TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giục lòng sám hối

Thứ tư - 12/05/2021 04:55 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   500
Giục lòng sám hối

Chúa Nhật II Mùa Vọng – A

Tôi đã giục lòng sám hối!

Ca dao Việt Nam có câu: “Thời giờ ngựa chạy, tên bay”. Đúng vậy, thời gian quả là trôi qua quá nhanh, lịch Phụng vụ hôm nay (08/12/2013) bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng. Không còn bao lâu nữa, chúng ta, một lần nữa, long trọng đón mừng lễ kỷ niệm Chúa Giêsu Giáng Sinh. Nhìn quanh ta, bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng, nhộn nhịp.

Sự nhộn nhịp, rộn ràng được biểu lộ qua việc mua sắm, chuẩn bị quà tặng, điện thư cho gia đình, bạn bè, thân hữu. Sự nhộn nhịp còn được biểu lộ qua việc một số nhà thờ, cũng như một vài nơi trong xóm đạo, người ta bắt đầu tất bật giăng hoa kết đèn, làm hang đá, dựng cây thông.

Về mặt tâm linh, một số nhà thờ đã thông báo chương trình tĩnh tâm, giảng phòng. Vào website sinhvienconggiao.com, một chương trình tĩnh tâm và công tác chuẩn bị đã được công bố chi tiết. “Cầu nguyện, xét mình, xưng tội và phút hồi tâm” là đề tài được ban tổ chức đưa ra như là trung tâm điểm của buổi tĩnh tâm giảng phòng cho anh chị em sinh viên Công Giáo.

“Xét mình, Xưng tội và Phút hồi tâm” chính là trọng tâm của “Sự Sám Hối” và luôn được coi là thông điệp quan trọng trong Mùa Vọng. Thật vậy, ngay từ Mùa Vọng thứ nhất, nếu được phép gọi như thế, của hơn hai ngàn năm xa trước đó, “Sự Sám Hối” cũng đã được ông Gioan xếp vào thông điệp “tối khẩn” để đón nhận ờ cứu độ.

Ông Gioan là ai? Thưa, theo lời Kinh Thánh chép lại, ông là người sứ giả được Thiên Chúa sai đến, và đã được ngôn sứ Isaia mô tả rất sát với thực tế sứ vụ của ông ta, rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3, 3).
**
Lược qua đôi nét về tiểu sử của ông Gioan chúng ta thấy, ông là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông là Dacaria, đã cho ông ra đời một cách đặc biệt.

Đặc biệt hơn, sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gioan chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Và quả thật, sau những ngày sống ẩn dật, với trang phục “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da”, ăn uống bằng “châu chấu và mật ong rừng” không khác gì các ngôn sứ xưa kia, “ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê…” với lời rao giảng rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 1-2)

Không kêu gọi “Sám Hối” xuông, ông Gioan khuyến cáo người sám hối phải cụ thể hóa bằng hành động, như cây phải “sinh hoa quả”. Vâng, ông Gioan coi đó như là dấu hiệu “để chứng tỏ lòng sám hối”. Nếu không sám hối, ông đưa ra lời tuyên bố quyết liệt rằng, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (x.Mt 3, 8-10)

Sự xuất hiện của ông, với những lời rao giảng như thế, tưởng chừng làm chói tai gai mắt cử tọa, nhưng không, nó lại thu hút được nhiều đám đông dân chúng. Sử liệu đã ghi chép lại rằng: “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan”.

Là thế, nhưng ông Gioan không vì thế mà lợi dụng lòng ngưỡng mộ của dân chúng, ông cũng không để bất cứ ai hiểu lầm về vai trò của ông, vai trò “ngôn sứ của Đấng Tối Cao”.

Hôm đó, sau những lời cáo trách đối với những người thuộc phái Pharisêu và phái Sađốc, là những kẻ giả hình, ông Gioan tuyên bố: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối”. (x.Mt 3, 11)

Có thể kết luận rằng, nhắc tới Gioan Tẩy Giả, chính là để giới thiệu với mỗi người Kitô hữu chúng ta một tấm gương mẫu mực về một con người, không phải là qua cách ăn mặc của ông, mà là để học theo cách sống của ông, để sao cho bản-thân-mình cũng chính là tiếng-nói-nối-tiếp-của-Gioan, nói với mọi người rằng “Anh em hãy tỏ lòng sám hối, vì Nước Chúa đã đến gần”.

***
Mỗi khi nhắc lại ông Gioan Tiền Hô, cách sống của ông và những gì ông đã “hô” trong hoang địa năm xưa, đừng bao giờ xem, đây là “chuyện xưa tích cũ” mà hãy nghĩ rằng, câu chuyện này rất mới, luôn mới và rất cần thiết, không chỉ cho đời sống của chúng ta hôm nay, mà còn rất hữu ích trong suốt cuộc đời Kitô hữu của chúng ta.

Thật vậy, đến với Mùa Vọng, nói cách khác, nếu chúng ta nhìn Mùa Vọng không theo nhãn giới là mùa “mua sắm, ăn uống, tiệc tùng, chưng diện, khoe khoang, chơi nổi v.v…” như thói đời… mà là mùa để trông mong và hy vọng về ngày Đức Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai, thì, cách sống giản dị của ông cũng như những lời mà ông đã khuyến cáo, đúng là “một trường học sống động, nơi mà chúng ta có thể học bí quyết của niềm vui đích thực”.

Câu nói trên chính là sứ điệp của nhà thần học Joseph Ratzinger được gửi đến hàng ngàn người hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô nhân buổi đọc Kinh Truyền Tin trong một Mùa Vọng vào những năm ngài đang thực thi chức vụ nối tiếp thánh Phêrô cai quản Hội Thánh.

Chính vì thế, đến với Mùa Vọng, không gì tốt hơn là hãy ghi khắc những lời khuyến cáo của ông Gioan Tiền Hô, và coi đó như kim chỉ nam cho cuộc đời của mình, cuộc đời của một Kitô hữu. Bởi, những lời khuyến cáo đó như một tiếng chuông cảnh báo để chúng ta “xem lại” cuộc đời mình, xem lại đâu là “niềm vui đích thực” của chúng ta hôm nay.

Tại sao phải xem lại cuộc đời của chúng ta? Tại sao phải xem lại đâu là niềm-vui-đích-thực của chúng ta? Thưa, là bởi, chính nhờ đó mà chúng ta có thể thẩm định được “cây đức tin” của chúng ta có khả năng nảy sinh “quả tốt” hay “trái đắng”!.

Thật vậy, nếu “niềm vui đích thực” của chúng ta chỉ là những ham muốn về tiền bạc, về danh vọng, về quyền lực, về nhục dục v.v… có phần chắc, cây-đức-tin của chúng ta sẽ chỉ nảy sinh những trái đắng, như “trái dâm bôn, trái phóng đãng, trái tranh chấp, trái hận thù, trái chia rẽ, trái bè phái, trái ganh tị, trái say sưa chè chén”.

Hãy nghe Cohelet nói: “Tôi có cả một đàn súc vật… nhiều hơn hết mọi người. Tôi cũng đã tích trữ bạc, vàng và vật quý… Tôi đem đào kép về ca hát, mời mỹ nữ cung phi đến, hưởng mọi thú vui của con cái loài người. Tôi đã trội vượt và giàu có hơn hết mọi người đã sống trước tôi ở Giêrusalem… Bấy giờ nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (x.Gv 2, 6-11)

Hãy nhớ, tất cả chỉ là phù vân, trừ “Nước Trời”.
****
Có một điều chúng ta hay lầm lẫn, đó là, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không trộm cắp, không bất công với ai, thì có gì phải “sám hối”.

Vâng, theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).
Vua David đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Vì thế, hãy để một vài giây phút hồi tâm và hãy tự hỏi lòng mình rằng: “Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta!? Đã bao nhiêu lần chúng ta thực thi lời kêu gọi của ông Gioan tiền hô “Anh em hãy sám hối”? Đã có bao nhiêu lần Mùa Vọng đi qua đời ta? Đã bao nhiêu lần chúng ta “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em” rằng “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói và việc làm và những điều thiếu sót”?

Chúng ta cùng trở lại sông Giodan và cùng nghe lại lời ông Gioan Tiền Hô nói: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. (x.Mt 3, 11-12)

Nhắc lại lời tuyên bố này để làm gì? Thưa, trước là để chúng ta đừng bị ru ngủ, đừng bị lừa bịp bởi những chủ thuyết vô thần duy vật, rêu rao lếu láo, rằng thì-là-mà “Thiên Chúa đã chết” còn đâu “Đấng đến sau tôi…” có đâu “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”… và sau là để đặt một câu hỏi cho mỗi chúng ta.

Câu hỏi rằng: khi Đức Giêsu trở lại lần thứ hai làm công việc “rê sạch lúa”, bao nhiêu phần trăm tôi là “thóc mẩy”, bao nhiêu phần trăm tôi là “thóc lép”?!

Vâng, một câu hỏi không quá khó để có câu trả lời. 100% tôi sẽ là “thóc mẩy” nếu tôi luôn sống trong tình trạng “tỉnh thức sẵn sàng” với một tâm hồn biết hồi tâm, “giục lòng sám hối” mỗi khi lỡ lầm.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây