TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng từ của cha Pero Milicevic

Thứ hai - 26/08/2024 09:03 | Tác giả bài viết: Vatican News |   16
cha Pero Milicevic đến từ Mostar đã làm chứng về sự tha thứ.
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (2)
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (2)

Chứng từ của cha Pero Milicevic: Tôi đã tha thứ cho người giết cha tôi

Tại cuộc gặp gỡ Rimini ở Ý lần thứ 45, thường được gọi là Cuộc gặp gỡ về tình hữu nghị giữa các dân tộc, cha Pero Milicevic đến từ Mostar đã làm chứng về sự tha thứ. Cha đã trải qua tuổi thơ trong cuộc chiến ở Bosnia và Herzegovina vào những năm 1990. Biết người đã giết người thân của mình nhưng theo mẫu gương của Chúa, cha đã can đảm tha thứ vì xác tín là người ai cũng có lúc lầm lỗi.

 

Vatican News

Trong cuộc sống “có hai điều không thể tách rời: trao ban sự tha thứ và đón nhận tha thứ từ người khác. Nhiều khi tổn hại xảy đến với mình quá sức làm cho việc tha thứ giống như leo lên một ngọn núi rất cao. Vì thế tự sức mình chúng ta không thể làm được, cần ơn Chúa trợ giúp, chúng ta phải cầu xin điều này”. Đó là tính tương hỗ của lòng thương xót mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích trong buổi tiếp kiến chung ngày 18/3/2020, và được thấy rõ ràng và mạnh mẽ trong câu chuyện của cha Pero Milicevic, linh mục trẻ của Mostar, thành phố có cây cầu cổ bị phá huỷ vào năm 1993 của các đơn vị Croatia. Đó là thời điểm của những kịch tính khi Mostar bị chia đôi giữa lực lượng người người Croatia gốc Bosnia chiếm đóng phần phía tây và quân đội của Cộng hoà Bosnia và Herzegovina, ở phía đông, nơi người Hồi giáo Bosnia sinh sống.

Chính xung đột giữa anh em đã làm cho Nam Tư lúc đó bị xáo trộn và một em bé 7 tuổi như Pero không thể hiểu được. Tuy nhiên, Pero hiểu những giọt nước mắt đầm đìa và cay đắng của người mẹ được những người thân cố gắng lau khô một cách vô ích. Tại Cuộc gặp gỡ Rimini, cha Pero kể lại: “Năm 1993, trong một ngày tôi mất 8 người thân trong gia đình. Cha tôi mất, dì tôi chứng kiến 3 người con chết, một người dì khác mất con trai, một người dì khác bị giết…” Cái ác không kết thúc ở đó, cùng với những người khác, Pero bị đưa đến một trại tập trung và ở đó trong vòng 7 tháng.

Thời gian trôi qua, chính xác là hai năm, Pero cùng với các trẻ em khác của Mostar được đưa đến Ý. Cha Benito Giorgetta là người thực hiện chương trình trợ giúp này, cha cũng có mặt tại Cuộc gặp gỡ tình hữu nghị của các dân tộc kể lại: “Tôi đã đến đón các em và đưa đến Termoli. Rất nhiều khó khăn để hoàn tất mọi thủ tục cho các em. Tất cả với mong muốn các em đang có những xáo trộn bất an có một ốc đảo bình yên. Tôi nhớ rõ nỗi sợ hãi của các em khi nghe tiếng pháo hoa nổ vì nghĩ rằng tiếng bom đạn gây ra cái chết”.

Nhân Cuộc gặp gỡ này, cha Pero đã có dịp để bày tỏ lòng biết ơn những người đã chào đón cha và những người khác trong nhiều năm trước. Theo cha, đó thực sự là những người loan báo Tin Mừng của Chúa, những người làm chứng bằng hành động thực sự. Cha Pero biết ơn đặc biệt đối với gia đình Castrotta.

Pero và các bạn cùng trang lứa lớn lên và trở lại Moatar. Đối diện với thực tế những tổn thương, đau khổ nhưng cố gắng hàn gắn những vết thương, tương quan giữa mọi người và dấn thân vào con đường chữa lành. Ước muốn trở thành linh mục của Chúa đã dẫn người trẻ Pero đến chủng viện Zagabria. Sau đó, cha trở lại Ý để hoàn thành chương trình học. Thời gian đó cha đã đi hành hương đến đền thánh Cha Thánh Pio năm dấu thánh. Từ đây cha thấy tấm biển chỉ đường đến Termoli. Điều này gợi cho cha nhớ đến thời trẻ thơ và cha mong muốn tìm lại gia đình đã cưu mang cha. Với sự trợ giúp của mạng xã hội, sau nhiều nỗ lực, cha Pero đã liên lạc được với cha Benito và hai linh mục một trẻ một già đã cử hành Thánh lễ tạ ơn. Cha Pero khẳng định không thể nào quên được những giây phút này.

Trong những năm qua, ánh sáng Tin Mừng luôn chiếu soi tâm hồn linh mục trẻ, cuộc gặp gỡ với tình yêu vĩ đại đã hoàn tất cuộc cách mạng mở ra sự tha thứ. Cha Pero nói: “Như Chúa đã tha thứ, chúng ta cũng phải thứ tha, tôi biết người giết cha tôi, nhưng tôi không thể sống trong sự trả thù. Nếu tôi còn oán hận thì tôi không phải là người của Chúa. Là con người chúng ta mắc sai lầm, chúng ta được sinh ra trong cùng một nơi, chúng ta không quá khác biệt”.

Bài học tuyệt vời mà đau khổ đã đang mang lại cho cha Pero là: tha thứ là con đường để chữa lành và nhìn người khác là một người anh em thực sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây