TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phúc thay ai biết tự hạ mình…

Thứ bảy - 27/08/2022 19:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   881
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.



Chúa Nhật XXII – TN – C


Phúc thay ai biết tự hạ mình…

Theo tâm lý chung của con người thì ai cũng muốn mình được tôn vinh, được trọng vọng trước đôi mắt người đời. Sẽ vinh dự làm sao nếu mình được đón tiếp nồng nhiệt khi tham dự một sự kiện nào đó! Và, sẽ tự hào làm sao nếu mình được ngồi bàn V.I.P trong một bữa tiệc mừng kim khánh của ngài Lm. chánh xứ nào đó, chẳng hạn… Vâng, đó chỉ là những ước muốn bình thường, của những con người bình thường, trong một cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, những ước muốn bình thường nêu trên, đôi lúc sẽ không còn bình thường nữa. Nó sẽ không còn bình thường khi lòng người bị tham, sân, si… chế ngự.

Do bởi tham sân si chế ngự, nên khi được tôn vinh, con người dễ bị cuốn hút tới sự ngạo mạn. Do bởi tham sân si chế ngự, nên khi được trọng vọng, con người dễ bị rơi vào sự tự mãn kiêu căng. Tôi phải là ai mới được tôn vinh như thế chứ! Tôi phải là gì mới được ngồi chiếu nhất, chiếu nhì!

Kiêu căng và ngạo mạn, hay nói ngắn gọn: kiêu ngạo. Đó… đó là điều không ai trong chúng ta lại không hơn một lần vấp phạm. Giáo lý Công Giáo gọi đó là một trong bảy mối tội đầu. Thứ nhất: chớ kiêu ngạo.

Vâng, chớ kiêu căng ngạo mạn. Vì, như lời sách Châm ngôn cảnh báo: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.” (Cn 16, 18) Chưa hết, tác giả sách Thánh Vịnh cũng có lời khuyến cáo: “Chúa quở trách kẻ kiêu ngạo” (Tv 119, 21).

Còn với Đức Giê-su ư! Với Đức Giê-su – Ngài có lời khuyến cáo: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Đức Giê-su không chỉ có lời khuyến cáo, Ngài còn để lại cho hậu thế một bài học. Vâng, một bài học, tạm gọi là bài học về thuật xử thế trong giao tiếp đời thường. Bài học này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (Lc 14, 1,7-14).

**
Theo lời thánh Luca ghi lại: Hôm ấy là ngày Sa-bát và Đức Giê-su đã đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-seu để dùng bữa. Ngồi nhìn thực khách lần lượt đến dự, Đức Giê-su “nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi.” (x.Lc 14, 7).

Tại sao thực khách cứ-chọn-cỗ-nhất-mà-ngồi! Thưa, rất có thể những thực khách đó cho rằng mình cũng là một Pha-ri-seu có thế giá, mà đã có thế giá thì phải ngồi ở cỗ nhất, nơi thường là chỗ gần chủ nhà, mới phải lẽ chứ!

Cứ ngồi cỗ nhất, thế thì “cỗ hai, cỗ ba” bỏ trống ư! Chẳng lẽ điều này không làm khó khăn cho ban tổ chức sao! Vâng, trước hiện tượng phi lý này, Đức Giê-su đã lên tiếng. Ngài đã lên tiếng gì! Thưa, hôm ấy, Đức Giê-su đã lên tiếng với mọi người, rằng: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cùng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘xin ông nhường chỗ cho vị này’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”.

Đức Giê-su nói rất rõ ràng. Chẳng có lời nói nào quá mơ hồ khiến người nghe không hiểu. Mà, nếu không hiểu ư! Thì đây, một bài học tiếp theo về cách ứng xử khi được mời tham dự sự kiện, đã được Đức Giê-su công bố: “Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”.

Không khách sáo với quý ông Phariseu, là những kẻ thích được tôn vinh… hôm ấy, Đức Giê-su đã có một lời khuyến cáo rất thẳng thắn, rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

***
Thật ra, có cần đợi Đức Giê-su đưa ra lời khuyến cáo! Này, quý ông Pha-ri-seu, lẽ ra quý ông phải biết, sách Huấn ca có lời chép, rằng: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”

Đúng, chính Đức Giê-su cũng đã “nhắc khéo” về việc tự hạ mà những người “làm lớn” cần phải thể hiện. Hôm ấy, đối với “ông thủ lãnh” và cũng là chủ nhà, Ngài đã khéo léo nhắc nhở, rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con hàng xóm, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”.

Thật thế, cung cách tự hạ không nhất thiết là từ chối ngồi cỗ nhất, cỗ nhì. Nhưng, nó còn được thể hiện qua việc ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn với những kẻ “bề dưới”. Và đây, đây là cách thể hiện đã được Đức Giê-su nhắc nhở ông chủ nhà, rằng: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (x.Lc 14, 14).

Này ông “thủ lãnh nhóm Pha-ri-seu”, không có cách thể hiện “sự tự hạ” nào đẹp hơn cách thể hiện này. Không có sự tự hạ nào đẹp hơn khi “Được đặt làm chủ tọa… Con đừng có lên mặt giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn, lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2).

****
Đức Giê-su không chỉ có lời khuyên, Ngài đã thể hiện “sự tự hạ” nơi chính con người mình. Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su đã tự hạ mình. “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5).

Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: sao lại có chuyện, một Giê-su “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”!!!

Chưa hết! Đức Giê-su – “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (x.Pl 2, 8).

Vậy đó… Đức Giê-su đã hạ mình như thế đó. Thế nên, là một Ki-tô hữu, là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến việc “tôn mình lên” nhưng hãy… hãy “hạ mình xuống”.

Hạ-mình-xuống có thể được xem như là chiếc đòn bẩy, “bẩy” tính chơi trội, tính khoe khoang, thích người đời tung hô, tán tụng (ngay cả khi những điều đó chẳng phải là thuộc về mình), ra khỏi con người chúng ta.

Hạ-mình-xuống còn được xem như là chiếc chìa khóa, chiếc chìa khóa khóa-cánh-cửa-lòng-tự-tôn nơi con người chúng ta. Mà cớ gì chúng ta không “khóa” nó lại nhỉ! Phải khóa nó lại, bởi vì khi lòng-tự-tôn (quá lớn), nó sẽ khiến chúng ta có nhu cầu phải được ngưỡng mộ quá mức độ và cuối cùng là chúng ta không còn có sự đồng cảm với người khác. Nói tắt một lời, lòng-tự-tôn chính là nguyên nhân “phá hủy các mối quan hệ” giữa con người với con người. Hôm nay, chẳng phải là thiên hạ đang đua nhau tự tôn mình lên, đó sao!

Vâng, hạ-mình-xuống còn được xem như là tiền đề cho lối sống khiêm tốn, một lối sống đem lại cho chúng ta sự nhận thức rằng: chúng ta cũng chỉ là người bất toàn yếu đuối và nhờ đó chúng ta dễ dàng thông cảm, chia sẻ những thiếu sót, lỗi lầm của kẻ khác.

Cuối cùng, càng hạ-mình-xuống chúng ta lại càng vững lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Càng hạ-mình-xuống chúng ta lại càng biết “quên mình”, quên mình để phục vụ tha nhân, như chính Thầy Giê-su đã nói: “Con Người đến là để phục vụ…”

*****

Lời Chúa đã phán dạy là như thế. Vấn đề là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào.

Vâng, chúng ta sẽ “tôn mình lên”? Chớ… chớ có dại. Đức Giê-su chẳng từng nói: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”, đó sao!

Chúa sẽ tôn-chúng-ta-lên. Chúa sẽ tôn ông A làm Giám Mục. Chúa sẽ tôn bà B làm “sơ bề trên”. Chúa sẽ tôn ai… ai đó làm Giáo Hoàng, v.v… Đó là việc của Chúa.

Phần còn lại là chúng ta. Nếu chúng ta được-Chúa-tôn-lên làm những chức vụ nêu trên, (hay bất cứ việc gì khác), thì “hãy hoàn thành việc của (mình) một cách nhũn nhặn…”, một-cách-nhũn-nhặn “thì (chúng ta) sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (x.Hc 3, 17).

Nói cách khác, hãy hoàn thành việc của mình một cách khiêm nhường. Vâng, vị “Giáo Hoàng tiên khởi”, ngài tông đồ Phê-rô, cũng đã có lời truyền dạy như thế: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

Còn… nếu Chúa hạ-chúng-ta-xuống thì sao? Không, Chúa không bao giờ hạ chúng ta xuống. Người chỉ “hạ bệ những ai quyền thế (và kiêu ngạo). Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (x.Lc 1, 52).

Thế nên, đừng quên ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su đã mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Thế nên, đừng ngần ngại khi chúng ta tự “hạ mình xuống”.

Tông đồ Phê-rô đã cảm nghiệm được thế nào là niềm hạnh phúc của một người biết tự hạ mình, nên đã có lời khuyến khích: “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời đã định.” (x.1Pr 5, 6).

Vâng, hãy tự hạ mình xuống, ngay hôm nay, bây giờ, niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta khiêm nhường tự hạ mình xuống, có phần chắc, gia đình chúng ta sẽ không thể xảy ra cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Nếu chúng ta nhẫn nhục tự hạ mình xuống, có phần chắc gia đình chúng ta sẽ không bao giờ có chuyện bất hòa, có phần chắc chúng ta sẽ kềm chế đươc tính nổi nóng vô cớ của mình, có phần chắc gia đình chúng ta sẽ là một gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Một gia đình không có chuyện bất hòa. Một gia đình không để cho sự nóng giận ngự trị. Một gia đình không có cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Một gia đình vợ chồng ý hợp tâm đầu. Vâng, chẳng phải đó là một gia đình hạnh phúc, sao!

Đúng. Đó là một gia đình “có phúc”, không chỉ có phúc đời này, nhưng còn có phúc “trong ngày các kẻ lành sống lại”. Sao lại có phúc trong-ngày-các-kẻ-lành-sống-lại? Thưa, không có phúc sao được! Bởi, ngày đó Đức Giê-su sẽ nói, nói với những ai, những gia đình nào biết tự-hạ-mình, rằng: “Xin mời bạn lên trên cho.” Rõ ràng hơn, ngày đó, Đức Giê-su sẽ nói như vầy: Con có phúc. Phúc được vào Nước Trời... Vì con biết tự hạ mình.

Nói, theo cách nói của bài giảng trên núi: “Phúc thay ai biết tự hạ mình.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây