GP. Banmêthuột: Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lúc 5g00 sáng ngày 15. 06. 2012, tại tòa Giám mục Banmêthuột, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã dâng thánh lễ trọng thể kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và đặc biệt cầu nguyện cho các linh mục trong giáo phận, và các linh mục trên toàn thế giới, có lòng yêu mến Chúa Giêsu và có trái tim nhân hậu của Đức Giêsu, để các linh mục trở nên những khí cụ Chúa dùng hầu thánh hóa thế gian - Giáo Hội thánh thiện nhờ có những linh mục thánh thiện.
Mở đầu thánh lễ, ĐGM hướng dẫn cộng đoàn ý nghĩa và lịch sử lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: Nhiều tài liệu cho biết Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được nói đến từ núi Can-vê, khi môn đệ hạ xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá, tỏ cho thấy “ vết giáo đâm vào cạnh sườn Người thấu đến trái tim” mà thánh Gioan kể rõ “tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).
Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được thánh Gioan Euđê (1680) cổ võ từ thế kỷ thứ 17, và nhất là qua thị kiến mà thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1690) đã nhận được từ tu viện thăm viếng ở Paray-le-Monial vào năm 1673 và 1675. Trong các thị kiến đó, chị Magarita được Chúa Giêsu chỉ cho thấy Trái Tim Ngài “đã yêu thương nhân loại thế nào mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn!”, Thánh nữ được Chúa Giêsu ủy thác việc xin Giáo quyền thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa tuy được cổ võ từ hai thế kỷ trước, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 31. 08. 1670 tại thành phố Rennes (Pháp). Sau khi thánh nữ qua đời, Đức giáo hoàng Piô IX (1846 – 1878) mới chính thức thiết lập lễ kính Thánh Tâm vào tháng 06 năm 1856, ngày thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa cũng là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục.
BÀI GIẢNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Anh chị em thân mến,
“Người xem thấy việc này đã làm chứng…”. Điểm tưởng chừng như là chấm hết, lại trở thành điểm khởi đầu. Do đó lời chứng của một người chứng kiến tận mắt, người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến.
Người môn đệ làm chứng về điều gì ? Về sự ứng nghiệm của Kinh Thánh qua hai điều mà người đệ đã hiểu :
a/ “Không một khúc xương nào của Người bị đánh dập” : dường như câu này tổng hợp đoạn Thánh vịnh 34, 21(chiên vượt qua không được làm gẫy xương). Ở đây, người môn đệ muốn làm chứng rằng Chúa Giêsu chính là Con Chiên Vượt Qua, chịu chết để giải thoát dân khỏi vòng nô lệ của tội lỗi.
b/ “ Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đâm thâu” (Za 12, 10 : “ Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavit và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện.Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc như người ta thương tiếc đức con đầu lòng”. Chính nơi Người Tôi Tớ nghèo khổ và bị đâm thâu mà người ta khám phá ra Đấng thiết lập thời đại Thiên Sai. Nhìn thấy điều này sẽ là niềm hạnh phúc của các tín hữu và là sự phán xét đối với kẻ tội lỗi (Kh 1, 7)
- Người Kitô hữu chúng ta cũng noi gương thánh Gioan Tông đồ, biết dùng con mắt đức tin để nhìn vào Đấng Bị Đâm Thâu. Chúng ta biết rõ Người là Con Thiên Chúa, đã từ bỏ, hi sinh tất cả để cứu chuộc chúng ta, vì yêu thương ta, vì muốn cho ta được chia sẻ hạnh phúc được làm con Thiên Chúa với Người. Chúng ta hãnh diện về đức tin một cách mạnh mẽ để làm chứng về một tình yêu mà chúng ta đã đón nhận từ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương, trao ban cho thế gian đến giọt máu cuối cùng.
- Chúng ta cũng cố gắng tập sống theo gương Chúa Giêsu. Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là cố gắng đổi mới chính con tim của chúng ta, sao cho hiền hậu, khiêm nhường như Trái Tim Chúa Giêsu theo lời Ngài phán : “ Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ( Mt 11, 29). Chúng ta phải làm sao cho con tim chúng ta biết yêu thương loài người, nhất là yêu thương những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, và yêu thương như trái tim yêu thương rộng mở của Chúa Giêsu vẫn luôn yêu thương.
Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn