Lòng kiêu ngạo của con người vẫn cứ mãi tồn tại, tại sao?
Sức mạnh của con người được Thiên Chúa trao ban là để quản trị muôn loài, nhưng luôn muốn tước quyền Thiên Chúa. Giống như dụ ngôn thợ làm vườn nho, được trao cho chăm sóc vườn nho, đến mùa chủ sai người đến để thu lợi, đều bị thợ làm vườn nho giết đi, và ngay cả con ông chủ đến cũng bị giết như vậy. (Xem Mt 21, 33 – 42). Gạt Thiên Chúa ra ngoài lịch sử, con người có một nghịch lý, hòa bình chỉ bắt đầu bằng chiến tranh.
Trong thường ngày, kiêu ngạo thường dẫn đến chia rẽ. Ai cũng cho mình đúng, chẳng ai cộng tác với ai được để làm chung một việc. Kết quả của sự phân tán khi xây tháp Babel.
Người kiêu ngạo thường tự tin thái qua, không nhận họ sai. Không chấp nhận ý kiến người khác, thường hay bảo vệ họ bằng nhiều lý lẽ...Những người kiêu ngạo thường chẳng làm gì hơn được cái tôi của họ.
Những công trình tháp cao, tòa nhà chọc trời, biểu thị sức mạnh nền kinh tế, thường ở vị trí trung tâm thành phố lớn. Trong đó là các văn phòng, trung tâm thương mại, giao dịch... Thường cũng là nơi kẻ thù nhắm vào tấn công, như sự kiện ngày 11 tháng 09 năm 2001 với tòa nhà tháp đôi tại Hoa Kỳ. Càng cao, càng có nhiều người ghen ghét, thù hận, muốn đánh đổ.
Tháp cao mang ý nghĩa trái ngược với Babel. Tháp cao đền thờ, nhà thờ ở nhiều nền văn hóa khác nhau mang một ý nghĩa đặc biệt. Con người nhận ra chỗ đứng của khiêm hạ. Trên cao chóp đỉnh là nơi ngự trị của thần linh; tháp cao nhà thờ tượng trưng núi đền thờ Chúa, nơi Chúa ngự trị. Chúa hay thần linh ở trên cao, bảo trợ giữ gìn cho con cái của Người dưới thế.
Những tháp cao đền thờ không chỉ ở nơi thành thị, hiện diện khắp nơi. Trên núi, giữa đồng bằng. Tháp cao đền thờ biểu trưng nơi quy tụ các tín hữu cận kề chung quanh. Đi tìm kiếm một nơi xa chưa từng đến, người ta cùng hay tìm hướng tháp cao đền thờ, biết rằng đó là nơi đang tìm kiếm. Như vậy tháp cao có thêm một chức năng định hướng cho cuộc sống mỗi người, dù ở tôn giáo nào. Hướng tâm hồn lên trời cao để “dù sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” (xem Ga 17, 14 – 15)
Những bậc thang đi lên tháp đền thờ. Không chỉ là chiếc thang bộ dẫn lên. Những bậc thang còn chỉ về những nhân đức cần tập luyện, tu dưỡng tâm linh. Ví như những bậc thang lên chùa Angkor Vat, bậc thang dốc 70 độ, muốn bước lên cần khom mình xuống với hai bàn tay, đầu gối gần như quỳ xuống. Muốn lên tượng đài Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu, người đi lên gần như đứt hơi với 800 bậc. Những bậc thang đòi hỏi con người muốn lên cao cần nỗ lực hết sức mình. Chúa Giêsu cũng dạy: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12).
Muốn xây những tháp cao bền vững, con người cần làm việc chung với nhau. Mỗi người cần hạn chế cái tôi nơi mình, quan tâm đến quyền lợi người khác, tôn trọng phẩm giá con người.
Là người Công Giáo, chúng ta cừng cầu xin với Chúa Thánh Thần với lời kinh ca tiếp liên, xin Người sửa sai những lỗi lầm:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh. Lạy Cha kẻ cơ bần xin Ngài ngự đến, Đấng ban ân huệ chiếu soi tâm hồn. Lạy Đấng an ủi tuyệt vời là khách trọ hiền lương của tâm hồn. Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm bình an trong lúc lệ rơi. Ôi sự sống chứa chan hồng ân xin chiếu soi ngập tràn tâm hồn tín hữu. Nếu không có Chúa trợ phù thì còn chi thanh khiết, thì còn chi vô tội ? Xin Chúa rửa sạch bợn nhơ, tưới giội chỗ khô khan, chữa cho lành thương tích. Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm lạnh lùng, chỉnh đốn sai lầm. Xin Chúa ban cho mọi tín hữu là những người tin cậy nơi Chúa, Chúa ơi! Cho họ được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ muôn đời.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn