TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa Thường Huấn Linh Mục -2012

Thứ ba - 04/05/2021 22:47 |   789
Khóa Thường Huấn Linh Mục -2012

Khóa Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Banmêthuột (1)

Từ 16g00 ngày 09. 07. 2012, hơn 100 Linh mục trong Giáo phận Banmêthuột đã qui tụ về Tòa Giám mục, để tham dự khóa Thường huấn định kỳ, với chủ đề  Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo.
Lúc 8g00 ngày 10. 07. 2012, linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Chánh xứ Giáo xứ Chợ Đũi, nguyên Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài gòn, trình bày  :

Đề tài 1: Để tiếp cận Học Thuyết Xã Hội Công giáo. Theo ngài Để tiếp cận Học Thuyết Xã Hội Công giáo, cần lưu ý những điểm sau :

1. Bận tâm loan báo tin mừng của Giáo Hội: Vào lúc khai nguyên Thiên niên kỷ thứ Ba, giáo hội không mệt mỏi để công công bố Tin Mừng mang ơn cứu độ và sự tự do đích thực cho các thực tại trần thế.  “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội”, vì khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và ơn gọi của con người là hiệp thông với những người khác”.

2. Học Thuyết Xã Hội Thuộc về Thần học luân lý:
Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis cho thấy: học thuyết xã hội của Giáo Hội “không thuộc về lĩnh vực ý thức hệ, mà thuộc về lĩnh vực thần học, hay nói rõ hơn là thần học luân lý”... Bởi đó, học thuyết xã hội của Giáo hội mang bản chất thần học, chính xác là thần học luân lý. Vì đó là “ học thuyết nhằm hướng dẫn cách cư xử của con người”


Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng


3. Học Thuyết Xã Hội dựa trên Luật tự nhiên:
“Luật tự nhiên không gì khác hơn là chính ánh sáng của trí khôn, được Thiên Chúa phú bẩm trong chúng ta. Nhờ đó chúng ta biết phải làm gì và phải tránh gì. Thiên Chúa đã ban ánh sáng hay luật này cho thụ tạo. Luật tự nhiên là nền tảng luân lý thiết yếu để con người xây dựng cộng đồng nhân loại và thiết lập dân luật, tức là những kết luận có tính cụ thể và phụ thuộc rút ra từ những nguyên tắc của luật tự nhiên. Luật tự nhiên cũng là luật của Chúa, không thể bị hủy bỏ bởi tội của con người. Luật tự nhiên là nền tảng mà Chúa dọn sẵn để chúng ta tiếp nhận luật mạc khải và ân sủng, trong việc phối hợp hài hòa với hoạt động của Thánh Thần".

4. Học Thuyết Xã Hội Công Bố Hay Tố Giác?
Giáo Hội dấn thân trong công tác mục vụ này theo hai hướng: bằng cách công bố những nền tảng Kitô giáo của nhân quyền và bằng cách tố giác những sự vi phạm các quyền này. Gi áo hội đánh giá cao phong trào rất mạnh hiện nay là đâu đâu cũng cổ vũ các quyền con người. Dù sao, “công bố bao giờ cũng quan trọng hơn là tố giác, và không thể tố giác mà quên công bố, vì có như thế việc tố giác mới chắc chắn và có động cơ cao cả”. Nhưng trên hết, Giáo hội luôn cậy dựa vào sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

 

 

 

Đề tài 2 : Nguyên Tắc thứ Nhất của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo : NHÂN VỊ và NHÂN QUYỀN

1. Nhân vị và nhân phẩm theo cái nhìn chung của nhân loại
Người ta thường hiểu con người là con vật có lý trí, nên phải có nhân vị, nhân phẩm. Khi nói tới nhân vị chúng ta thường hiểu mỗi cá nhân của xã hội loài người là một nhân vị, là chủ thể của quyền lợi và nghĩa vụ.
Nhân vị không biệt lập nhưng hướng về nhân vị khác, thông hiệp với nhân vị khác. Nhân phẩm là phẩm giá con người, là giá trị tinh thần của một cá nhân với tính cách là một con người. Nhân phẩm chính là những giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân.

2. Con người theo cuốn Tóm lược HTXH
"Con người vượt trên mọi vật, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, được ơn Cứu độ. Con người có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa".

3. Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền với Học Thuyết Xã Hội Công giáo.
Giáo hội đánh giá cao bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Giáo hội ghi nhận “giá trị tích cực của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10-12-1948, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại”. Xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người có đặc tính phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.

4. Học Thuyết Xã hội về quyền con người
"Nguồn gốc các quyền con người nằm ngay trong chính phẩm giá của mỗi con người. Phẩm giá này đã được nhận thức và lãnh hội trước tiên nhờ lý trí, được Đức Giêsu Kitô đón nhận và cứu chuộc. Giáo hội cũng cảm thấy nhu cầu phải tôn trọng công lý và các quyền con người ngay trong hàng ngũ Giáo hội. Nên Gi áo hội đẩy mạnh công lý vàhòa bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người".

 

 

Ban VHTT - GP. BMT

Ngày 10. 7. 2012, khóa Thường huấn các linh mục GP. Banmêthuột được cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng tiếp tục trình bày đề tài 3 và 4.

Đề tài 3 : Nguyên tắc thứ hai
NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH (LE PRINCIPE DU BIEN COMMUN)

1. Công ích và thăng tiến con người 
Nguyên tắc công ích : mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích nếu muốn đạt tới ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân mà còn là trách nhiệm của Nhà Nước. Công ích chỉ có giá trị khi liên quan với việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và lợi ích chung của toàn thể thụ tạo.


2. Hệ lụy từ công ích
Hệ lụy rút ra từ công ích quan trọng nhất là nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát. Quyền sử dụng của cải dựa trên nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là quyền tự nhiên được ghi trong bản tính. Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát mời gọi triển khai một tầm nhìn kinh tế được gợi hứng từ các giá trị luân lý, từ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới. Cần nỗ lực chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện làm cho thế giới nhân bản hơn.

3. Mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu
HTXH kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào, mối quan hệ tất yếu giữa tư hữu với công ích, bổn phận sử dụng của cải thế nào. Của cải có thể mang lại nhiều hứa hẹn hảo huyền, là nguồn cám dỗ nhiều người, thành ngẫu tượng biến chủ nhân thành nô lệ.


4.Lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo
Sự khốn khổ là dấu chỉ thân phận tự nhiên con người thật yếu đuối và cần được ơn cứu độ. Lòng yêu thương người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng, từ Chúa Giêsu (nghèo vật chất, văn hóa, tôn giáo)

Nguyên tắc thứ ba

1. NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ
Là nguyên tắc quan trọng nhất của triết học xã hội: mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực. Nhờ bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những lạm quyền của chính quyền.


2. SỰ THAM GIA
Tham gia của đời sống cộng đồng là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn bền vững. Chính thể dân chủ do dân ủy thác quyền hành và nhiệm vụ, thi hành các điều ấy nhân danh nhân dân, quan tâm đến nhân dân và thay mặt nhân dân.

Nguyên tắc thứ tư


NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI
Liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý. Liên đới là một quyết tâm chắc chắn và kiên định muốn dấn thân cho công ích: đức tính xã hội căn bản nằm trong phạm vi công bằng, sẳn sàng liều mất bản thân mình vì người khác. Chúa Giêsu làm mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người : trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hòa giải.

 

Đề tài 4 : CÁC GIÁ TRỊ CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


1. Sự thật
Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sư thật, tìm kiếm sự thật.


2. Tự do
Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. Quyền thể hiện tự do là một đòi hỏi không thể bỏ được trong phẩm giá con người (≠ tự do theo viễn ảnh hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa)
Giá trị của tự do sẽ được tôn trọng khi mọi thành phần trong xã hội có điều kiện hoàn thành ơn gọi riêng của mình (trong khung cảnh pháp lý vững chắc). Bày tỏ sự tự do như một khả năng biết khước từ điều tiêu cực về mặt luân lý.


3. Công lý
Công lý là ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân. Chủ thể : thái độ muốn nhìn nhận người khác như một ngôi vị ; khách thể tạo nên những tiêu chuẩn mang tính quyết định cho biết giá trị luân lý của một hành vi trong quan hệ liên chủ thể và xã hội. Hình thức cổ điển : công lý giao hoán, phân phối, pháp lý. Công lý xã hội nhằm điều hòa các quan hệ xã hội theo tiêu chuẩn tuân thủ luật pháp.
Công lý hướng về liên đới và yêu thương.

A. CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU

Tình yêu là tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển.


  B. CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
1. Sự cai trị của Thiên Chúa
Đức Giêsu gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối : Đức Giê su đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình.


2. Các cộng đồng Kitô hữu sơ khai
Khi quyền hành nhân loại vượt quá giới hạn Chúa muốn, quyền hành ấy tự biến mình thành một loại thần thánh và đòi con người phải tùng phục tuyệt đối; nó trở nên giống như Con Thú trong sách Khải Huyền, một hình ảnh biểu thị quyền lực của nhà vua bách hại, khát máu các thánh và các vị tử đạo của Đức Giêsu.


3. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc
Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân. . Các dân tộc thiểu số cũng là những tập thể có quyền lợi và nghĩa vụ chính xác: quyền tồn tại, quyền duy trì nền văn hoá của mình, kể cả ngôn ngữ, và những niềm tin tôn giáo, bao gồm cả hình thức thờ phượng.


4. Bênh vực và phát huy các quyền con người
Phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người. Không nên để xảy ra tình trạng một vài cá nhân hay một vài tập thể xã hội được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên.

5. Tình hữu nghị giữa các công dân
Điều răn bác ái của Tin Mừng soi sáng cho các Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. “Không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền”.


C. QUYỀN HÀNH CHÍNH TRỊ
1. Nền tảng của quyền hành chính trị
. Quyền hành chính trị phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành. Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Dưới hình thức này hay hình thức khác, nhân dân này chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do lựa chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị.


2. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý
Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. Khi luật đi ngược lại lý trí, nó được xem là luật bất công; trong trường hợp ấy, nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực.


3. Quyền phản kháng
Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: "Những nguy hiểm trầm trọng mà việc sử dụng bạo lực có thể đưa tới đã khiến ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự thụ động hơn, vì đây là "một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng không phải là không có nhiều cơ may thành công".


4. Chế tài
Chế tài mang hai mục đích. Một đàng, khuyến khích việc đưa người bị kết án tái hội nhập vào xã hội. Đàng khác, cổ vũ cho một nền công lý mang tính hoà giải, một nền công lý có khả năng khôi phục lại sự hoà hợp trong các quan hệ xã hội đã bị hành vi tội ác phá vỡ.
Phải luôn nhớ nguyên tắc pháp lý: không được bắt chịu hình phạt khi tội ác chưa được chứng minh. Nguyên tắc phải luôn luôn giả định là vô tội cho đến khi bị kết án.


5. Dân chủ
Một nền dân chủ đích thực: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Tự căn bản, dân chủ là một "hệ thống”, và trong tư cách ấy, dân chủ chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Giá trị "luân lý" của dân chủ không phải tự nhiên mà có, nhưng tuỳ thuộc ở chỗ nó có phù hợp với luật luân lý mà nó phải tuân theo hay không, như bất cứ hình thức ứng xử nào khác của con người.
Trong hệ thống dân chủ, mọi cơ quan nắm giữ quyền hành chính trị đều phải trả lời trước nhân dân.


6. Các công cụ để tham gia chính trị
Các đảng phái chính trị có nhiệm vụ tạo điều kiện cho có sự tham gia chính trị cách rộng rãi và cho mọi người có thể tiếp cận với các trách nhiệm chung. Một công cụ khác để mọi người tham gia chính trị là trưng cầu dân ý, qua đó coi như đây là một hình thức để các công dân có thể trực tiếp đưa ra những quyết định chính trị.


7. Thông tin và dân chủ
Thông tin là một trong những công cụ chính yếu để tham gia dân chủ. Cần phải bảo đảm cho có một sự đa nguyên thật sự.
Một khía cạnh khác rất quan trọng là đòi hỏi các nền công nghệ mới phải tôn trọng những khác biệt chính đáng về văn hoá.

XÃ HỘI DÂN SỰ
Cộng đồng chính trị chủ yếu là để phục vụ xã hội dân sự và nếu phân tích tới cùng, là phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự. Nhà Nước phải cung cấp một khung pháp lý thích đáng để các chủ thể xã hội được tự do tham gia vào các hoạt động khác nhau của họ, cũng như Nhà Nước phải sẵn sàng can thiệp khi thấy cần, mà vẫn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, để sự tương tác giữa các hiệp hội tự do và đời sống dân chủ luôn nhắm tới công ích.


CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO
Công đồng Vatican II đã trao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo. Chính phẩm giá của con người và chính bản chất của công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đòi phải để cho mọi người được tự do không bị một áp lực nào trong lĩnh vực tôn giáo.


GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng "cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình. Giáo Hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cấu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng cả hai bên đều phục vụ thiên chức vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội của cùng một con người.
Giáo Hội và Nhà Nước phải xác định những hình thức bền vững để hai bên tiếp xúc với nhau và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà.

Ban VHTT - GP BMT

Trong hai ngày 11 và 12. 07.  2012, sau khi nghe thuyết trình, Linh mục đoàn thảo luận theo Hạt những câu hỏi sau đây:


1. Trong bối cảnh hiện nay, công bố và tố giác hành động nào chú ý hơn ?
2. Nếu giảng dạy Học Thuyết Xã Hội là một phần trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng trong bối cảnh VN hiện nay, việc này có nên và có thể làm được không ? Làm cách nào ?

3.Tại sao Giáo Hội Công Giáo nói về vấn đề nhân quyền ở trong Giáo Hội ? Giáo Hội cũng nhận thấy nhu cầu phải tôn trọng công lý và các quyền con người ngay trong hàng ngũ Giáo Hội.

4. Nguyên tắc bổ trợ áp dụng vào mục vụ giáo xứ như thế nào ?

Hạt Daklak I

Hạt Daklak II

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng đã đúc kết thảo luận và mời gọi các linh mục vận dụng học thuyết xã hội Công Giáo vào chương trình mục vụ giáo xứ. Học thuyết Xã hội Công Giáo là phương tiện để loan báo Tin mừng, và phải làm cho tất cả mọi thực tại nhuần thấm Tin mừng. Các câu hỏi của các linh mục nêu lên đều được cha giảng thuyết trả lời thỏa đáng.

Hạt Quảng Đức

Hạt Phước Long

Buổi chiều kết thúc khóa Thường huấn, các linh mục trong bốn giáo hạt đã cùng đóng góp ý kiến xây dựng Giáo phận, Giáo hạt và  Giáo xứ trong Giáo phận.

Trong dịp này, Hạt Quảng Đức được tách làm hai : Quảng Đức I và Quảng Đức II. Cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng, quản xứ giáo xứ Đức Hạnh được bầu làm Hạt trưởng hạt Quảng Đức I. Cha Giuse Nguyễn văn Khánh, quản xứ giáo xứ Gia Nghĩa được bầu làm Hạt trưởng hạt Quảng Đức II. Như vậy giáo phận có 5 Giáo Hạt (Daklak I, Daklak II, Quảng Đức I, Quảng Đức II và Phước Long).

Kết thúc những ngày thường huấn, Đức Cha Vinh Sơn cảm ơn cha thuyết giảng, cám ơn linh mục đoàn. Ngài nhắn nhủ các linh mục cố gắng tiếp thu và áp dụng những điều đã học hỏi để áp dụng và định hướng cho công tác mục vụ tại giáo xứ, giúp giáo xứ ngày càng thăng tiến trong tinh thần Tin Mừng của Đức Kitô.

Hôm nay, ngày 12. 07. 2012, Đức cha Vinh Sơn và linh mục đoàn chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của cha Gioan Baotixita Hồ Sĩ Cai (15.07.1922 -2012). Hiện ngài đang nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục Banmêthuột.

Ban VHTT GP. BMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây