm những lý do, những bối cảnh đã tạo nên Thư Chung này.
Trước hết, vào cuối tháng 11 năm 2007, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm-Minh-Mẫn cùng nhóm Tư Vấn nhận định rằng : Việc Cộng Đồng Dân Chúa VN cử hành Năm Thánh 2010, trong đó có Đại Hội Dân Chúa VN thì tiện lợi và đem lại nhiều ơn ích hơn là tổ chức Công Đồng như đã dự kiến. Và Đức Hồng Y đã gửi cho HĐGM/VN, quý Đức Tổng Giám Mục và Giám Mục VN, đồng kính gửi quí Linh Mục, tu sĩ, giáo dân thuộc cộng đồng Dân Chúa VN và ở các Châu Lục một ĐỀ ÁN cử hành Năm Thánh 2010.

PHẦN I : QUYẾT ĐỊNH MỞ NĂM THÁNH 2010.
Ý Nghĩa Mở Năm Thánh 2010 là :
1. Để kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận đại diện tông toà đầu tiên Đàng Ngoài và Đàng Trong .
2. Kỷ niệm 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công Giáo tại Việt-Nam với ba Giáo tỉnh Hà-Nội - Huế - Saigon.
Mục đích việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm :
1. Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua ba thời kỳ : 126 năm Bảo Hộ (1533-1659) - 300 năm Tông toà (1659-1960), - đặc biệt là 50 năm Chính toà (1960-2010).
Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt-Nam cùng chung lòng tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bầy tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.


2. Đặc biệt nhìn lại thời kỳ 50 năm Chính Toà và thẩm định đời sống yêu thương và phục vụ của Giáo Hội cho Tin Mừng, phục vụ cho sự sống dồi dào trong chức vụ ngôn sứ, Tư tế, mục tử cho cộng đồng dân tộc cũng như cho cộng đồng thế giới hôm nay.


3. Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh Gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công Đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau :
a. Giáo Hội vì loài người : Quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.
b. Giáo Hội hiệp thông : Hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, Giáo sĩ, Tu sĩ, giáo dân, trong mỗi GH địa phương , hiệp thông giữa các GH địa phương với nhau cũng như với GH toàn cầu.
c. Giáo Hội tham gia : Mọi thành phần Dân Chúa : giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình.

XIN PHÉP VÀ CHUẨN BỊ NĂM THÁNH
Trong Hội Nghị vào tháng 3/2008, HĐGM/VN thống nhất xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010, đồng thời phê chuẩn Ban Tổ chức cử hành Năm Thánh và hình thành các Tiểu Ban chuyên môn. Cũng trong năm 2008, các Tiểu Ban soạn thảo xong các tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương... theo hướng những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trên toàn Đất Nước ý thức tạ ơn Thiên Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.
Ba chủ đề được đề nghị để suy tư và học hỏi :
1. Giáo Hội mầu nhiệm.
2. Giáo Hội hiệp thông.
3. Giáo Hội Sứ vụ.
Năm 2009 : Các Giáo tỉnh, Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, ĐCV, các Đoàn thể... hồ hởi tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo chủ đề do HĐGM ấn định.
KHAI MẠC NĂM THÁNH.
Hội Đồng Giám Mục VN quyết định mở Năm Thánh từ ngày 24.11.2009, nhằm ngày lễ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, BỔN MẠNG HỘI THÁNH VIỆT NAM, và kết thúc vào LỄ HIỂN LINH năm 2011.
Và Năm Thánh đã được khai mạc rất long trọng vào ngày 24.11.2009, tại Sở Kiện (thuộc Tổng Giáo phận Hà-nội) với đông đủ hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Còn tại các Giáo Phận, vì muốn cho có giáo dân các Giáo xứ tham dự, nên Lễ khai mạc Năm Thánh được tổ chức vào ngày 29.11.2009, Chúa Nhật I Mùa Vọng. Năm Thánh kết thúc tại Trung Tâm hành hương Thánh Mẫu La-Vang vào dịp lễ Hiển Linh, 06/01/2011.

NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM THÁNH.
Trong Năm Thánh, mọi nơi cử hành Thánh Lễ tạ ơn và xin ơn Toàn Xá vào dịp một số ngày lễ do HĐGM/VN ấn định.
Tiếp tục tổ chức các lễ hội, học hỏi, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề : Giáo Hội mầu nhiệm – Giáo Hội hiệp thông – Giáo hội sứ vụ.
Trong Năm Thánh có nhiều biến cố lớn liên quan trực tiếp đến hàng Giáo sĩ chúng ta. Khởi đầu là ngày HỘI NGỘ các linh mục thuộc Giáo Tỉnh Huế được tổ chức tại Lavang vào ngày 03-05.03.2010 nhằm Chúa Nhật II Mùa Chay. Sau đó đến ngày Hội ngộ các Linh Mục miền Xuân Lộc, rồi Giáo phận Saigon. Cuối cùng là Giáo tỉnh Hanội.


Tại Giáo Phận nhà, ngày 03.03.2010, cùng với Đức Giám Mục Giáo Phận, 95 linh mục Dòng Triều lên đường đi Lavang tham dự ngày Hội ngộ nâng con số linh mục của cả sáu Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh miền Trung lên 450 người.
Một quang cảnh thật cảm động diễn ra vào tối 03.03 là giờ SÁM HỐI. Nhiều người giáo dân thật chất phác, từ lâu vẫn thắc mắc không biết các cha, các Đức Cha có phạm tội không và nếu có tội thì xưng với ai ? Nhưng tối hôm 03.03, trước Tượng đài Đức Mẹ, bàn dân thiên hạ thấy rõ các Đức Giám Mục, các linh mục vị này xưng tội với vị kia. Chỗ quỳ, chỗ ngồi, chỗ đứng. Phải chăng đây là một tấm gương thật sinh động cho mọi người giáo dân để họ hiểu rằng : Giám Mục, linh mục cũng chỉ là những con người ! Và muốn khỏi tội là phải khiêm tốn đến Toà Hoà Giải !
Rồi một vấn đề lớn và quan trọng trong Năm Thánh là triệu tập Đại Hội Dân Chúa Việt-Nam. Trong Văn Thư công bố mở Năm Thánh đã viết : “Nỗi thao thức canh tân chính là động lực thúc đẩy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triệu tập Đại Hội Dân Chúa toàn quốc như cao điểm của chương trình hoạt động trong Năm thánh 2010”.

ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT-NAM
Mục đích của Đại Hội : “Trợ giúp cho HĐGM, cho các Giám Mục của 26 giáo phận thi hành mục vụ nhằm cổ võ lợi ích lớn hơn cho mọi người anh em đồng bào và đồng loại, nhờ những hình thức và những phương pháp phù hợp với hoàn cảnh văn hoá xã hội đương đại.
Đại Hội Dân Chúa VN cũng là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo Phẩm xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo hội Sứ vụ trên đất nước VN, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng, phục vụ cho sự sống dồi dào của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI
1. Công việc chuẩn bị Đại hội trước hết nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại Hội. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại hội. Đạt được mục tiêu trên, công việc của Đại hội sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống Giáo Hội, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là Mục tử của Dân Chúa.
2. Tham khảo ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa : nhằm giúp mọi tín hữu tham gia cách tích cực vào đời sống Giáo hội. Các cộng đoàn tín hữu, Giáo xứ, Dòng tu, Tu hội, Đại chủng viện, cùng tham gia Đại hội bằng cách học hỏi theo những chủ đề nêu trên, đồng thời bầy tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.
3. Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại hội : Dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra.

THÀNH PHẦN THAM DỰ ĐẠI HỘI
1. Thành phần tham dự Đại hội với quyền biểu quyết : Các Giám Mục Giáo phận – Các Giám Mục phó và phụ tá – Các Giám mục đang nghỉ hưu.
2. Thành phần tham dự với quyền Tư vấn : Các Tổng Đại diện – Các Giám đốc Đại Chủng Viện - Tất cả 90 Dòng tu, Tu hội, Tu hội đời có mặt ở Việt Nam đề cử 15 nam và 15 nữ – Mỗi Giáo phận đề cử một linh mục, hai giáo dân (một nam, một nữ) – Một số đại diện các cộng đoàn công giáo VN ở các Châu lục, mỗi Châu lục từ 5-10 người.
HĐGM mời một số thượng khách như Tổng GM. và GM /VN ở Châu lục khác và một số vị đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam
Tại Giáo Phận Banmêthuột , phái đoàn gồm có : ĐGM, TĐD, Cha Chưởng Ấn và 3 người giáo dân (hai kinh, một Sắc Tộc).
Địa điểm : Đại chủng viện Thánh Yuse và Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Saigon.

DIỄN TIẾN ĐẠI HỘI
Lần đầu tiên trong đời được tham dự Đại Hội Dân Chúa trong một quang cảnh thật long trọng, tôn nghiêm, trầm lặng và được sánh ví như một LỄ HIỆN XUỐNG mới . Khởi đầu là nghi thức Tuyên Tín theo khoản Giáo luật 833, triệt 1 viết : “Tất cả những vị tham dự công Đồng chung hay Công đồng địa phương, Thượng Hội đồng Giám Mục hay công nghị Giáo phận, với quyền biểu quyết hay với quyền tư vấn, phải tuyên xưng đức tin trước mặt vị Chủ tịch , hoặc vị thụ uỷ của Ngài ; Còn vị Chủ tịch thì phải tuyên xưng đức tin trước mặt Công đồng hoặc Thượng Hội Đồng”.
Mỗi bài phát biểu trong Đại hội phải dựa vào nội dung Tư Liệu làm việc và dài tối đa 5 phút. Không kéo dài thêm sau khi nghe chuông. (Nhiều vị phát biểu được vị Chủ toả rung chuông.
Ban thư ký có bổn phận thu nhận các ý kiến, đúc kết, phân chia ra để thảo luận trong các nhóm. Sau các buổi thảo luận, tại Hội trường, các thư ký nhóm trình bầy bản đúc kết các ý kiến của nhóm . Các tham dự viên có thể góp ý bổ sung.
Nhưng tất cả các quyết định của Đại Hội chỉ mang tính Tư Vấn chứ không có tính quyết định. Nhiệm vụ của HĐGM là thẩm định mọi sự trước mặt Chúa trước khi quyết định.

PHẦN II : THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010


Kính thưa quý Cha,
Sau khi đã trình bầy sơ lược về TIỀN SỰ của Thư Chung, con xin trình bầy phần HẬU SỰ của Năm Thánh tức là THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI ĐỒNG DÂN CHÚA 2010.
Con sẽ cùng quý Cha xem Thư chung này muốn chúng ta làm gì ?
Ngay trong phần Dẫn Nhập vắn gọn, ở số 2, Thư Chung đã xác định như sau : “Để phát huy những thành quả của Năm Thánh, HĐGM/ VN gửi đến toàn thể các tín hữu Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010. Thư chung này hình thành từ những suy tư, trao đổi và cầu nguyện của toàn thể Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như Hải ngoại, hợp nhất với các Mục Tử, để định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay” ...


Vì tất cả những điều Đại hội Dân Chúa đã đề ra trong đại hội, đã được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn và công bố trong Thư Chung này là phải được đem ra thi hành, chứ không còn phải suy tư, học hỏi nữa. Có chăng chỉ là bàn bạc xem thực thi thế nào cho hữu hiệu hơn.
Và con nghĩ “Vai chính” trong việc thi hành các quyết định này là các linh mục chúng ta. Vì vậy, phần của con, con sẽ lược qua ba Chương I, II, III để xem linh mục chúng ta nên làm gì, cần làm gì ? Làm thế nào ?
Trước khi đề ra những phương án cụ thể để hành động, thì trong Chương đầu, chúng ta thấy Thư Chung mô tả HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN.
(Quí Cha có thể đọc trong thư chung từ số 4 đến số 9). Ở đây con chỉ lược kê một số điểm quan trọng trong Chương Đầu Thư Chung).

Từ ngày Việt Nam ta hoà nhập vào Tiến trình toàn cầu hoá, gia nhập Kinh tế thị trường, thì hiện trạng xã hội VN có nhiều thay đổi . Mặt tích cực thì VN thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng....Dân chúng được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật...
Nhưng bên cạnh đó thì VN lại gặp rất nhiều thách đố : tình trạng lạm phát, tệ tham nhũng và hối lộ, quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia... Hố phân cách giầu nghèo ngày một gia tăng. Rất nhiều người dân chưa có được mức sống xứng hợp với nhân phẩm. Do đó gây ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức và xã hội : nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực...


Một điều nguy hiểm lớn cho GIỚI TRẺ Việt Nam là Chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bầy chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh... đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không ai thấy.
Một điều cực kỳ nguy hiểm nữa là giới trẻ coi TIÊU CHUẨN TỐT XẤU CHỈ CÓ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI : đó là dấu hiệu của cự phá sản lương tâm. (Đọc bài GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM của Đức Cha Matthêu Nguyễn văn Khôi, Báo Hiệp Thông số 62, trang 105).


Chưa hết, nền Kinh Tế Thị Trường phần nào giúp cho đất nước phát triển thì lại phát sinh chủ trương tập quyền, những chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, qui chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng... tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích...
Những giá trị luân thường đạo lý là truyền thống của Văn hoá Việt Nam hôm nay bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi, thói gian dối và lừa đảo, nạn bạo hành...
Về Giáo dục : phẩm chất giáo dục xuống cấp trầm trọng, một phần vì nhiều giáo viên chưa thể hiện được chức năng nhà giáo đích thực, một phần vì môi trường học đường bị ô nhiễm do bệnh thành tích, thương mại hoá... (Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm. Học đêm không xong, học thêm ngày nghỉ ! Có một số cha mẹ đến xin Cha xứ cho con họ nghỉ học giáo lý để chúng đi học bù, học thêm !).


Về Tôn Giáo : Tâm thức tôn giáo của người Việt Nam thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý, nên cũng dễ đưa đến chủ trương “tương đối hoá tôn giáo” (đạo nào cũng tốt ! Đạo nào cũng dậy ăn ngay ở lành !) Vì tâm tình tôn giáo không được đặt trên lý trí khao khát chân lý, nên dễ bị lay động trước những trào lưu duy vật và hưởng thụ.
Nếu đọc sách báo, xem trên mạng thì thấy còn muôn vàn thứ “tiêu cực”, càng kể ra lắm càng thêm đau đớn lòng ! Nhưng như thế mới hiểu được chút nào “Giáo hội là mầu nhiệm” : Hoa sen vẫn nở hoa giữa bùn lầy !
(Xin đọc thêm Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục VN năm 2007 về GIÁO DỤC KITÔ GIÁO.)
Qua những phân tích về hiện trạng xã hội Việt Nam, Thư Chung nhận định : “Có một sự tương tác mật thiết giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá và đời sống tôn giáo” : Vì vậy, Giáo hội luôn là mầu nhiệm : Hoa Hồng vẫn nở trên gai !
Vậy làm thế nào để có thể thi hành sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Đức Kitô giữa những đổi thay không ngừng của xã hội ? Làm thế nào có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho đại đa số người Việt Nam chưa biết Chúa Yêsu ?
Đại hội Dân Chúa đề ra khá nhiều giải pháp, nhưng tất cả đều dựa trên ba Trục chính :(tiếng dùng trong Bài giảng khai mạc Đại Hội Dân Chúa ngày 21.11.2010 của Đức TGM Chủ Tịch HĐGM/VN) hay ba Chủ Đề : Giáo hội Mầu nhiệm – Giáo Hội Hiệp thông – Giáo Hội Sứ Vụ.
Trong phần này, con chỉ đề cập đến hai Trục : Giáo Hội Mầu nhiệm và Giáo hội Hiệp Thông.

VỀ GIÁO HỘI MẦU NHIỆM
Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm, trong bài Tham Luận về Chiều kích Mầu nhiệm của Giáo Hội, đã viết : Từ ngữ “mầu nhiệm” ở đây muốn nói rằng Giáo hội “là một thực tại phức hợp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành”. Chỉ có một câu vắn gọn mà toàn những từ chống nhau như trắng với đen : phức hợp mà lại duy nhất, nhân loại mà lại thần linh.
Hiến Chế về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II số 6 đã viết : Trong Cựu Ước, việc mạc khải Nước Thiên Chúa thường được trình bầy bằng nhiều hình bóng. Cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều hình ảnh lấy từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc gia đình và hôn lễ. Bởi thế, Giáo hội được gọi bằng nhiều danh hiệu : là Dân Thiên Chúa - là Chuồng Chiên – là Thửa ruộng – là Toà Nhà của TC. – là Đền thánh - Là thành Yêrusalem trên trời .
Tuy nhiên, dù gọi Giáo hội bằng danh hiệu nào, thì bản chất của Giáo hội vẫn diễn tả chân lý này : Thiên Chúa không muốn cứu rỗi con người riêng rẽ, nhưng qui tụ tất cả mọi người, dù khác biệt về thể lý, chủng tộc, văn hoá, thành một dân tộc, một cộng đoàn, một gia đình, để họ nhận biết chính Ngài trong Chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện.
Và Giáo Hội luôn phải trở thành dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng lịch sử nhân loại, một lịch sử vốn xen lẫn bóng tối và ánh sáng, đang rên xiết chờ ngày vinh quang của con cái Thiên Chúa.
Đối với dân tộc Việt Nam, hình ảnh Giáo hội là Gia đình của Thiên Chúa xem ra gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam nói riêng và người dân Việt nói chung. Hình ảnh Giáo Hội là Gia đình trình bầy Giáo Hội như một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc, chứ không nặng cơ cấu và luật lệ, nên dễ được đón nhận hơn đối với tâm thức người Việt.


Do đó, Đại hội Dân Chúa nêu ra nhiều giải pháp :
- Các mục tử hãy xây dựng những kế hoạch mục vụ “Giáo xứ là gia đình của các gia đình” (Gia đình là Giáo hội tại gia : Lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II), canh tân cử hành phụng vụ và cầu nguyện trong bầu khí hiệp thông gia đình, cũng như phát triển những hoạt động mục vụ gia đình. (Coi Thư Chung hậu ĐH. số 10).
Nếu coi giáo xứ và muốn cho giáo xứ là gia đình, được diễn tả như một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc, chứ không nặng cơ cấu và luật lệ, thì - con nghĩ - tiên vàn Linh Mục quản xứ phải là người cha, người gia trưởng với tất cả ý nghĩa của nó. Có gia đình nào lại phải đặt ra cơ cấu luật lệ đâu ? Chỉ có luật Tình Yêu gắn bó, nối kết mọi thành phần trong gia đình nên một. Và chính luật tình yêu thúc đẩy mỗi thành phần trong gia đình phải chu toàn bổn phận của mình.


Nếu LM quản xứ là người cha thì tất nhiên phải gần gũi, thân tình với mọi thành phần trong gia đình. Đặc biệt là những thành phần nghèo khổ, bệnh hoạn, dốt nát, và nếu có, cả đến đôi thành phần chống đối mình.
Nếu linh mục quản xứ là người cha thì chắc chắn phải dễ dàng sẻ chia, thông cảm với mọi ưu tư, lo lắng, mọi nỗi vui buồn sướng khổ của các thành viên trong gia đình, là những người luôn nặng trĩu hai vai vì gánh nặng đối với gia đình, với xã hội, với Thiên Chúa! Không thiếu những người giáo dân, chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải đầu tắt mặt tối suốt năm suốt tháng ! Chẳng phải là duy vật thì thực tế cũng cho thấy rằng : có thực mới vực được đạo !
Nếu linh mục là người Cha gia đình thì tất nhiên phải dễ dàng, sẵn sàng Đối Thoại với mọi người giáo dân trong gia đình Giáo xứ.


Đức Cha Giuse Vũ-Văn-Thiên, GM Giáo phận Hải Phòng, trong một bài chia sẻ dịp tĩnh tâm cho chúng ta vào năm 2008, với Chủ Đề : Linh mục, người của Đối thoại, đã nhắc lại câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Yêsu và ông Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái, được ghi trong TM Gioan đoạn 3 : Chúa Yêsu nói với ông: Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi Ơn trên”. Nicôđêmô thưa lại : “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?”
Trước một câu trả lời - nói theo kiểu bình thường – xem ra ngớ ngẩn của Nicôđêmô, Chúa Giêsu vẫn bình thản giải thích cho ông. Chúa nói những sự trên trời, Nicôđêmô nói chuyện dưới đất : câu chuyện trao đổi tối như đêm không trăng sao, thế mà cuối cùng Chúa Yêsu đưa Nicôđêmô đến Chân lý. Quả thật là một mầu nhiệm.
Từ câu chuyện này, Đức Cha Yuse đưa ra ba kết luận về việc linh mục CẦN ĐỐI THOẠI với giáo dân.
1/ Phải đối thoại trong tình yêu mến và tôn trọng người mình gặp gỡ.
2/ Đối thoại là nghệ thuật để phá bỏ mọi ngăn cách.
3/ Đối thoại là lời động viên, là lời an ủi, khích lệ với lòng bao dung.


Đối với Gia đình giáo xứ : Đa số giáo dân VN với lòng đạo đức bình dân, vẫn coi Cha xứ như “Thánh sống” nên đa số suốt đời giữ thái độ “kính nhi viễn chi” : Cha phán dậy làm sao cũng “xin vâng”. Một số khác sợ, rất sợ đụng tới Cha sở. (Có một chị nọ có vai vế trong xứ, bàn với chồng “em định vào góp ý với Cha xứ mình vài vấn đề chung. Oâng chồng chặn ngay : đừng có đụng tới “ông thánh” đó kẻo sinh rách việc ! Ổng hay thì kệ ổng, Ổng dở cũng kệ ổng, mình lo phận mình cho yên !)


Nhưng cũng có nhiều giáo dân chân thành muốn được gần Cha sở để bàn hỏi (tiếng ngày nay là xin tư vấn) việc riêng mà không dám tới vì không thấy được một thái độ vui vẻ, cởi mở nơi cha sở của mình.
Chẳng ai dám góp ý, chẳng ai dám trình bầy việc gì, chẳng ai dám chia sẻ những nỗi khổ đau của bản thân, của gia đình. Thế là linh mục cứ ung dung làm chúa. Và Đức Cha Yuse kết luận : Một linh mục khép kín, không hoà đồng với anh em, sẽ dẫn tới một đời sống cô đơn... và có nguy cơ tìm niềm an ủi ở nơi khác.
(Có thể đọc thêm Bài “Linh mục, con người của Đối thoại” và bài “Hiện diện như một quà tặng : một Suy nghĩ về Đức Aùi mục tử” của Cha Antôn Nguyễn Đức Khiết, chia sẻ với chúng ta trong tuần Thường huấn năm 2010).


Thưa Quí Cha, Làm một người cha gia đình giáo xứ mà phải đối thoại với giáo dân, phải hỏi ý kiến giáo dân thì khó quá. Vì giáo dân đa số là quê mùa, ít học. Từ cách ăn bận, nói năng, dáng điệu vừa gặp đã thấy dội ! Xua đi cho xong chuyện !
Nếu Chúa Yêsu cũng mau “dội” khi gặp chị phụ nữ ngoại tình thì chắc chắn mãi mãi chị sống trong sình lầy. Nếu Thầy Yêsu mau “dội” khi gặp Nicôđêmô thì chắc chắn chẳng bao giờ có được một Nicôđêmô dám đứng ra xin Tổng Trấn Philatô cho táng xác Chúa !
Người ta vẫn gọi tôi là Cha. Và chắc chắn người giáo dân nào cũng mong được tôi là người Cha, chứ không phải là ông chủ, ông chúa của họ. Nhưng đóng đúng vai trò “LÀM CHA” , lạy Chúa, con thấy khó quá !
Nếu cha quản xứ sống như một ông chúa, như một ông chủ thì Giáo xứ sẽ ra sao ? Dân Chúa muốn nói gì với Linh mục chúng ta khi họ muốn Giáo hội được trình bầy như một Gia đình ? Đây là nỗi thao thức của một tham dự viên Đại hội được phát biểu trong chút ngậm ngùi cay đắng !


Được Đức Cha Giáo Phận khuyên nên nói rõ hơn về BỔN PHẬN của Linh mục trong Gia đình của Thiên Chúa. Con xin thêm ít dòng sau đây.
Giáo hội vẫn dùng những lời trong Thư Do Thái để nói về các linh mục : “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối. Mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt.5,1-3).
Thánh Giám Mục Augustinô dậy các linh mục : “Phải coi việc thi hành quyền bính là để chu toàn sứ mệnh phục vụ, đem ơn cứu rỗi cho mọi người. Tuy ở trong vai trò thủ lãnh, người mục tử vẫn không nhằm phô trương quyền thủ lãnh – dù là để duy trì uy tín hay quyền bính bên ngoài của Giáo hội – cho bằng nhằm lợi ích các linh hồn” ( non tam praeesse quam prodesse ).


Giáo luật, điều 276, tiết 1 viết : “Trong cuộc sống của mình, các giáo sĩ buộc phải theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do đặc biệt , bởi vì do việc lãnh Bí tích truyền chức, họ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa với một tước hiệu mới, họ là những người phân phát các mầu nhiệm của TC. để phục vụ Dân Ngài.
Tiết 2 viết : “Để có thể đạt tới sự trọn lành ấy, trước hết, họ phải chu toàn những nghĩa vụ mục vụ một cách trung thành và không mệt mỏi”. (Đọc bản Latinh, con thấy động từ dùng ở thể “ước muốn” . Còn Đức Cha Phêrô, Giám Mục Qui Nhơn thì dịch tiếng việt là “PHẢI” chu toàn, nghĩa là không có tuỳ ý, tuỳ tiện nữa).
Điều 757 viết : “Việc loan báo Tin mừng của Thiên Chúa thuộc về riêng các linh mục, với tư cách là cộng sự viên của các Giám mục; Chủ yếu là các cha sở và các linh mục khác đã nhận lãnh việc coi sóc các linh hồn đều buộc phải giữ bổn phận này đối với đoàn dân đã được trao phó cho mình.”

Nhưng, để Gia đình của Thiên Chúa hay Dân Thiên Chúa được xây dựng vững vàng, Thư Chung kêu gọi phải đặt Gia đình trên nền tảng Lời Chúa. Làm sao Lời Chúa thấm nhập vào được các gia đình ? Đại hội Dân Chúa đề nghị “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Thánh Kinh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”. Ngày nay có thể nói nếu không hầu hết thì cũng rất nhiều gia đình Công giáo có sách Thánh kinh ở nhà. Nhưng lại để trên Bàn thờ, chẳng mấy khi rờ tới. Có thể nói ít người đọc hằng ngày và càng ít người thuộc Thánh Kinh.


Về Thánh Kinh, người giáo dân chúng ta thua kém các tín hữu Tin Lành. Các Linh mục – như riêng con – thua xa các mục sư tin lành. Vì thế mà Đại hội Dân Chúa kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa : giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử cần tập thói quen và suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Và phải lấy Lời Chúa làm nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên.
Thật là diễm phúc trong khoá Thường Huấn này, chúng ta được nghe VERBUM DOMINI do chính Đức Cha GP trình bầy trong ngày đầu tiên !


Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, Đại hội Dân Chúa đề nghị việc dậy và học giáo lý, vì ngày nay trên sách vở, báo chí, các phương tiện truyền thông hiện đại đầy rẫy những luồng tư tưởng, những hình ảnh nghịch với Tin Mừng.
Con người của thời đại hôm nay lý luận rằng : “Ánh sáng khoa học đi tới đâu thì mây mù tôn giáo tan biến tới đó !” - “Con người tiến bộ ngày nay cần gì tôn giáo nữa !” - “Tôn giáo là lạc hậu !”
Rồi cũng có biết bao xu hướng muốn “cứu” Giáo Hội bằng cách đưa Giáo Hội đi sâu hơn vào lãnh vực trần thế, với chủ trương “Nhập thể, Nhập thế”...(rồi dễ sinh ra nhập nhằng !) Chẳng những muốn Giáo hội đi vào công tác xã hội, cứu đói giảm nghèo, cứu nhân độ thế ... mà còn muốn Giáo hội đi vào cả chính trị nữa ! Bao lập luận trên Internet hiện nay đều muốn mở đường dẫn lối cho Giáo Hội Việt Nam đi theo chiều hướng đó ! Nhưng Giáo Hội của Nước Thiên Chúa luôn là một “Mầu nhiệm!”.
(Trích bài Suy tư về “Hội Thánh là mầu nhiệm” của Cha Antôn Trần Văn Trường, Đànẵng).


Vì thế cần phải dậy và học Giáo lý. Về vấn đề tối quan trọng này, Đại hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin mừng vừa gần gũi với văn hoá Việt Nam. Cho đến nay, con thấy Uỷ Ban Giáo lý Đức tin của Hội Đồng Giám Mục VN đã xuất bản một Bản Toát Yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình. Nhưng có nơi sử dụng sách này, có nơi lại dùng sách khác.
Hiện nay con thấy nhiều Giáo phận có sách giáo lý khác nhau, nhất là sách giáo lý Dự tòng và sách Giáo lý Hôn nhân. Đôi khi gặp chút ngăn trở là một dự tòng đang học giáo lý ở xứ này chuyển đến nơi khác lại phải học sách khác. Kính xin cha Trưởng Ban Giáo Lý Đức Tin quan tâm đến vấn đề này.
Riêng con, tại Giáo Xứ Thánh Tâm, các khoá Giáo lý Hôn nhân, con dùng sách GL/HN và GĐ của HĐGM/VN. Mỗi khoá GL/HN kéo dài một tháng, mỗi tuần học năm buổi tối, mỗi tối hai giờ.
Xin phép mở một dấu ngoặc : Về Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân luôn gặp chuyện liên quan xứ này với xứ khác. Có nên đề ra một giải pháp chung hợp tình hợp lý, hợp giáo luật vừa để phục vụ người giáo dân, nhất là các người Tân Tòng, vừa để tỏ tình Hiệp thông giữa hàng linh mục chăng ?
(Xin Đức Cha cho ý kiến chỉ đạo rõ ràng về những vấn đề này kẻo nhiều lúc các linh mục làm gương mù gương xấu cho Dân Chúa).


(Về Giáo lý Dự tòng i.e. học đạo : Đức Cha Già Giuse đã giải quyết : khi có người ngoại đến với bất cứ cha nào xin học đạo, theo đạo thì cha đó có bổn phận tiếp nhận họ. Còn về hôn nhân thì người giáo dân có thể lo hôn phối ở nơi cư trú, hoặc nơi bán cư trú. Cũng cần rất tế nhị với người dự tòng và cha mẹ, thân nhân của họ. Có khi người dự tòng là con Đảng viên, con công chức. Họ không muốn con họ theo đạo vì có khi họ phải liên luỵ. Nhưng vì vấn đề hôn nhân của con cái mà họ phải chấp nhận thôi. Đã có lần một gia đình ngoại giáo nêu thắc mắc : tại sao chúng tôi không bắt bên công giáo phải bỏ đạo, mà bên công giáo lại đòi con cái chúng tôi phải bỏ đạo của chúng tôi ! )
Xin đưa ra một mô hình dậy giáo lý vẫn áp dụng : Thường xuyên nơi xứ Thánh tâm có 4 lớp Dự tòng cứ cách nhau khoảng hai hoặc ba tháng. Mỗi khoá học kéo dài 6-7 tháng. Mỗi tuần lễ học 4 buổi tối, mỗi tối hai giờ.
Trước khi mở Khoá GL dự tòng hay GL/HN đều được thông báo rộng rãi. Nếu có người đến xin học dự tòng (đa số là thanh niên nam nữ học để kết hôn, thi thoảng có người, hay một gia đình lương dân xin học đạo) thì được yêu cầu về xin Chính quyền một “Giấy chứng nhận chưa kết hôn lần nào” rồi cho học.


Nếu là khoá GL/HN thì bất kỳ ai đến xin học, con nhận hết. Trong số học viên, hầu hết là công giáo thuộc Giáo xứ Thánh Tâm, nhưng cũng có người ở xứ khác, có khi ỡ tận miền Nam hay miền Bắc, cũng có cả người ngoài công giáo đến học. Thật là phi lý nếu linh mục mở lớp giáo lý, có bổn phận mời gọi người ta đến học, mà lại từ chối lời xin của họ. Con không thể làm việc đó. Nếu con cái của quí cha có học giáo lý HN nơi Giáo xứ Thánh Tâm mà về trình “Chứng Chỉ” cho Quí cha, quí cha có công nhận hay không thì tuỳ lương tâm quí Cha !
(Đòi hỏi về Giáo lý trong hôn nhân, xin nhắc lại là Đức Giám Quản Phaolô Nguyễn-Văn-Hoà đã giải quyết chung rồi).

Sau việc học hỏi Giáo lý, Đại Hội Dân Chúa nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội và nhắc các linh mục chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng, nhất là ngày Chúa Nhật và thúc đẩy việc siêng năng tôn thờ Thánh Thể.
Thật khó mà cử hành sốt sắng khi mà một ngày Chúa Nhật, linh mục phải làm tới 5, 6 Thánh lễ : Chạy hết chỗ này chạy qua chỗ khác. Mà nếu chúa nhật nào cũng phải làm như thế thì sức Linh mục trụ được bao lâu !
Đức Cha già Giuse đã có lần nói các cha chỉ nên làm mỗi ngày Chúa nhật bốn thánh lễ thôi. Nếu có nhiều Giáo họ, nhiều nơi, thì chia phiên ra mà dâng lễ.


Tại nhiều Giáo Xứ có tổ chức Chầu Thánh Thể mỗi tuần một lần. Có vài nơi dọn một phòng riêng, để Hào quang Mình Thánh Chúa cho giáo dân đến chầu tự do cả ngày. Thật là một tấm gương xán lạn.
Nếu đến các Nhà thờ lớn bên Aâu Mỹ, chúng ta thấy hầu như thánh đường nào cũng có một phòng riêng đặt Thánh Thể để chầu, mặc dầu những phần khác vẫn tấp nập khách tham quan, du lịch.
Rất tiếc giới trẻ hầu như chẳng bao giờ đến chầu Thánh Thể. May lắm là đi dự giờ chầu trong dịp Chầu Lượt của Giáo xứ ! May lắm là còn đi lễ ngày Chúa nhật, mặc dầu nhiều anh chị vẫn còn giữ kiểu xem lễ ôm, lễ vọng !
(linh mục sống Bí tích Thánh Thể thế nào, Bài Chia sẻ của Cha Giáo Augustinô về Sacramentum Caritatis đã vén màn cho chúng ta).

Nhìn lên Chúa Yêsu Thánh Thể rồi lại nhìn vào cõi thâm u của tâm hồn mình, Dân Chúa ý thức về thân phận tội lỗi của mình, nên tự cảm thấy mình phải được thanh tẩy nhờ Bí tích Giao Hoà. Vì Bí tích Giao hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựng tình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa.
Không có linh mục, người tín hữu vẫn có thể đến tôn thờ Chúa Yêsu Thánh Thể. Nhưng không có linh mục thì không thể có bí tích Giao Hoà. Bởi thế Dân Chúa ước mong các linh mục luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận BT/Giao hoà.
Nói đến Toà Giải tội, quả thật đây là một gánh nặng, nhất là nơi các xứ lớn. Nhưng gánh nặng của linh mục lại đem đến sự nhẹ nhàng cho tâm hồn các hối nhân. Có những tín hữu xa toà Hoà Giải vì sợ Cha : sợ bị rầy la vì đã có tội công khai, có khi sợ cha biết mình...có khi sợ dư luận. Rồi có những hối nhân đến không hợp giờ hợp lúc như cha qui định nên bị từ chối ! Bị một lần rồi biến luôn, có người cả chục năm sau thấy một ông cha khác mới dám trở lại Toà Hoà Giải. (con không dám phịa đâu !)


Dân Chúa mong ước trong Giáo hội có được nhiều linh mục đóng trọn vai ông chủ của đàn chiên sẵn sàng bỏ 99 con lại để đi tìm một con chiên lạc, được ghi lại trong Mt.18,12-14 hay Lc.15,4-7.
Về Toà Hoà Giải, xin được ngưng lại ít phút để nói về một thứ tội rất phổ biến ngày nay : tội phá thai, nạo thai, bằng nhiều cách (không nói đến ngừa thai vì quá thông thường rồi !) Có lần, trời đã gần tối, còn thấy một cặp nam nữ lạ mặt lởn vởn ở trước nhà xứ. Con hỏi : anh chị có chuyện gì đó ? Xin Cha cho chúng con xưng tội. Tôi bảo : sao đến muộn vậy ? Vì sáng mai chúng con làm phép Hôn Phối. Tôi hiểu họ đã có chuyện mà không dám gặp Cha xứ.
Trước đây, vì muốn chặn đứng tội “ăn cơm trước kẻng” nên có cha thì phạt can dầu, can săng (dùng cho máy nổ của xứ : lý do trong sáng như ban ngày !). Có cha chỉ cho làm phép giao thôi ! Không cho Lễ cưới.
Những cách xử lý đó đưa đến hai hậu quả tai hại trước mắt : một là người nữ lỡ lầm phải giấu tội. Hai là phá thai. Có những anh chị biết rõ mình có tội ăn cơm trước kẻng, hoặc đã có thai nhưng vẫn không dám xưng tội, dù trước ngày cử hành Bí tích hôn phối vì sợ. Thế là bí tích hoà giải vô hiệu, bí tích hôn phối validum sed illicitum !


Về Bí tích Hoà giải, con rất tâm đắc với bài chia sẻ “TÔI SẼ CHỖI DẬY TRỞ VỀ CÙNG CHA TÔI” của Cha Giuse Nguyễn-Vinh-Quang và bài “THIÊN CHỨC LINH MỤC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY VÀ THÁNH ALPHONGSÔ” của Cha Phaolô Lê-Văn-Quyền trong hai dịp Tĩnh tâm Giáo hạt Dăklăk 1.
Đặc biệt bài của Cha Phaolô có nêu gương hai vị Thánh nổi danh về việc tiếp đón các hối nhân là Thánh Alphongsô và nhất là Thánh Gioan Maria Vianney. Con người chỉ ăn khoai tây luộc chấm muối mà bình thường vẫn ngồi toà đến mười mấy tiếng đồng hồ một ngày ! Có những tuần Đại phúc, chỉ trong một ngày, Cha Vianney ngồi toà tới hai mươi giờ liền.
(Coi “Sách Cuộc đời Cha Vianney”, trang 103). Con nghĩ đây cũng là một mầu nhiệm ! Ước chi gương của hai vị Thánh luôn ở trước mắt anh em linh mục chúng ta !

Về MỘT VẤN ĐỀ CỦA THỜI ĐẠI : vấn đề ngừa thai, phá thai, cần có thời gian mổ xẻ nhiều hơn, kỹ hơn. Riêng con, con nghĩ không nên quá nghiêm ngặt về vấn đề này vì tâm thức của giới trẻ và phải nói cả đến những người trưởng thành ngày nay vẫn coi việc mất danh dự quan trọng hơn việc phá thai !

VỀ VIỆC RA CÁC VẠ : xin nhường lại cho chuyên viên Giáo Luật, Cha Giuse Bùi Công Chính. Phần con chỉ xác định điều này là “linh mục chúng mình chẳng có quyền ra vạ, hay dứt phép thông công một ai”. Người cuối cùng được ra vạ theo Giáo luật là Đức Giám Mục Giáo Phận mà thôi .
Trong phần Mầu Nhiệm Giáo hội , Đại hội Dân Chúa còn lưu tâm đến việc Thăng tiến nhân bản của các tín hữu, vấn đề Hội Nhập Văn Hoá và tính Bản địa, phải nghiên cứu tường tận Bản sắc Văn hoá Dân tộc, cụ thể như các dịp Lễ Tết và Ma chay, cưới hỏi, để phân định những gì là tốt đẹp, để diễn tả Đức tin bằng những nét văn hoá của các Dân tộc.
Về vấn đề này, xin nhường lại cho quý cha Trưởng ban Loan báo tin Mừng, Ban Phụng Tự và Nghệ thuật thánh và Ban Thánh nhạc nghiên cứu cụ thể hơn.


Riêng vần đề Phụng vụ : làm sao anh em linh mục cử hành các nghi lễ, dùng các sách Phụng vụ như nhau. Các cha đổi nơi, đổi chốn, giáo dân đâu có đổi thay mà cứ phải chứng kiến đời Cha này thì khác, đời cha kia lại khác. Xin đan cử một việc rất nhỏ như việc Xông Hương trước Mình Thánh : có cha hình như xông theo “cảm tính”, giơ bình hương lên trước mặt một hồi rồi bỏ xuống. Một việc quá nhỏ mọn, nhưng nó gây thắc mắc cho các Đại chủng sinh đến giúp các giáo xứ. Các thầy không biết đàng nào mà làm khi phải giúp lễ hoặc tập cho các lễ sinh. (Xin Cha Trưởng ban Phụng Tự nhắc lại việc này).

VỀ GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
Bây giờ con xin gợi lên vài điểm Dân Chúa nêu lên trong Chương III của Thư chung về Giáo Hội Hiệp Thông.
Trước hết cũng nên xem qua những Ý nghĩa khác nhau của từ Hiệp Thông. Trong bài tham luận Về Giáo Hội Hiệp Thông, Đức Cha Phaolô Bùi-Văn-Đọc, GM Giáo phận Mỹ Tho, đã trình bầy : Giáo hội được sinh ra bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, sống trong tình yêu ấy, nhờ Tình yêu ấy và cho Tình yêu ấy. Giáo hội bắt nguồn từ mầu nhiệm “Hiệp thông Ba Ngôi” và hành trình hướng về sự Hiệp thông Ba Ngôi.
Đức Cha Phaolô còn phân tích những ý nghĩa khác nhau của từ Hiệp Thông:
1. Hiệp thông là “thông phần” (participatio). Chữ thông phần nhấn mạnh đến quyền lợi và trách nhiệm của chúng ta.
2. Hiệp thông là “Chia sẻ” (partage) : chia sẻ cùng một tình yêu và Sự sống của Chúa.
3. Hiệp thông là “kết hợp với” (communio : cum-unio) : Ý nghĩa cơ bản nhất và sâu thẳm nhất của từ Hiệp thông là “yêu mến”, là “gắn bó với nhau” là “kết hợp” là “nên một với nhau”. Và Ngài kết luận : mục vụ hiệp thông là mục vụ nối kết, là “cùng nhau suy nghĩ và hành động”, là “đối thoại và cộng tác với nhau”.
Đức Cha Phaolô viết tiếp : “Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa ở trần gian, làm sao cho mọi người sinh hoạt trong Giáo hội, đều cảm thấy như ở nhà mình” .
(Coi Báo Hiệp Thông, số 62, từ trang 54 đến trang 69).
Đại hội Dân Chúa quan tâm đến vấn đề Giáo hội Việt Nam luôn phải hiệp thông với Giáo hội phổ quát, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và phải phát huy sự hiệp thông với các Giáo hội chị em, cách riêng tại Châu Á.
Dân Chúa mong ước sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các Giáo phận.


Riêng các linh mục, chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì trong tinh thần Hiệp thông của Giáo hội ? Dân Chúa nhắc nhủ hàng giáo sĩ phải chia sẻ trách nhiệm với Giám mục của mình, bằng việc chu toàn các phận vụ được trao phó, hoà nhập vào đường hướng mục vụ chung của Giáo phận và Giáo hội.
Giáo phận chúng ta có hơn bẩy chục ngàn tín hữu sắc tộc rải rắc trên cả ba tỉnh Đăklăk, Dăk Nông và Bình Phước, làm sao gây dựng được tinh thần hiệp thông giữa người Kinh và người sắc tộc để việc loan báo Tin Mừng được kết quả nhiều hơn.


ĐỐI VỚI CÁC TU SĨ, Dân Chúa đề cao sự đóng góp tích cực của họ vào việc phụng sự Thiên chúa và phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, nên khi họ được sai đến phục vụ tại các giáo xứ hay ở nơi gần các giáo xứ, linh mục nên phát huy tình hiệp thông với họ, nâng đỡ họ nhất là mặt tinh thần.


ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÁO DÂN, Công đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của họ. Dân Chúa đề cao sự đóng góp thật phong phú và quảng đại của người giáo dân vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Vì thế Dân Chúa đề nghị Giáo hội quan tâm nhiều hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khoá huấn luyện về Thần học, giáo lý, Kinh thánh, mục vụ cho người giáo dân.
Đặc biệt Giáo hội phải QUAN TÂM ĐẾN GIỚI TRẺ. Đại hội Dân Chúa khẳng định rằng : Người trẻ không chỉ là tương lai, nhưng còn là chính hiện tại của Giáo hội. Vì thế linh mục chúng ta phải tìm mọi cách để lôi cuốn, thu hút người trẻ tham gia các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng.
Đây thật là vấn đề nan giải. Mời gọi họ đi tham dự Thánh lễ Chúa nhật đều đặn đã khó, nói chi đến việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể. Mời đi dự Đại hội thì ồ ạt kéo đi. Nhưng mời đi tham dự buổi học hỏi giáo lý thì chỉ lưa thưa.


Ở đây, xin được gợi ý : Có nên hằng năm tổ chức ĐẠI HỘI cho từng giới : Giới trẻ - Giới Gia Trưởng – Giới Hiền mẫu – hay cứ hai, ba năm tổ chức ĐẠI HỘI, còn hằng năm tổ chức các khoá huấn luyện, đào tạo với nội dung sâu sắc hơn ?
Vẫn còn cần suy tư, bàn bạc để tìm giải pháp và mau mắn thực thi.

 

Thưa Quí Cha, Để thay lời kết phần của con, con xin trích lời trong Thư Chung năm 2004, số 7, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam :
“Giáo hội là gia đình Thiên Chúa tại trần gian. Gia đình ấy không những nề nếp, mà còn phải là mái nhà hiệp thông ấm cúng, giầu tình yêu thương, nơi đó mọi người đều được thăng tiến, vì được nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc. Những người con kém may mắn, vì bệnh tật, vì những giới hạn tinh thần và vật chất được quan tâm chăm sóc cách đặc biệt hơn”.


Xin cám ơn quí Cha đã đón nghe .

 

 

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây